Sunday, October 16, 2011

Đối thoại giữa Ngô Bảo Châu và ông Nguyễn Trần Bạt

Đây là bài cuối của loạt bài phỏng vấn, đối thoại thực hiện vào cuối năm 2010. Thichhoctoan sẽ tiếp tục đi nói chuyện với những người có nhiều chuyện để nói và hy vọng sẽ có năm bài mới vào dịp năm mới.
*****
NBC: Xin chào chú Nguyễn Trần Bạt. Qua bài nói chuyện của chú với sinh viên trường Kinh tế quốc dân và trường Luật, cháu được biết chú được đào tạo như một kỹ sư, nhưng lại theo học khoa ngữ văn ở trường tổng hợp, rồi để sau này lại theo học hàm thụ về luật nữa. Chú có nói là chú đi học Văn vì một người một phụ nữ, còn đi học Luật để chuẩn vị thành nhà tư vấn đầu tư đầu tiên ở Việt Nam. Cháu thấy bán tin bán nghi. Không nhẽ chú luôn đi học vì một cái gì đó hay sao ?
NTB: Tôi đi học Văn bởi lúc đó tôi nghĩ rằng trong cuộc đời một người đàn ông nghiêm túc không có nhiều người đàn bà, cho nên tôi đi học môn học mà người phụ nữ tôi yêu theo đuổi trong sự xác định rằng đó sẽ là người bạn đời của mình. Có lẽ số phận đã khuyên tôi làm thế để có được người đàn bà của tôi một cách trọn vẹn.
Còn việc đi học luật để làm nghề thì đấy là do sinh kế. Tôi nghĩ rằng lúc trẻ ai cũng phải làm thế. Tôi đã chọn một nghề nghiệp và do đó cũng phải chọn môn học giúp mình có kiến thức theo đuổi nghề nghiệp đó. Cho đến giờ tổng kết lại tôi thấy rằng việc học những môn học ấy là những hạt giống tốt cho tôi những kết quả mà tôi có hôm nay.
NBC: Như một người gắn bó với việc học hành trong cả cuộc đời, chú có nhận xét như thế nào về sự thay đổi của quan niệm về việc học trong dân ta trong từng thời kỳ của lịch sử đương đại. Nhìn trẻ con đi học bây giờ chú có thấy lo không?
NTB: Quan niệm về việc học của người Việt hiện nay đã tốt hơn trước, có những mục tiêu, có những động cơ thực tế hơn. Trong xã hội hiện nay người ta không còn quan niệm học là để làm quan và bằng con đường làm quan để tạo ra các điều kiện sống nữa. Tuy nhiên cái quan niệm mà chúng ta đang có vẫn đang ở một mức thấp so với sự phát triển của thế giới.
Nhìn việc học của trẻ con bây giờ tôi cũng có những nỗi lo, đấy là nỗi lo về việc trẻ con nhận được gì khi đến trường. Nhưng theo tôi việc trẻ con nhận được gì không nằm trong các bài giảng mà nằm trong các lời giảng. Tôi có một nỗi lo tiềm ẩn trên hai khía cạnh. Thứ nhất là cách huấn luyện trẻ con nhặt những thứ mà độ có ích của nó là cần phải xem xét, nghiên cứu. Thứ hai là năng lực tổ chức những điều mà bọn trẻ nhận được từ trường học một cách có ích cũng cần phải xem xét.
NBC: Khi được hỏi về phẩm chất quan trọng nhất của một thương nhân, chú có nói đó là tính lương thiện. Đối với cháu đây quả là một bất ngờ thú vị. Cháu xin hỏi chú hai câu hỏi rất cũ. Một là, trong thương trường, lương thiện quá có dễ chết non không ? Hai là, lương thiện là cái đẻ ra đã có, hay là cái mình phải học tập và rèn luyện để có?
NTB: Nhiều người quan niệm rằng lương thiện quá thì dễ chết, nhưng không lẽ vì sợ chết mà chúng ta đánh mất tính lương thiện của mình hay sao? Có người đặt cho tôi câu hỏi tương tự: “Trong môi trường kinh doanh luôn có chuyện cá lớn nuốt cá bé, có kẻ thắng người thua, có người sống và người chết thì khái niệm lương thiện được hiểu như thế nào?” Tôi trả lời rằng: “Lương thiện là không trà đạp lên con người và lợi ích của con người vì lợi ích của mình. Thất bại trong kinh doanh không bao giờ đồng nghĩa với cái chết. Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh không ai chết, nhưng thua thì có và phải coi thua là chuyện bình thường.
Chúng ta thử tưởng tượng xem, trong một xã hội mà tính lương thiện không tồn tại nữa thì chúng ta còn gì để sống và xã hội lúc đó sẽ như thế nào? Lương thiện là một tiên đề trong hệ thống các tiêu chuẩn hình thành đời sống tinh thần của con người. Lương thiện là thứ mà chúng ta không thể mặc cả với nó được. Chính tính lương thiện là tiền đề làm tăng chất lượng của lẽ phải tâm hồn con người. Đây chính là một trong những năng lực phát triển của con người. Con người lương thiện là con người luôn giữ gìn khát vọng vươn tới sự thánh thiện của đời sống tâm hồn và sự phong phú của các phẩm chất tinh thần. Nếu không duy trì hàng ngày khát vọng đó, con người sẽ sống với tâm hồn khô héo, với trí tuệ lỗi thời và mọi xúc cảm biến mất.
NBC: Cháu rất đồng ý với chú Bạt khi chú nói về việc phải xây dựng lại vị trí cao quí của người thầy giáo trong xã hội. Có một câu hỏi mà cháu muốn đặt cho nhà kinh tế Nguyễn Trần Bạt: giáo viên là công chức nhà nước, hưởng lương theo thang lương của công chức. Vậy thì làm thế nào để cải thiện lương cho giáo viên? Theo chú không tăng được lương cho giáo viên vì nhà nước thiếu tiền hay vì không có cơ chế?
NTB: Không có nhà nước nào thiếu tiền, chỉ có nhà nước không biết tiêu tiền thì mới thiếu. Chúng ta vẫn thấy ở Mỹ người ta ca ngợi những tổng thống phân bố ngân sách một cách hợp lý và không làm thâm hụt ngân sách. Ngược lại, bất kỳ tổng thống nào làm thâm hụt ngân sách cũng đều bị xã hội chê bai, chỉ trích rất ráo riết. Không phải là nhà nước của chúng ta không có đủ tiền, vì nhiều khi ngân sách được chi thừa và lãng phí cho các lĩnh vực khác của xã hội. Vậy tại sao ngân sách dành cho giáo dục lại không đủ? Bởi vì địa vị của giáo dục vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ.
Trong câu hỏi của anh, có một mệnh đề mà chúng ta cần bàn là “giáo viên là công chức nhà nước”. Tôi cho rằng cấu trúc ra khu vực giáo dục không nhất thiết phải là nhà nước, cho nên giáo viên cũng không nhất thiết phải là công chức. Trường học là một bộ phận của xã hội dân sự, nhà nước không nên biến các trường học thành sở hữu của mình. Cho nên có lẽ cần có sự điều chỉnh chính sách một cách hợp lý hơn.
NBC: Có ý kiến cho rằng thầy cô giáo ngày xưa, như thời chú đi học, dạy giỏi, dạy hay hơn thầy cô giáo ngày nay. Trên nguyên tắc, thầy cô giáo ngày nay được đào tạo có bài bản hơn, được tiếp xúc nhiều hơn với khoa học tiên tiến, với thế giới. Theo chú thì ý kiến trên có đúng không và nếu không, tại sao ý kiến này rất phổ biến ?
