Chúng ta rất đau khổ vì nền kinh tế của chúng ta những năm trước tăng
trưởng 7-8% mà năm nay có khi chỉ tăng được 5% thôi, nhưng chúng ta
không hề xấu hổ, không đau khổ trước việc chúng ta chế biến thịt súc vật
chết để bán cho mọi người. Chúng ta chỉ xấu hổ vì nghèo đi mà chúng ta
quên mất xấu hổ vì sự xấu đi về mặt đạo đức. Chuyện đó là chuyện quan
trọng hơn tất cả những gì chúng ta bàn ở trên – ông Nguyễn Trần Bạt.
Chúng ta chưa có kinh nghiệm mô tả sự thật
Ông Nguyễn Trần Bạt |
PV: - Tuần vừa rồi,
bài phát biểu ngắn kết thúc năm học của một giáo viên Trường trung học
Wellesley, bang Massachusetts, Mỹ đã được dư luận Mỹ tiếp nhận như một
lời nói thật, một cảnh báo giáo dục: “Các em chẳng có gì đặc biệt cả”.
Xin ông hãy lý giải, tại sao một đất nước tôn trọng tư duy độc lập cá
nhân như Mỹ, lời nhận xét trên đáng lẽ là bình thường nhưng lại được
tiếp nhận một cách cầu thị nồng nhiệt đến vậy?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Điều đó thể hiện người Mỹ đã thức tỉnh. Từ xưa tới nay, họ luôn luôn coi mình là tiêu chuẩn, nước Mỹ luôn là "miền đất hứa".
Mặc dù sống khá
lâu trong sự thành đạt nhưng khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay
đã khiến họ bỗng nhận ra tính bình thường của xã hội mình.
Và đấy là một dấu hiệu vĩ đại của nước Mỹ khi nó còn giữ được năng lực thức tỉnh, nhận ra chính mình, biết đón chào một ý kiến như vậy.
Tôi hoan nghênh nước Mỹ, hoan nghênh thái độ ấy và hoan nghênh cả ông thầy dám đưa ra tuyên bố trái với thói quen vốn có của người Mỹ.
Tôi rất thích ví dụ bạn đưa ra và tôi thích câu hỏi này. Tôi đề nghị trong chừng mực nào đó, báo chí các
bạn giúp cho những ông bố và bà mẹ Việt Nam nên có thái độ này, những
cô giáo thầy giáo Việt Nam nên có thái độ này và các nhà lãnh đạo Việt
Nam nên có thái độ này.
Chúng ta cũng nên chào đón thái độ khiêm nhường đó của các nhà lãnh đạo, của các thầy các cô như người Mỹ đang làm. Đây là một ví dụ tốt, là một ví dụ mà tôi rất thích, một ví dụ rất đẹp về giáo dục.
PV: - Người Việt
mình có câu “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, theo ông, trên thực
tế chúng ta có thói quen nói thật và nghe được lời nói thật hay không?
Tại sao những lời nói thật hay những phản biện lại khó lọt tai đến thế,
trong khi ai cũng tưởng rằng mình cởi mở, sẵn lòng nghe góp ý dù có…
trái với mình đến đâu đi nữa?
" Nếu lời nói thật được mô tả
một cách hấp dẫn, có văn hóa thì khả năng được tiếp nhận của nó sẽ cao
hơn. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng, người phải nghe sự thật có
văn hóa thấp mà lại là người mạnh. Chúng ta không bao giờ nên đối thoại
với những người như thế."
Nguyễn Trần Bạt
|
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Tôi vừa mới thảo luận với con trai tôi về sự thật và tính hiệu quả của việc mô tả sự thật. Tôi nghĩ, chúng ta có thể không chê bai sự thật, có thể tôn thờ sự trung thực nhưng chưa biết cách mô tả sự thật một cách hấp dẫn để con người biết yêu mến sự thật.
Tôi muốn kể với bạn câu chuyện như thế này.
Có hai anh em nhà nghèo bữa ăn chỉ có cơm không, không có thức ăn gì.
Hai anh em bảo nhau, bây giờ em ăn trước, nhưng để em ăn cho ngon thì
anh mô tả sự ngon ngọt của thức ăn để em có cảm giác ăn ngon.
Cậu
anh mô tả con gà quay lên như thế nào, món bò xào như thế nào, món cá
kho như thế nào… Người em tiết hết dịch vị ra và ăn bát cơm không rất
ngon lành. Người em ăn xong, đến lượt người em mô tả cho người anh ăn. Người em ăn no rồi cho nên chỉ nói một câu đơn giản: ước gì có một con bò để làm thịt cho anh ăn.
Đấy
là hai cách tiếp cận khác nhau đối với một sự thật là người ta cần phải
được hỗ trợ kỹ thuật để ăn cho ngon một bữa cơm nghèo. Một ví dụ khác:
Một vị nhà giàu đi tuyển người thuyết phục người làm như sau: "Bác ở
với người ta, sáng ăn rồi mãi đến chiều mới được ăn. Chứ bác đến ở với
nhà em là cứ sáng ăn - chiều ăn, sáng ăn - chiều ăn". Sáng ăn và chiều
ăn là một sự thật nhưng ở hai cách mô tả này hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, cách mô tả nào hấp dẫn hơn.Sự
thật không phải là một khái niệm đơn giản, sự thật là một khái niệm
phức tạp, có nội hàm phong phú và nó là một trong ba khía cạnh của cái
đẹp,chỉ có điều chúng ta không được rèn luyện, không đủ bản lĩnh, không
đủ kinh nghiệm để mô tả sự thật.
