Sunday, August 18, 2013

“Giữ gìn sự trong sáng” hay triệt tiêu?


Tiếng nói/ ngôn ngữ của mỗi quốc gia dân tộc, bất kể quốc gia dân tộc nào, đều là một thứ tài sản vô giá, trước hết, với chính quốc gia dân tộc ấy. Nó là căn cước văn hóa của dân tộc. Mất căn cước văn hóa, dân tộc không là gì, không còn gì cả.
Chẳng thế mà trước đây ngót một thế kỷ, ông chủ bút Nam Phong tạp chí, nhân một dịp diễn thuyết về thi hào Nguyễn Du và danh tác Truyện Kiều, đã khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Và về sau này, với tình yêu tiếng Việt vô hạn, thi sỹ Lưu Quang Vũ đã viết những câu thơ dào dạt đắm đuối: “Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ/ Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay/ Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay/ Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt/ Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời…” (Tiếng Việt). Vậy nên, ở bình diện lý trí, việc giữ gìn tiếng nói/ ngôn ngữ dân tộc mặc nhiên đã trở nên một yêu cầu mang tính bắt buộc và thường trực. Trong trường hợp Việt Nam, yêu cầu ấy từng được một nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước - cố thủ tướng Phạm Văn Đồng – nhấn mạnh, cụ thể hơn, như một chân lý: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Nhưng trong bối cảnh xã hội nước ta hiện nay, khi trình độ dân trí rõ ràng đã được nâng lên rất nhiều so với trước, và sự hội nhập với thế giới đang diễn ra hằng ngày, lại nảy sinh một câu hỏi: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như thế nào? Câu hỏi không hề là ngẫu nhiên, chỉ cần chúng ta nhìn thực tế đời sống của văn học dịch thời gian gần đây sẽ thấy: cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt” luôn được dẫn ra như một chuẩn mực để định giá chất lượng bản dịch tiếng Việt của những tác phẩm văn học nước ngoài. Hơn thế, như một lời răn đe trước những bản dịch bị coi là luộm thuộm, lủng củng, xa lạ, tối nghĩa về hành ngôn tiếng Việt. Quả đúng là đã có không ít bản dịch như vậy, và không gì khác hơn, chúng là sản phẩm tồi của những người dịch kém. Nhưng ngược lại, oái oăm thay, cũng có nhiều trường hợp bị kết án oan, và ở những trường hợp ấy, cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt” nhiều khi chỉ đơn giản là một thứ vũ khí sẵn có, được người ta sử dụng cũng chính bởi sự sẵn có ấy, như một quán tính.
Bản dịch tiểu thuyết Lolita của Dương Tường là một ví dụ. Khỏi phải nói, dịch Lolita, nghĩa là dịch giả chấp nhận đối mặt với thách thức cực lớn. Bởi nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov vốn khét tiếng thế giới như một phù thủy về ngôn ngữ. Tiểu thuyết Lolita của ông trùng điệp những ẩn dụ, những trò chơi ngôn từ, những cấu trúc câu, những liên văn bản và xuyên văn bản bất tận, cực kỳ… quái đản! Tóm lại, theo nghĩa nào đó, Lolita là một mê cung ngôn ngữ mà người viết bày ra với mục đích, không gì khác, để tạo sự mờ đục làm rối trí người đọc. (Thứ văn chương làm rối trí người đọc cũng cần thiết, ít nhất, ở mức ngang bằng với thứ văn chương khiến người đọc được thư giãn). Trước một tác phẩm như vậy – một tác phẩm đã được chúng khẩu đồng từ xếp vào hàng kinh điển của tiểu thuyết hiện đại – mà dịch ra tiếng Việt sao cho đơn giản, dễ hiểu, “trong sáng”, thì cũng chính là cách xuyên tạc tác giả hiệu quả nhất. Một dịch giả lão thực như Dương Tường không chọn cách này. Ông trung thành với phong cách ngôn ngữ của Nabokov. Dịch Lolita, đến chỗ nào văn bản trở nên đa nghĩa hoặc quá tối nghĩa với người đọc, Dương Tường dùng chú thích. (Có tất thảy gần năm trăm chú thích trong bản dịch Lolita, được dịch giả khảo cứu từ nhiều nguồn, một sự nỗ lực và thận trọng hiếm thấy trong hoạt động dịch văn học ở ta hiện nay – không nên quên rằng trong bản dịch Lolita tiếng Pháp của Eric Kahane, bản dịch được chính Nabokov đánh giá rất cao, thậm chí chẳng có lấy một chú thích nào. Và do vậy, câu văn dịch “trên dòng kẻ có những dấu chấm” cùng lắm chỉ là một điều gây tranh cãi nho nhỏ của Dương Tường, người chủ ý không chịu diễn nôm hình ảnh mà tác giả sử dụng thành ý trực tiếp – chủ ý này không đáng để thiên hạ đổ xô vào đay đi nghiến lại như thể trời sắp sập). Nhưng những người đọc thụ động thì không đủ hứng thú và lòng kiên nhẫn để đi theo một trò chơi ngôn ngữ quá rắc rối. Họ khó chịu, và đó là dịp quá tốt để cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt”, luôn sẵn đấy, lại được dẫn ra như một lời răn đe.