NTB: Sự hơn của thế hệ sau so với thế hệ trước là một tiên đề. Nếu đem so trình độ thì một học sinh cỡ tú tài hiện nay có kiến thức toán xấp xỉ bằng Einstein vào thời kỳ của ông ấy. Nhưng không phải bất kỳ học sinh nào thời nay cũng có thể trở thành Einstein được. Vấn đề nằm ở con người, mục tiêu ứng dụng, mục tiêu sáng tạo của nó có lành mạnh thì mới tạo ra được thành tựu. Thành tựu toán học, thành tựu vật lý hay hoá học và thành tựu xã hội là khác nhau. Cho nên, nhiệm vụ đặt ra cho những người thầy ở mọi thế hệ là phải nghiên cứu những cách thức của thời đại để thổi lên, để kích thích các khả năng có trong mỗi con người.
NBC: Chú Bạt nhắc đi nhắc lại về việc tiếp thu các giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại. Theo chú, làm thế nào để trẻ nhỏ có thể tiếp thu được những giá trị đó?
NTB: Trong cuốn sách “Cải cách và sự phát triển” Tôi đã nêu ra một trong bốn cuộc cải cách cơ bản cần được tiến hành là cải cách giáo dục với nguyên lý phi chính trị hoá giáo dục. Xét về mặt phân tâm học thì năng lực tiếp nhận của trẻ con vào những lứa tuổi khác nhau thích hợp với những loại kiến thức khác nhau. Tại sao trẻ con châu Âu nói chuyện triết học Kant, triết học Hegel… một cách rất nhẹ nhàng? Bởi vì lúc các em chưa kịp có định kiến thì các em đã được tiếp cận một cách vô thức. Về mặt phương pháp luận nhận thức mà nói thì kẻ nào vào sớm nhất trong miền tiềm thức của một con người thì kẻ đó trở thành chủ của bộ não và cái còn lại là sự lựa chọn của chính kẻ đó. Chúng ta để cho trẻ con làm quen sớm với một số khái niệm rất hạn chế, và do đó, trẻ con của chúng ta dù có chương trình tốt đến mấy thì khả năng tiếp cận của chúng cũng rất thấp. Nếu làm toán, học sinh chúng ta làm rất tốt, nhưng suy tưởng toán học thì không tốt. Nếu không làm cho các trường đại học, các cơ sở giáo dục trở nên tự do hơn đối với các tiêu chuẩn bắt buộc phải có về nhận thức mà hiện nay chúng ta đang phổ biến trong xã hội, thì mọi ý đồ, mọi khát vọng về cải cách giáo dục đều là vô ích. Chúng ta sẽ có những sản phẩm giáo dục nói một cách chuẩn hơn về thuật ngữ, có khả năng diễn đạt một cách trôi chảy cái cũ, nhưng để tìm ra cái mới thì rất khó, mà nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra cái mới chứ không phải là diễn đạt trôi chảy cái cũ.
NBC: Chú có nói rằng WTO là một trường học rất lớn. Việt Nam đã nhập đã được bốn năm. Theo chú, nhà nước và nhân dân ta đã học được những gì từ trường học này?
NTB: Đã gần bốn năm kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, có những kinh nghiệm và những bài học đáng kể mà chúng ta cần rút ra.
Thứ nhất là bài học về tính chuyên nghiệp. Điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp nhận được là những bài học về tính chuyên nghiệp, về sự khắt khe của các quan hệ thương mại quốc tế, sự khắt khe về chất lượng hàng hoá, sự khắt khe của luật pháp quốc tế. Chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ để tiếp cận với tất cả những đòi hỏi chất lượng của các thị trường hàng hoá quốc tế, nên chúng ta học được rất nhiều bài, chúng ta thức tỉnh được rất nhiều chuyện.
Những bài học từ các doanh nghiệp giúp chúng ta hiểu rằng, nếu không có một bộ máy nhà nước đủ chuyên nghiệp, không có một tổ hợp kiến thức và một sự chuyển động linh hoạt đủ chuyên nghiệp thì không ứng phó được, không thể thành công được khi tham gia vào quá trình toàn cầu với tư cách là thành viên của WTO.
Thứ hai là bài học về sự cân bằng của nền kinh tế. Tôi cho rằng, một nền kinh tế quốc dân của bất kỳ quốc gia nào cũng chia ra làm hai khu vực hoặc hai nền kinh tế: nền kinh tế để phục vụ tại chỗ, tạm gọi là nền kinh tế bản thể (đại diện là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân) và nền kinh tế tạo ra sự phát triển, tạo ra năng lực cạnh tranh quốc tế (đại diện là các tập đoàn lớn). Tập trung tất cả năng lực kinh tế vào khu vực các tập đoàn lớn để cạnh tranh quốc tế là chúng ta sai.
Khu vực kinh tế nhà nước và các tập đoàn kinh tế lớn có thể tạo ra một sự đột phá trong quá trình cạnh tranh toàn cầu, kể cả cạnh tranh quốc tế, nhưng khu vực vừa và nhỏ nói chung và khu vực tư nhân nói riêng là bộ phận cấu thành nền kinh tế bản thể, nó giải quyết tốt vấn đề công ăn việc làm, vấn đề thu nhập xã hội ở mức trung bình trở xuống, nó đảm bảo sản xuất những hàng hoá phù hợp với tiêu chuẩn tiêu dùng nội địa, tức là nó đảm bảo những nền tảng để ổn định xã hội. Cho nên nhiệm vụ của nhà nước bây giờ là cân đối lại sự phân bố năng lượng phát triển của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam và đấy chính là cải cách cơ cấu nền kinh tế.
Thứ ba là chúng ta cần nhận thức rằng hội nhập quốc tế là một năng lực chứ không phải chỉ là một ý chí. Tất cả những sự dịch chuyển của các dòng lao động, sự dịch chuyển của các dòng tiền vốn, của các dòng công nghệ, các dòng hàng hoá là tự do. Tự do trong khuôn khổ WTO là tự do trong khuôn khổ của những điều chúng ta cam kết. Vì thế, bây giờ chúng ta hội nhập thực sự hay không và hội nhập đem lại lợi ích gì là kết quả của năng lực chứ không phải là kết quả của ý chí nữa. Ý chí của nhà nước, của chính phủ cùng với sự phê chuẩn của Quốc hội về mặt hình thức là có rồi, nhưng cần phải phổ biến nó đến mọi thành viên của xã hội và biến nó trở thành trí tuệ, trở thành hiểu biết, trở thành khát vọng, trở thành nguyện vọng của các lực lượng kinh doanh trong xã hội.
Chúng ta được vào sân chơi, nhưng trở thành kẻ thắng hay kẻ thua là do kết quả của sự cố gắng của chính chúng ta. Bằng việc tham gia tổ chức này, chúng ta đã bắt buộc xã hội phải đi vào cái vùng mà ở đó con người không thể trì hoãn sự cải cách, sự tiến bộ và ỷ lại vào cái vốn cũ được. Chúng ta buộc phải phấn đấu vươn lên và phải thỏa mãn chất lượng của tổ chức này cùng với các vòng đàm phán của nó. Liên tục hoàn thiện là đòi hỏi của tổ chức này, nhưng đòi hỏi ấy không xa rời cuộc sống. Đòi hỏi ấy gắn liền với chất lượng của cuộc sống thương mại tòan cầu. Chất lượng của vòng đàm phán phản ánh cái chất lượng dâng lên của đời sống thương mại toàn cầu. Chúng ta muốn phát triển, muốn thành kẻ sống được trong môi trường toàn cầu thì chúng ta buộc phải liên tục phấn đấu .
http://ngobaochau.wordpress.com/2011/10/15/h%e1%bb%8fi-chuy%e1%bb%87n-ong-nguy%e1%bb%85n-tr%e1%ba%a7n-b%e1%ba%a1t/

