Tuesday, January 31, 2012

Trách nhiệm văn hoá là trách nhiệm chung

Năm ngoái, cũng vào dịp này, tôi đã than phiền về sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn ở thời đại chúng ta.   Một năm (ngắn ngủi!) đã trôi qua và tuy chưa thấy sự thiếu vắng ấy có đỡ hơn chút nào, tôi nghiệm rằng tình trạng èo uột văn hoá không chỉ là vì sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn, song còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Bởi lẽ, tất cả chúng ta, nhất là những người chưa là nhà văn hoá lớn, đều có những trách nhiệm đối với văn hoá.   
 “Chúng ta” là ai và trách nhiệm văn hoá của chúng ta là gì?
 
*

Trước hết, trách nhiệm là của những người sản xuất văn hoá (nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu...).  Thành phần này có trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất trong sinh hoạt văn hoá.   
Chúng ta cần yêu cầu những người “sản xuất” (mọi loại hình) văn hoá sản xuất nhiều hơn, cho ra đời những tác phẩm chất lượng cao hơn. Không là một người sản xuất văn hoá, tôi không dám có những đề nghị gì cụ thể hơn. Hẳn là những người sản xuất văn hoá thừa biết họ cần làm gì, thế nào là chất lượng cao. Tôi chỉ xin nhận xét rằng văn hoá, hoặc ngay trong một lãnh vực của nó là văn chuơng, là cực kỳ đa dạng. Trách nhiệm chung của cộng đồng những người sản xuất văn hoá là phải khám phá, thử nghiệm và khai thác sự đa dạng ấy.
Song, trở về với thực tế, chúng ta cũng nên “thông cảm” với những người sản xuất văn hoá ở nước ta lúc này.  Thứ nhất, trong một xã hội ngày càng thương mại hoá như hiện nay, chọn một nghề sản xuất văn hoá để mưu sinh đòi hỏi những sự hi sinh không dễ dàng. Thứ hai, phải nhìn nhận, công việc sáng tác hiện nay đang gặp nhiều “khó khăn”. Một số khó khăn ấy là cá biệt cho nước ta (nói thẳng, đó là chế độ “quản lý” văn hoá chặt chẽ của nhà cầm quyền), một số khó khăn khác là chung cho nền văn hoá toàn cầu đương đại (thị hiếu xã hội ngày càng xuống thấp, những văn hoá tầm cao phải “cạnh tranh” ngày càng khốc liệt với văn hoá thô lậu, tầm thường).  Song chính trong những khó khăn này mà giá trị của các nhà sản xuất văn hoá chân chính càng đáng ngưỡng mộ, và trách nhiệm của họ càng nặng nề. 
Sáng tạo văn hoá không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau.  Hãy viết, hãy vẽ, hãy soạn nhạc, làm thơ, và dù những tác phẩm ấy không thể ra mắt bây giờ, hãy giữ đấy, chắc chắn sẽ có ngày chúng được biết đến.  Được tức thời công bố, trình diễn, hẳn là kỳ vọng của mọi người sáng tác, nhưng không phải cơ hội duy nhất để người khác biết đến tác phẩm của ta chỉ xảy ra ngay bây giờ.  Tất nhiên, viết trong bí mật, cho thế hệ mai sau, là cực kỳ khó khăn, nhưng có thể xem khó khăn ấy như một thử thách cho những người sáng tạo chân chính, tự tin, không chỉ để thoả mãn “thị trường” cấp thời.  Không được ra mắt ngay lập tức không phải là lý do để ngưng sáng tạo.  
Thậm chí, có một nghịch lý:  Khi một tác phẩm hay, trung thực, càng khó ra mắt công chúng, thì người sáng tác cần cố gắng bảo đảm chất lượng của tác phẩm mình, để sau này nó “đáng đồng tiền bát gạo”.   
Tôi biết rất rõ là không ít nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Việt Nam (nhiều người là bạn tôi) đang can đảm miệt mài trong thầm lặng mà không có một phần thưởng nào đáng kể. Trong lúc tôi cho rằng họ cần ý thức trách nhiệm của họ trong điều kiện khó khăn hiện nay, và phải cố gắng hơn nữa, họ cũng nên biết rằng có những người đang lặng lẽ theo dõi đóng góp của họ.  Họ không nên thất vọng. Ngày mai trời lại sáng!  
Nhưng văn hoá không chỉ là những tác phẩm văn chương, âm nhạc, hoặc mỹ thuật... mà còn là thái độ ứng xử giữa chúng ta với nhau và, trong nghĩa này, tất cả chúng ta đều là những nhà “sản xuất văn hoá”.  Chúng ta có trách nhiệm tích cực bảo tồn di sản văn hoá   Chẳng những trách nhiệm văn hoá là trách nhiệm chung, nhiều bộ phận văn hoá chỉ có thể thực hiện được bởi cộng đồng. 

*

Trách nhiệm văn hoá cũng nằm ở những nhà phê bình, những người trợ giúp quần chúng thẩm định, gạn lọc và tiếp thu các tác phẩm văn hoá. Chúng ta cần những nhà phê bình có kiến thức, khách quan, và công tâm.  Nhà phê bình phải thay mặt cộng đồng thưởng ngoạn (không chỉ trong lãnh vực văn chương mà còn gồm các hình thái nghệ thuật khác) để nói lên một cách có hệ thống những điều phải nói.  
Nhà phê bình là người trung gian giữa người sản xuất và cộng đồng “tiêu dùng” văn hoá (sẽ bàn thêm dưới đây).  Có thể nói rằng một nhà phê bình cũng là một nhà sản xuất mà “sân chơi” vừa hẹp lại vừa rộng hơn nhà sản xuất nguyên thủy. “Hẹp hơn” vì chủ đề của họ là giới hạn ở một tác phẩm nào đó, nhưng cũng “rộng hơn” vì họ có thể, từ tác phẩm đang được phê bình, phóng ra những vấn đề khác, lãnh vực khác.  Ở họ, không chỉ cần những kiến thức quảng bác (có khi quảng bác hơn cả người sản xuất văn hoá), bởi lẽ họ phải so sánh tác phẩm này với tác phẩm kia, thậm chí ngành này với ngành khác, mà còn cần công tâm và chính trực.  Công tác phê bình là vô cùng khó khăn vì nó đòi hỏi một sức học, tinh thần khách quan, và một nhân cách trưởng thành.  Nhà phê bình, phải khắt khe nhưng khiêm tốn, nhất là phải tự phê bình trước đã.  
Phải nhìn nhận rằng nhà phê bình thường bị cám dỗ bởi cảm tính và cảm tình, trở thành “cá nhân”, hời hợt.  Trong quá khứ, khi việc xuất bản còn khó khăn thì những nông nổi, sai lầm trong phê bình ít ra còn được hạn chế bởi biên tập viên của tờ báo.  Nhưng ngày nay, với sự lan tràn của internet (cụ thể là thế giới blog) ai cũng có thể là nhà phê bình, có thể được “xuất bản” ngay lập tức, không qua một hệ thống kiểm soát chất lượng nào.  Do đó, chất lượng phê bình đại trà có nguy cơ xuống thấp, làm nãn lòng không ít những người sáng tác chân chính.  Trách nhiệm của nhà phê bình nghiêm túc là phải nâng cao văn hoá phê bình.  
Thứ ba, và quan trọng nhất, là trách nhiệm của những người “tiêu dùng văn hoá”, tức là tất cả chúng ta.  Trách nhiệm của chúng ta không chỉ là tiêu dùng nhiều văn hoá, bởi vì sự thật là xã hội đang ngụp lặn trong “văn hoá”, song đó là thứ văn hoá thương mại, văn hoá “mì ăn liền”, phần lớn là ngoại lai, thậm chí có thể nói là “thô lậu”.    
Vậy thì trách nhiệm của chúng ta, những người tiêu dùng văn hoá, là phải “khó tính” phải đòi hỏi “hàng có chất lượng”.  Muốn như thế, chính người tiêu thụ văn hoá, tức là toàn xã hội, phải nâng cao khả năng thẩm định của mình.  Phải biết thế nào là văn hoá cao, thế nào là văn hoá thấp.  Chính là để nâng cao khả năng thẩm định này mà vai trò của giáo dục là thiết yếu.  Trách nhiệm văn hoá gắn liền với trách nhiệm giáo dục ở chỗ ấy.  
Phải nhận rằng trào lưu “thô tục hoá” văn hoá bởi thương mại là một trào lưu toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam.  Nó tác động lớn nhất đến thế hệ trẻ, nhưng không chỉ ở giới trẻ.  Tuy nhiên, ở  những nước đã phát triển thì văn hoá đại chúng của họ đã đến một trình độ cao, sự trì trệ chút ít cũng không đáng quan ngại cho lắm. Ở nước ta, khác thế, khi mà văn hoá hiện đại còn non trẻ mà đã bị lây nhiễm văn hoá tiêu thụ thì thật là đáng báo động.  Buồn hơn nữa là dường như khuynh hướng này đang lây nhiễm ngược đến thế hệ phụ huynh của giới trẻ. 
Tiện đây, cũng xin có đôi lời về trách nhiệm đối với văn hoá Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài.  Phải nói rằng không phải bất cứ người Việt nào ở nước ngoài cũng chú ý đến vấn đề văn hoá, nhất là văn hoá Việt Nam.  Sự thờ ơ này là đáng tiếc và là một thiệt thòi cho chính những người này.  Họ có trách nhiệm đối với chính họ. Tuy nhiên, có một số không ít theo dõi rất sát tình hình văn hoá nước nhà, và có những đóng góp tích cực qua những tác phẩm bằng tiếng Việt, hoặc giới thiệu văn hoá Việt Nam với nước ngoài, bằng tiếng nước ngoài.  
Trách nhiệm văn hoá của người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là trách nhiệm đối với đồng bào (thế hệ cùng thời lẫn tương lai).  Thỉnh thoảng có người than phiền rằng có quá ít dịch giả đưa tác phẩm tiếng Việt ra nước ngoài.  Điều này đúng một phần song cũng hơi “oan” cho những người có khả năng dịch. Tác giả trong nước thường nghĩ rằng thị trường ngoại quốc hẳn là “đắt khách” lắm.  Sự thật lắm khi không phải thế. Vì nhiều lý do khác nhau (sự lan tràn internet và lối sống vội vã ở các nước đã phát triển, v.v.) thị trường văn hoá phẩm ở nhiều nước phát triển cũng ngày càng “khó sống”.  Một dịch giả chỉ dám bắt tay vào một công trình dịch thuật khi nghĩ rằng sẽ có một thị truờng cho sản phẩm của mình.  Đúng là số người đọc ở các nước phát triển là rất đông, nhưng số tác giả cũng rất nhiều và, phải nói thẳng, số lượng tác phẩm Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường ấy còn rất hiếm.
 
*
 
Trên đây, trách nhiệm văn hoá được chia ra trách nhiệm của ba thành phần song thật ra thì ba thành phần ấy chỉ là ba bộ măt của mỗi cá nhân.  Mỗi chúng ta, với những tỷ lệ khác nhau, đều là người sản xuất, phê bình, và tiêu thụ văn hoá.  Do đó, sự nghèo nàn văn hoá, nói đúng hơn là sự thô tục hoá của văn hoá ngày nay, nếu có, là trách nhiệm chung của mọi người.  Thói quen của chúng ta là đổ lỗi cho người khác, hoặc cho hoàn cảnh “khách quan”.  Chúng ta thường trách nhà nước không nâng đỡ đúng mức, thậm chí đã kềm chế tiến bộ văn hoá, song nghĩ cho cùng, không một nhà nước nào có thể “sản xuất” văn hoá. Tất nhiên sự “can thiệp” mạnh tay của nhà nước vào văn hoá, mà lại không có một nâng đỡ nào đáng kể, là một điều đáng phàn nàn. Nhà cầm quyền, nhất là những người có trách nhiệm đối với sinh hoạt văn hoá, phải nhận trách nhiệm của mình đối với hậu thế. Chúng ta cũng thiếu những nhà văn hoá lớn. Song không ai trong chúng ta là vô can. Chúng ta quá dễ dãi với văn hoá hạ cấp, chúng ta quá thờ ơ, dửng dưng với văn hoá có chất lượng. Chúng ta không bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Và nói thẳng, đôi khi chúng ta, mỗi chúng ta, có những hành động thiếu văn hoá!   
Chính cái “vốn văn hoá” của xã hội là bắt nguồn từ những ràng buộc cộng đồng, và khi sự ứng xử với nhau “thiếu văn hoá” thì vốn văn hoá của dân tộc ta sẽ sụt giảm, lôi kéo theo những hệ lụy cho phát triển kinh tế và chủ quyền dân tộc. 
Tất nhiên, những ý kiến trên đây đều căn cứ trên giả định là “văn hoá là hệ trọng” (ít ra nó cũng đóng góp vào chất lượng của đời sống).  Nếu cho rằng giả định ấy là sai thì không có gì để nói nữa.
 
