Tuesday, September 18, 2007

Hà Nội


Ở Việt Nam, VN chưa đi hết, nhưng nơi để lại ấn tượng nhất thì lại nằm ở xa cách Khánh Hòa gần 1000 km, một nơi người ta vẫn thường gọi là phố thị "nghìn năm văn hiến". Nhớ lần đầu ra Hà Nội, trước khi đi thì đã được cả người lớn, lẫn người bé đầu độc rằng:"Hà Nội chả có gì cả, chỉ ba cái ngôi nhà cũ kỷ, sắp xập đến nơi, ăn uống thì dơ ...tóm lại là thua xa Sài Gòn". Ngày ấy với một thằng chưa biết đâu ngoài Thành Phố Hồ Chí Minh, thì rõ là Thành Phố Hồ Chí Minh là số 1, quá đô thị và phồn hoa. Có lúc tui nghĩ sao không đưa thủ đô vào Thành Phố HCM cho rồi, ngoài kia cũ kỉ lạc hậu thế, buồn cười hơn là tui từng tranh cãi giọng Thành Phố HCM mới là giọng chuẩn :)).
Nhưng rồi mọi thứ dần thay đổi sau lần đặt chân đến thủ đô. Cái ngày của gần 10 năm về trước thì quả thật Hà Nội chả có gì cả, nhà cao tầng không, đường thênh thang như Điện Biên Phủ trong TPHCM cũng không, phố xá thì đông, mà lại ít đèn giao thông! Nhưng ở Hà Nội lại có gì đó nữa phố nữa quê với hình ảnh quê mùa và phố thị đan xen loạn xạ lẫn nhau. Nói tóm lại, cảm giác đầu tiên đến Hà Nội đúng như những gì "người ta nói". Nhưng cảm nhận thay đổi dần, khi VN có dịp dạo bộ trên phố phường Hà Nội, một điều đặc biệt mà ở TPHCM hay ở Nha Trang không có đó là ở HN ngay sát cạnh trung tâm đông đúc như khu vực Hồ Gươm, thì lại tồn tại những con đường yên tĩnh và giản dị đến kì lạ. Chỉ cần đi bộ chưa đầy 200 m từ khu phố Hàng Trống ra đến khu vực Lý Thường Kiệt và quanh khu nhà hát Lớn thì mọi thứ thay đổi kì lạ, dạo bộ những con phố này lúc tầm 9-10h đêm thì là nhất, đúng như câu hát "tiếng ve râm ran đâu đây, vang động trời đêm", khu phố bỗng có đoạn vắng lặng lạ thường, dạo trên vỉa hè cho VN một cảm giác hoàn toàn thư thái ngay bên cạnh một khu phố tấp nập. Đặc biệt ở Hà Nội đa số các con đường VN đã đi được phủ xanh bởi cây cối. Đi dọc những con phố đó ta có thể bắt gặp những hàng quán nhỏ nhỏ, mà đứng đây quan sát sẽ nhận ra nhiều điều thú vị của người Hà Nội từ ngôn ngữ đến cách sống. Người Hà Nội, nói chuyện xưng hô với nhau hơi cầu kì, chẳng hạn bạn nói chuyện với một người nhỏ tuổi hơn thì chắc chắn bạn sẽ nghe được những từ đại loại như:"Dạ vâng ạ", "Vâng, em xin bác/anh/cô"...Đã "dạ" nhưng vẫn có "vâng", lại còn thêm "ạ", cả 3 từ lễ phép trong một câu nói, nghe có cảm giác như người nghe có một sự tôn trong tuyệt đối với người đối diện, giọng Hà Nội gốc rất hay, nhỏ nhẹ và đặc biệt rất chuẩn, nghe các cô gái Hà Nội dạ thưa mà gai cả người :D. Hình ảnh quen thuộc ở Hà Nội đó là hình ảnh của các cụ già, ngồi ở các quán nước nhỏ nhỏ (hay còn gọi hàng xén) tay cầm quạt và nói chuyện với nhau.