Chúng ta vẫn thường bảo là "thuốc đắng
giã tật, sự thật mất lòng". Sự thật mà biến nó, sắp xếp nó, cân đong đo
đếm nó tương đương với thuốc đắng thì chúng ta là kẻ ngốc nghếch không
biết giá trị của sự thật và không biết cách thể hiện sự thật. Chúng ta
phải rèn luyện khả năng biết mô tả sự thật để làm cho người ta "xơi" nó
mà không cảm thấy vị đắng của thuốc.
Thật không dễ nghe khi sự thật được nói
ra xâm phạm tới lợi ích của người đối thoại. Trong trường hợp này, phải
làm rõ, lợi ích của người đó có chính đáng hay không, nếu có, thì người
nói ra sự thật đó có lỗi.
Nếu lợi ích ấy không chính đáng, việc
người đó có nghe hay không là phụ thuộc vào nghệ thuật mô tả của người
nói. Nếu lời nói thật được mô tả một cách hấp dẫn, có văn hóa thì khả
năng được tiếp nhận của nó sẽ cao hơn.
Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng,
người phải nghe sự thật có văn hóa thấp mà lại là người mạnh. Chúng ta
không bao giờ nên đối thoại với những người như thế, phải dùng một cách
khác, không phải là tiếp cận văn hóa mà là tiếp cận sức mạnh, sức mạnh
của số đông chính nghĩa.
Vì sao phụ huynh Việt Nam tự “đánh lừa” mình?
PV: - Ở Việt Nam, có
một nghịch lý đang tồn tại trong việc giáo dục các cô các cậu học trò
nhỏ: Trong nhà thì bố mẹ ông bà ra sức chăm sóc, chiều chuộng…thầm hy
vọng con mình sẽ là “thiên tài” hoặc có tài năng độc đáo….nhưng ra ngoài
xã hội thì chính họ lại rất sợ cụm từ “học trò cá biệt”, “học sinh đặc
biệt”... Hiện tượng này phản ánh điều gì vậy, thưa ông? Liệu nó có ảnh hưởng gì đến chuyện trẻ con không có tư duy độc lập, mà thường bị hòa vào đám đông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Xã hội nào cũng thế. Xã hội của bầy thú cũng thế. Nó sống được, tự tin được là vì vẻ đẹp riêng của chính nó và vì những giá trị mà nó nghĩ rằng nó có. Nhưng nó tồn tại được, thoát chết được bằng sự kín đáo của nó.
Hai trạng thái ấy chính là hai trạng
thái khuyến khích hình thành bản lĩnh của con người: yêu mình, tự tin
vào bản lĩnh, sức mạnh, sự hoành tráng của mình với kín đáo, khôn khéo, đi, bò, trườn dưới tên bay đạn lạc.
Về khía cạnh thứ hai, tư duy độc lập và
nói ra tư duy độc lập tùy thuộc môi trường vĩ mô. Nếu từ nhỏ không được
diễn đạt tư duy độc lập, nếm trải cái đúng và cái sai của nó, nếm trải sự ném đá và sự hoan hô trước mỗi một tư duy độc lập được diễn đạt ấy, thì người ta sẽ không có kinh nghiệm.
Và nếu phải phê phán, hãy phê phán môi
trường vĩ mô khiến trẻ con không biết nói tiếng nói độc lập của mình,
chứ không thể dồn sai lầm đó vào khuyết tật có tính nhân chủng học của
người Việt.
PV: - Như ông nói, đó là phản ứng tự nhiên. Vậy nguyên nhân nào về mặt xã hội khiến phụ huynh Việt Nam hành xử theo cách như vậy?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Việc quảng
bá quá nhiều về tài năng, luôn luôn “nhắc nhở” các bậc phụ huynh rằng
hiền tài là nguyên khí quốc gia, đã làm hỏng người Việt. Coi nhân tài là
"nguyên khí" dẫn đến việc phụ huynh sẽ cố gắng để trong nhà mình có
chút "nguyên khí".
Và họ đành tự đánh lừa mình để yên tâm
mà sống. Chúng ta nói quá nhiều chuyện hiền tài là nguyên khí quốc gia,
trong khi quên mất rằng con người mới là nguyên khí của đời sống.
“’… Chúng ta đang biến vô đạo đức trở thành sản phẩm giáo dục”?
PV: - Dư luận đã lên
tiếng khá nhiều về sự vô cảm thậm chí nhẫn tâm với đồng loại như nạn
thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan ngày càng nhiều và không có dấu hiệu suy
giảm. Cái quả đắng này phải chăng nảy sinh từ những vấn đề cơ bản trong
giáo dục thế hệ tương lai hiện nay: nạn chạy trường, chạy điểm, không
chú ý giáo dục nhân cách sống…?