Ví dụ này gợi nhớ đến cố dịch giả Cao Xuân Hạo. Sinh thời, ông Cao Xuân Hạo từng phàn nàn về chuyện có tác phẩm nào đó của F. M. Dostoievsky (xin miễn cho người viết việc phải nêu tên) được dịch ra tiếng Việt bằng một văn phong hết sức “trong sáng”, mềm mại, uyển chuyển, dễ đọc, và đọc rất “dễ chịu”. Trong khi trong nguyên tác tiếng Nga thì đó là một cách hành văn với tiết tấu giật cục, gấp gáp, tác giả cố ý sử dụng kiểu ngôn từ tạo cảm giác u ám, nặng nề đến tức thở, nhiều chỗ lại là sự thống ngự của những lớp ngôn từ thô thiển. Tác phẩm gốc như thế và tác phẩm dịch như thế, thì dịch đích thị là diệt, và cái quan niệm cứng nhắc về “sự trong sáng của tiếng Việt” chính là thứ vũ khí quá tốt để tiêu diệt phong cách của thiên tài văn học Nga. (Dịch giả Cao Xuân Hạo, vốn dĩ là người rất dị ứng với hệ tiêu chí “Tín, Đạt, Nhã” do dịch giả Trung Quốc Nghiêm Phục đưa ra, từng kêu lên đầy bực tức, rằng nếu như ở tác phẩm gốc, tác giả cố tình viết một cách thô tục, mà người ta lại cứ chăm chăm phải dịch ra tiếng Việt sao cho được Nhã, thì phải dịch cách gì đây để bảo đảm trung thành với nguyên tác?)
 Từ hai ví dụ trên, ít nhất, có thể rút ra một điều: nên có quan niệm và ứng xử cởi mở hơn trước yêu cầu “phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Ngôn ngữ không phải là một hệ thống nhất thành bất biến. Nó như một sinh thể, thường xuyên vận động, thêm vào và mất đi, liên tục được làm mới. Mà một trong những con đường làm mới ngôn ngữ hiệu quả nhất, chính là việc dịch văn học. Lịch sử văn học dịch Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XX đã cho thấy: thông qua sự tiếp xúc và chuyển hóa những tác phẩm văn học thuộc các ngôn ngữ khác, tiếng Việt đã hấp thụ vào mình nhiều lớp ngôn từ mới, nhiều cấu trúc câu văn mới, nhiều mô hình tư duy ngôn ngữ mới, và đã trở nên giàu có hơn từ đó. Hãy cứ hình dung: nếu trước năm 1945 mà không có những bản dịch các tiểu thuyết chương hồi của Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục (Tam quốc chí diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc), không có những bản dịch An Na Kha Lệ Ninh (Anna Karenina) của Vũ Ngọc Phan, Những kẻ khốn nạn (Những người khốn khổ) của Nguyễn Văn Vĩnh, và nhiều nhiều dịch phẩm văn học khác nữa, tiếng Việt của chúng ta chưa chắc đã đạt tới sự đa dạng và thanh thoát như bây giờ. Bởi vậy, nếu cứ khăng khăng “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” với mặc định rằng đó là một di sản ngôn ngữ đông cứng, thì hậu quả sẽ không chỉ là sự triệt tiêu phẩm tính đặc dị trong phong cách nghệ thuật của các tác giả văn học nước ngoài, mà còn là sự triệt tiêu khả năng phong phú hóa của bản thân tiếng Việt.
