Sunday, July 15, 2012

“Người làm thì ít, người nói thì nhiều”

PHÓ CHỦ TỊCH LĐBĐ VN LÊ HÙNG DŨNG:
“Người làm thì ít, người nói thì nhiều”
Im hơi lặng tiếng rất lâu, giờ mới thấy ông Phó Chủ tịch LĐBĐ VN Lê Hùng Dũng lên tiếng. Vẫn con người đấy nhưng lạ ở chỗ chất lửa của ông với bóng đá Việt Nam giờ đã nguội rất nhiều…
Khác với những lần trước khi nói về bóng đá Việt Nam lúc nào trong ông cũng sôi nổi (những lần mà ông sẵn sàng “dẹp” hết sổ sách ngân hàng hay chuyện kinh doanh ở SJC để đàm đạo chuyện bóng đá mà ông từng thú nhận đã ăn vào máu ông...), lần này ông lại hay dùng chữ: “Tôi chán…”.
. Tuần qua có kết quả bốc thăm của đội tuyển Việt Nam, lần này không thấy ông phó chủ tịch phụ trách tài chính hào hứng công bố mức thưởng để động viên cầu thủ?
+ Đã nhiều lần tôi nghĩ thưởng cao để cầu thủ “máu”, để họ bỏ qua những cám dỗ và thi đấu hết mình nhưng đúng là tôi đã lầm. Thưởng cao nhưng công tác tư tưởng không tốt hoặc cầu thủ không được giáo dục đàng hoàng thì vẫn phản tác dụng.
. Lần này rất ít khi nghe nói đến kinh phí cho đội tuyển tập huấn. Có vẻ như đội tuyển cũng gặp hạn như các CLB đang kiệt quệ chuyện tiền bạc?
+ Thực chất đội tuyển vẫn có nguồn kinh phí riêng để hoạt động. Họ không khó khăn như đồn đại đâu. Chỉ có điều là có nhiều khoản khi ký kết với nhà tài trợ ta không thể công bố được do nằm trong cam kết bắt buộc. Điều này thì đã có lần một vị trong LĐBĐ VN lỡ miệng với báo giới và lập tức bị chỉnh và có những buổi làm việc để khắc phục hậu quả ngay.
. Hình như ông cũng không còn máu với đội tuyển như những lần trước nữa?
+ Nói thật, tôi chán nên nhiều lúc ít quan tâm.
. Ông nguội?
+ Tôi không nguội nhưng tôi nản. Nản vì bây giờ người làm thì ít mà người nói thì nhiều.
. Không nói chuyện đội tuyển nữa, chuyện Công ty Cổ phần VPF mà ông làm phó chủ tịch HĐQT đến đâu rồi?
+ Tôi cũng ít quan tâm vì bây giờ người ta nói và người ta dạy nhau làm bóng đá nhiều quá. Thôi thì cứ để họ làm một thời gian rồi sẽ biết vàng thật, vàng giả.


