Monday, August 30, 2010

Giao lưu giữa ông Nguyễn Trần Bạt với các nhà lãnh đạo và doanh nhân Nghệ An

Hiệu trưởng Trường Chính trị Nghệ An: Xác định được vai trò rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xây dựng doanh nghiệp đóng góp chủ yếu nguồn thu ngân sách của tỉnh. Ngày 11/07/2006, Ban chấp hành đảng bộ lần thứ XVI tỉnh Nghệ An đã thông qua đề án 03, đề án tỉnh uỷ bồi dưỡng doanh nhân Nghệ An giai đoạn 2006 - 2010. Để thực hiện có hiệu quả đề án cung cấp cho các doanh nhân các cấp, các ngành liên quan những thông tin, những tư tưởng kinh doanh, những kiến thức kinh doanh chuyên nghiệp, những kinh nghiệm thiết thực hữu ích có tính khả thi cao đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, từ đó góp phần giúp doanh nhân, doanh nghiệp Nghệ An phát triển nhanh, bền vững. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiệt tình của Công ty tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ InvestConsult, hôm nay Trường Chính trị Nghệ An long trọng tổ chức lễ khai giảng lớp học bồi dưỡng cán bộ quản lý về doanh nghiệp. Về dự lễ khai giảng xin được trân trọng giới thiệu:
- Đồng chí Trần Bình Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
- Đồng chí Thái Văn Hằng, Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND Tỉnh.
- Đồng chí Tô Hồng Hải, Ủy viên ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
- Ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ.
- Giáo sư Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
- Luật sư Phạm Thu Hà, Phó giám đốc cùng các chuyên gia của Công ty Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ.
- Đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy các doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Văn phòng UBND Tỉnh, Phòng đầu tư, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An. Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ và lãnh đạo các huyện Hưng Nguyên, Anh Sơn. Và sự có mặt đầy đủ của 72 cán bộ, giáo viên Trường Chính trị Nghệ An và gần 200 doanh nghiệp tỉnh Nghệ An.
Xin nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các vị đại biểu, các doanh nhân đã quan tâm và tham dự khóa học. Chúc lớp học đạt kết quả cao nhất.
Tiếp theo xin trân trọng kính mời đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Bình Minh lên phát biểu khai mạc lớp học.
Ông Trần Bình Minh: Kính thưa anh Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch HĐQT Investconsult Group, kính thưa giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Hiên, thưa tất cả các chuyên gia trong đoàn công tác của Investconsult Group, thưa tất cả các anh chị và các bạn. Tôi muốn nói một vài suy nghĩ của mình. Rất hiếm cuộc gặp mặt nào mà lại có đông đủ người dự với rất nhiều mong muốn được đến dự như ngày hôm nay. Tất cả chúng tôi, tôi, anh Hằng và anh Hải đều có những việc khác, nhưng chúng tôi xác định sẽ bỏ cả ngày hôm nay để trao đổi, giao lưu với anh Bạt, các doanh nhân và các cán bộ quản lý của chúng ta. Cá nhân tôi biết được tên tuổi, sự nổi tiếng và rất khâm phục trí tuệ của anh Nguyễn Trần Bạt từ thời còn công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam. Tôi nghĩ rằng cuộc trao đổi ngày hôm nay và những ngày