Trần Hữu Dũng


http://viet-studies.info/THDung/THDung_TrachNhiemVanHoa.htm

Monday, January 30, 2012

Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt: "Kinh doanh cũng không đơn giản là để kiếm tiền"

Theo ông Bạt, kinh doanh là một cách thức để con người xác lập địa vị xã hội. Sau hơn 20 năm đổi mới, người ta mới thấy giá trị doanh nhân.
Hiện nay doanh nhân đã có vị trí cao hơn trong xã hội. Con đường để trở thành doanh nhân thành đạt thì có nhiều, nhưng dường như động lực chính vẫn xuất phát từ nhu cầu tài chính của doanh nhân, hay cụ thể hơn thì động lực đó là mong muốn kiếm tiền nhiều hơn cho cá nhân, cho gia đình, và xã hội. Ông có nhận xét gì về quan điểm đó?
Trước hết theo tôi kiếm tiền luôn là động cơ tối thiểu khi người ta tiến hành hoạt động kinh doanh. Nhưng nếu chỉ có vậy thì không còn gì để nói, ý nghĩa hoạt động kinh doanh nằm trong nội dung kinh doanh, cách thức kinh doanh và động cơ hoạt động kinh doanh.
Đối với tôi kinh doanh cũng không đơn giản là để kiếm tiền, đôi khi người ta phải giải thích hành vi của mình với đối tượng khác và khi sử dụng mục tiêu kiếm tiền để giải thích thì dễ dàng tìm được sự đồng thuận của những người liên quan như gia đình, bạn hữu. Nhưng tôi nghĩ rằng tiềm ẩn trong tâm lý các nhà kinh doanh thì không đơn giản như thế
Đôi khi người ta tìm kiếm sự độc lập bản thân. Ví dụ, các bạn trẻ tìm kiếm sự độc lập của bản thân với bố mẹ để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân trong việc hoàn thiện các chức năng hay các nghĩa vụ gia đình và xã hội. Với những người kinh doanh thành công, tiền không phải là động cơ chính.
Ông Nguyễn Trần Bạt là Chủ tịch - TGĐ của InvestConsult Group, công ty chuyên về tư vấn pháp lý, tư vấn dự án...
Vậy đâu là động cơ chính cho các nhà kinh doanh trên con đường trở thành doanh nhân thành đạt?
Tôi cho rằng kinh doanh cần được giải thích, hiểu sâu sắc hơn, cao quý hơn. Không phải chỉ một mình tôi, với nhiều người tiền không phải là động lực cơ bản để tạo ra sự nghiệp kinh doanh.  Nếu là tiền thì buôn lậu kiếm tiền nhanh hơn, tham nhũng có tiền nhanh hơn là làm kinh doanh.
Động cơ trước tiền mới là động cơ chính, mới đủ sức để doanh nhân theo đuổi công việc lâu dài và tạo ra sự nghiệp. Nếu là tiền không thôi thì động cơ đó dễ bị bẻ gãy bởi sự mệt mỏi, sự tầm thường trong qua trình kiếm tiền.
Nhiều người giải thích tiền bạc là động lực chủ yếu, nhưng ngay cả họ cũng giải thích sai về chính họ. Họ định kinh doanh để kiếm tiền thì cũng vẫn là họ hiểu nhầm chính họ. Động cơ trước đó, làm nền tảng cho việc kiếm tiền không tiền chút nào. Họ đi kiếm tìm chỗ đứng trong xã hội, mà sự nghèo khổ, không có tiền khiến họ không xác lập địa vị xã hội của bản thân mình. 
Đó là quan điểm của ông. Vậy lý do nào khiến ông nghĩ như vậy?
Bởi vì kinh nghiệm học vấn, kinh nghiệm  hiểu biết có chất lượng hàn lâm, sự thiếu hụt văn hóa làm họ - những nhà kinh doanh - giải thích nhầm về chính họ. Hay tâm lý thích tiền một cách đơn giản, hời hợt của đời sống nên người ta nói một cách đãi bôi để thỏa mãn sự tò mò của người khác.
Tôi quen hầu hết nhà kinh doanh lớn của Việt Nam.Ví dụ anh Lê Văn Kiểm công ty Huy Hoàng, là người cùng tôi tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Có thể trong quá trình kiếm tiền anh ấy rất thành công, nhưng tôi không tin tiền là động lực cơ bản sâu xa cho quá trình kinh doanh của anh ấy.
Hay trường hợp anh Trương Gia Bình, cái mà tôi thường nghe thấy không phải là tiền. Anh ấy thường hỏi tôi liệu công nghiệp phần mềm có giữ được vị trí nào trong đời sống phát triển kinh tế xã hội Việt Nam hay không?
Tôi có thể khẳng định tiền không phải động lực cơ bản tạo ra doanh nghiệp và để chi phối hành vi kinh doanh. Tiền chỉ là yếu tố chi phối hành vi kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, kinh doanh sơ đẳng ban đầu của cả quá trình trở thành doanh nhân thành đạt. Tinh thần doanh nhân không lấy tiền ra để giải thích được.
Ông có cho rằng kinh doanh là con đường đi tìm kiếm tự do của các doanh nhân?
Đương nhiên kinh doanh là con đường tìm kiếm tự do, nhưng không được hiểu khái niệm tự do đồng nghĩa với nghĩa phi nhà nước, phi chính trị hóa tất cả các ràng buộc xã hội đặt lên từng cá nhân
Kinh doanh là một cách thức để con người xác lập địa vị xã hội. Sau hơn 20 năm đổi mới, người ta mới thấy giá trị doanh nhân.
Cách đây 30 năm khi nói đến doanh nhân, người ta có thể gọi là vua nhựa, vua lốp nhưng xã hội vẫn tẩy chay bởi tâm lý vẫn là nhất sĩ, nhì nông.
Chính vì lẽ đó mà  chúng ta vẫn thấy nhiều doanh nhân đi tìm kiếm bằng cấp một cách đơn giản, ngây thơ và hy vọng tìm kiếm vinh dự cá nhân, địa vị xã hội thông qua một số chứng chỉ. Đấy là rơi rớt của một quan niệm sai lầm về địa vị xã hội và giá trị của con người với xã hội
Những người có kinh nghiệm thật, khát vọng thật thì họ sẽ tìm đến học vấn thật. Khi có học vấn và có kinh nghiệm của học vấn thì bản thân hành vi của họ sẽ có chất lượng hàn lâm.
Đã đến lúc xã hội cần chấm dứt cách nhìn bằng cấp là chứng chỉ cơ bản cho giá trị hàn lâm. Tôi cũng là một ví dụ để khẳng định rằng bằng cấp không liên quan đến hiểu biết có chất lượng hàn lâm.
Tuy nhiên trong công ty của ông có rất nhiều người có trình độ, bằng cấp cao như tiến sĩ, thạc sĩ. Vậy ông có gặp khó khăn trong quản lý đội ngũ nhân viên có những chứng nhận về trình độ cao hơn mình không?
Thứ nhất tôi không đánh giá cao lắm và ngay từ đầu bằng cấp không giữ bất cứ địa vị có ích thực sự trong việc khẳng định giá trị cán bộ trong công ty của tôi
Chúng tôi từng có chuyên gia có 2 bằng tiến sỹ mà học ở những trường cao cấp như Cambridge chẳng hạn, nhưng đáng tiếc là chúng tôi không nhận thấy giá trị thực tế của họ
Có lẽ chất lượng hàn lâm được khẳng định từ cống hiến, từ những thỏa mãn đòi hỏi hằng ngày của đời sống công việc mới là cái chúng tôi cần.
Tôi chưa thấy có bất kỳ sự khó khăn nào trong việc sử dụng người có bằng cấp cao hơn tôi. Các cộng tác viên của tôi nhiều người là giáo sư, nhiều có một nửa thế kỷ là giáo sư, nhiều người từng giữ những địa vị rất cao trong đời sống, nhưng tôi không thấy khó khăn nào khi làm việc với họ.
Càng hiểu biết thì sự làm việc của tôi với họ càng dễ. Dễ ở đây không phải tôi giỏi hơn họ hay ngược lại mà do những người hiểu biết thực sự nói chuyện với nhau rất đơn giản. Chỉ những người giả hiểu biết mới khó khăn khi làm việc, trao đổi với nhau.
Nhiều người làm ông chủ cũng ra vẻ hiểu biết, dạy dỗ cấp dưới, lên gân, lên cốt. Với những người hiểu biết thực sự, người ta không chấp nhận những sự biểu diễn như vậy.
Sử dụng lao động trí thức có cái khó nếu anh không hiểu họ, anh không phải trí thức thật thì anh không biết cách lôi kéo giá trị bên trong họ.
Con tằm chỉ nhả tơ trong một số điều kiện nhất định.
 
(Còn tiếp)

Sunday, January 29, 2012

Vai trò của trí thức (P2)