Wednesday, October 12, 2011

Thế nào là doanh nhân?

Nhân dịp ra mắt bộ sách Trí tuệ xuất chúng, thiên tài kinh doanh, Alpha Books tổ chức buổi tọa đàm "Tinh thần doanh nhân Việt" với sự tham gia của chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành; doanh nhân Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc InvestConsult Group; ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Alpha Books. Rất nhiều vấn đề liên quan đến tinh thần doanh nhân, thể chế, ý tưởng kinh doanh, tài năng, lập nghiệp... đã được chia sẻ trong cuộc đối thoại. Thanh Niên xin giới thiệu cùng bạn đọc phần lược ghi các ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt trả lời cử tọa.

Thức dậy từ năm 1985
Trước đây ông làm trong cơ quan nhà nước nhưng là một trong những người đầu tiên thành lập công ty tư nhân vào cuối những năm 80 thế kỷ trước. Điều gì đã thôi thúc ông rời bỏ môi trường nhà nước vào thời điểm đó?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không bỏ cơ quan nhà nước. Bởi vì thời điểm việc giảm biên chế là giải pháp mang tính sống còn của nhà nước, tôi rời nhà nước như một sự hy sinh của bản thân chứ không phải vì chán. Giả sử không có mở cửa có lẽ tôi vẫn là cán bộ nhà nước như nhiều người.
Tại sao ông lại có ý tưởng mở công ty tư vấn đầu tư khi mà xuất thân nền tảng của ông là kỹ sư cầu đường?
Nói một cách chặt chẽ thì tôi là một nhà cơ học ứng dụng. Tôi làm nghề nghiên cứu, thiết kế các kết cấu được chôn trong đất, tức là các công trình ngầm. Tôi làm chủ nhiệm bộ môn này tại Viện Khoa học - Công nghệ giao thông vận tải từ năm 1976 sau khi giải ngũ cho đến khi tôi rời Viện năm 1986. Tôi không có bản năng của một nhà kinh doanh, vì trước đó tôi chưa kinh doanh bao giờ. Trước đó xã hội ta không có kinh doanh chính thống. Tôi thì không làm gì không chính thống. Nhưng là người nghiên cứu các khía cạnh khác nhau về đời sống xã hội, đời sống chính trị và những diễn biến quốc tế cuối những năm 70 đưa tôi đến kết luận rằng chắc chắn cộng đồng các nước XHCN có vấn đề... Tôi có nói với TS Zbigniew Brzezinski ở Mỹ là tôi dự báo sự sụp đổ này trước ông ta 10 năm. Bởi vì TS Brzezinski có viết một quyển sách có tên là The Grand Failure.