" Con người đang chế tạo ra
những sản phẩm phi đạo đức một cách rất có trình độ. Những người không
học tốt về hóa rất khó để có thể cho melamine vào sữa. Phải có trình độ
khoa học và năng lực nhất định mới có thể tạo ra trạng thái sữa có
melamine, xay thịt trộn mắm tép thơm lừng để ngụy trang thịt xúc vật
chết. Chúng ta đang chểnh mảng
trong việc giáo dục đạo đức cho nên các hiện tượng vô đạo đức đã lẻn vào
đời sống của nhà trường và đời sống của xã hội".
Nguyễn Trần Bạt
|
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Ngay cả
nơi đào tạo tốt nhất như trường Havard thì thái độ, nhận thức, văn hóa
cũng vẫn còn có hạn chế, đầu ra của nó cũng không phải luôn luôn là sản phẩm tốt. Đó là điều khiến người Mỹ thức tỉnh và hoan nghênh phát biểu: “Các em chẳng có gì đặc biệt cả”.
Nói như vậy để thấy, những hiện tượng
bạn nói ở trên không phải là hệ quả trực tiếp của giáo dục. Chúng là hệ
quả của một thứ quan trọng hơn giáo dục, là cha đẻ của giáo dục: VĂN
HÓA.
Nạn thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan, lấy thịt lợn chết làm mắm tép chưng thịt là một biểu hiện “rực rỡ” về sự thoái hóa đạo đức, thoái hóa văn hóa của con người.
Nhưng điều đáng báo động hơn là, chúng không phải là trạng thái hoang dã mà là trạng thái có giáo dục của tính hoang dã, trạng thái phát triển ổn định và bền vững của trạng thái phi đạo đức của con người.
Con người đang chế tạo ra những sản phẩm
phi đạo đức một cách rất có trình độ. Những người không học tốt về hóa
rất khó để có thể cho melamine vào sữa.
Phải có trình độ khoa học và năng lực
nhất định mới có thể tạo ra trạng thái sữa có melamine, xay thịt trộn
mắm tép thơm lừng để ngụy trang thịt xúc vật chết. Chúng
ta đang chểnh mảng trong việc giáo dục đạo đức cho nên các hiện tượng
vô đạo đức đã lẻn vào đời sống của nhà trường và đời sống của xã hội.
Chúng
ta rất đau khổ vì nền kinh tế của chúng ta những năm trước tăng trưởng
7-8% mà năm nay có khi chỉ tăng được 5% thôi, nhưng chúng ta không hề
xấu hổ, không đau khổ trước việc chúng ta chế biến thịt súc vật chết để
bán cho mọi người. Chúng ta chỉ xấu hổ vì nghèo đi mà chúng ta quên mất
xấu hổ vì sự xấu đi về mặt đạo đức. Chuyện đó là chuyện quan trọng hơn
tất cả những gì chúng ta bàn ở trên.
Vậy mà cho đến thời điểm này, chưa có
một tiếng kêu cứu có chất lượng nhà nước nào, tổ chức nào, đặc biệt là
tổ chức giáo dục. Tôi mong các vị lãnh đạo ở các Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền
thông… hãy nghe tiếng kêu cứu này.
PV: - Trong một bài
phỏng vấn mới đây, GS Hoàng Tụy cho rằng: “Không thể nào có một nền kinh
tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền văn hóa suy đồi. Người ta lý
giải chuyện đó là sự lệch pha giữa văn hóa và kinh tế”. Ý kiến của một
chuyên gia kinh tế như ông như thế nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi thích
câu nói ấy của bác Hoàng Tụy. Tôi khái quát vấn đề của bác Hoàng Tụy lên
là: Không thể xây dựng được bất kỳ cái gì tử tế trên cái nền đồi bại
của văn hóa.
PV: - Theo cá nhân ông, làm thế nào để khắc phục được vấn đề trên?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Câu hỏi đó
phải đi thường xuyên với con người, với tư cách là một nỗi niềm của mỗi
một con người. Rằng chúng ta đang làm đồi bại một nền văn hóa hay chúng
ta là thành viên của một nền văn hóa đồi bại.
Ra khỏi sự đồi bại về văn hóa bằng cách
nào? Điều gì là động lực của sự đồi bại hóa của nền văn hóa đến như vậy?
Truyền thông có nghĩa vụ phải làm thế nào để ý kiến của GS Hoàng Tụy đã được tôi khái quát hoá lên thành một câu hỏi có mặt trong từng bữa cơm, giấc ngủ, từng nụ hôn của con người.
Tôi không khái quát hóa việc ra khỏi sự
đồi bại về văn hoá như thế nào? Vì mỗi người góp phần vào sự đồi bại hóa
của nền văn hóa một cách khác nhau, với những “công nghệ” khác nhau.
Chúng ta chỉ cần thức tỉnh, rút các yếu tố làm đồi bại nền văn hóa của
mình ra khỏi xã hội, tự nhiên xã hội sẽ sạch sẽ.
- Hoàng Hạnh (Thực hiện)