Vài lời thưa trước
  Thú thật với bạn đọc là do chuyện “cơm áo gạo tiền”, nên mấy tuần qua tôi không có chú ý -- thậm chí không biết đến -- những tranh luận chung quanh bài trả lời phỏng vấn của Gs Chu Hảo trên BBC và Gs Ngô Bảo Châu trên Tuổi trẻ cuối tuần. Đến khi nhận email của bạn bè bàn tán chung quanh bài này và bài của anh Nguyễn Quang Minh tôi mới đọc hết bài trả lời phỏng vấn. Đọc xong tôi muốn có vài ý kiến nhỏ. Chỉ là những ý kiến cá nhân – dĩ nhiên.
Cá nhân tôi là một trong những người ngưỡng mộ thành tựu nghiên cứu của NBC, và đọc bài này tôi cũng thích những ý kiến sâu sắc của anh ấy. Có những câu chữ người ta trích ra để nhận xét và bàn tán nhiều kể ra cũng khó hiểu và “nước đôi”, nhưng nhà khoa học là thế. Đối với nhà khoa học, lúc nào cũng nhìn một vấn đề qua nhiều lăng kính khác nhau. Trước một dữ liệu, có nhiều cách diễn giải. Và những cách diễn giải đó có thể không phù hợp với quan điểm của người này nhưng không bất đồng với quan điểm của người kia. Đó là chuyện bình thường. Riêng cá nhân tôi thì có ý kiến khác với anh ấy về thế nào là trí thức và cái gọi là “phản biện”. Trước đây, tôi đã có bàn về phản biện và không thích danh từ này, và nghĩ rằng cách dùng hiện nay là không đúng, nhất là trong khoa học.
Quay lại câu chuyện trí thức. Có lẽ không cần nhắc lại một khác biệt hiển nhiên giữa người có học và người trí thức. Có học cao hay có chuyên môn cao, cho dù là giáo sư, không phải là điều kiện đủ để làm người trí thức, nhưng một người không có học cao và chẳng cần phải “lao động trí óc” (ai cũng cần trí óc để lao động!) cũng có thể là nhà trí thức.
Để phân biệt trí thức với phi trí thức, có lẽ chúng ta phải xem thế nào là phi trí thức. Edward Said, một nhà trí thức nổi tiếng, từng nói đại khái rằng những người có học nhưng không phải là trí thức là những kẻ thụ động tinh thần. Họ chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy. Họ không chịu nỗ lực suy nghĩ chín chắn về những vấn đề xã hội. Họ không có khả năng hình thành ý kiến độc lập với những gì được nhiều người công nhận. Họ có thể là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, nhưng kiến thức ngoài chuyên môn của họ thì tương đương với kiến thức của một người thường dân. Đó là đặc điểm của người không phải là trí thức nhưng có học cao và lao động chủ yếu dựa vào trí óc.
Theo tôi, cái căn cước của người trí thức, do đó, không phải dựa vào công việc của họ, mà là thái độhành động, và những giá trị mà họ muốn gìn giữ, dấn thân. Sứ mệnh của người trí thức là xiển dương tự do và truyền bá kiến thức. Vai trò của người trí thức là không phải thu tóm quyền thế, nhưng là hiểu, diễn giải, và chất vấn thế quyền. Người trí thức phải nói sự thật cho kẻ có quyền thế, dù những sự thật đó đi ngược lại giáo điều. Vì thế, người trí thức đích thực về mặt tinh thần có thể là người ngoài cuộc, và tự mình sống lưu vong và sống bên lề xã hội.
Thế giới phương Tây còn có khái niệm trí thức của công chúng -- public intellectual. Họ là những người trí thức dấn thân vào những vấn đề xã hội công hơn là những vấn đề mang tính học thuật chuyên ngành. Khi các nhà khoa bảng viết và diễn thuyết trước một diễn đàn lớn hơn diễn đàn chuyên ngành của họ, thì người đó là một nhà trí thức công. Alan Lightman (MIT) phân biệt 3 cấp trí thức công. Cấp I là những người viết và diễn thuyết trước những diễn đàn trong ngành nghề của họ. Cấp II là những người viết và diễn thuyết về chuyên môn của họ và liên đới với môi trường xã hội, văn hoá và chính trị. Cấp III là những người trở thành biểu tượng cho một việc gì đó lớn hơn chuyên ngành mà họ xuất thân. Họ thường được mời để viết và diễn giải về những vấn đề công mà không nhất thiết nằm trong chuyên ngành của họ. Einstein là một ví dụ tiêu biểu cho trí thức công cấp III, vì ông thường được mời nói chuyện về tôn giáo, giáo dục, đạo đức, triết học, chính trị, dù chuyên ngành của ông là vật lí. Einstein là biểu tượng của lí trí và tinh tuý của nhân loại. Những trí thức cấp III ngày nay có thể kể đến là Noam Chomsky, Carl Sagan, EO Wilson, Steven Jay Gould, Edward Said, Steven Pinker, v.v.
Do đó, vai trò của người trí thức là lên tiếng trước những vấn đề xã hội. Viết đến đây thì tôi nhận được ý kiến của một anh bạn mà tôi thấy anh đã nói những gì tôi dự định nói thêm. Vậy xin trích ý kiến của anh bạn tôi ở đây:
“Về chữ ‘trí thức’, không biết trong các ngôn ngữ khác thì sao chứ trong tiếng Anh, một ‘người trí thức’ (an intellectual) và một ‘người lao động trí thức’ (an intellectual worker) là hai động vật hoàn toàn khác nhau. Nói cho gọn thì người intellectual phải tham gia vào public debate về những vấn đề liên quan đến xã hội, còn intellectual worker thì chỉ đóng góp chuyên môn.
[…]
Nếu NBC không phân biệt được hai cái thì rõ ràng là trong suốt thời gian làm việc ở Pháp và Mỹ ông đã tập trung vào ‘lao động’ mà không quan tâm tới mở mang ‘trí thức’, ít ra là đủ quan tâm để hiểu ‘intellectual’ có nghĩa là gì.

NBC đã đóng góp cho VN bằng giải Fields của ông, đây là 1 đóng góp về chuyên môn của một intellectual worker, và người Việt chúng ta đều có thể ‘hãnh diện lây’. Chúng ta đừng nên tham lam mà kỳ vọng gì thêm ở ông như một người trí thức.”
NVT
====
Sau đây là bài của anh Nguyễn Quang Minh:
Về trí thức
Nguyễn Quang Minh
Những ý kiến của Gs Ngô Bảo Châu lại gây ra tranh cãi. Lần này, ông bàn về định nghĩa và vai trò của người trí thức. Ông nói: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’”, và “Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm ‘trí thức’? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Theo tôi, đó là một quan điểm cần phải phản biện và thách thức công khai.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trí thức là người lao động trí óc. Tôi hiểu “lao động trí óc” ở đây là những người có bằng cấp đại học, công chức, nhà khoa học, chuyên gia … để phân biệt với những người làm việc chân tay (công nhân, nông dân, thợ). Trong thực tế, ai cũng sử dụng trí óc để làm việc. Người nông dân, người thợ máy, anh kỹ sư, chị bác sĩ đều sử dụng trí óc. Do đó, định nghĩa trí thức dựa vào bằng cấp và công việc e không ổn. Trí thức là một tấm gương sống, chứ không hẳn là người có bằng cấp. Tấm gương đó là dấn thân xã hội cho những mục tiêu cao cả và chấp nhận nguy hiểm cho bản thân. Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên. Do đó, tôi cũng không đồng ý khi ông nói rằng phản biện xã hội không phải là tiêu chuẩn của một người trí thức. Đã là trí thức thì phải có tư tưởng độc lập và sẵn sàng lên tiếng phê phán, thậm chí phản kháng, một tư tưởng độc hại.
Với quan niệm trí thức như thế, tôi cho rằng Gs Ngô Bảo Châu không phải là một trí thức. Ông là một người làm việc trí óc, nhưng không phải là một nhà trí thức. Xin nói thêm hai nhận xét để bổ sung cho ý kiến đó của tôi.
Trước hết là vấn đề lợi dụng trí thức. Nhà nước dùng tiền thuế của dân để đánh bóng thái quá Gs Ngô Bảo Châu, mục đích lấy tiếng thơm. Đỉnh cao là diễn viên chính tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia ở Hà Nội, tối 29/8-2010. Là một người có một chút tỉnh táo và tự trọng, ai cũng thấy ngượng bởi quá tốn kém. Rồi lại giao cho ông cái Viện Toán với một bó tiền tươi, một căn hộ cao cấp, cũng từ thuế của dân. Không ai phủ nhận tài năng toán học của Gs Châu, nhưng “bổ đề cơ bản, chương trình Langlands”, thực ra đến lúc này còn mông lung với đời sống thực tại với đại đa số người dân nước Việt.
Gần thị trấn chúng tôi cư ngụ, cách 10 km, gọi là Gjesdal, có ông Gs Finn Erling Kydland, được giải Nobel kinh tế học năm 2004, về đến sân bay, chẳng có chính quyền địa phương nào ra đón hay kèn trống rùm beng. Báo chí đưa tin bình thường. Mãi đến năm 2011, đại học kinh tế Na Uy (Norwegian School of Economics, NHH, nơi ông từng học, cấp cho ông ấy bằng tiến sĩ danh dự (doctor honoris causa), cùng với 9 người khác, nhân dịp đánh dấu 75 năm lịch sử của trường. Ông không có đặc quyền gì cả. Đó là cách ứng xử của một xã hội trưởng thành về tri thức.
Tiếp theo là những phát biểu “ai muốn hiểu sao thì hiểu”. Gs Châu nổi tiếng một dạo, với câu tuyên bố khá thời thượng: “bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Sau đó, ông lên tiếng trên blog về vụ án Ts Cù Huy Hà Vũ, được bàn tán đình đám và gây tranh cãi; sau đó, hình như ”rét quá” (?), đóng blog một thời gian không một lời chia tay. Nhìn lại chặng đường Gs Châu đi đến nay, tôi thấy Gs Châu đi nhiều hàng, dân miền Nam gọi là đi chàng hảng. Dường như ông nói theo gió; gió chiều nào, lợi cho ông, ông đi, bất kể lề trái, lề phải hay giữa lề. Ông lấn sang lề cả con cừu và con sói. Thỉnh thoảng sa đà vào những chuyện PR, ban lời vàng ngọc cằn cỗi như các ông lãnh đạo trong chính phủ rất thiếu logic toán học.
Mỗi người tự do chọn lựa cho mình một con đường và một thái độ chính trị nhưng nói phải đi đôi với làm. Đó là thái độ chân chính của người trí thức: tri hành hợp nhất. Thiết tưởng một người như Gs Châu không nên để chính phủ lợi dụng, càng không biến thành một đối tượng để hợp thức hoá quan điểm của Mao chủ tịch: “trí thức là cục phân”.

Xin nhắc lại lời của Voltaire mà tôi đọc được từ blog của một vị nào đó: “Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó”. Vì thế, tôi thỉnh Gs Châu lên tiếng và xin mượn đất facebook của Osin HuyDuc hay nguyenvantuan.net để tranh luận một cách đối trọng mấy chuyện trên cho ra nhẽ.
Nguyễn Quang Minh
21.01.2012, cuối năm con mèo.