Trong điều kiện như vậy, VN chúng ta sống bằng viện trợ, tiến hành chiến tranh bằng viện trợ. Và chúng ta sống một thời gian khá lâu trong hòa bình bằng viện trợ đến mức Văn phòng Chính phủ có một Cục phân phối viện trợ. Tôi nhận thấy chúng ta gặp khó khăn và không cẩn thận là sẽ rơi vào rối loạn.
Rất may các nhà lãnh đạo VN lúc đó đã không đẩy đất nước đến rối loạn và chúng ta đã mở cửa. Mở cửa là một phương pháp giải thoát VN ra khỏi rối loạn. Trong điều kiện mở cửa ấy, người Việt không biết gì về kinh doanh, về chủ nghĩa tư bản. Còn người phương Tây thì không biết gì về chủ nghĩa cộng sản, mà chủ nghĩa cộng sản kiểu Việt Nam thì lại càng khó biết. Thành ra tôi nghĩ rằng chắc chắn hai cộng đồng này khi gặp nhau sẽ không hiểu nhau. Và chắc chắn họ cần một đối tượng phiên dịch. Tôi lập công ty để làm việc phiên dịch giúp hai cộng đồng buộc phải hợp tác với nhau trong tình thế không hiểu biết nhau.
Ông có thể chia sẻ một chút về câu chuyện khởi đầu của ông? Hình như ông là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đến New York, vào năm 1985?
Thực tế là muộn hơn một chút, vào năm 1989. Tôi cũng phải nói thế này, nếu lịch sử không có ai chen ngang, chỉ là các dòng chảy tự nhiên của thời gian thì có lẽ tôi cũng có vị trí nào đó. Lúc mọi người còn đang ngủ thì tôi đã thức dậy từ rất sớm. Có lẽ tôi bắt đầu thức từ năm 1985. Thức tỉnh một cách có ý thức về việc học tập các quy luật của nền kinh tế thị trường thì có lẽ tôi bắt đầu nghiên cứu nó từ 1979.
Từ lúc đó tôi bắt đầu nghĩ và nói thật là bắt đầu học, học giáo trình đầu tiên về kinh tế học phương Tây của giáo sư Paul A.Samuelson mà tôi biết Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ đạo Vụ Kinh tế tổng hợp của Bộ Ngoại giao dịch. Tôi đọc một cách say mê. Chúng tôi có lẽ vì cái bế tắc của đất nước mà chịu nghiên cứu, chịu học. Trong lòng thì đầy rẫy các nỗi đau xót, bức xúc. Cuộc sống thực thì đầy rẫy khó khăn. Nhưng chúng tôi học và hiểu ra điều ấy đã mạnh dạn lập công ty, công ty không kinh doanh gì cả ngoài kinh doanh phát triển các quan hệ quốc tế với Việt Nam.
Và phải nói thật vào thời điểm ấy tôi nổi tiếng ở ngoài VN hơn cả các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao của VN. Có kém là chỉ kém những người đứng đầu thôi. Tôi đến đâu cũng được đón rước. Năm 1989 tôi đến Úc, được các bạn hữu bố trí đến gặp một số nhà chính trị quan trọng ở Úc, trong đó có thượng nghị sĩ Kim Beazley, Chủ tịch Công đảng Úc. Lúc đó Công đảng đang cầm quyền. Khi gặp tôi ông hỏi một cách hơi coi thường: “Với tư cách là một thương nhân thì ông gặp tôi có chuyện gì?”. Tôi bảo: “Tôi được giới thiệu rằng ông là một trong những nhà chính trị thông minh nhất nước Úc. Tôi cũng nói chuyện với nhiều nhà chính trị của Úc, nhưng tôi dành những điều tôi sắp nói để nói riêng với ông. Nếu ông thích nghe thì tôi nói, còn nếu không thì tôi xin lỗi, tôi về”. Ông ấy bảo: “Anh có 15 phút”. Tôi nói rằng: “Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa đang co cụm lại từng khu vực, nước Úc với tư cách là một quốc gia châu Âu về mặt chủng tộc, là một quốc gia châu Á về mặt địa lý, vậy nước Úc ở đâu trong xu thế khu vực hóa ấy?”. Ông ấy sững ra và nói: “Xin lỗi ông, chuyện này quan trọng lắm, tôi không nghe một mình được”. Và thế là ông ấy kéo tôi sang một phòng khách lớn và mời 1/3 nội các đến. Tôi đã nói chuyện với họ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giáo dục... và cả mười mấy thượng nghị sĩ nữa. Cuộc nói chuyện ấy kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Và buổi ăn trưa diễn ra tại phòng làm việc luôn.
Cuối 1989 tôi đến Mỹ dịp lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Tôi đi khắp nơi. Có một nhà ngoại giao nổi tiếng từng cộng tác chặt chẽ với Việt Nam là bà Virgina Foote đã tổ chức cho tôi buổi nói chuyện với 700 công ty Mỹ ngay tại Washintgon DC. Tôi đã làm một việc mà có lẽ không người Việt Nam nào dám làm vào thời điểm đó. Tôi đã đến đặt một nhánh hoa lên bức tường tưởng niệm những người Mỹ đã chết trong chiến tranh tại Việt Nam. Người đưa tôi đến là một giáo sư, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ mà tôi quen tại Việt Nam. Ông ta hỏi tại sao tôi lại làm thế? Tôi trả lời: “Con người được xem là giống vật thông minh, nó sẽ không mang theo khái niệm hộ chiếu lên thiên đường”. Khi tôi kể lại câu chuyện này thì ngay lập tức đã thu hút được cảm tình rộng lớn của cử tọa. Cuộc nói chuyện diễn ra rất thú vị. Cho đến nay nhiều người vẫn giữ liên lạc với tôi sau hàng chục năm thông qua những tiếp xúc như vậy. Tôi đến thăm công ty luật của ông Warren Christopher (Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 1993 - 1997) ở Los Angeles. Họ tổ chức chiêu đãi và đã mời cả một ngôi sao điện ảnh rất nổi tiếng lúc đó là Kim Bassinger tham dự. Đến San Francisco ông Jordan, Thị trưởng, mời tôi đến nói chuyện tại một trong những CLB cổ xưa nhất của nước Mỹ là CLB Commonwealth... Tất cả những câu chuyện như vậy đã tạo cho tôi nhiều cơ hội.
Nhưng nguyên nhân mà tôi có được những cơ hội ấy lại bắt đầu ở VN một cách rất thú vị...

“Cú mua quảng cáo kỳ lạ…”
 

“Nguyên nhân mà tôi có được những cơ hội ấy lại bắt đầu từ ở VN một cách rất thú vị”, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt nói về bước khởi đầu của mình. Ông kể: Khi VN còn bị cấm vận, theo luật Mỹ, các công dân của họ sẽ không được tiêu quá 100 USD/ngày trên lãnh thổ Việt Nam. Cho nên không đi máy bay được, không ở khách sạn được. Nhà khách Chính phủ ở Ngô Quyền (Hà Nội) lúc đó rất đắt khách… Tôi có rất nhiều khách. Một hôm có một phụ nữ đi xe đạp đến gặp tôi và nói: “Tôi nghe nói nếu muốn được hỗ trợ thì đến tìm ông”. Đó là nhà báo ảnh Mỹ. Cô ấy cho biết đã đến Tổng cục Du lịch đề nghị hỗ trợ một chương trình chụp ảnh xuyên Việt. Tổng cục Du lịch đã ra giá 4.000 USD cho chương trình kéo dài một tháng. Nhưng cô ấy không chấp nhận do quá quy định của Chính phủ Mỹ. Tôi nói tôi sẽ giúp cô. Lúc đó cô ấy hỏi giá bao nhiêu thì tôi không nói, chỉ bảo cô ấy đưa chương trình. Tôi phân công anh em dẫn cô ấy đi chụp ảnh, phỏng vấn người này người kia. Sau khoảng 2 tháng hướng dẫn cô đi đâu gặp ai để làm việc, tôi chỉ viết biên lai nhận 500 USD tiền thù lao. Cuốn sách của cô ấy ra đời lấy tên là Miền đất của chín con rồng (The Land Of The Nine Dragons - tác giả Nevada Wier).