 Với văn học dịch là thế. Còn với sáng tác văn học trong nước thì sao? Có lẽ chỉ cần nói ngắn gọn: chúng ta không ủng hộ những sự làm xấu tiếng Việt, nhưng cũng không nên bám chặt vào một sự “trong sáng” mơ hồ nào đó của tiếng Việt để đóng sập cửa trước những nỗ lực cách tân ngôn ngữ văn chương. Xét cho cùng, “sự trong sáng của tiếng Việt” không ngưng đọng vào chỉ duy nhất một hình thái nào đó. Lối viết văn tiếng Việt với dày đặc những câu biền ngữ, đăng đối như trong các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh hay trong Nho Phong của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, là biểu hiện của một thứ tiếng Việt “trong sáng”. Nhưng cũng “trong sáng” không kém là câu văn tiếng Việt của chính Nhất Linh ở giai đoạn sau, trong các tiểu thuyết như Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Bướm trắng… cho dù câu văn tiếng Việt ở đây đã rất khác với ở Nho Phong. Hoặc giả, nếu cứ thuận theo ý kiến (không hề sai) của đa số độc giả, rằng các truyện ngắn và tùy bút của Thạch Lam là một mẫu mực về “sự trong sáng của tiếng Việt”, thì cũng không vì thế mà bảo những câu văn tiếng Việt của Nguyễn Tuân – ngôn ngữ được đẽo gọt rất cầu kỳ, sử dụng những kết hợp từ đầy bất thường và bất ngờ, những cú pháp bị vặn xoắn theo kiểu… chẳng giống ai – là không “trong sáng”. Nó là thứ tiếng Việt “trong sáng” theo cách khác. Tóm lại, nói khác đi, ở đây chúng ta buộc phải có một cái nhìn dân chủ hóa trước cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt”. Nó không giống như chân lý tối thượng của Chúa Trời, đơn nghĩa. Nó là một tập hợp của những chân lý tương đối, luôn mở ra, mời gọi sự sáng tạo của tất cả.
Không nên quên rằng trong lĩnh vực đặc thù như văn chương, ngôn ngữ đã không còn là ngôn ngữ tiêu dùng nữa, mà là ngôn ngữ của nghệ thuật. Xuất phát từ ngôn ngữ đời sống, nhưng nó đã được mã hóa. Và do vậy, nó mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của người sử dụng, không loại trừ cả sự đánh đố, khiêu khích, gây hấn bằng ngôn ngữ. Vấn đề còn lại là thái độ của người tiếp nhận. Nếu ta cứ đòi hỏi ngôn ngữ văn chương phải hiền lành, đơn nghĩa, dễ hiểu, “trong sáng” theo cách của ngôn ngữ tiêu dùng, thì tốt nhất là chẳng cần có văn chương làm gì.
 Không nên quên rằng lời kêu gọi “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” được nói ra trong bối cảnh một nước Việt Nam với trình độ dân trí nhìn chung rất thấp, tỷ lệ người mới thoát nạn mù chữ cao ngang với tỷ lệ người còn mù chữ. Để tuyên truyền, để vận động đối tượng này một cách hiệu quả nhất, không gì khác, cần phải sử dụng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu nhất có thể.
 Nhưng không nên quên rằng bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại đã rất khác. Tốt nghiệp đại học đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Và không nên quên rằng tiếng Việt là một sinh ngữ. Nó cần liên tục sống. Và liên tục vận động.
Hoài Nam

Dạy toán như... vẽ tranh

SGTT.VN - Trong ba huy chương vàng Olympic toán quốc tế 2013, có hai thuộc về học sinh trường THPT Năng khiếu, đại học Quốc gia TP.HCM. Vì thế thành quả chung đáng tự hào ấy còn là niềm vui lớn của TS Lê Bá Khánh Trình, giảng viên khoa toán – tin học đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, người thầy đã 20 năm chuyên chở những chuyến đò, góp phần không nhỏ tạo nên “những cậu bé vàng toán học”.
Anh đánh giá thế nào về thế mạnh của hai em Cấn Trần Thành Trung và Phạm Tuấn Huy trong đội tuyển IMO kỳ này? Ngoài rèn luyện chuyên môn, các em đã được tiếp sức như thế nào về tinh thần từ gia đình và các thầy cô?
Qua quá trình tuyển chọn khắc nghiệt trong nước, Huy luôn tỏ ra là người chắc chắn, toàn diện, vượt qua những vòng cuối với điểm số cao. Ngược lại Trung kết quả không đều, nổi trội hơn ở hình học, nhưng biết người biết ta, rất cố gắng bổ sung, và có quyết tâm cao. Điểm chung là hai em đều rất khiêm tốn và chịu khó học hỏi.