tiếp theo của chúng ta có lẽ không chỉ dừng lại ở những kiến thức, kỹ năng về kinh doanh và những thông tin. Có lẽ cái anh Bạt muốn truyền đạt lại với chúng ta không chỉ cho các doanh nhân, không phải chỉ các cán bộ mà tôi nghĩ rằng cho cả chúng tôi và các nhà lãnh đạo cao hơn chúng tôi . Các nhà lãnh đạo cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt có những ý tưởng, có những suy nghĩ mà tôi nghĩ rằng nó vượt lên trước chúng tôi, vượt lên trước những người bình thường. Có những suy nghĩ mà chúng tôi không nghĩ tới, kể cả những người có nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến thức, nhiều học vị nhưng có những cái không nghĩ tới được. Qua những bài viết qua nhiều năm của anh Bạt và những hoạt động của công ty thì chúng tôi hiểu ra điều đó. Chúng tôi khâm phục và chúng tôi muốn rằng qua buổi trao đổi ngày hôm nay của anh Bạt, anh Hiên và các chuyên gia khác của công ty, chúng ta không chỉ trang bị những kiến thức về kinh doanh, những mẹo kinh doanh mà ý tưởng của anh Bạt có thể cao hơn. Làm kinh doanh nhưng anh Bạt lại có những suy nghĩ về những vấn đề chính trị, vấn đề văn hóa, những ý tưởng lớn hơn rất nhiều. Chúng ta hay nói sự hòa nhập, hội nhập với toàn cầu, nhưng trên thực tế chúng ta không có nhiều người thực sự hòa nhập với suy nghĩ toàn cầu, anh Bạt là một trong số những người hiếm hoi đó. Tôi rất mong muốn ngày hôm nay và những ngày tiếp theo, các học viên của chúng ta sẽ giành nhiều thời gian không phải chỉ lắng nghe anh Bạt, anh Hiên và các chuyên gia trình bày mà hãy trao đổi thẳng thắn. Xin chúc lớp học đạt được một tinh thần doanh nhân, tinh thần người Việt mà tôi nghĩ rằng nó cũng là tinh thần yêu nước, nó cũng là tinh thần chính trị, tinh thần văn hóa. Bởi vì không chỉ có học kinh doanh mà chúng ta còn phải học nhiều cái khác mới có thể trở thành nhà kinh doanh, mới trở thành những người lãnh đạo, mới trở thành những con người tốt, đóng góp được nhiều cho xã hội. Xin kính chúc lớp học thành công tốt đẹp.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND Tỉnh, thưa các đại biểu, thưa tất cả các anh chị em đang quán xuyến toàn bộ nền kinh tế Nghệ An có mặt ngày hôm nay. Tôi rất xúc động vì là một người Nghệ An được một tổ chức rất quan trọng của Nghệ An gọi về để nói chuyện với những người cũng rất quan trọng của Nghệ An. Cho nên phải nói rằng ngày hôm nay là một ngày may mắn của tôi. Tôi cám ơn các anh chị có mặt ngày hôm nay vì sự may mắn mà tôi có được.
Thưa các anh, các chị. Lâu lắm rồi tôi không hát quốc ca, lúc chào cờ tôi thấy anh Hằng hát và tôi hát theo. Hát quốc ca trên quê hương của mình mà quê hương đó là Nghệ An thì phải nói rằng nó để lại một vết khắc rất lớn trong đời sống tình cảm của tôi. Phải nói rằng đây là một tỉnh có một tiềm năng chính trị khổng lồ, là nơi cung cấp cho đất nước không biết bao nhiêu nhà lãnh đạo, mà nhà lãnh đạo sáng nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi cung cấp cho đất nước không biết bao nhiêu nhà khoa học. Đến tất cả các trường đại học của chúng ta, khi người ta giới thiệu hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa, chủ nhiệm bộ môn bao giờ chúng ta cũng nghe thấy cái giọng nếu không Nghệ An thì