Vai trò của trí thức

Giải pháp có sẵn ở điểm bế tắc
* Thưa giáo sư, lần đầu tiên kể từ khi thành danh ở xứ người, năm qua giáo sư đã dành thời gian làm việc tại quê nhà suốt ba tháng. Trong ba tháng đó, có gì làm giáo sư thất vọng hay ngược lại, giáo sư có điều gì để hi vọng?
- Giáo sư Ngô Bảo Châu: Không có gì phải thất vọng đâu chị, mặc dù khi tôi về mọi việc thật ngổn ngang. Tháng 6-2011, bộ máy hành chính của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán mới bắt đầu hoạt động. Khi ta muốn xây dựng một cái gì từ con số không thì khó khăn là tất yếu. Giáo sư Lê Tuấn Hoa, giám đốc điều hành của viện và tôi đã xác định trước là mình phải rất cố gắng trong giai đoạn này.
Hi vọng thì nhiều. Qua dịp hè vừa rồi, tôi cảm thấy sự ủng hộ của Chính phủ dành cho viện là tương đối chắc chắn. Tuy những khó khăn mang tính chất hành chính thì vẫn muôn hình vạn vẻ, nhưng tôi hi vọng giai đoạn này cũng sẽ chóng kết thúc để năng lượng được dồn vào những việc thật sự bổ ích là làm khoa học.
Cái không dễ chút nào của chúng tôi là việc giải thích với các bộ có chức năng rằng khoa học thật sự, đặc biệt là khoa học cơ bản, rất khó làm được trên nguyên tắc đơn đặt hàng. Vai trò của viện là nhìn thấy những nhóm nghiên cứu mới có tiềm năng, hỗ trợ họ về cơ sở vật chất, môi trường làm việc. Tôi rất hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà khoa học chủ động đến với viện với những dự định mà mình ấp ủ.
Nói như vậy không có nghĩa là Viện Nghiên cứu cao cấp về toán không chú trọng những đơn đặt hàng nghiên cứu toán ứng dụng. Đây là một hướng mà chúng tôi mong muốn sẽ làm được ngày một nhiều trong tương lai.
* Không chỉ các bạn trẻ trong nước đang chờ mong nhiều ở giáo sư mà nhiều bạn trẻ đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài cho biết họ hi vọng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán sẽ là mồi nhóm để thổi bùng ngọn lửa đam mê khoa học trong giới nghiên cứu, từ đó thay đổi môi trường làm việc trong các trường đại học. Giáo sư nghĩ sao?
- Tôi nghĩ rằng ngọn lửa đam mê khoa học đã có sẵn trong nhiều bạn trẻ rồi. Vấn đề là làm thế nào biến những người mang ngọn lửa đam mê ấy thành những nhà khoa học chuyên nghiệp. Tôi hi vọng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán sẽ làm được việc đó, đầu tiên là với toán, toán ứng dụng, sau đó là những ngành khoa học có liên quan đến toán như khoa học máy tính, vật lý lý thuyết. Nhưng với quy mô nhỏ của viện, chúng ta không thể chờ đợi nó giải quyết mọi vấn đề (rất nhiều) của khoa học Việt Nam.
Nếu ta muốn thật sự thay đổi diện mạo của khoa học Việt Nam, theo tôi, cái cần làm nhất (mà chắc ai cũng biết) là đặt chất lượng nghiên cứu khoa học lên như một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các trường đại học. Tất nhiên, nếu tính chất ưu tiên hàng đầu không phải là nói suông thì sẽ kéo theo nhiều chính sách khác.
Nói đến chuyện thay đổi chính sách là tôi lại băn khoăn. Hình như cái mà ta làm cho đến nay là thấy cái gì chưa ổn thì ta sửa lại, sắp xếp lại, mà ít để ý đến sự vận động tự nhiên của cuộc sống.
* Giáo sư có thể giải thích rõ hơn nhận xét này?
- Đơn cử hai vấn đề có tính thời sự hiện nay là việc phát triển mạng lưới đại học và lương giáo viên. Căn cứ vào tỉ lệ số lượng sinh viên trên tổng số người ở độ tuổi đi học, ta nhận thấy Việt Nam có tỉ lệ rất thấp so với các nước khác, đã phát triển hoặc đang phát triển. Ta suy ra rằng cần phải có thêm bao nhiêu sinh viên, mở thêm bao nhiêu trường đại học.
Câu chuyện này thoạt nghe thì có vẻ rất đơn giản, mạch lạc. Cũng giống như lương giáo viên, ai cũng thấy là rất thấp, không đủ để giáo viên tái tạo sức lao động, vì vậy cần phải tăng lương cho giáo viên và công nhân viên chức nói chung. Đặt ra vấn đề như vậy là rất đúng rồi, nhưng phương pháp luận trong việc giải quyết vấn đề thì có thể chưa ổn.
Thay vì ồ ạt mở thêm trường đại học, nâng cấp cao đẳng lên đại học, hoặc là tăng lương công chức một cách đồng loạt, nên chăng coi đó như là một xu hướng để nhân cái đà đó mà cải thiện chất lượng các trường, cải thiện năng suất và chất lượng lao động của công chức nhà nước?
Nói cách khác, những cái bất hợp lý hiện tại có thể làm đòn bẩy cho tương lai, làm điểm tựa cho những vận động tích cực của xã hội. Tôi cũng hiểu là bàn chung chung như thế này thì dễ, làm cụ thể như thế nào thì khó hơn nhiều. Nhưng rõ ràng những biện pháp thuần túy mang tính hành chính sẽ làm triệt tiêu cái đòn bẩy, lợi thế duy nhất của sự bất hợp lý.
Trong chuyện tăng lương cũng vậy. Tôi cảm thấy hình như việc tăng lương đồng loạt cho viên chức không cải thiện mức sống của họ mà chỉ làm tăng lạm phát. Chính phủ có thể tác động lên thu nhập của giáo viên bằng những quy định cởi mở và minh bạch hơn.
Tôi lấy ví dụ chuyện chạy trường mà ai cũng biết. Liệu có thể cho phép một số trường tốt có một cơ số học sinh trái tuyến với quy định minh bạch mức lệ phí, có thể rất cao cho học sinh trái tuyến? Lệ phí được thu một cách minh bạch có thể sử dụng trả một mức phụ cấp cho giáo viên một cách minh bạch. Phụ cấp có thể thấp, cao hoặc rất cao tùy thuộc vào năng lực của giáo viên. Câu chuyện này thực chất đang xảy ra trong thực tế nhưng dưới những hình thức không minh bạch. Nếu có quy định rõ ràng, Nhà nước cũng sẽ có thêm phương tiện để điều chỉnh.
Không ai độc quyền chân lý
* Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?
- Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.
Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.
* Giáo sư có nói cần khuyến khích mọi thành phần trong xã hội phát biểu ý kiến của mình và lãnh đạo phải lắng nghe tất cả ý kiến đó. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng lãnh đạo cần phải có một quyết định, vậy việc quyết định nên căn cứ vào đâu?
- Nếu có một thuật toán để ra quyết định trong mọi trường hợp thì chắc không cần đến lãnh đạo nữa mà thay bằng một cái máy tính. Người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ có những hành động nhất quán, chứ không được chăng hay chớ. Đi cùng với sự nhất quán là tính chủ quan, ở đây nếu lắng nghe ý kiến phản biện, người lãnh đạo sẽ tránh được những sai lầm không thể cứu vãn. Theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.
* Để tận dụng được khả năng suy nghĩ của trí thức, lãnh đạo nên chăng chia sẻ thông tin với họ để nhận được lời tư vấn tốt nhất trước khi đưa ra quyết định?
- Đối với người lãnh đạo, chia sẻ thông tin là một việc khó, như từ bỏ một phần quyền lực của mình. Thông tin hoàn toàn mở, anh lãnh đạo sẽ phải tranh luận với anh trí thức trong tình huống “cân bằng vũ trang” và chưa chắc anh lãnh đạo đã thắng.
Nhưng thật ra cởi mở thông tin, tranh luận với trí thức, với những người nằm ngoài bộ máy chính là một cách tiếp năng lượng cho anh lãnh đạo, vẫn với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh. Để làm được việc, anh lãnh đạo luôn phải phụ thuộc vào bộ máy của mình. Nếu không cởi mở, dừng tranh luận, những quyết định của anh sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của bộ máy, phục vụ lợi ích của bộ máy chứ không ưu tiên phục vụ xã hội nữa.
* Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này? Là một trí thức, giáo sư có muốn đóng góp tiếng nói của mình vào trào lưu chung đó?
- Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó.
* Cảm ơn giáo sư!
* Mùa hè 2011, giáo sư dành nhiều thời gian để giao lưu với giới trẻ nhiều tỉnh thành. Những cuộc giao lưu đó mang đến cho giáo sư cảm xúc như thế nào và các bạn trẻ ấy có tạo được những ấn tượng đặc biệt với giáo sư?
- Cảm xúc mạnh nhất là niềm vui khi cảm thấy dường như mình đang mang đến cho các bạn trẻ được cái gì tốt đẹp, ít nhất là niềm tin vào một cái gì đó tốt đẹp.
Ấn tượng tích cực nhất tôi có được trong những buổi gặp gỡ đó là tính hướng thiện của các bạn trẻ. Còn có một sự khác biệt tương đối rõ nét giữa những người trưởng thành mà tôi quen biết với các bạn trẻ mà tôi gặp trong các buổi giao lưu.
Nếu như nhiều người tôi quen, những người có vị trí xã hội, thành công trong sự nghiệp hoặc đơn giản là rất giàu, có một cái nhìn rất bi quan về thực tế xã hội thì các bạn trẻ vẫn tràn trề lạc quan và đầy niềm tin vào tương lai.

Monday, January 9, 2012

DANH…GIÁ!

Người “danh giá” trước hết phải là người có “danh”, nhưng hình như cái “danh” nào cũng có “giá” của nó cả!
Cụ Nguyễn Công Trứ  ngay từ khi còn rất trẻ đã viết câu thơ nổi tiếng:
Đã mang tiếng đứng trong trời đất
          Phải có danh gì với núi sông.

Ngẫm ra, ý muốn được lưu danh cũng là thói thường của người đời vậy!
Thời Xuân Thu, lý tưởng sống của tráng sĩ là “lưu danh thiên cổ”. “Chính, tà” lúc ấy dường như khó có ranh giới rõ ràng. Sang nước Vệ mà vua Vệ không dùng thì người ta có thể bỏ sang nước Trần, nước Sái, dù các nước ấy đang đánh nhau. Kẻ sĩ chỉ cần lưu danh, và để  danh  của mình có thể lưu thiên cổ, người ta sẵn sàng trả cái  giá  cao nhất là mạng sống của mình, có khi còn là mạng sống của cả gia đình mình nữa. Đọc “Sử ký” hoặc “Đông Chu liệt quốc”, ta thấy những người lưu danh như thế thật là nhiều.
Cũng có người sống không vì danh, mà vì những mục đích cao cả khác của   mình. Rất nhiều thiên tài đã lưu danh sử sách nhờ những đóng góp to lớn của họ cho loài người. Nhưng dù muốn hay không, họ cũng đã phải trả  giá  cho cái danh mà xã hội giành cho họ. Có thiên tài nào được sống như một người thường đâu! Cả cuộc đời họ cống hiến cho sự nghiệp, không còn thời gian cho bản thân mình. Mà có lẽ, hạnh phúc trọn vẹn ở đời chỉ có khi ta được sống cuộc sống bình thường nhất!
Xem ra lẽ đời thật công bằng, nếu bạn là người  danh giá , nghĩa là được mọi người  vinh  danh, thì cũng tức là bạn đã trả một cái  giá  nào đó mà nhiều khi không tự biết!
Đó là nói đến những cái  danh thực mà người ta giành để tôn vinh cho những người đã hy sinh một phần hay cả cuộc sống của mình vì những người khác. Trong xã hội, còn nhiều cái “danh” khác, thường vẫn được gọi là “hư danh”, hoặc là những cái “danh” mà chủ nhân của nó biết rất rõ cái “giá” đã trả. Cái “giá” đó nhiều khi rất cụ thể, bằng tiền, hoặc bằng những thứ khác. Tôi không muốn nêu lên ví dụ, vì hai lý do. Một phần, cũng không mong chuốc lấy sự bực bội của ai đó.  Phần nữa, vì  chắc chắn ai trong các bạn cũng tìm ngay được quanh mình những ví dụ điển hình của việc mua danh! Đáng buồn là thế, vì đó là sự thật khá phổ biến của xã hội ta, khi mà trong khoa học, giáo dục, thể thao, trong nghệ thuật, trong chính trường,…đâu đâu cũng có kẻ bán người mua. Mà hàng hoá ở đây lại là cái “danh”, và người nào mua được đều trở thành kẻ “danh giá” trong xã hội. “Danh” nào, “giá” ấy. Giá càng cao thì danh càng “oai”. Danh càng oai thì lợi càng nhiều. Bởi vậy nên nhiều người mới sẵn sàng bỏ giá cao cho cái “danh” của họ.
Dù sao, cũng vẫn còn may là “lẽ đời thật công bằng”. Nếu cái  danh  được trả giá bằng sự sự hy sinh những quyền lợi của cá nhân mình cho xã hội, thì cái danh ấy thật sự bền lâu. Còn cái “danh” mua được bằng “giá” nào đó, dù giá đắt hay giá hời, thì người mua được nó có còn là người “danh giá” nữa không? Không phải chờ đến khi họ hết quyền, hết lợi nhờ cái danh, mà ngay cả khi vừa mua xong danh, thì trong mắt xã hội, chẳng có cái “danh” nào kiểu đó mà người ta không định “giá” được!
Thế mới biết, không nghĩ đến danh mà thành danh thì cái danh ấy mới bền. Còn như làm đến “bậc thánh nhân” để “không lưu danh[1] thì thật khó quá!

http://hahuykhoai.wordpress.com/

Lịch sử giữ lại điều gì?