Tôi biết gia đình Huy và Trung không giàu có gì, lo vé máy bay cũng là một gánh nặng, nhưng vẫn cố gắng động viên để cha mẹ ra Hà Nội tiễn các em trước khi rời Việt Nam. Nhờ rút kinh nghiệm những lần trước, đoàn Việt Nam chuẩn bị rất chu đáo về hình ảnh, từ bộ vest đồng phục cho học sinh, thầy cô, đến mũ, cờ tổ quốc… nên xuất hiện trong lễ khai mạc và bế mạc rất trang trọng.
Có mặt trong thành phần ban giám khảo, anh đã tranh đấu khá quyết liệt cho thí sinh Việt Nam có được sự công tâm cao nhất về điểm số?
Đoàn Việt Nam kỳ này đứng thứ bảy trong các đội mạnh nhất, có nhiều đột phá phấn khởi, nhưng vẫn có những sơ sẩy rất đáng tiếc. Về Huy, bốn bài hoàn chỉnh, có một bài thì gần đến đích lại sai một con số. Ban đầu ban giám khảo cho ba điểm bài đó, nhưng tôi và anh Vinh phó đoàn đã tranh luận thẳng thắn với ban giám khảo để cùng xem lại, vì cách giải của em rất đẹp. Sau khi hội ý, ban giám khảo đồng ý cho em năm điểm. Còn với Trung, ở bài thi khó nhất, em không chứng minh được, nhưng lại vạch ra kế hoạch chứng minh rất rõ ràng, thông minh. Lúc này, tranh luận giữa tôi và ban giám khảo quyết liệt hơn, cãi nhau dữ dội. Rất may anh Vinh giỏi tiếng Anh, lại từng là thí sinh IMO, nên rất thuận lợi trong trao đổi để người ta hiểu mình hơn. Cuối cùng, ban giám khảo đồng ý cho Trung thêm một điểm, không ngờ đó là một điểm quyết định để em chạm vào tấm huy chương vàng.
Sau cuộc thi, anh đã dùng những phút giây hiếm hoi còn lại nơi xứ người để truyền dạy các em điều gì?
Cuộc thi nào cũng có may rủi, có người vui kẻ buồn. Nhìn các em chờ đợi mình bên ngoài, có em đã khóc, tôi nghẹn ngào. Các em đã làm hết mình, các thầy đã cố hết sức, còn cuộc thi thì chỉ là… cuộc thi. Mong muốn lớn nhất của tôi là tinh thần học tập và sự phấn đấu của các em. Cái được của chuyến đi này không phải ở những tấm huy chương mà là những điều các em được trải nghiệm thông qua việc giao lưu, sống trong tập thể… những điều sẽ giúp ích các em rất nhiều.
Làm thế nào để những tài năng trẻ ấy có thể theo đuổi con đường toán học tới bờ tới bến?
Rất khó, nhất là thời buổi hiện nay, khi mọi thứ đều lấy thước đo bằng vật chất. Muốn đi đường dài, phải có chí hướng mong muốn truyền đạt lại, giải quyết vấn đề gì đó của toán học. Điều đó rất cần sự hướng dẫn, giao lưu quốc tế để tạo động lực và mảnh đất làm nghề. Tuỳ từng giai đoạn, những người thầy phải cho học sinh hiểu đúng mình đang ở đâu. Càng lên trên càng khó hơn nữa, để các em tự bươn chải cũng khó. Quan trọng nhất là sự dấn thân. Thế hệ tôi do hoàn cảnh lịch sử, vấn đề tiền bạc, vật chất không áp lực như bây giờ. Làm ngành khác đem lại lợi nhuận nhanh hơn, công sức bỏ ra cũng không nhiều bằng nghiên cứu khoa học. Chọn những công việc chuyên về suy luận, khoa học cơ bản, không chạy theo bề nổi đòi hỏi phải hy sinh nhiều thứ khác. Tuỳ thuộc vào sự chọn lựa, tư chất của mỗi người, để thấy mình được sống có ý nghĩa nhất, thanh thản nhất.
Chúng ta thường tự hào là có nhiều tài năng toán học trẻ, nhưng so với thế giới vẫn còn khoảng cách xa. Theo anh, làm thế nào để rút ngắn khoảng cách này?