cũng là Hà Tĩnh. Những việc như vậy làm tôi băn khoăn về quê hương của mình từ khi tôi biết nghĩ như một con người trưởng thành. Hai mươi năm trước đây tôi cũng đã xâm nhập Nghệ An, vào thời kỳ ấy tỉnh đang bắt đầu xây dựng Sở Kinh tế Đối ngoại. Giám đốc đầu tiên của Sở Kinh tế Đối ngoại Nghệ An là anh Hòa, người Nghi Lộc, phó giám đốc là anh Cầm người Hà Tĩnh. Tôi đã về để cùng các anh ấy bàn cách xây dựng Sở Kinh tế Đối ngoại Nghệ An vào khoảng đầu năm 1990. Ngày hôm qua, trước khi đi, tôi có đọc lại những thống kê cơ bản về tình hình kinh tế Nghệ An, đến mục đầu tư nước ngoài tôi thấy đến năm 2008 mới được hơn 300 triệu đô la. Phải nói rằng tôi thấy buồn vì con số ấy ít quá. Vào những năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới, hầu hết các đầu tư nước ngoài có mặt ở tỉnh Hà Tây là do công ty chúng tôi đưa vào, và tôi được Bí thư Tỉnh ủy mời làm cố vấn. Tôi đã đưa vào nhà máy Coca Cola đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, nhà máy chế tạo lon nhôm đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, rồi nhà máy sản xuất thức ăn gia súc mà vào thời điểm ấy có lẽ là lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Cuối những năm 90, anh Võ Đức Huy trước đây là bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi (bây giờ là bí thư đảng ủy khối các công ty) có mời tôi làm cố vấn kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi, và chúng tôi là người đào tạo êkip đầu tiên để quản lý khu công nghiệp Dung Quất. Rồi khi người ta tách Quảng Nam ra khỏi Đà Nẵng thì anh Hoàng (bây giờ là Phó Ban Dân vận Trung ương) cũng có nhờ chúng tôi bình luận, phân tích dự án đặc khu kinh tế Chu Lai. Bây giờ chắc là các anh ấy vẫn còn nhớ. Nói như vậy để các anh chị thấy là chúng tôi hết sức gắn bó với các tỉnh, và không có lý do gì để không gắn bó với Nghệ An là quê hương của tôi.
Cách đây hai tuần, có một ngôi sao rơi từ trên trời xuống trước mặt tôi, đó là chị Lệ Thanh. Chị ấy đang đi dự lễ mừng công của trường đảng ở Hà Nội và đến mời tôi vào đây để nói chuyện. Tôi không những nhận lời đến nói chuyện với anh em ở trường Đảng Nghệ An mà còn gợi ý chị ấy tổ chức một chương trình để mở đầu cho một giai đoạn huấn luyện, bồi dưỡng các doanh nhân. Bởi vì đây là lực lượng quyết định tương lai của nền kinh tế Nghệ An, cho nên nếu không được bồi dưỡng, không được tạo điều kiện thì phải nói là rất khó để kinh tế Nghệ An phát triển. Lâu nay, trong sinh hoạt chính trị, chúng ta bàn rằng miền Nam phát triển kinh tế tốt hơn miền Bắc, nhưng hình như không ai phân tích xem tại sao lại như thế. Sở dĩ có hiện tượng này là vì trước năm 1975, xã hội miền Nam đã làm quen với nền kinh tế thị trường, tức là độ dài tiếp xúc với nền kinh tế thị trường ở miền Nam dài hơn miền Bắc. Vì thế cho nên, thói quen kinh doanh của người miền Nam nhuần nhuyễn hơn và phải nói rằng trong việc tiếp cận với thị trường, tiếp cận với đầu tư, tiếp cận với ngân hàng và tài chính thì ở miền Nam tốt hơn. Hàng ngày xem ti vi, các anh chị thấy là chỉ số VN-Index lớn gấp đôi, gấp ba chỉ số HNX-Index, điều ấy chứng tỏ khối lượng thương mại ở miền Nam lớn hơn, do thói quen kinh doanh, thói quen chi tiêu, thói quen sử dụng dịch vụ.