Tôi đang được giao làm một đề tài về Lịch sử toán học. Bởi thế, khi Xuân Con Gà sắp đến, cũng nhiễm cái bệnh khá phổ biến là định kể những sự kiện Toán học nào quan trọng xẩy ra vào năm Con Gà, những nhà Toán học lớn nào cầm tinh con gà,…Và tôi bỗng thấy giật mình khi nhớ đến “Định lý” khá nổi tiếng của Arnold: ”Nếu như trong toán học có một định lý nào đó, một khái niệm nào đó được mang tên một nhà toán học nào đó, thì điều đó chỉ có nghĩa là định lý đó, khái niệm đó không phải do người đã được gắn tên cho nó tìm ra đầu tiên”! (Dĩ nhiên, nếu theo lôgich của Arnold thì định lý trên phải do người nào đó phát biểu trước ông ta). Để làm ví dụ, Arnold đưa ra rất nhiều sự kiện trong lịch sử toán học. Nhưng nghe những chuyện xưa đó, người ta vẫn “nửa tin, nửa ngờ”, nên tôi muốn được kể vài câu chuyện mới đây.
1. Một phát minh bị quên lãng
Một trong những khó khăn lớn nhất của những cơ quan sử dụng mật mã là việc bảo đảm an toàn khi gửi chìa khoá. Đặc biệt khi trong hệ thống có nhiều người tham gia, cần gửi nhiều chìa, cần thay đổi liên tục các chìa khoá bí mật thì việc bảo đảm an toàn hầu như không thể thực hiện được. Vậy thì, làm thế nào để gửi các chìa bí mật trên một kênh truyền tin công khai?
Khoảng đầu năm 1969, James Ellis, một chuyên gia thám mã lỗi lạc của  Cơ quan Truyền thông Chính phủ Anh quốc (Government Communications Headquarter – GCHQ) tại Cheltenham đã nẩy ra một ý tưởng đặc sắc. Ông ta cho rằng, nếu người nhận tin dùng một nhiễu nào đó đưa lên đường truyền công khai mà chỉ riêng anh ta biết cách khử nhiễu, thì mọi thông tin mật gửi đến cho anh ta đều có thể đưa lên kênh truyền tin công khai đó. Những người khác, dù bắt được tín hiệu trên đường truyền cũng không thể nào giải mã tin mật. Vấn đề đặt ra la làm thế nào để tạo được một “nhiễu” như vậy.
Đến cuối năm 1969, James Ellis gần như đã đạt được mục đích khi ông nhận ra rằng,  chỉ cần có được hàm một chiều (tựa như cái hom giỏ, cá chỉ vào được mà không ra được!) với cửa bẫy (tức là có thể tìm hàm ngược nếu biết thông tin nào đó, giống như khôi phục tín hiệu khi biết cái nhiễu do mình tạo ra). Mặc dù có ý tưởng tài tình như vậy, nhưng James Ellis không thể nào thực hiện được, vì ông không biết có tồn tại hàm một chiều  hay không. Cho đến tận tháng 9 năm 1973, khi Clifford Cocks, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Cambridge, làm về Lý thuyết số (từng tham gia Kỳ thi Olimpic Toán quốc tế tại Moscow 1968) đến gia nhập nhóm thì vấn đề mới được giải quyết. Và cũng thật tình cờ, người hướng dẫn cho anh sinh viên mới này, ông Patterson, kể về ý tưởng độc đáo của James Ellis cho Cocks nghe trong một buổi uống cà phê, mà hoàn toàn không nghĩ rằng anh chàng non choẹt này sẽ là người làm nên việc lớn.  Chỉ trong khoảng nửa giờ, anh thanh niên được đào tạo cơ bản về số học đã nhanh chóng tìm ra hàm một chiều cần thiết: đó chính là phép nhân! Nhân hai số nguyên tố lớn bao nhiêu cũng được là điều hết sức dễ dàng, nhưng khi biết tích của chúng, để tìm lại các thừa số thì ta cần phân tích số đã cho ra thừa số nguyên tố. Điều này hầu như không thể làm được với các số đủ lớn. Như vậy, hàm số lập tương ứng hai số p, q với tích n=pq chính là hàm một chiều. Giải pháp thật đơn giản, và bản thân Cocks không tự cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của kết quả  đạt được.
Kết quả của Cocks được giữ tuyệt mật. Nó có sức thuyết phục lớn trong nội bộ GCHQ, nhưng phương tiện tính toán thời đó không cho phép triển khai  thuật toán.
Năm 1978, kết quả của Cocks được Rivest, Shamir và Adleman phát minh lại! Đó chính là cuộc cách mạng trong lĩnh vực mật mã, cuộc cách mạng mang tên gọi RSA.
Trong toán học, và trong khoa học nói chung đã vậy. Trong cuộc đời thì sao?

2. Bức ảnh.

Chắc nhiều người còn nhớ bức ảnh nổi tiếng chụp ”o du kich nhỏ” giải một phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Bức ảnh được tặng Giải thưởng quốc tế, và nó còn nổi tiếng hơn nhờ bài thơ rất hay của nhà thơ Tố Hữu :
O du kích nhỏ giương cao súng,
          Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
          Ra thế, to gan hơn béo bụng
          Anh hùng đâu cứ phải mày râu
Cách đây vài năm, người phi công Mỹ trong ảnh trở lại thăm Việt Nam, thăm o du kich nhỏ năm nào. Tôi được xem  phóng sự về chuyện đó trên truyền hình. Tất cả đều được nhớ lại, và sẽ còn được nhớ rất lâu. Cũng chỉ khi đó tôi mới được nghe nhắc đến anh du kích đã bắn rơi máy bay, người khởi đầu của câu chuyện về bức ảnh đáng nhớ ấy mà trước đến giờ chưa thấy ai kể ! Và có lẽ, rất ít người biết câu chuyện sau đây : khi giải người phi công Mỹ lên trại giam ở huyện, co hai o du kích đi hai bên, chứ không phải chỉ có một o ! Người chụp ảnh đã gửi bức ảnh chụp cảnh đó đi dự thi, và ông Giám đốc Sở Văn hoá Hà Tĩnh thời đó đã làm một việc rất thông minh : lấy kéo cắt đi một o ! O  du kích ”bị cắt” bây giờ chẳng còn ai nhớ đến nữa. Thế nhưng, nếu để hai o hai bên thì chắc bức ảnh đã không đoạt giải thưởng.
Sẽ thiếu đi một giải thưởng quốc tế, thiếu đi một bức ảnh đẹp, một bài thơ hay, một câu chuyện đáng nhớ của thời chiến tranh ! Thật là một nhát kéo của lịch sử !
Xem ra, Lịch sử không câu nệ lắm khi chọn những tên người để giữ lại !  Quan trọng chăng là những tên người ấy gợi ta nhớ lại những sự kiện nào của qúa khứ? Dù quá khứ chỉ vừa mới đây thôi, lịch sử cũng sẵn sàng quên đi một vài cái tên !
Viết những giòng này, tôi lờ mờ hiểu ra rằng, tại sao Trang Tử lại nói : ”Người đại dũng thì không lập công, bậc Thánh nhân thì không lưu danh”.