Tính về số huy chương vàng năm nay: Mỹ: 5, Trung Quốc: 5, Nga: 5, Việt Nam: 3, có vẻ chúng ta đang theo sát nút, nhưng khoan vội mơ chuyện thắng những nước mạnh như Nga, Mỹ, Trung Quốc… So với một số nước khu vực, chúng ta đang đối diện với sự cạnh tranh gay gắt. Mấy năm trước, chúng ta qua mặt một số nước, nhưng họ cũng không chịu thua đâu. Hàn Quốc, Indonesia cũng đang rút ngắn khoảng cách; Anh, Pháp, Canada, Úc… đang “phả hơi” sau lưng mình. Đừng để nước đến chân mới nhảy. Phải quyết tâm giữ được truyền thống, có cái nhìn chiến lược trong đào tạo, không thể tặc lưỡi “mình nghèo” rồi làm cho qua.
Cùng TS Trần Nam Dũng khởi xướng những diễn đàn toán học, chương trình Gặp gỡ toán học thường niên, đó phải chăng là nỗ lực của riêng anh để xây dựng một tình yêu toán học cho thế hệ trẻ Việt Nam?
Các diễn đàn mạng diendantoanhoc.net, mathscope.org... là nơi các em có thể trao đổi tài liệu, kinh nghiệm học tập dễ dàng và cởi mở. Gặp gỡ toán học là cơ hội để các em tiếp xúc trực tiếp với các thần tượng của mình như GS Hà Huy Khoái, GS Nguyễn Văn Mậu, GS Ngô Việt Trung, GS Đặng Đức Trọng, thầy Nguyễn Khắc Minh... Tôi hy vọng tinh thần cộng đồng được truyền lửa từ các thế hệ đàn anh sẽ giúp các em sự hứng khởi nào đó trong việc học toán.
Anh Trần Nam Dũng có kinh nghiệm, xốc vác trong việc tổ chức, kêu gọi tài trợ. Mình chỉ là người xây dựng những bài giảng, động viên, chỉ dẫn các em. Khi nào anh ấy cần là tôi sẵn sàng có mặt. Trong mỗi bài giảng, mỗi lần trao đổi, tôi đều cố gắng khuyến khích các em tìm ra cái mới. Dạy toán học cũng giống như… vẽ tranh. Tôi chắt chiu, cố gắng vẽ lên một bức tranh, để các em có thể bổ sung cho bức tranh ấy trở nên lấp lánh, cân đối, hài hoà. Đó là cả một nghệ thuật. Nếu mình được vẽ tranh cùng với những người như Trung, như Huy, hẳn bức tranh sẽ rất đẹp.
Hai mươi năm theo đuổi nghiệp làm thầy, cách dạy của anh có gì khác biệt, để có thể tạo nên “những cậu bé vàng” cho toán học?
Dạy cho những trò giỏi là cả một sự thách thức, các em càng giỏi, mình học được càng nhiều. Nếu chỉ đọc tài liệu, dạy những cái có sẵn thì vô ích, bởi các em đều biết, có thể còn đọc tài liệu trước cả mình. Quan trọng là phải kích thích trí tưởng tượng các em bằng cách đặt vấn đề mới, từ đó xoay lật, tìm tòi những cái lạ, may ra mới tạo hứng thú. Buổi tối về nhà lúc nào cũng canh cánh, ăn không ngon ngủ không yên, nghĩ nát óc xem ngày mai mình có vấn đề gì mới để nói với các em? Đôi khi giống như cưỡi lên lưng cọp vậy đó. Nếu chỉ dạy những gì có trong sách là hại mấy em, làm sao nâng trình độ, mà sức người thì có hạn, rất khổ.
Dạy toán học cũng giống như… vẽ tranh. Tôi chắt chiu, cố gắng vẽ lên một bức tranh, để các em có thể bổ sung cho bức tranh ấy trở nên lấp lánh, cân đối, hài hoà. Đó là cả một nghệ thuật.
Trong toán học tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hai người thầy. Người đầu tiên là thầy Trần Quốc Khải, một người rất độc lập. Lần đầu tiên tiếp xúc với những bài toán khó, lạ, chính thầy đã truyền cho tôi cách nghĩ mới, không theo khuôn mẫu. Sự phá cách hơi ngang tàng trong phong cách sống, miễn sao không ảnh hưởng đến ai của thầy cũng là một triết lý sống mà tôi thích thú. Nước Nga là một nền văn hoá lớn đã sản sinh ra những tầm vóc khiến mình ngưỡng mộ. Thầy Andrey Alexandrovich Gontrar, phó chủ tịch viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của tôi là một người như thế. Cách nói gãy gọn, đanh thép, thiên bẩm về sư phạm đã giúp ông biến những vấn đề rất khó trở nên vô cùng dễ hiểu. Cách xử thế đàng hoàng, phóng khoáng, rất quý tộc của ông luôn làm tôi ngạc nhiên.