Thưa các anh, các chị, tôi nói về cái chung là như vậy. Còn ở Nghệ An, tôi có nói với đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là tôi không thấy tỉnh Nghệ An kém bất kỳ một tỉnh Tây Nguyên nào về phương diện tài nguyên và địa lý. Nghệ An tiếp cận với vùng rất trù phú của nền kinh tế Lào, rất gần với các vùng kinh tế từ Miến Điện và từ Bắc Thái Lan. Trong khi đó các tỉnh Tây Nguyên tiếp cận với phần Trung Lào là vùng ít thuận lợi hơn, vì các anh các chị biết là ở nước Lào thì vùng Bắc Lào phát triển hơn Trung Lào, Nam Lào. Tôi nghĩ rằng đem so với bất kỳ một tỉnh Tây Nguyên nào thì Nghệ An về mặt tiềm năng là phong phú hơn nhiều. Cái thứ hai là đại bộ phận hay một tỉ lệ rất lớn các trí thức trong nước là người Nghệ. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều người đứng đầu các ngành, thậm chí ở đôi chỗ còn có cả các nhà kinh doanh hàng đầu là người Nghệ, nhưng sự gắn bó của lực lượng này đối với tỉnh là chưa có. Cho nên các anh, các chị phải làm thế nào để hút được sức mạnh này về tỉnh.
Tăng cường giao lưu thì sẽ có sức mạnh, mà sức mạnh con người kết hợp với tiềm năng của tài nguyên thì tôi nghĩ là không có lý do gì để Nghệ An kém bất kỳ tỉnh nào, trừ TP Hồ Chí Mình và Hà Nội, bởi vì đấy là nơi ưu tiên, nơi tập trung tất cả các đầu mối. Trong những năm kháng chiến tôi đã quan sát và thấy khu IV, đặc biệt là Nghệ An vào thời điểm ấy là một trong những trọng điểm kinh tế kháng chiến, trọng điểm chính trị kháng chiến và trọng điểm học vấn kháng chiến. Tôi nghĩ rằng phải làm thế nào để Nghệ An khôi phục lại địa vị như là một trong những nguồn cung cấp cho đất nước các nhà chính trị, các nhà trí thức và bây giờ thêm cả các nhà kinh doanh nữa. Cha ông tôi là những nhà kinh doanh lớn người Nghệ An. Ông nội tôi là người đã khai khẩn hàng ngàn hecta đồn điền tại vùng Phủ Quỳ trước những năm 1930. Đến khi cách mạng thành công thì ông cụ đem hiến tài sản ấy cho cách mạng và trở thành tổng giám đốc các nhà máy đường mà chính ông cụ tạo ra trước khi cách mạng thành công. Ông ngoại tôi là người cho vay lãi, nhưng có uy tín nên trở thành chủ tịch hội tín dụng khu IV vào những năm trước cách mạng. Khu IV là một trọng điểm con người, trọng điểm tài nguyên, trọng điểm chính trị, vì thế tôi không nghĩ Nghệ An kém bất kỳ tỉnh nào cả. Cho nên tôi rất thích ý tưởng Trường Chính trị Nghệ An đứng ra tổ chức để huấn luyện các doanh nhân như thế này. Đấy là phần mào đầu chung mà nếu giáo sư Trần Ngọc Hiên nói thì chắc là hay hơn tôi. Nhiệm vụ của tôi là nói về các kinh nghiệm của mình, về những ý tưởng, những phát hiện của mình, và tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để làm bật ra từ tôi, khai thác tôi (đây có lẽ là một bài tập khai thác những người bên ngoài tỉnh để phục vụ cho những ý nghĩ của người Nghệ) là các anh các chị hỏi và tôi trả lời. Trước khi về đây nói chuyện, tôi đã gửi vào cho chị Thanh một số bài viết của tôi và tôi thấy nó đã được phát ở hội trường (tất nhiên không phải những bài viết có chất lượng chính trị cao nhất hay những bài viết có tính chất lý luận mà chỉ liên quan đến khối doanh nghiệp thôi), các anh các chị có thể lấy đó làm một chút gợi ý ban đầu để chất vấn tôi. Các anh các chị cứ hỏi, tôi sẽ trả lời, cách đó vừa giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, vừa có ích vì nó đi vào những vấn đề các anh chị đang quan tâm. Tôi chúc các anh, các chị hỏi được những câu hỏi hay để chúng ta có được buổi giao lưu có chất lượng.