Tuesday, January 3, 2012

Quan hệ Việt - Trung 2011 qua góc nhìn ông Vũ Khoan

Tuan Vietnam
30-12-11

Quan hệ Việt - Trung 2011 qua góc nhìn ông Vũ Khoan

Có người không hiểu cho cái đó (giữ cầu đối thoại), có người trái tim nóng nhưng đầu không lạnh, thậm chí một số ít người lợi dụng để kích động, vì những tính toán riêng..., còn công tác tuyên truyền lại không kịp thời. Nên nhìn sự việc một cách thấu đáo, toàn diện chứ cứ trách cứ nhau. Điều đó chỉ có lợi cho những người muốn "tọa sơn quan hổ đấu", đứng xem chúng ta tranh luận, oán trách nhau. - nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
LTS: Nhân kết thúc một năm với những sự kiện đối ngoại đáng chú ý, mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này xin được giới thiệu cuộc trao đổi của phóng viên Tuần Việt Nam với Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan xung quanh Năm Đối ngoại 2011. Ông Vũ Khoan là nhà ngoại giao hiếm hoi tham gia quá trình bình thường hoá và phát triển quan hệ của Việt Nam với cả Trung Quốc, Mỹ và ASEAN - ba nội dung chính của cuộc trao đổi này.
Quan trọng hơn, ông là một trong số không nhiều những vị lãnh đạo đã nghỉ hưu mà vẫn dõi theo những tiến triển của thời cuộc, và đưa ra cho những người kế nhiệm, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, những gợi mở quan trọng cho công tác hoạch định chính sách. Hay như nhận xét của một quan chức ngoại giao đã tham dự Hội nghị Ngoại giao vừa rồi tại Hà Nội, ông là một "forward thinker".
Cam kết bằng giấy trắng mực đen
Theo đánh giá của ông, sự kiện đối ngoại nào của Việt Nam được coi là quan trọng?
Năm vừa rồi, mặc dầu ta tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội song hoạt động đối ngoại vẫn rất sôi động. Xét về trao đổi cấp cao thì nhiều đoàn đã đến thăm nước ta và cũng không ít đoàn cấp cao của nước ta đi thăm nước ngoài. Mỗi đoàn đều có ý nghĩa riêng.
Song, theo tôi, sự kiện đáng chú ý nhất trong năm là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc.
Tại sao, thưa ông?
Kết quả mấu chốt của chuyến thăm là hai bên đã thỏa thuận và ký bản Thoả thuận 6 điểm về những nguyên tắc chỉ đạo cuộc đàm phán về những vấn đề trên biển.
Nếu ta nhớ lại năm 2010, tình hình trên Biển Đông khá căng thẳng. Với cái thoả thuận này, dù sao đi nữa cuộc tranh chấp cũng đã được đưa vào kênh đàm phán. Mà đàm phán bao giờ cũng tốt hơn là xung đột, nó có lợi cho Việt Nam, có lợi cho Trung Quốc, có lợi cho khu vực.
Trong thời đại ngày nay, bất cứ vấn đề gì cũng nên tìm mọi cách giải quyết thông qua thương lượng.
Một vấn đề phức tạp như tranh chấp trên Biển Đông đã được đưa vào kênh thương lượng là điều đáng ghi nhận.
Tại sao ngay sau khi hai bên thoả thuận, lại đã gây ra một số hiểu lầm trong khu vực. Chẳng hạn, Philippines lên tiếng đòi giải thích. Liệu có phải do cách diễn giải có chủ ý của truyền thông Trung Quốc, chẳng hạn như CCTV4, nói rằng Trung Quốc và Việt Nam thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương?
Đây là sự xuyên tạc thôi. Trong thoả thuận 6 điểm đã nói rõ cái gì liên quan đến song phương thì giải quyết song phương, còn cái gì liên quan tới nhiều bên thì giải quyết với các bên liên quan.
Đó là vấn đề nguyên tắc và chúng ta luôn kiên trì ngay từ đầu, và cuối cùng đã được đưa vào văn bản, được cam kết bằng giấy trắng mực đen đàng hoàng, chứ không phải nói miệng, và được ký trước sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước.
Theo tôi được biết, sau chuyến thăm ta đã thông báo rõ ràng cho các nước hữu quan. Là một nước đã từng bị thiên hạ dàn xếp sau lưng những vấn đề của mình không phải một lần, chúng ta không bao giờ chấp nhận việc bàn thảo sau lưng các nước khác những vấn đề liên quan tới họ.
Trước đây, (tất nhiên gần đây có gián đoạn) cứ năm nay lãnh đạo cao cấp Việt Nam sang thăm, thì sang năm sau lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sang thăm lại. Tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng vừa thăm Trung Quốc vào tháng 9.2011, thì đến tháng 12.2011, Trung Quốc lại cử ngay ông Tập Cận Bình - người được coi là sẽ kế nhiệm chức vụ đứng đầu Đảng và Nhà nước, sang thăm Việt Nam?
Thường xuyên gặp cấp cao đã trở thành truyền thống, không chỉ giữa hai nước Việt - Trung mà là giữa nhiều nước trên thế giới. Dù sao đi nữa những cuộc gặp như vậy là dịp các nhà lãnh đạo cao nhất trao đổi ý kiến, vạch ra phương hướng và biện pháp lớn phát triển quan hệ, đồng thời trang trải khúc mắc, nếu có.
Các cuộc gập cấp cao giữa ta và Trung Quốc cũng nằm trong thông lệ đó. Giữa lúc quan hệ có trục trặc thì những cuộc trao đổi như vậy càng cần thiết.
Quan hệ giữa hai nước có lịch sử rất lâu dài và không đơn giản, lúc thăng lúc trầm. Trong khi mọi chuyện diễn ra phức tạp, chúng ta càng nên bình tĩnh, tỉnh táo theo phương châm "trái tim phải nóng, nhưng đầu phải rất lạnh".
Với cái đầu lạnh và với truyền thống nghĩa tình trọn vẹn, chúng ta không quên sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc trước đây trong các cuộc kháng chiến cứu nước, đồng thời cũng nên thấy rằng, kể từ khi bình thường hóa quan hệ tới nay về tổng thế mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, những vấn đề hắc búa như biên giới trên bộ, phân định vịnh Bắc bộ đã được giải quyết. Điều này có lợi cho môi trường quốc tế của nước ta, có lợi cho vị thế của ta.
Chỉ còn vấn đề biển Đông, ta cần nỗ lực giải quyết thông qua thương lượng ngoại giao. Thực ra chuyện này không mới, nó tồn tại từ lâu và đã từng nổ ra xung đột quân sự năm 1974, 1988..., sau đó không ít lần xẩy ra căng thẳng. Chẳng thế mà ASEAN có tuyên bố năm 1992 mà ta cũng tham gia (lúc đó mới là quan sát viên), rồi DOC giữa ASEAN và Trung Quốc...
Nhưng liệu người Việt Nam có thực sự là người mau quên ơn không, khi tình nghĩa với người Nga ngày xưa vẫn được giữ gìn khá trọn vẹn? Buổi gặp gỡ thầy trò Nga - Việt đầu năm ngoái, mà ông đã tham dự, chẳng hạn, đã thể hiện phần nào điều đó.
Hay là do, như có người nhận xét (nhà sử học Dương Trung Quốc) rằng chúng ta chưa được sòng phẳng lắm với lịch sử, cả lúc thăng và lúc trầm trong quan hệ?
Tôi không biết anh Dương Trung Quốc nói thế nào và có ý gì. Nhưng, cũng với cái đầu lạnh, ta cũng phải thừa nhận một thực tế nữa là trong quan hệ giữa hai nước từ giữa những năm '70 của thế kỷ trước đã xấu đi và năm 1979 đã xẩy ra chiến tranh biên giới. Đó là một thực tế.
Chỉ có điều mình chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai như mình cũng đã từng ứng xử như vậy với Pháp, với Mỹ, với Nhật, Hàn quốc.... Khổ nỗi nước ta bị nhiều nước xâm lấn quá, cứ nuôi hận thù trong tim thì làm sao sống được?
Tuy nhiên, những chuyện lịch sử như vậy không dễ gì xóa hết, nhất là lúc này lúc khác lại nẩy sinh phức tạp gợi lại nỗi niềm quá khứ. Do vậy ta mong các nước "có vấn đề" với ta tránh để xẩy ra những việc gợi lại quá khứ mà làm mọi việc vì tương lai hợp tác hữu nghị bình đẳng.
Liên quan đến tranh chấp Biển Đông, có ý kiến cho rằng nói đến (tranh chấp) Biển Đông là nói đến (tranh chấp) hai quần đảo. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề vùng nước mới là điều đáng lưu tâm, ít nhất là trước mắt. Ý kiến của ông?
Có ba câu chuyện ở Biển Đông và chúng đều quan trọng cả.
Thứ nhất là Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, người mình đã ở đó bao nhiêu năm rồi, nhưng bây giờ không còn trong tay mình nữa.
Thứ hai là Trường Sa, mình đã hiện diện từ trước ở đó rồi, nhưng đến năm 1988 lại xảy ra cuộc đánh chiếm một số điểm thuộc quần đảo này.
Thứ ba là thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình đúng theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 mà cả mình và Trung Quốc đều đặt bút ký, nhưng Trung Quốc đã khoanh thành cái lưỡi bò choán vào khá sâu, kể cả vùng thuộc các nước khác theo luật quốc tế.
Chuyện chủ quyền lãnh thổ chẳng có gì ít quan trọng cả.
Tôi vẫn nói với phía Trung Quốc là xử lý nó phải có lý, có tình. Tình ở đây là tình hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau. Còn cái lý là luật pháp quốc tế, nhất là Luật biển 1982. Hai nước có quan điểm khác nhau mà không lấy một cái chuẩn chung làm thước đo thì làm sao được? Cái thước đo duy nhất là luật pháp quốc tế thôi - tức là Công ước Quốc tế về Luật Biển.
Anh cũng ký, tôi cũng ký, đều là thành viên rồi. Cứ lấy chuẩn đó mà "cò cưa" với nhau để làm rõ trắng đen, phải trái.
Có một thực tế là ở Việt Nam, và cả ở Trung Quốc, đều có một xu thế đề cao chủ nghĩa dân tộc dường như hơi thái quá. Vậy, theo quan điểm của ông, chúng ta nên giải quyết như thế nào?
Chẳng hạn, nói về thông tin. Tôi có cảm giác, có thể là sai, rằng giữa người lãnh đạo với người dân dường như chưa có sự tin tưởng lẫn nhau. Dân thì cũng nghi hoặc chuyện nọ chuyện kia, còn lãnh đạo thì dường như chưa hẳn đã tin dân?
Cũng không phải thế. Bảo lãnh đạo không tin dân thì tin ai, làm sao lãnh đạo, điều hành đất nước được? Làm gì có chuyện đó, nói thế thì "oan" quá. Lãnh đạo mà có được người dân nhiệt tình yêu nước thì còn gì hơn!
Chỉ có điều cách thể hiện lòng yêu nước sao cho có lợi nhất cho đất nước. Những người thể hiện lòng yêu nước cao đẹp nhất là các chiến sỹ ở hải đảo không quản ngại gian nan, giữ vững chủ quyền.
Tôi vô cùng khâm phục họ, nhất là các chiến sỹ ở những điểm DK nhỏ xíu giữa biển khơi mênh mông, sóng bão bịt bùng mà vẫn kiên định. Tôi cứ trộm nghĩ phong tặng danh hiệu Anh hùng cho tất cả những người đó cũng xứng đáng!
Còn một chuyện khác cũng cần có sự thông hiểu.Thực ra, trong quan hệ đối ngoại có cái khó là không phải mọi chuyện đều có thể lên truyền hình bảo rằng chúng ta đánh giá (thực chất) thế này, chủ trương thế kia. Làm sao làm thế được! Nói một cách dân dã thì làm sao hành động theo kiểu "thưa ông tôi ở bụi này" được?
Còn làm thế nào để người dân hiểu rõ vấn đề thì có nhiều cách, nhưng chưa được sử dụng kịp thời, sâu rộng.
Đặc điểm của đối ngoại là có những chuyện phải giữ kín chứ không phải là dát, hay sợ đâu. Vấn đề là phải khôn. Đừng lẫn lộn cái khôn với cái sợ. Không phải với Trung Quốc đâu, với nước nào cũng vậy.
Do đó cũng phải hiểu cho cái người lãnh đạo, người ta phải giữ cái gì đó để còn có chỗ nói chuyện, chứ cắt cầu thì rất dễ. Bởi muốn gì thì gì mình vẫn phải cố gắng giải quyết bằng đối thoại, nên phải giữ cầu đối thoại chứ.
Có người không hiểu cho cái đó, có người trái tim nóng nhưng đầu không lạnh. Thậm chí một số ít người lợi dụng để kích động, vì những tính toán riêng... Còn công tác tuyên truyền lại không kịp thời.
Do vậy, nên nhìn sự việc một cách thấu đáo, toàn diện chứ cứ trách cứ nhau. Điều đó chỉ có lợi cho những người muốn "tọa sơn quan hổ đấu", đứng xem chúng ta tranh luận, oán trách nhau.
Vâng, quả là một phần cũng một phần do lỗi của những phóng viên như chúng tôi. Nhiều khi chuyện chẳng có gì mà một số báo chí ở Trung Quốc, hay đâu đấy, lại đưa tin theo hướng lệch đi, hoặc theo kiểu mập mờ, có lợi cho phía họ, thế mà anh em chúng tôi lại không kịp thời cải chính lại cho mọi người hiểu.
Sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí cũng chưa được nhịp nhàng, nên đúng là ta thường thông tin chậm hơn họ. Tôi cũng đã không ít lần góp ý kiến rồi.
Vả lại, ta nên tỏ ra đàng hoàng, chẳng nên để bị khiêu khích. Hơn nữa, rất nên tránh vơ đũa cả nắm, gây hận thù dân tộc vì nhân dân là nhân dân.
Trong công tác tuyên truyền, đấu tranh dư luận, phải rất nhanh nhạy, phân biệt phải trái. Ngay khi chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, ta cũng luôn phân biệt giới cầm quyền và nhân dân cơ mà.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông, cũng từng nhận xét rằng việc chậm trễ cung cấp thông tin chính thức và chính xác sẽ tạo cơ hội cho những suy đoán, tin đồn lan ra trong dư luận.
Đúng vậy. Các loại tin đồn thất thiệt cứ thế mà chen vào thôi. Anh không chiếm chỗ trước, thì người khác người ta chiếm thôi.
Khôn khéo tận dụng vị thế ASEAN
Thường tâm lý của mấy ông nước lớn là thường muốn bắt nạt mấy anh nhỏ, lẻ, và trong câu chuyện lãnh thổ và kinh doanh là rõ nhất. Quay lại câu chuyện tranh chấp Biển Đông, nhưng mà mấy anh nhỏ đó không còn lẻ nữa, mà cùng nhau góp tiếng nói cho đàng hoàng, chắc ông lớn kia cũng phải hạ giọng.
Thế giới bây giờ là tuỳ thuộc lẫn nhau, chứ không phải là lớn với nhỏ đâu. Tất nhiên anh lớn có tư duy của anh lớn, cách hành xử của anh lớn. Nhưng anh chả sống một mình được, anh vẫn phải đối xử với những anh lớn khác. Mà muốn thế phải có bạn.
Như vậy, cái mạnh của anh nhỏ là có thể trở thành đối trọng trong quan hệ của các nước lớn. ASEAN đâu phải là đối trọng nhỏ. Cũng hơn 500 triệu dân, cũng là một khu vực phát triển kinh tế năng động, cũng có uy tín quốc tế lớn.
Có tổ chức khu vực nào mà cả gần chục nguyên thủ các nước lớn phải xách cặp đến họp không, trừ ASEAN? Liên đoàn Ả Rập, hay Mecosur ở Mỹ La tinh có chuyện đó không? Thậm chí là EU cũng làm gì có chuyện mỗi lần họp là Tổng thống Nga, hay Chủ tịch Trung Quốc phải sang. Trên bàn cờ quốc tế, trong các mối quan hệ giao lưu, họ cần có bạn đồng hành. Và các nước nhỏ có vai trò đó, nếu anh biết ứng khôn khéo. Và ASEAN là một điển hình.
Về vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông, tuy là lâu dài, thậm chí rất lâu dài, nhưng vẫn phải có cái hướng đi từ đầu để vượt qua chặng đường dài đó để đến cái đích cuối cùng. Trong ASEAN chỉ những quốc gia biển là hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, dính dáng đến tranh chấp, chứ còn mấy quốc gia đất liền thì không có lợi ích gì.
Ông nhìn nhận gì trong sự gắn kết gần đây giữa họ, chẳng hạn như giữa Việt Nam với Malaysia, hay gần đây là Việt Nam với Philippines, trong lập trường giải quyết tranh chấp Biển Đông?
Trong quan hệ quốc tế lợi ích là quan trọng nhất. Trong điều kiện khách quan, các nước ASEAN buộc phải chia sẻ lợi ích với nhau. Mặc dù, trên vấn đề này thì nhóm nước này có lợi ích này, nhóm khác có lợi ích khác. Nhưng lợi ích lồng ghép nhau chứ không rành rọt như cái bánh cắt được.
Như vậy, không thể nói chỉ có trên Biển Đông mới thể hiện lợi ích đâu. Còn bao nhiêu lợi ích nhằng nhịt khác nữa. Biển Đông chỉ là một khía cạnh của quan hệ ASEAN thôi.
Ý tôi muốn hỏi là trong mỗi lợi ích mình phải tìm những người bạn, những người cùng có lợi ích với mình, khi nói tới các mối quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác trong ASEAN.
Mình có lợi ích của mình thì cũng đừng bắt người ta bỏ lợi ích của người ta. Phải biết người biết ta, chứ chỉ biết ta, thì không có quan hệ quốc tế.
Cuối năm ngoái, một quan chức phụ trách ASEAN của Bộ Ngoại giao, có nói với tôi rằng cái nét mới của năm ASEAN 2010 so với những năm trước đó là bình thường hoá khái nhạy cảm. Tức là vấn đề tranh chấp Biển Đông được đưa ra bàn thảo các hội nghị lớn như Thượng đỉnh ASEAN, Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), hay Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc...
Trước đó, khi đưa vấn đề Biển Đông ở những diễn đàn như vậy, có cảm giác là mình thấy nó nặng nề, nhạy cảm thế nào đó...
Cũng không hẳn đâu. Thời tôi làm cũng đã vật lộn với vấn đề Biển Đông bao nhiêu lâu rồi, chứ có phải không đặt lên bàn quốc tế đâu.
Năm 1995, khi mình vào ASEAN đúng lúc ARF ra đời, nên tôi đã dự ARF ngay từ đầu. Câu chuyện Biển Đông cũng đã được đặt lên bàn rồi. Năm nào cũng bàn để từ đó dẫn đến DOC năm 2002.
Còn khi có tuyên bố Manila năm 1992, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm tham dự với tư cách quan sát viên đã tuyên bố ủng hộ.
Có lẽ lúc đó mình là chủ nhà của ARF và các hội nghị cấp cao nên câu chuyện được nhấn mạnh đặc biệt, đúng không ạ?
Đúng vậy. Chứ mình lẽo đẽo vấn đề Biển Đông từ lâu rồi, vì nó là một vấn đề có thể gây mất ổn định trong khu vực.
Thế còn câu chuyện trùng lặp về thời gian giữa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc để đạt thoả thuận 6 điểm về nguyên tắc giải quyết tranh chấp, và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Ấn Độ, mời họ vào hợp tác thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông, hay hợp tác quốc phòng. Trong khi đó, Trung Quốc nói gần nói xa nọ kia, ông đánh giá thế nào?
Điều đó có được coi là bình thường hoá khái niệm nhạy cảm không?
(Bật cười) Theo tôi hiểu, chuyện sắp xếp qua kênh ngoại giao là hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, chứ có phải mình bầy binh bố trận gì đâu. Ầm ỹ là do suy diễn thôi.
Mình hiểu rõ chẳng ai muốn làm "con bài" của ai, và mình cũng không chủ trương đi với bên này chống bên kia.Trong đối ngoại, anh làm cái gì "phô" quá cũng không được đâu, người ta cười cho. Phải nhớ rằng không chỉ có mình là "khôn" đâu.