Nhiều em học rất giỏi, nhưng do quá mải mê học mà trở thành những “chàng ngốc” khi đứng trước những thử thách của cuộc đời. Anh có thường chia sẻ với các em những kinh nghiệm sống của riêng mình?
Rất tội nghiệp cho các em vì việc học đã chiếm quá nhiều thời gian và sức lực, không còn chỗ cho việc chơi, học hỏi những kỹ năng sống. Trong lời ăn tiếng nói, có khi phải dặn dò các em từng chút một. Ngoài phát triển tư duy, tôi muốn các em hiểu biết thêm nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, thể thao. Tôi luôn đánh giá cao kỹ năng cảm thụ nghệ thuật của các em, khuyến khích các em hiểu biết những lĩnh vực khác, học hỏi thêm bên ngoài cuộc sống.
Con người lãng mạn, khoáng hoạt của anh có từ đâu?
Thời học sinh trường Quốc học Huế, tôi từng hoà tấu guitar cổ điển bản Polonaise của Michal Kleofas Oginski. Khi học đại học Lomonosov, tôi là trưởng ban văn nghệ của sinh viên Việt Nam trong khoa toán – cơ. Nhớ nhất những ngày hội trường, tôi luôn nghĩ ra trò mới, khi thì hát dân ca trên nền nhạc piano, khi thì hát opera trên nền nhạc dân gian, khi diễn hài pha màu cải lương… Có những bài dàn dựng rất công phu, nên năm nào lớp cũng được giải nhất toàn trường. Cuộc sống xa nhà, những giây phút vô tư đó khiến chúng tôi gắn bó với nhau hơn, biết sống vì cái chung. Ngoài âm nhạc, tôi còn mê thể thao, nhất là bơi lội. Những hoạt động đó khiến mình thấy thoải mái hơn trước những con số.
Còn bây giờ, nhà trường cứ nhồi nhét kiến thức, mà không trang bị cho các em những hiểu biết nền tảng về hội hoạ, âm nhạc, thì làm sao các em phát triển toàn diện? Làm sao các em cảm thụ nhạc cổ điển, nhạc dân gian cổ truyền?
Là người sống lặng lẽ, kín đáo, anh có sợ những mặt trái của vinh quang?
Vinh quang luôn có hai mặt, đôi khi cũng thấy bất tiện, nhưng là những trải nghiệm thú vị. Có những lúc tôi chỉ muốn ẩn dật đâu đó, nhưng lại có người quan tâm hỏi han, giúp đỡ, khiến tôi rất cảm động. Tư duy là một quá trình lao động đầy bất ngờ, có những lúc mình làm việc rất cật lực, xông xáo, nhưng luôn vấp phải cái gì đó không như ý. Có những lúc tưởng như không làm gì, hoàn toàn rời khỏi sự động não, cái mới lại nảy sinh. Chính cái bất trắc, không biết điều gì sẽ đón mình ở chỗ nào của phía trước khiến cho cuộc đời thi vị.
Kỷ niệm nào anh nhớ nhất về cha mẹ, và coi đó như một bài học quý giá để truyền lại cho các con?
Cha mẹ tôi rất tôn trọng sự tự do của các con, giáo dục con bằng tấm gương của mình, chứ không bằng lời nói. Cha tôi là thầy giáo trường y, một người thầy nghiêm túc, không tài hoa, nhưng biết bao điều tôi học được từ cha. Ông luôn cố gắng tự học, tự làm mọi thứ, không bao giờ để người khác giặt quần áo cho mình. Mẹ tôi lại là một típ người khác. Mẹ đã dạy anh em tôi chữ “nhịn”, chữ “khiêm”, sự tôn trọng người khác, những lễ nghĩa, hiểu biết trong giao tiếp xã hội.
San sẻ khó khăn với người khác, đôi khi cũng xông pha, sẵn sàng ăn cơm bụi, ngủ giường tầng với học sinh… từ cách sống của mình, tôi mong các con biết tiết kiệm, xem đó là một phẩm chất thanh cao. Giúp con ý thức được những giá trị văn hoá nghệ thuật, tiếp thu những cái hay từ văn hoá ngàn đời, chịu khó thích nghi với mọi hoàn cảnh, ở đâu cũng có thể hoà đồng với mọi người…
Chính cái bất trắc, không biết điều gì sẽ đón mình ở chỗ nào của phía trước khiến cho cuộc đời thi vị.