Ở đây có Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Bình Minh chúng tôi đã biết lâu rồi. Trong một số chuyên mục của VTV1 mà anh Trần Bình Minh phụ trách thì chúng tôi cũng đã từng có cơ hội để phục vụ anh với tư cách là trưởng ban thời sự đài truyền hình Việt Nam, bây giờ về đây lại phục vụ anh với tư cách Phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Ông Trần Bình Minh: Xin phép anh Nguyễn Trần Bạt, tôi sẽ mở màn trước, tôi không phải là doanh nhân, nhưng tôi xin hỏi một câu rồi sau đó các anh các chị sẽ suy nghĩ thêm. Chúng ta đều biết rằng ở cùng một xuất phát điểm thì rất nhiều nước có bối cảnh rất giống nhau, nhưng sau một thời gian thì chỉ có một số nước bứt lên, còn những nước khác rơi vào trạng thái tuy có phát triển nhưng không có bứt phá. Việt Nam luôn luôn đặt ra mục tiêu có sự bứt phá như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài loan… và người ta đã cảnh báo là chúng ta có thể trở thành nước phát triển, nhưng phát triển giống như Indonesia, Malaysia thôi.
Tôi muốn hỏi rằng để học hỏi những kinh nghiệm và bài học của những nước có sự bứt phá như thế thì chắc là ai cũng đọc được, ai cũng nhìn thấy được, nhưng lại rất ít nước có thể làm được. Vậy ở đây bản chất vấn đề là trí tuệ của dân tộc, là tinh thần dân tộc hay là mô hình phát triển?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Thưa anh Trần Bình Minh, thưa các anh, các chị. Tôi nghĩ rằng chúa công bằng, chúa giao cho mỗi một dân tộc một số phẩm hạnh, trong đó quan trọng nhất là phẩm hạnh sử dụng các chất lượng mà mình có. Người Việt chúng ta đã sử dụng những năng lực của mình trong chiến tranh một cách cực kỳ xuất sắc, và xuất sắc đến mức hòa bình 30 năm rồi chúng ta vẫn không quên được sự xuất sắc ấy, chúng ta đi giật lùi để ngắm thành tựu chiến tranh. Vì thế cho nên đây là sự lãng quên mục tiêu chính là phát triển trong hòa bình, chứ không phải là sự thiểu năng của người Việt. Tôi không tin người Việt không có các ưu thế, ít nhất là bình đẳng với tất cả các dân tộc trên thế giới, không phải chỉ những dân tộc ở khu vực này. Trong quá trình làm nghề, tôi đi rất nhiều nước, tôi đến những vùng khác nhau của sự phát triển, quan sát, nghe và đo chất lượng văn hóa của các dân tộc để tìm xem người Việt thiếu cái gì mà không khá lên được. Chúng ta có một số yếu tố làm cho chúng ta không khá lên được. Thứ nhất là chúng ta ngưỡng mộ quá khứ. Chúng ta mất nhiều thì giờ để ngưỡng mộ cái quá khứ của mình, chúng ta không đầu tư thỏa đáng cho tương lai, không chú ý thỏa đáng về phía trước và do đó chúng ta chậm. Rất nhiều nhà khoa học của chúng ta hiểu được những khái niệm, viết về những khái niệm và thảo luận những khái niệm rất hiện đại, nhưng những khái niệm ấy chỉ nằm ở trên miệng hay nằm trong ý nghĩ của họ mà không biến thành ý chí xã hội. Đấy là một thực tế mà muốn khắc phục thì chúng ta phải sửa. Thứ hai là chúng ta hơi sĩ diện, chúng ta nặng về các tiêu chuẩn hình thức, chúng ta không phải là người thực dụng một cách tỉnh táo. Cho nên đôi khi chúng ta mải mê chạy theo cái bóng mà quên mất con mồi. Mười mấy năm trước đây, khi anh Trần Sơn còn