Rất nhiều người lúc đó đã trách tôi là sao lại lấy giá thấp như thế. Tuy nhiên, sau đó, trên tất cả các phương tiện truyền thông mà cô ấy có ảnh hưởng, người ta đều nhắc đến tôi. Và ở chương đầu của cuốn sách ảnh của cô ấy, những gì tôi nói đều được trích dẫn. Các tờ báo Mỹ sau đó khi nhắc đến VN đều nhắc đến tôi. Thậm chí một tờ báo Mỹ đăng ảnh tôi còn chú thích “Nguyễn Trần Bạt kẻ khai sinh ra chủ nghĩa tư bản ở VN”. Vợ tôi lúc đó sợ lắm.
Đó là một cú mua quảng cáo kỳ lạ nhất 25 năm “Đổi mới”. Các bạn thử nghĩ xem, nếu quảng cáo để được xuất hiện cùng một lúc trên những tờ báo lớn như vậy trên thế giới, nhất là trên cuốn sách xuất bản đầu tiên về Việt Nam thì tôi phải mất bao nhiêu tiền? So với mức giá 4.000 USD như của Tổng cục Du lịch thì tôi vẫn lãi không tưởng tượng được.
Xin vào để ra…
Sự mở đầu thứ hai, tôi là trường hợp tham gia vào tư nhân hóa công ty đầu tiên ở Việt Nam. Lúc đó có tiếng rồi, tôi tham gia vào quá trình tư nhân hóa công ty may mặc của chị Sơn ở TP.HCM (*). Tôi được Crédit Lyonnais và UNDP mời tham gia và tôi học ở đó rất nhiều “bài” về tư nhân hóa. Khi các nghị định của Chính phủ về các công ty nằm trong khối sự nghiệp có thu hết hiệu lực, tôi làm xong cái việc là mời Vụ Văn xã của Bộ Tài chính kiểm toán công ty tôi trước đó rồi. Tôi có nói với anh Phạm Vinh lúc đó là Vụ phó, sau này là Vụ trưởng Vụ Tài vụ của Bộ Tư pháp là anh làm thế nào thì làm, phải chứng minh công ty tôi không có đồng xu nhỏ nào là tài sản XHCN.

Sau khi có giấy chứng nhận của Bộ Tài chính xong, tôi làm đơn xin thành lập doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng Đỗ Quốc Sam, thầy giáo của tôi bảo “Không có xu nào của nhà nước mà đòi làm quốc doanh. Không được, ra ngoài”. Thế là GS Đỗ Quốc Sam đã đuổi tôi ra ngoài khu vực nhà nước như một quyết định tư nhân hóa. Mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị cho tư nhân hóa từ trước đó rồi nhưng nếu chúng tôi tỏ thái độ chán Nhà nước, chán CNXH, chán Đảng thì lúc đó chắc chắn tôi sẽ bị nhìn như một con vật dị dạng vào thời điểm đó. Nhưng nếu tôi xin “kết hôn” với khu vực nhà nước mà bị đuổi ra thì tội đó là không phải là tội của tôi.
Đó là 2 kỷ niệm mà tôi muốn kể.
“Doanh nhân” là một bản năng
Tinh thần doanh nhân Việt Nam hiện nay được đánh giá là khá cao, thậm chí còn cao hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên trong quá khứ đã có nhiều câu chuyện khá đau xót về thân phận các doanh nhân. Ông có thể kể/đánh giá về những thăng trầm của doanh nhân Việt Nam trong hơn 30 năm qua?
Thăng trầm lớn nhất của thân phận doanh nhân Việt chính là quan niệm giá trị của nó trong đời sống văn hóa Việt Nam. Cái rào cản lớn nhất, cái barie to nhất là cái người ta khinh “bọn” doanh nhân như thế nào. Trong nhiều năm chúng ta chưa và không chịu tự giải phóng mình ra khỏi sự cùm kẹp tinh thần. Tôi có viết một quyển sách về tự do. Trong đó tôi phân chia miền tự do ra làm hai. Tự do bên ngoài là thể chế. Tự do bên trong là nhận thức, năng lực tự nhận thức của con người…
Người Việt ít người biết được rằng nền tảng của khái niệm xã hội dân sự là bắt đầu từ khái niệm công ty. Cho đến giờ vẫn cãi nhau là có được phép xây dựng xã hội dân sự hay không, các tổ chức xã hội dân sự không? Nên luật về nó đang nằm đắp chiếu đâu đó. Người ta vẫn ngại các tổ chức, cái được gọi là xã hội dân sự. Nhưng người ta quên tổ chức xã hội dân sự căn bản nhất của mọi xã hội chính là doanh nghiệp. Họ không muốn ghép khái niệm công ty vào trong khái niệm xã hội dân sự.
Nếu không xây dựng công ty cho mình thì mình không có một miền đất tối thiểu hay miền đất cắm dùi về tinh thần của con người để sống một cách độc lập. Đó là công cụ xây dựng không gian tự do cho riêng mỗi một con người. Khi nói về tinh thần kinh doanh phải nhìn nhận rằng xây dựng công ty chính là xây dựng những tế bào cơ bản của xã hội dân sự và các bạn mới thấy được chúng ta tự do. Muốn xây dựng phải yêu nó và hiểu giá trị thật của nó.
Nghề nghiệp và công việc của tôi ở vào tuyến đầu của những xung đột chính trị xã hội vào những năm 1990. Đó là giao du và lôi kéo chủ nghĩa tư bản vào Việt Nam. Phải vượt qua tất cả và còn phải làm sáng tỏ nhiều nhận thức ở đội ngũ những người chịu trách nhiệm quản lý đất nước, phải cấy từng thuật ngữ, và phải gọi khéo đi từng khái niệm căn bản một… Bây giờ mới có một miền rất rộng lớn để các bạn tự do, chỉ cần vượt qua mình để thành lập được công ty.
Rủi ro là có trên tất cả các khía cạnh. Rủi ro là miền đất khống chế người Việt vì thế nên người Việt mới buộc phải cân nhắc nhiều quá. Buộc phải khích lệ nhiều quá. Buộc phải có ngày 13.10 là Ngày Doanh nhân. Trên thế giới chẳng có nước nào có Ngày Doanh nhân cả. “Doanh nhân” là một bản năng tự nhiên của con người. “Doanh nhân” là hành vi bản năng gần với các hành vi có tính chất sinh học. Nhưng chúng ta lại phải cần có một ngày để khích lệ. Chỉ nguyên việc phải ra đời một ngày để khích lệ hành vi mang tính bản năng ấy đã là một hành vi mang tính tiêu cực rồi.
“Những khoảng trống mênh mông”
Thế hệ các ông khởi đầu trong một thời kỳ rất khó khăn nhưng đó cũng là thời kỳ còn nhiều khoảng trống. Theo ông, thế hệ doanh nhân ngày nay còn khoảng trống nào, cơ hội nào để nắm bắt và cạnh tranh với các ông?
Các bạn không có cơ hội cạnh tranh với tôi nữa vì tôi về đích rồi (cười). Tôi giờ là một kẻ quan sát cuộc đua của các bạn. Bạn hỏi có còn khoảng trống nào? Tôi xin trả lời là chúng ta có mọi khoảng trống. Nếu nhìn cuộc đời theo mặt phẳng, chúng ta thấy đông đúc lắm, chật chội lắm. Nhưng nếu dựng trục Z lên chúng ta sẽ thấy khoảng trống còn mênh mông. Tôi nghĩ chúng ta có thể kinh doanh ở level chúng ta thấy đông đúc, có va chạm vui vẻ. Cạnh tranh cũng vui vẻ lắm chứ không chỉ có giết nhau đâu. Buôn có bạn, bán có phường mà. Sự tụ họp thành phường hội là niềm vui mà buôn bán kinh doanh mang lại. Nếu nói những người làm kinh doanh khó tâm sự với nhau là không đúng, không hiểu lớp trẻ đâu. Họ chia sẻ và thậm chí là thưởng thức cả sự thất bại nữa. Tôi hiểu tâm lý ấy.
Nhưng nếu các bạn nhìn lên trên cái tầng mà các bạn thấy đông đúc các bạn sẽ thấy còn những khoảng trống mênh mông. Chiếm lĩnh cái khoảng trống ấy là tài chính và ngân hàng. Trong một quyển sách mà tôi có nói đó là sự lộng hành của yếu tố trí thức trong nền kinh tế hiện đại. Không có chính phủ nào, tổng thống nào hay nhà nước nào có thể hiểu hết thủ thuật các nhà tài chính hiện đại. Nó có thể lừa toàn bộ các chính phủ và thậm chí là cả loài người về các khái niệm phái sinh. Đấy là điều tôi đã cảnh báo cách đây 5 năm.
Tôi cho rằng khoảng trống là mênh mông. Nếu cảm thấy mặt bằng đang sống “chật chội” các bạn có thể mạnh dạn lên tầng 10 kinh doanh, không sao cả. Xã hội hiện đại hoàn toàn có khả năng kết nối giữa các tầng không liên tục.