TuanVietnam
31-12-11

Cái khác của quan hệ Mỹ - Việt trong mắt ông Vũ Khoan

Ngày xưa Mỹ là kẻ thù. Còn bây giờ, tuy vẫn còn những khác biệt, nhưng vẫn là một đối tác. Thế của mình cũng khác, lực mình cũng khác. Ngày xưa mình bị bao vây cô lập, bây giờ mình có chân khắp nơi, được tôn trọng ở khắp nơi. Vì vậy, thái độ và cách tiếp cận mà hai bên dành cho nhau khác nhiều.
Ông đánh giá thế nào về sự can dự của Mỹ tại khu vực này? Chẳng hạn, năm ngoái tại Thượng đỉnh Đông Á tại Hà Nội, mới có Ngoại trưởng Hilary Clinton tham dự, nhưng đến năm nay ở Bali cấp tham dự là Tổng thống Barrack Obama, người đã có những tuyên bố khá mạnh mẽ về vai trò của sự can dự của Mỹ đối với việc đảm bảo an ninh khu vực. Thực ra, chuyện Mỹ can dự vào châu Á - Thái bình dương không phải mới. Có điều, vị trí của châu Á - Thái bình dương đã nổi lên vào cuối thế kỷ trước, vào những năm '90 đã lộ rõ rồi, và trong bối cảnh hiện nay càng nổi bật hơn nữa.
Vì sao?
Thứ nhất, kinh tế cả thế giới đều khó khăn, riêng châu Á - Thái bình dương vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, tuy có giảm đôi chút.
Thứ hai, những nền kinh tế mới nổi tập trung ở đây. Vào những năm '80-90' của thế kỷ trước, đó là những "con rồng", "con hổ" châu Á. Như Hàn Quốc, Hồng Công, Singapore, hay Malaysia, Thái Lan.
Và đặc biệt có con rồng to là Trung Quốc. Rồi bây giờ lại đến Ấn Độ. Hay Indonesia cũng được xếp vào loại cường quốc bậc trung, có trong nhóm G20. Việt Nam ta cũng được đánh giá là nước có tiềm năng.
Cái thứ hai đã làm rõ nét cái thứ nhất về tiềm năng kinh tế.
Thứ ba, nhiều nước lớn đều qui tụ ở đây. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, còn Tây Âu mới hiện diện ít thôi. Khi mấy ông lớn tụm lại với nhau thì thành quan trọng thôi. Đó là địa chính trị.
Còn địa kinh tế, thì ngoài chuyện đã nói ở trên, đây là ngã ba đường của vận chuyển quốc tế, qua eo Malacca. Trong tình hình phát triển kinh tế thế này, vấn đề nguyên liệu và năng lượng trở thành vấn đề rất lớn.
Bây giờ, người ta mới nhấn mạnh chuyện Mỹ quay lại, chứ thực ra người Mỹ chưa bao giờ rời bỏ khu vực này. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh ở đây: chiến tranh Thái Bình Dương; chiến tranh Triều tiên và chiến tranh Việt Nam - Đông Dương.
Nhưng có một thời gian họ xao lãng...
Bởi họ sa lầy vào những chuyện khác. Họ thất bại ở Việt Nam nên phải rút ra, rồi sa lầy ở Trung Cận Đông trong một thời gian rất dài. Rồi những biến động ở châu Âu cũng thu hút sự quan tâm của Mỹ. Nên nói theo cách nói của ta là Mỹ đã "lực bất tòng tâm", muốn quay lại cũng chẳng quay lại được.
Nay tình hình thay đổi, trong đó có nhân tố Trung Quốc nổi lên mà người Mỹ cho rằng có thể cạnh tranh với họ. Chính vì vậy họ phải rút dần chân khỏi những chỗ khác, xác định châu Á - Thái bình dương là hướng chiến lược của họ.
Như vậy, cái mới ở đây là sự nhấn mạnh của họ thôi, chứ không phải là sự bắt đầu.
Nhưng sự hiện diện của họ hiện nay khác với ngày xưa như thế nào?
Ngày xưa, sự hiện diện lớn hơn. Hai cuộc chiến tranh lớn đều tiến hành ở đây là Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Bao nhiêu căn cứ quân sự, rồi hạm đội 7 tập trung ở đây. Suốt từ Nhật Bản, Hàn Quốc, xuống tới Thái Lan, Philippines...
Sau chiến tranh Việt Nam họ đã giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy tôi muốn nói là sự quay lại của họ chưa trở lại được mức cũ đâu.
Nhưng cái nét mới là sự can dự của họ ở đây không chỉ bằng quân sự, mà can dự bằng quan hệ chính trị, bằng quan hệ kinh tế. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) chính là một sáng kiến nằm trong chiến lược can dự trở lại này.
Nói tóm lại, sự can dự lần này toàn diện hơn.
Thế cách tiếp cận của họ có gì khác không? Cách đối xử với khu vực này có khác hơn không, tôn trọng hơn không?
Chẳng hạn, TNS Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Á, thuộc Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, sau chuyến đi 5 nước Đông Nam Á, trong đó có cả Myanmar và Việt Nam, vào tháng 8.2009, đã nói rằng mỗi nước Đông Nam Á có một lịch sử riêng, và họ cũng có một lịch sử riêng trong quan hệ với Mỹ, và mục đích của chuyến đi của ông cũng là lắng nghe quan điểm của lãnh đạo các nước Đông Nam Á.
Cái khác lớn nhất là vị thế khu vực này đã khác trước.
Ngày xưa Việt Nam bị chia cắt, nay đã là nước thống nhất. Các nước ASEAN ngày xưa còn yếu, nay đã cứng cáp rồi. Hay Trung Quốc trước kia còn yếu, bị xâu xé bởi những bất ổn nội bộ, nay đã trở thành một cường quốc thứ hai trên thế giới về kinh tế rồi.
Các nước trong khu vực có vị thế cao hơn hẳn, trong khi Mỹ lại khó hơn trước. Sau khi Liên Xô sụp đổ, họ tưởng có thể làm mưa làm gió, cái gì cũng quyết định đơn phương. Nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn. Bây giờ họ cũng phải tìm cách tiếp cận đa phương. Chẳng hạn, ký TAC (Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác) với ASEAN, hay tham gia EAS (Cấp cao Đông Á).
Thế khác, lực khác, nên thái độ cũng phải khác là đúng thôi. Không phải đến để dạy bảo người ta nữa mà đến để tìm bạn, tranh thủ tìm đối tác.
Liệu sự thay đổi thái độ và cách tiếp cận của Mỹ với khu vực này cũng tác động đến thái độ và cách tiếp cận của Việt Nam với Mỹ?
Ngày xưa Mỹ là kẻ thù. Còn bây giờ, tuy vẫn còn những khác biệt, nhưng vẫn là một đối tác.
Thế của mình cũng khác, lực mình cũng khác. Ngày xưa mình bị bao vây cô lập, bây giờ mình có chân khắp nơi, được tôn trọng ở mọi chốn.
Vì vậy, thái độ và cách tiếp cận mà hai bên dành cho nhau khác nhiều.
Ông nhìn nhận mối quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên đang hướng tới như thế nào?
Qua thông tin báo chí tôi thấy hai bên còn đang bàn bạc. Nhưng cũng phải nhìn nhận là mối quan hệ giữa hai nước, so với thời tôi còn làm việc, phát triển một trời một vực. Từ chỗ buôn bán chẳng có gì, đến chỗ Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Tôi không ngờ trước khi ký BTA, xuất khẩu dệt may có 50 triệu USD, nay đã lên 6-7 tỷ USD, tạo ra bao công ăn việc làm.
Còn quan hệ chính trị trước đây làm gì có tiếp xúc cấp cao. Tôi là quan chức Việt Nam đầu tiên vào Nhà Trắng (tháng 7.2000), nhưng sau đó có biết bao nhiêu người vào Nhà Trắng nữa.
Rồi ngày trước làm gì tưởng tượng được Tổng thống Mỹ sẽ sang thăm Việt Nam. Thế mà ông Bill Clinton, rồi ông George Bush đều sang. Còn các ngoại trưởng Mỹ, người nào cũng đều sang thăm Việt Nam cả.
Hai bên còn đối thoại với nhau cả về chiến lược nữa, quan hệ an ninh- quốc phòng cũng đã có.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng có kể rằng Đại sứ Mỹ David Shear, khi mời cơm ông, đã nói rằng câu chuyện của Mỹ và Việt Nam bây giờ không phải là câu chuyện ca basa mà là câu chuyện chiến lược.
Tuy hai nước chưa chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nhưng trong sự trao đổi ý kiến giữa ta với Mỹ chắc có nhiều chuyện mang tính chiến lược. Nhưng tôi thiết nghĩ phạm vi, mức độ và tính chất của quan hệ Việt - Mỹ không thể nào bằng quan hệ Trung - Mỹ được.
Tôi có nghe là sau khi Quốc hội hai bên phê chuẩn BTA, vào cuối 2001, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Mỹ trao đổi thư phê chuẩn. Trong cuộc nói chuyện với Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleeza Rice, Phó Thủ tướng đã nêu vấn đề vụ kiện chống bán phá giá đối với cá basa Việt Nam tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, bà này chỉ muốn bàn tới chuyện chiến lược, câu chuyện khu vực và toàn cầu.
Sau 10 năm, câu chuyện đã hoàn toàn khác, đúng không, thưa ông?
Lúc đó, tôi là Bộ trưởng Thương mại, từ trong nước sang để ký văn bản phê chuẩn, còn Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ Mexico sang chứng kiến và thăm Mỹ.
Mỗi thời nó một khác chứ. Quan hệ sau 10 năm thay đổi nhiều rồi.
Ngày xưa chỉ nói song phương, mà song phương cũng chủ yếu nói về kinh tế. Rồi tiến thêm là song phương nói cả chuyện chính trị, chuyện an ninh... Thế rồi, bên cạnh chuyện song phương thì nói thêm chuyện đa phương, chuyện khu vực, chuyện toàn cầu.
Hay nói theo thuật ngữ thời chiến tranh là "leo thang", nhưng có cái khác là "leo thang hoà bình", hay "leo thang đối thoại". Tức là từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, với nước nào cũng vậy thôi. Nhưng nhất là với những nước là từng là thù địch, việc chuyển hoá quan hệ là cả một quá trình, nhiều khi chật vật.
Ngay cả ở Mỹ cũng có những vấn đề của họ. Chẳng hạn, khi năm ngoái Ngoại trưởng Hilary Clinton sang Việt Nam có nêu vấn đề nhân quyền.
Thực ra, ngoài việc Mỹ giương cao ngọn cờ nhân quyền trong quan hệ với các nước khác, thì bản thân bà Clinton cũng chịu sức ép của Quốc hội. Vì vậy, việc hiểu rõ chính trị nội bộ của nước Mỹ, để tránh việc quá định kiến với một nhân vật nào đó, cho người ta là "bad guy", là không thể chơi được... Ông nghĩ sao ạ?
Nhiều người chúng ta không hiểu cái thể chế của Mỹ. Thể chế của họ khác thể chế của ta. Nếu chúng ta áp dụng cái thể chế của ta để đánh giá họ thì không ổn. Và, ngược lại, nếu họ làm vậy cũng không trúng.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải hiểu nhau. Nói chuyện với họ, anh phải biết đang nói chuyện với ai, là người như thế nào, gia đình, hoàn cảnh ra sao...
Thể chế Mỹ có nhiều phe phái, nhiều lực lượng có tiếng nói như nhau. Bên hành pháp khác, lập pháp khác, tư pháp khác, tam quyền phân lập rõ ràng. Chính vì vậy bên hành pháp nhiều khi phải tranh thủ bên lập pháp, hay bên lập pháp có thể áp đặt rất nhiều cho bên hành pháp.
Bên tư pháp thì hoàn toàn độc lập. Trong các vụ kiện bên hành pháp và lập pháp không thể can thiệp.
Hay tiếng nói của truyền thông của họ rất lớn, thậm chí được coi là quyền lực thứ tư.
Mình không hiểu rõ hệ thống của họ thì làm sao mà nói chuyện được.
Chơi với các nước phải hiểu, mỗi nước có một thể chế khác, thậm chí văn hoá khác. Làm đối ngoại, hay thông tin đối ngoại, mà mang văn hoá Việt Nam áp dụng vào Mỹ thì không vào đầu người ta. Trái lại, họ mang cái văn hoá của họ áp vào mình, mình cũng không hiểu nổi.
Vừa rồi, tôi có dịp nói chuyện với Đại sứ Mỹ David Shear, khi tôi hỏi về sự khác nhau của ngươi phương Đông và người phương Tây, ông ấy có nói rằng bất chấp những khác biệt trong lối sống và tư duy, trong sâu thẳm con người hai bên vẫn có thể có những cái chung để nói chuyện với nhau. Ông còn nói nếu hai bên muốn hiểu nhau, cố tìm cách để hiểu nhau, thì nhất định sẽ hiểu. Ông có chia sẻ nhận định này không?
Tôi thì nói đơn giản hơn: Người Mỹ thích rượu Gin, người Anh thích Whisky, người Pháp thích rượu Cognac, còn người Việt lại thích rượu nút lá chuối.
Khác nhau thật đấy, nhưng vẫn cùng là rượu, và mọi người đều muốn uống rượu hết, chả trừ dân tộc nào cả.
Giá trị chung thì vẫn có, nhưng bản sắc lại rất riêng.
Bây giờ người ta nói nhiều đến tương lai chung. Chẳng hạn, từ chuyện chống biến đổi khí hậu, đến câu chuyện xây dựng một môi trường hoà bình ổn định để phát triển...
Thực ra, lịch sử loài người có cái chung, rồi mỗi anh thêm cái bản sắc riêng của mình. Nhưng cái chung vẫn là chung. Chẳng hạn, cái nhà về cơ bản vẫn giống nhau trên khắp thế giới, vẫn là mái với bốn bức tường, chỉ khác nhau kiểu kiến trúc, vật liệu xây dựng sao cho phù hợp với khí hậu, lối sống mà thôi.
Vẫn có cái chung, nhưng vẫn tồn tại cái bản sắc. Cái riêng không thể quyết định cái chung. Nhưng nếu cái chung mà không tính đến cái riêng thì cũng không ổn, bởi cái riêng nó vẫn cứ âm ỷ rồi bung ra chỗ này, phình ra chỗ kia...
Xin cám ơn ông, và chúc ông cùng gia đình một năm mới mạnh khoẻ và hạnh phúc.