Trong cuộc đời, bài toán nào với anh là khó nhất?
Khó nhất là được làm theo ý mình, để không bị ai chi phối. Hoàn cảnh xã hội, gia đình, những tác động của vật chất, của môi trường sống đôi khi làm mình suy nghĩ rất nhiều, đâu phải muốn làm gì thì làm. Làm sao giữ được sự tự do trong cách làm, cách sống là một cuộc tranh đấu không ngừng. Đôi khi phải trả giá, phải thoả hiệp, phải chấp nhận thôi. Nhưng có lẽ trong giảng dạy, tôi giữ được sự chủ động nhiều nhất có thể. Dạy học sinh càng giỏi thì sự tự do đạt được càng cao.
Làm thế nào để anh giữ được sự cân bằng trước những áp lực của cuộc sống?
Có lẽ do bản tính chịu đựng, nhún nhường, nên những tác động bên ngoài mau chóng qua được ngay, nhưng cái chính là nhờ công việc. Chỉ cần một hôm nào đó thầy và trò cùng nhau tạo ra cái mới lạ, về nhà nhìn con cái chịu khó học hành, hiểu các giá trị, không đặt nặng vật chất, như thế là đủ hạnh phúc rồi.
Trong tình yêu, anh là người đàn ông thế nào?
Thuỷ chung, có trách nhiệm và biết san sẻ mọi vui buồn với người phụ nữ mình yêu thương. Còn giữ gìn hạnh phúc gia đình thì chủ yếu nhờ cô ấy thôi. Tôi luôn ý thức chia sớt việc nhà với cô ấy, buổi trưa mình lo tìm cách cho các con ăn, còn buổi chiều thì cô ấy lo. Chúng tôi trân trọng những niềm vui do con cái đem lại, đó là sợi dây bền chặt gắn mọi thành viên trong gia đình với nhau.
thực hiện: Kim Yến
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường

Bỏ thi tốt nghiệp, giáo dục Việt Nam tan rã?

Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, giáo dục sẽ tan rã chứ không chỉ đi xuống. Tuy nhiên, việc xem xét, nghiên cứu, tổ chức lại chất lượng, cấu trúc của kỳ thi là cần thiết.


LTS: Xung quanh vấn đề có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả những nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group.
Một cột mốc không thể hủy bỏ
Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học (PTTH) là kỳ thi bắt buộc phải có đối với bất kỳ nền giáo dục nào, mà bỏ nó nền giáo dục sẽ tan rã, chứ không chỉ đi xuống. Trên thế giới này, với những cách thức, mức độ khác nhau, ở hầu hết các quốc gia việc tốt nghiệp PTTH đều được đánh dấu với một tấm bằng, một kỳ thi.
Hiện trạng của kỳ thi của VN hiện nay là kết quả của việc tổ chức tồi, chứ không phải do chức năng tồi của một kỳ thi. Chúng ta không thể nhầm lẫn giữa nghĩa vụ của một kỳ thi với chất lượng của một kỳ thi, không thể thay thế một cuộc thi chưa nghiêm túc bằng việc không thi.
Nói rộng ra, cần phải phân biệt mặt tiêu cực của một nền giáo dục với một nền giáo dục tiêu cực. Thi không nghiêm túc là mặt tiêu cực của nền giáo dục, còn bỏ thi là biểu hiện của nền giáo dục tiêu cực.
bỏ thi tốt nghiệp, Nguyễn Trần Bạt, PTTH, bệnh thành tích, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Văn Chung
Giáo dục phổ thông có vai trò vô cùng quan trọng trong cả quá trình giáo dục. Đó là giáo dục nền tảng, là giáo dục con người và là bước đầu tiên trong việc tiến đến giáo dục các nhà chuyên môn.
Nếu bây giờ một người đi học từ lớp 1 không chờ đợi, lo sợ có một kỳ thi ở điểm kết thúc của quá trình học tập, thì chất lượng học tập lập tức tan rã ngay từ lớp 1. Như vậy là "tháo cũi xổ lồng" cả đầu vào lẫn đầu ra, sẽ không còn kỷ cương giáo dục và đào tạo nữa. 
Mặt khác, không nên nhầm lẫn rằng một kỳ thi có 97-98% đỗ là một kỳ thi tồi. Bởi vì kỳ thi này cần chuẩn bị cho xã hội nhiều thứ, nhiều mức độ, yêu cầu, đòi hỏi. Mức tỷ lệ tốt nghiệp cao đó cũng là một hiện thực phổ biến trên thế giới.