Đâu là tài năng thực sự?
Trong cuốn sách Đối thoại với tương lai ông có nhắc đến các khái niệm Tự do, Tự lập, Tự trọng. Theo ông doanh nhân Việt đã có được bao nhiêu chữ “tự” trong đó rồi?


Doanh nhân NGUYỄN TRẦN BẠT
Tự do là một khái niệm tự nhiên, có trước khi cả con người sinh ra. Tự do là của thượng đế, của trời đất, thuộc về tự nhiên. Không có nhà nước nào được gọi là tiến bộ nếu tẩy chay khái niệm này. Nhưng Tự do không phải là muốn làm gì thì làm. Tự do bên trong mình, ý nghĩ của mình thì muốn nghĩ gì thì nghĩ. Nhưng hành động thì phải chiếu cố đến quyền ấy, quyền tự nhiên của người khác. Cái đó tạo nên nhà nước. Sự không giẫm đạp lên các quyền (tương tự) của nhau là bản chất triết học của nhà nước. Không nghĩ ra được điều ấy thì không có đủ tư tưởng để xây dựng nhà nước.
Hai là Tự lập, đây là một phẩm hạnh. Muốn làm người phải tự lập. Và nếu không tự lập thì lãng phí Tự do.
Tự trọng là một thái độ đạo đức. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa Tự trọng và Tự ái. Tự ái mang lại các sự khúc mắc có chất lượng bất hạnh. Tự trọng thì không, Tự trọng nuốt vào bên trong tạo ra ý chí cho con người.
Đấy là 3 khái niệm cũng bắt đầu bằng chữ “tự” nhưng là 3 phạm trù khác nhau của đời sống. Việc phân biệt là rất cần thiết để minh bạch trong nhận thức. Còn trong đời sống người nào có ba phẩm chất ấy các bạn chỉ cần nhìn vào mặt là biết ngay thôi.
Họ là người tài?
Có thể nói tùy định nghĩa người tài là như thế nào. Tài năng là khái niệm nhân tạo và mọi người đều định nghĩa cả. Ở nước ta vài chục năm trước đây khi bầu chọn giáo sư thì có cả bà bếp trưởng tham gia bỏ phiếu cơ mà. Thầy của tôi, GS Đỗ Quốc Sam, GS Đặng Hữu khi được lựa chọn làm giáo sư thì trong hội đồng bỏ phiếu có cả người nấu bếp của khoa. Tôi đã dự những cuộc bỏ phiếu như thế.
Tùy quan niệm, định nghĩa đòi hỏi mà chúng ta có định nghĩa tài năng là như thế nào. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng tài năng là cái phải đi tìm nó. Đem quyền lợi, tiền bạc ra nhử rất nhiều kẻ bất tài chạy đến, còn người tài chạy xa. Các bạn cứ đo độ xoay mình của véc-tơ của một con người trước quyền lợi, các bạn sẽ thấy được đâu là tài năng thật sự.
Doanh nhân và thể chế
Thời điểm cuối những năm 90 thế kỷ trước, đất nước ta hết sức khó khăn và cũng từ đó có những bước chuyển đổi và tạo ra một thế hệ những doanh nhân như ông. Hoàn cảnh hiện tại của VN hiện nay cũng đầy những khó khăn. Theo ông liệu đây có phải thời điểm thích hợp để sản sinh ra một thế hệ doanh nhân mới với những tinh thần doanh nhân mới hay không?
Đây là một câu hỏi rất thông minh. Rất có thể là như thế. Và tôi đang nghĩ sự bế tắc của thời điểm chúng ta đang sống đây không chỉ ra đời một thế hệ doanh nhân mới mà rất có thể còn ra đời những thế hệ mới khác. Báo hiệu một sự xoay chuyển, một sự đổi mới khác của đất nước theo hướng tích cực.
Thời điểm lập nghiệp của thế hệ doanh nhân hiện nay khác nhiều với thời kỳ của ông. Vậy theo ông các doanh nhân cần xây dựng lòng tin với thể chế như thế nào?
Tôi chưa bao giờ đặt lòng tin vào bất cứ thể chế nào. Cho nên nói doanh nhân cần phải xây dựng lòng tin vào thể chế như thế nào là không đúng. Doanh nhân tin vào sức mạnh của mình để vượt qua bất cứ sự cản trở nào của thể chế. Đấy là bản lĩnh của kinh doanh. Không nên xét nghiệm bản lĩnh của doanh nhân dựa vào thái độ của nó với thể chế mà phải xem nghệ thuật của nó vượt qua trở ngại từ các thể chế như thế nào. Mọi tiến bộ trên thế giới đều là kết quả của nghệ thuật ấy.