Monday, January 2, 2012

5 CEO gốc Việt được truyền thông thế giới ca ngợi

Đây là những người Việt Nam trẻ tuổi, thông minh, năng động đang làm việc tại một số nước trên thế giới.  
1. Giám đốc sách lược của Bank of America
Thong Nguyen, người Mỹ gốc Việt, được đề cử làm Giám đốc sách lược của Bank of America, vào tháng 11/2011. Tờ Wall Street Journal đưa tin, khi ông Brian Moynihan, Tổng Giám đốc Điều hành của Bank of America, ra trước hội đồng quản trị trong tuần qua để thảo luận về kế hoạch năm 2012 của ngân hàng, đã xuất hiện cùng với một chiến lược gia mới tinh là Thong Nguyen, khiến cho các giới chức ngân hàng hết sức ngạc nhiên.
Thong Nguyen (giữa) vừa được đề cử làm Giám đốc sách lược
của Bank of America (Ảnh: Wall Street Journal)
Thong Nguyen được đề nghị vào chức vụ nói trên sau khi người tiền nhiệm là Mike Lyons đột ngột từ chức vào tháng 11/2011. Trong vai trò mới, ông sẽ trực tiếp làm việc với Tổng Giám đốc Điều hành của Bank of America.
Vị "sếp" gốc Việt này đã "kinh qua" các chức vụ phụ trách thương vụ, quảng cáo và phát triển kinh doanh của công ty General Electric, McKinsey & Co., IBM và U.S. Trust, trước khi gia nhập Bank of America vào năm 2004. Ông cũng từng làm việc chung với "sếp tổng" Brian Moynihan trong ban quản trị tài sản, trước khi ông này lên làm CEO của Bank of America.
2. Chủ tịch Jack Truong của Electrolux Major Appliances Bắc Mỹ
Jack Truong, một người gốc Việt vừa được tập đoàn Electrolux AB của Thụy Điển bổ nhiệm chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty Electrolux Major Appliances Bắc Mỹ và Phó Chủ tịch điều hành tập đoàn Electrolux, từ ngày 1/8/2011.
Ông Truong sẽ báo cáo trực tiếp cho Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Electrolux, Keith McLoughlin và là thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn. Trước đó, ông Truong giữ vị trí Phó chủ tịch và Tổng giám đốc công ty Phát triển nhà đất và xây dựng toàn cầu thuộc tập đoàn 3M.
Chủ tịch Jack Truong của Electrolux Major Appliances Bắc Mỹ
(Ảnh: Dow Jones)
Sinh năm 1962, ông Truong có bằng tiến sĩ ngành kỹ sư hóa học của Học viện Rensselaer Polytechnic ở Troy, New York.
Phát biểu trong thông báo bổ nhiệm, ông Keith McLoughlin, Chủ tịch Electrolux, cho biết: “Chúng tôi rất vui được chào mừng ông Jack Truong đến Electrolux. Tại 3M, ông đã cho thấy khả năng thúc đẩy tăng trưởng bằng cách áp dụng các công nghệ và cách tiếp thị mới nhằm đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng.
Kinh nghiệm của ông sẽ giúp đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn của chúng tôi với việc tập trung vào các nhãn hàng mạnh, sản phẩm mới có tác động cao và tiết giảm chi phí, tất cả là những thành tố quan trọng trong chiến lược của Electrolux".
3. Một trong những nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu
Cho đến nay, ông Dzung T. Bùi (Bui Tien Dung) được xem là  một trong những người thành công nhất trong tập đoàn tin học IBM.
Bui Tien Dung sinh ra tại làng Trình Phố, An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Khi lớn lên, ông theo cha mẹ vào sống ở TP HCM. Năm 17 tuổi, Bùi Tiến Dũng sang Mỹ du học với vẻn vẹn 150 USD trong túi và không ngại dấn thân trong mọi lĩnh vực.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện tử tại Đại học Minnesota, tiểu bang Minnesota (Mỹ), Dzung T. Bùi nộp đơn xin làm việc tại Tập đoàn IBM và được nhận làm ở phòng thí nghiệm Rochester. Tại đây,  ông nhận thấy sở thích và năng lực bản thân phù hợp với lĩnh vực bán hàng, nên xin chuyển qua làm martketing và tiêu thụ sản phẩm (sales).
Từ đó, ông liên tục được đề bạt và đảm nhiệm những trọng trách trong mảng kinh doanh sản phẩm của Tập đoàn IBM, từ Phó chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ Latin, Tổng giám đốc Sales và Marketing châu Âu, Giám đốc điều hành phụ trách chuỗi cung ứng, Tổng Giám đốc phụ trách giải pháp công nghệ thông tin. Hiện, ông là Phó Chủ tịch phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu của tập đoàn này.
Phó Chủ tịch điều hành kinh doanh toàn cầu
Dzung T. Bui của Tập đoàn IBM
4. Tính kiên cường là bí quyết thành công của Chủ tịch Tập đoàn Augen
Ủy ban tuyển chọn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, do Nữ hoàng Jordan Rania Al Abdullah làm Chủ tịch, đã lựa chọn doanh nhân kiều bào Mitchell Pham, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ phần mềm Augen (New Zealand), là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu, vào ngày 9/3/2011.
"Được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là một điều thật khó tin vì tổ chức này bao gồm những người kiệt xuất trên toàn cầu. Đây là cơ hội có một không hai, mà tôi sẽ nắm bắt bằng cả hai tay", doanh nhân Mitchell Pham phát biểu.
Mitchell Pham sinh ra tại Việt Nam, trong một gia đình cả bố mẹ và mấy anh chị em đều là kỹ sư. Năm 12 tuổi, anh theo gia đình sang định cư ở New Zealand, với cái tên Việt là Pham Đang Khoa. Khi đặt tên mới là Mitchell Phạm, ba mẹ anh đã gửi theo mong muốn con của mình sau này sẽ thành đạt về học vấn cũng như trong cuộc đời. Mitchell nghĩ mình đã thực hiện được phần nào tâm nguyện của đấng sinh thành.
Khi được hỏi về bí quyết thành công trong sự nghiệp ở xứ người, Mitchell Pham chia sẻ: “Tính kiên cường chính là bí quyết thành công của tôi”. Và để minh chứng điều này, Mitchell đã nỗ lực học tập tại trường phổ thông và sau đó là trường đại học, làm thêm buổi tối và cuối tuần để kiếm tiền trả học phí. Năm 1993, với vốn đầu tư ban đầu 4.000 NZD (1 NZD tương đương 14.500đồng), Mitchell cùng 4 người bạn thành lập công ty phát triển phần mềm máy tính Augen, với quyết tâm phải làm bằng được một sản phẩm công nghệ thông tin.
Chủ tịch Mitchell Pham của Tập đoàn Công nghệ Phần mềm Augen
Năm 2000, các thành viên bắt đầu tách ra hoạt động độc lập. Mitchell ở lại duy trì mọi hoạt động và tiếp tục phát triển Augen, với doanh thu mỗi năm khoảng 10 triệu USD; đồng thời, mở thêm 11 công ty con tại New Zealand, chuyên kinh doanh phần mềm và làm dịch vụ công nghệ thông tin trong lĩnh vực thể thao, phần mềm giao dịch tài chính cho ngân hàng.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2015, theo doanh nhân gốc Việt này, tại New Zealand và trên thế giới, Tập đoàn Augen sẽ chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ” để thâm nhập thị trường, nghĩa là tập trung khai thác và làm tốt dịch vụ công nghệ thông tin cho các công ty phần mềm lớn có thị trường tại nhiều nước. Thông qua họ, Augen có thể rút ngắn con đường mở rộng thị trường. Riêng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tập đoàn sẽ chỉ làm phần mềm ở 2 mảng bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và đầu tư làm dịch vụ phục vụ ngành năng lượng xanh - sạch.
5. Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận KOTO
Cùng với doanh nhân kiều bào Mitchell Pham, Jimmy Pham, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận mang tên KOTO, cũng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.
Khi nhận được giải thưởng này, Jimmy Phạm, cho biết, anh cảm thấy vô cùng vinh dự trước giải thưởng mà World Economic Forum dành cho và coi đây là niềm khích lệ với những công việc mình đang làm.
Jimmy Pham (giữa hàng sau cùng) được vinh danh
là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu
Jimmy Pham sinh ra ở Hà Nội và lớn lên tại Sydney, Australia. Với tấm lòng nhân hậu và khả năng lãnh đạo tuyệt vời của mình, Jimmy đã giúp hàng trăm trẻ em lang thang trở thành những đầu bếp giỏi, những nhân viên nhà hàng chuyên nghiệp tại nhiều khách sạn và nhà hàng nổi tiếng ở Việt Nam thông qua việc thành lập tổ chức KOTO, một tổ chức đào tạo nghề nhà hàng phi lợi nhuận.
Gửi lời chúc mừng tới Jimmy, Đại sứ Astralia tại Việt Nam nói: "Những việc anh đã làm được không chỉ là niềm tự hào của bất cứ một người Việt cũng như người Australia nào, mà còn là một điển hình khuyến khích mọi người dân và tổ chức có điều kiện quan tâm hơn đến việc giúp đỡ những trẻ em thiệt thòi trong xã hội"./.