Nên nhớ rằng xã hội có những cấp độ nhu cầu khác nhau đối với tấm bằng phổ thông. Chúng ta đòi hỏi thống nhất mục tiêu của cả xã hội nên mới rơi vào “bi kịch”. Chúng ta phải cho ra lò, cung cấp cho xã hội một chứng chỉ. Còn xã hội phải đủ thông thái để sử dụng chứng chỉ đó cho những mục tiêu tiếp theo, ví dụ như tuyển đầu vào đại học.
Tại nhiều quốc gia mà giáo dục phổ thông được coi trọng, kỳ thi tốt nghiệp còn trở thành tư liệu cơ bản, thành điều kiện “cần”, đôi khi cả điều kiện “đủ” để vào các trường Đại học. Chẳng hạn ở Anh, tốt nghiệp PTTH (Alevel) là một mức học vấn, một danh hiệu xã hội hẳn hoi. Số môn phải thi TN tối thiểu là 4, nhưng người thi có thể đăng ký thi nhiều môn hơn để hồ sơ của họ hấp dẫn với các trường đại học.
Tú tài hay A level là một mức học vấn phổ quát trên toàn thế giới. Thi tốt nghiệp không phải sự ngẫu hứng của các nhà giáo dục về chuyện nó cần hay không cần. Chúng ta không thể hủy bỏ một cột mốc đánh dấu một giai đoạn học vấn mang tính nền tảng, cơ sở của toàn bộ quá trình giáo dục của một quốc gia.
Các nhà nước muốn thống nhất phải thống nhất từ giáo dục, ngôn ngữ, chữ viết. Không có tiêu chuẩn của quốc gia về giáo dục phổ thông, làm sao thống nhất được về ngôn ngữ, chữ viết. Không có những sự thống nhất đó, làm sao có quốc gia thống nhất?
Tổ chức lại cấu trúc kỳ thi
Tuy nhiên, việc xem xét, nghiên cứu, tổ chức lại chất lượng, cơ cấu của một kỳ thi như vậy là cần thiết: tổ chức thi như thế nào, quan niệm về kỳ thi ra sao... Kỳ thi tốt nghiệp PTTH cần được tổ chức lại, giản tiện bớt để đạt được những tiêu chí gọn nhất, nhẹ nhất và rõ ràng nhất, đáp ứng cho các kỳ vọng, mục tiêu của các nhóm xã hội.
Cấu trúc thi cần thể hiện sự khác biệt, sự đòi hỏi khác nhau của các nhóm xã hội đối với kỳ thi này. Nhóm hàn lâm cao nhất cần điều gì ở kỳ thi, nhóm các chuyên gia thực hành cần gì, nhóm những người cần một tấm bằng để "yên dạ" xã hội cần gì, v.v…
Sự tế vi trong các mục tiêu khác nhau của các nhóm, tầng nhu cầu trong xã hội là đối tượng mà ngành giáo dục và đào tạo buộc phải nghiên cứu, chứ không thể tiếp tục lảng tránh. Ngành giáo dục và đào tạo phải cung cấp các đề thi, mức thi, cách thi cho những nhóm nhu cầu đa dạng trong xã hội.
Bởi vậy, cái chúng ta cần là làm thế nào cấu trúc cuộc thi ấy tự nó tạo ra sự phân loại, có lợi cho toàn bộ quá trình phát triển của giáo dục VN. Chẳng hạn, tạo ra sự phân loại học sinh tốt nghiệp ở các trình độ dành cho trường đại học với các cấp độ chất lượng, danh tiếng khác nhau.
Kỳ thi tốt nghiệp cần trở thành tư liệu “cần”, chính xác để xác định đầu vào của các trường đại học. Sau đó, bản thân mỗi trường đại học sẽ có những "vũ khí", sự sắc sảo chuyên nghiệp để tuyển chọn tiếp, đó chính là điều kiện "đủ" của mỗi trường. Nhiều trường đại học trên thế giới thậm chí xem kỳ thi tốt nghiệp là điều kiện “cần” và “đủ”, kể cả những trường danh tiếng.
Quá trình để đi đến mục tiêu đó, từ khi thí nghiệm cho đến lúc thành công có thể phải mất hàng chục năm. Nhưng chúng ta đừng sốt ruột đối với giáo dục, đào tạo. Trong khi chúng ta có một bộ máy mà năng lực sử dụng con người còn thấp, thì tại sao chúng ta lại tỏ ra quá sốt ruột về chất lượng đầu vào, đầu ra của giáo dục?