''Kinh doanh là một cuộc leo núi, bắt đầu bằng niềm say mê. Những thứ còn lại như phương tiện, vốn liếng, kinh nghiệm... các bạn sẽ nhặt dọc đường'' - Doanh nhân NGUYỄN TRẦN BẠT

Xin hỏi ông có cách gì để doanh nhân tự khích lệ mình và những người xung quanh khi mất tinh thần?
Nỗi buồn hằng ngày của một con người đối với công việc của mình, với con cái, gia đình là chuyện xuất hiện thường xuyên. Vì thế không nên nhầm lẫn sự lo lắng mang tính bản năng của một con người với sự lo lắng có tính chất xã hội, chính trị. Lo lắng những tác động tiêu cực của thể chế đến công cuộc kinh doanh của mình là việc phải làm hằng ngày của các nhà kinh doanh. Có lần tôi đến nói chuyện ở Trường Đảng Nghệ An. Có một anh đứng lên nói với tôi rằng “Tôi đến nghe chuyện kinh doanh mà từ sáng đến giờ ông toàn nói chuyện chính trị. Lần sau biết thế này tôi sẽ không đến nghe ông nữa. Ông cảm thấy điều đó thế nào?”. Tôi trả lời, anh vừa gọi tôi là doanh nhân thành đạt, vậy tôi xin nhắc anh là một doanh nhân thì không bao giờ bỏ về khi nghe chuyện chính trị. Anh nghiên cứu thể chế như một điều kiện biên của kinh tế. Anh hiểu nó và trong chừng mực nào đó có tác động tích cực đến sự “nở ra” của nó, từ lượng đến chất tạo ra tính chất cách mạng.
Chín chắn, tinh khôn và thiển cận
Các anh có nói dường như lớp doanh nhân trẻ ngày nay rất thực dụng với việc kinh doanh mà ít có sự có say mê trong kinh doanh. Tôi không đồng ý vì cho rằng lớp trẻ vẫn có say mê. Nhưng chỉ có say mê thì chưa đủ, làm thế nào để có thể kinh doanh khi mà họ không có những điều kiện khác, ví dụ như vốn...
Trong một buổi nói chuyện ở ĐH Tài chính, một bạn sinh viên nữ có hỏi tôi là chúng cháu khi đi xin việc đến đâu cũng bị đòi phải có 2 năm kinh nghiệm, vậy chúng cháu phải làm thế nào. Tôi có nói thế thì đừng xin việc ở những chỗ như vậy nữa. Không có kẻ dại nào khi lấy vợ lại đòi vợ mình có 2 năm kinh nghiệm cả. Cứ làm đi. Tôi có quen một người bạn, là giáo sư đại học hẳn hoi. Anh ta định kinh doanh và có nói với tôi là đã chuẩn bị thế này, thế kia. Nhưng sau nhiều năm không thấy kinh doanh gì. Sau đó anh ấy có đến gặp tôi và muốn thảo luận thêm với tôi về việc kinh doanh. Tôi bảo anh ấy, này cậu, cậu như một kẻ leo núi, đã có đủ tất cả, có giày, có dây, có móc. Mỗi tội là cậu không chịu leo. Kinh doanh là một cuộc leo núi, bắt đầu bằng niềm say mê. Những thứ còn lại như phương tiện, vốn liếng, kinh nghiệm... các bạn sẽ nhặt dọc đường.
Vấn đề là phải xây dựng cho được teamwork của mình và hạt nhân đầu tiên chính là ý đồ của mình. Sự chín chắn của kẻ bắt đầu là ở ý đồ. Sự tinh khôn của kẻ bắt đầu là biết nhặt dọc đường những thứ mình gặp. Chín chắn là biết giấu bớt những lợi tức mình nhặt được dọc đường để phòng những lúc khó khăn. Tôi thấy một nhược điểm rất rõ của một số doanh nhân hiện nay đó là tiêu hoang một cách vô lối nhằm thị uy với xã hội về sự kiếm được của mình. Đó là biểu hiện quan trọng nhất của sự thiển cận.

Sunday, October 2, 2011

TS. Lê Đăng Doanh: “Cần có đổi mới lần hai”

Hỏi ông có bi quan quá không khi khẳng định rằng, “không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”, ông liền hỏi lại, “thế bạn thấy có ai phản đối không?”.

Câu chuyện giữa VnEconomy với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, diễn ra khi không khí của cuộc hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM vẫn còn đang “nóng hổi”.

Là diễn giả đăng đàn thứ ba với chủ đề “Điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tái cơ cấu và cải cách kinh tế” tại hội thảo này, ông Doanh đã hơn một lần nhấn mạnh rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật và “cần có đổi mới lần hai” một cách sâu sắc, toàn diện.

Phải nói thẳng

Thưa ông, nhận định nền kinh tế đang ở tình trạng “xấu nhất từ năm 1991” đã được “kiểm nghiệm” ở diễn đàn nào chưa?

Chưa đâu, đây là lần đầu tiên tôi đưa ra nhận định này.

Các ý kiến tại hội thảo đều rất dễ dàng thống nhất là nền kinh tế đang rất khó khăn, song nếu khái quát như ông thì liệu có vội vàng quá không?

Thì bạn đã nghe cả tại hội thảo rồi đấy. Phải nói thẳng là tình hình đang rất xấu.

Xét về tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam cũng như sự giảm sút niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước… đều đang ở mức trầm trọng.

Đáng chú ý là sức khỏe của hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều vấn đề, tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Mức tín nhiệm của Việt Nam bị các công ty nước ngoài hạ thấp đến mức B-, tức là mức thấp nhất trước mức C.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm 6 bậc trong năm 2011, xuống vị trí 65 trên 142 nền kinh tế. Tích lũy từ nội bộ kinh tế liên tục giảm sút, để duy trì mức đầu tư cao, nước ta đã tăng vay mượn nước ngoài, không chỉ qua nguồn ODA mà còn cả qua các kênh bán trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính quốc tế và bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay mượn thương mại với lãi suất cao. Số nợ của khu vực doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản cũng tăng cao rồi.

Nợ nước ngoài lên đến 42% GDP, cao nhất từ 1998 đến nay. Nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ bảo lãnh và phải trả nợ thay khi doanh nghiệp chưa trả được, như trường hợp xi măng Đồng Bành vừa qua, thì tổng số nợ đã vượt quá 100% GDP.

Một vấn đề nữa rất đáng chú ý hiện nay là chênh lệch giàu-nghèo tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, bên cạnh những người nghèo gặp khó khăn rất lớn trong đời sống, chữa bệnh, cho con đi học..., đã xuất hiện những hiện tượng phô bày sự giàu có, xa hoa theo kiểu trọc phú, rất xa lạ với truyền thống dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Rồi, tội ác hình sự, các hành vi bạo lực và các tệ nạn xã hội tăng nhanh, tình hình trật tự xã hội có diễn biến phức tạp, người dân lương thiện cảm thấy kém an toàn khi đi ra đường hay đến nơi đông người.

Nhưng thưa ông, chúng ta vẫn thường nghe các đánh giá là kinh tế - xã hội đang có chuyển biến tích cực?

Tất nhiên hiện thực là bức tranh nhiều màu sắc. Bên cạnh những “khoảng tối” như tôi vừa nói thì cũng có điểm sáng, như sản xuất nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu gạo… vẫn tăng.

Bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp phải ngừng sản xuất thì cũng có doanh nghiệp làm ăn được. Ví dụ doanh nghiệp Mỹ Lan ở Trà Vinh chế ra vật liệu nano xuất khẩu, hay gốm sứ Minh Long cũng có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có năng lực cạnh tranh…

Những điểm sáng như vậy có thể tìm thấy ở tất cả các lĩnh vực, các địa phương, nhưng chính những doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn vì lãi suất cao, lạm phát làm chi phí đầu vào tăng nhanh.

Những điểm sáng đó mình phải thừa nhận, song một vài con én nhỏ không làm nên mùa xuân, không làm thay đổi được cục diện.

Vậy nên đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật, phải có sự chuyển hướng chiến lược để khôi phục lại niềm tin của dân và các nhà đầu tư.

“Đổi mới lần hai”

Xin mạn phép hỏi ông, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, dù sao khi đã nghỉ hưu rồi thì cũng dễ “nói mạnh” hơn khi còn đương chức?

Với tôi thì không phải, tôi luôn luôn nói sự thật, vì thế nhiều phen sóng gió lắm rồi đấy, nhưng chắc bạn không biết rõ vì khi ấy bạn còn trẻ.

Còn ở tình thế hiện nay thì tôi thấy cả các anh đương chức cũng nói thẳng là chúng ta không nên ảo tưởng nữa, và nếu không điều chỉnh cho sát thực tế hơn thì kế hoạch 5 năm tới sẽ không thể thực hiện được.

Bởi thế nên ông mới kiến nghị “tình hình kinh tế-xã hội rất không bình thường này cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012”?

Theo tôi thì đã đến lúc Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất cần có quyết định cải cách mạnh mẽ, mà tôi tạm gọi là đổi mới lần thứ hai, để tránh khủng hoảng.

Như đã nói, cần điều chỉnh kế hoạch 5 năm tới. Trước mắt, cần có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với tái cơ cấu và cải cách toàn diện trong ít nhất là hai năm 2012-2013, trước khi tiếp tục thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Mục tiêu của kế hoạch này là giảm lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu, cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bằng những cải cách mạnh mẽ trong thu-chi ngân sách, cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, hoạt động đầu tư, thực hiện tinh giảm bộ máy nhà nước đã phình to lên nhanh chóng trong thời gian qua, cắt giảm biên chế hành chính.

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, giảm hẳn các khoản chi tiêu còn để ngoài ngân sách, thực hiện sự giám sát đầy đủ, chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử về chi tiêu ngân sách. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Mua sắm công, ban hành Luật Đầu tư công nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí, chia chác trong nhóm lợi ích.

Khâu trọng tâm là cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện mô hình quản lý‎ dựa trên kết quả, công khai minh bạch như những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Khác với lần đổi mới thứ nhất - chủ yếu là cởi trói và giải phóng sức sản xuất, được sự ủng hộ của đông đảo nông dân và quảng đại quần chúng - đổi mới lần này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế và xã hội.

Có thể, một số nhóm lợi ích đang được hưởng lợi lớn sẽ không ủng hộ một cuộc đổi mới như vậy. Đó là nhiệm vụ khó khăn cần phải vượt qua, và cũng là sứ mệnh vẻ vang của thế hệ lãnh đạo hiện nay.

Phản biện chính sách cần được làm chu đáo hơn

Trong số các giải pháp để “chữa bệnh” bất ổn, nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm thu, giảm chi và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông có chia sẻ?

Giảm thu, giảm chi thì rất đúng rồi. Tập trung ổn định vĩ mô và phải khoan sức dân, bớt thuế bớt chi tiêu đi.

Tôi cho rằng cần phải phát động phong trào toàn dân cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một vị giáo sư người Nhật nói với tôi trước đây ông ấy đến Việt Nam thì được mời rượu Johnnie Walker đỏ, còn bây giờ thì họ mời Chivas giá mười mấy triệu. Và ôtô người Việt đi cũng sang hơn trước đây nhiều. Ở Nhật, không bao giờ một quan chức nào có thể mời bạn uống rượu sang như vậy bằng tiền ngân sách.

Vì thế cần phải tiết kiệm, trong đó thì cơ quan nhà nước cần gương mẫu trước.

Còn về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thì tôi đã nói nhiều lần là cơ chế quản lý của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, nhưng không phải là không khắc phục được.

Đi Trung Quốc, tôi được Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp của Trung Quốc cho biết là đã áp dụng chế độ quản lý theo hiệu quả, nhưng doanh nghiệp nhà nước bên đó cũng còn rất nhiều vấn đề.

Hỏi thế làm thế nào để khắc phục thì ông ấy cho biết là yêu cầu một nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia khảo sát và đề ra một hệ tiêu chí, như phải tăng năng suất bao nhiêu, đổi mới công nghệ thế nào, lương thưởng bao nhiêu… sau đó công khai đăng lên. Ai có phương án thì gửi đến, rồi mời hội đồng nghe báo cáo, bỏ phiếu kín, người được phiếu cao nhất thì bổ nhiệm làm lãnh đạo 3 năm. Năm đầu làm không tốt thì không lên lương, năm thứ hai vẫn không làm được thì hủy hợp đồng không cho làm nữa và thay băng người khác.

Tại sao họ làm được mà Việt Nam mình chưa làm được?

Nhân nói đến vai trò của các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, có chuyên gia tự phê là ý kiến nào cũng nhấn mạnh phải tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng để góp ý cho Chính phủ tái cơ cấu bắt đầu từ đâu thì đội ngũ các nhà khoa học cũng chưa làm được nhiều. Ông có thấy “chạnh lòng” không ạ?

Lần gần đây nhất được mời đến hội nghị tham vấn cho Chính phủ thì tôi lại đang hội thảo ở nước ngoài nên không dự được, rất tiếc.

Đóng góp cá nhân thì có cũng có thể chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng tôi nghĩ chúng tôi luôn cố gắng đóng góp.

Chỉ có điều vai trò phản biện cũng chưa được coi trọng đúng mức, thể hiện ở cách làm vội vã. Thông báo trước hai ngày bảo mời anh đến thì làm sao mà chuẩn bị tốt được. Lẽ ra anh phải đặt hàng trước một số vấn đề để người tư vấn có thời gian chuẩn bị thật tốt. Sản phẩm 24 tiếng dĩ nhiên phải khác với sản phẩm được nghiên cứu nghiêm túc trong 2, 3 tháng chứ.

Cho dù như vậy thì có còn hơn không, thưa ông?

Rõ ràng chứ, chỉ có điều cần mở rộng hơn nữa. Tôi tin là nếu có quyết tâm cải cách, chúng ta sẽ làm được, làm tốt.

http://vneconomy.vn/20110928090152763P0C5/ca-phe-cuoi-tuan-can-co-doi-moi-lan-hai.htm