Phó Chủ tịch LĐBĐ VN Lê Hùng Dũng và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần động viên các cầu thủ đội tuyển Việt Nam thi đấu. Ảnh: XUÂN HUY
. Tôi nghe một vị cấp cao kể lại buổi họp với VPF ở khách sạn Kim Đô về vụ bản quyền truyền hình, ông chỉ mặt từng ông bầu mắng như tát nước và ai cũng im re?
+ Họ làm sai thì tôi mắng chứ sợ gì. Tôi không thích những người không chịu quay lại thời điểm và hoàn cảnh hồi đấy rồi quy kết chúng tôi bán để kiếm lợi, để tư túi riêng. Nói thật, thanh tra vào cuộc rồi cũng thừa nhận chúng tôi làm quá kỹ lưỡng và làm đúng.
. Sau khi AVG được khẳng định ký kết đúng pháp luật họ lại chấp nhận “buông” bản quyền truyền hình. Trong khi các ông bầu đấu không thắng nhưng vẫn “được” nhượng lại thì lập tức nói là có bản quyền và các CLB có lợi ngay?
+ Họ nói thế thì cứ biết thế. Giờ thì có những CLB đang tính giải tán vì nặng gánh quá đấy!
. Ông là người nổi tiếng lo và kêu gọi tài trợ cho các đội, lần này nhiều đội kiệt quệ thấy ông cũng không mặn mà cứu các đội?
+ Cứu thế nào được nếu bản thân CLB không nuôi nổi mình. Tôi tính sơ sơ mùa tới có đến 5-6 đội ở hạng chuyên nghiệp và hạng nhất có thể giải tán vì chịu không nổi gánh nặng kinh phí. Đã đến lúc phải tính bài toán thực tế là đội bóng nuôi nổi mình và sống thay cho việc sống bằng “tiền ảo”, bằng những khoản chẳng liên quan gì đến bóng đá.
. Vì sao các ông bầu ào ạt đầu tư cho bóng đá giờ thì nhiều ông bầu lại có ý định thôi không đầu tư nữa?
+ Vì mục đích đến với bóng đá. Có nhiều đội sống nhờ “đất vàng”, nhờ “dự án”, nhờ công ty mẹ làm ăn có lãi nhiều quá rồi có những đổi chác kiểu tôi nuôi đội bóng thì tôi được hưởng những phần lợi được “lại quả” gì. Bây giờ thì mọi cái đều siết lại. Đất không còn là “vàng”, dự án không còn “dư dả” nữa thì 70 đến 100 tỉ đồng cho một đội bóng mỗi mùa sao kham nổi.
. Ông nhìn thấy điều này thì chắc chắn Thường vụ LĐBĐ VN cũng thấy. Nếu mùa 2013 số đội giảm đi một nửa hoặc không đủ 14 đội cho mỗi hạng?
+ Cách đây không lâu cũng chỗ anh ngồi, ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ và tôi đã bàn với nhau về điều đó. Tôi có nói với anh Hỷ là chúng ta phải chấp nhận còn 5-6 đội cũng đá chứ đừng níu kéo, đừng làm bằng mọi giá để tồn tại đủ 14 đội. Thà là ít đội nhưng họ sống được vẫn tốt hơn là đủ 14 đội mà đứt bóng lúc nào không hay.
. Ông có thể không trả lời nếu thấy không tiện. Tôi nghe dư luận nói ông muốn ngồi vào chiếc ghế chủ tịch LĐBĐ VN mà ông Hỷ sẽ ra đi?
+ Anh hỏi thì tôi mới nói. Cũng chỗ anh ngồi, anh Hỷ từng năn nỉ tôi ngồi vào đấy để anh ấy chuẩn bị từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ và tôi nói ngay: “Không!”. Thậm chí tôi còn nói thẳng với anh Hỷ hết nhiệm kỳ này tôi cũng rút lui.
. Có vẻ đấy là sự rút lui vì thất bại?
+ Tôi không nghĩ là thất bại mà là không phù hợp. Chúng ta làm bóng đá còn nhiều khó khăn và chồng chéo lắm. Tôi thích làm hơn nói nhưng giờ thấy nhiều người nói, nhiều người dạy làm bóng đá quá và hình như là ai cũng dạy được. Báo chí các anh cũng thế. Thậm chí là có những lúc một số tờ báo làm cho các vị ở trên bị dao động rồi quyết và chỉ đạo tùm lum vì “dư luận nói quá nên phải thế này, thế nọ…”. Chưa kể còn cơ chế nữa. Như LĐBĐ VN tính một đàng rồi buộc phải quyết một nẻo vì đủ thứ tác động “ấn” vào. Hay chuyện anh Tuấn làm tổng thư ký và được cài vào nhiều chức vụ cao ở AFF ở AFC là để có lợi cho bóng đá Việt Nam. Thế rồi đùng một cái anh ấy bị buộc từ chức và thế là xem như công dã tràng cho sự đầu tư. Khó lắm…
. Hồi đấy ông rất “máu” với các đề án cá cược, bây giờ có vẻ ông cũng không mặn mà nữa?
+ Hồi đó tôi cứ nghĩ đơn giản có cá cược sẽ có nguồn thu và có nơi cho người ta đánh cá hợp pháp mang tiền về cho Nhà nước, cho bóng đá Việt Nam và để tái đầu tư cho bóng đá Việt Nam nhưng rõ ràng nó không đơn giản như thế. Thậm chí bản quyền truyền hình đang êm người ta cũng đánh nhau hà rầm vì cũng nghĩ đến miếng bánh đó để đón đầu khi có cá cược hợp pháp nhưng không đơn giản như họ nghĩ đâu. Giờ thì nói thật tôi cũng không quan tâm.
. Tôi rất buồn khi một người “máu” như ông mà bây giờ hay dùng từ “Tôi chán!” và “Tôi không quan tâm!” nữa?
+ Ở vào vị trí tôi anh sẽ hiểu hơn. Tôi có cả núi công việc cần giải quyết chứ đâu rảnh rỗi mà cứ chạy theo công việc của tổ chức xã hội mà ở đấy nhiều người dạy mình quá. Có lúc tôi tâm sự với người thân là ngay cả những người làm bóng đá mà xuống hạng liên tục rồi đổi tên để sống thế mà bây giờ cầm đầu cả một giải đấu quan trọng và dạy nhiều người làm bóng đá trong khi những người làm bóng đá im thin thít vì thời thế thì dễ làm nản lòng những người hết mình cho bóng đá lắm. Đến với bóng đá để làm gì đó cho bóng đá mà có lúc những người làm lại bị những người nói lên án quá thì đeo để làm gì nữa.
. Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
“Vincent Kompany đề nghị với tôi mở lò đào tạo bóng đá trẻ”

“Ngày cầu thủ Vincent Kompany - đội trưởng đội Manchester City đến Việt Nam, tôi có mời anh ấy đến nhà tôi chơi một buổi. Khi ấy cầu thủ này đã nói rất nhiều chuyện về bóng đá và tỏ ý muốn trở lại Việt Nam. Mới đây, tôi nhận được thư của Vincent Kompany gửi nói rằng nếu tôi đồng ý, anh ấy sẽ sang Việt Nam và mở lò đào tạo bóng đá trẻ giống như kiểu HA Gia Lai - Asenal JMG đang thực hiện tại Việt Nam. Tôi đang tìm cách trả lời với anh ấy và cũng nói thật là tôi cũng không còn mặn mà với việc làm bóng đá nữa vì có những cái mình tính nhưng vẫn bị buộc phải làm khác đi vì cơ chế của mình còn nhiều khó khăn lắm…”
NGUYỄN NGUYÊN thực hiện
http://phapluattp.vn/20120715100924792p0c1020/nguoi-lam-thi-it-nguoi-noi-thi-nhieu.htm