Buổi sáng sớm, thử đến 1 nơi mà được mô tả "liễu rủ mặt hồ Gươm", cảnh Hồ Gươm vào sáng sớm rất đẹp, nó đúng như những gì các bài hát đã viết, không ồn ào náo nhiệt như lúc ban ngày hay đêm, khi chuyện mua bán, hàng quán và phố xá đã phá đi nét tĩnh của bờ hồ, thì buổi sáng hồ Gươm lặng và yên bình. Về con người thì một nét tương đồng như ở Nha Trang khi những cụ già đi tập thể dục rất đông, cái cách họ nói chuyện hay sinh hoạt hơi khác với người dân ở Nha Trang, ở NT các cụ nói chuyện thoải mái và bình dân hơn, nhưng ở Hà Nội thì khác, kiểu cách hơn. Trong một gia đình của một người miền Nam gốc thì chuyện ăn uống cũng dễ và đơn giản hơn, chỉ cần đặt mâm cơm và ngồi ăn, thậm chí một số gia đình người nhỏ tuổi hơn không cần mời người lớn. Nhưng ở Hà Nội hay ở các tỉnh phía Bắc thì rất khác, thông thường nếu nhỏ hơn, bạn phải mời cơm những người lớn hơn, hay chí ít "Cháu mời ông bà, ba mẹ và các cô chú xơi cơm ạ", vai vế trong nhà được phân chia rất rõ ràng, không có chuyện xưng hô linh tinh.
Nhiều người cho rằng, người Hà Nội hay người miền Bắc nói chung tuy cầu kì nhưng không tình cảm, như người miền Nam. Điều này là thiếu cơ sở, VN đã từng tham dự nhiều buổi ăn cơm của cả gia đình miền Nam, cũng như miền Bắc. Buổi cơm gia đình trong Nam, nó dân giã và mộc mạc hơn, thường là mạnh ai nấy ăn và bàn chuyện bên ngoài...còn ở ngoài Bắc dù là bữa cơm chỉ với canh cà thì họ vẫn giữ cái nét riêng của họ, người lớn, ông bà ăn trước rồi đến con cháu, trong bữa cơm của một gia đình Hà Nội, thường thường người lớn rất quan tâm đến con cháu, họ hỏi hang từng thành viên một của cả đại gia đình. Xét về mức độ tình cảm thì theo VN cả hai vùng miền là như nhau, trong Nam họ rất quí trọng khách và ngoài Hà Nội cũng thế. cái cách biểu hiện thì rõ ràng người Hà Nội tạo không khí ấm cúng hơn.
Cảm nhận về Hà Nội thay đổi dần qua các lần tiếp theo, Hà Nội thay đổi nhanh chóng, nhưng cái làm VN thấy "nhớ" HN đó là sự đối lập của nó, giữa một bên là sự phát triển ào ào, và một bên là nét cổ kính, có gì đó hơi khó hiểu và bí ẩn. Rất tiếc VN chỉ mới được ra Hà Nội và dịp hè, chưa được thưởng thức "Mùa thu Hà Nội" hay khi "Mùa đông đi qua ngang cửa". Qua các bài hát thì VN phần nào hình dung thu và đông của Hà Nội đẹp thế nào, trời không nắng, phủ màu xám, rất lãng mạn. Về cái tính thơ, thì rõ ràng Hà Nội hơn hẳn TPHCM, các bài hát viết về Sài Gòn cũ, hay TPHCM bây giờ, nghe đó nhưng không ngấm lại lâu, khi nhớ có thể lấy ra nghe, rồi thôi chứ không thể nghe một bài nhiều lần. Các bài hát về Hà Nội thì khác, càng nghe, thì VN càng tưởng tượng dữ :)). Hay nói cách khác các bài hát về TPHCM nghe để biết, còn các bài về HN nghe để mà khám phá, và tò mò.
Tui không có ý phủ định tất cả những gì người khác đã nói về HN, ở HN quả thật có những điều khá bất cập. Nhất là dịch vụ ăn uống (thời điểm năm 2002), mỗi lần ra Hà Nội thì việc ăn luôn để lại ấn tượng không thiện cảm...những điều này thì người khác đã nói khá nhiều, VN sẽ không nhắc lại. Bên cạnh đó là cái mâu thuẫn giữa sự đô thị hóa và nét truyền thống của "nghìn năm văn hiến" xem ra làm kiến trúc đô thị khá bất cập. Tuy nhiên, nếu bạn là người thích ba lô du lịch, coi ăn uống là chuyện nhỏ, chấp nhận sự trái ngược (vốn dĩ chỗ nào cũng có) thì Hà Nội là một nơi lí tưởng, và để lại nhiều ấn tượng đẹp và sâu sắc