làm Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, các anh ấy có mời tôi về trao đổi trong một buổi tọa đàm rộng hơn thế này và đối tượng là toàn bộ các cơ quan của Tỉnh ủy Nam Định. Lúc bấy giờ, anh Minh Ngọc Bí thư tỉnh ủy mới làm Phó chủ tịch. Tôi có nói rằng khi nào các anh dỡ được cái barrie trên con đường rẽ vào Nam Định thì các anh sẽ bắt đầu khá. Bây giờ các anh ấy dỡ cái barrie ấy đi rồi. Phải nói với các anh chị là chúng ta vẫn sĩ diện, vẫn thích bằng cấp, thích hình thức. Chúng ta không thực tế, không thực lợi, không thực dụng một cách hợp lý. Thứ ba, chúng ta nói cho cùng là một dân tộc biết đoàn kết gắn bó trong chiến tranh, nhưng trong hòa bình chúng ta không đoàn kết. Năng lực hợp tác của người Việt trong hòa bình kém, cho nên chúng ta không truyền được cho nhau sức lực, trí khôn, không biến trí khôn trở thành sở hữu công cộng để tất cả mọi thành viên đều có quyền sử dụng nó vì mục tiêu phát triển. Đấy là tất cả những nhược điểm mà tôi đã suy nghĩ ba bốn chục năm nay khi tìm cách để trả lời câu hỏi mà anh Trần Bình Minh vừa nêu. Đấy là những nhược điểm có thể sửa. Chúng ta không nên mất quá nhiều thì giờ để ngưỡng mộ quá khứ. Chúng ta ghi công quá khứ, chúng ta nhớ đến quá khứ nhưng chúng ta không nên bới móc nó mãi. Nhà văn Chu Lai có viết quyển tiểu thuyết có tên là “Ăn mày dĩ vãng”. Các anh chị ở đây thì không phải như thế, nhưng ở nhiều chỗ, ở nhiều người, những khía cạnh ấy rất rõ. Đấy là câu trả lời của tôi đối với câu hỏi của Phó Bí thư Tỉnh ủy. Không có bất cứ sự thua kém nào về tiềm năng như là năng lực của con người ở người Việt cả. Người Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận với tất cả các giới hạn hiện đại nhất của khái niệm phát triển một cách rất thành công, tức là xét về mặt nhân chủng, người Việt không kém. Còn những cái xã hội chúng ta kém là những cái có thể rút kinh nghiệm được, có thể cải cách được. Tôi có viết một quyển sách “Cải cách và sự phát triển”, tôi cũng vừa xuất bản quyển “Cội nguồn cảm hứng” trong đó có phân tích về khái niệm tự do là khái niệm mà tôi cho là cội nguồn của mọi sự phát triển. Trong quyển cải cách, tôi có viết về những cuộc cải cách cơ bản tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Nó được xuất bản trước Đại hội X khoảng 1 năm. Khi xuất bản quyển sách ấy, trong lòng tôi nghĩ rằng đây là một công trình mà tôi dâng tặng những người Cộng sản Việt Nam, đây là thực hiện một lời hứa mà tôi hứa với Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi anh ấy ủng hộ tôi trong việc lập ra một nhóm nghiên cứu. Năm 1999, trong một buổi giao lưu với giới doanh nghiệp, tôi có hỏi anh ấy rằng chúng tôi muốn lập một cơ quan nghiên cứu để góp ý về các mặt không phù hợp với thực tế của các chính sách của Đảng và Nhà nước, ý kiến của Tổng Bí thư như thế nào? Anh ấy trả lời rằng ngày mai anh làm được thì tôi ủng hộ. Khi Tổng Bí thư đã ủng hộ thì tôi về nói với anh em trong Công ty làm một bản đề nghị của tất cả những người lao động trong cơ quan. Nguyện vọng của nhân dân cộng với sự phê chuẩn của người đứng đầu Đảng thì không có cơ sở nào hợp pháp hơn, cho nên tôi đã ký quyết định thành lập cơ quan nghiên cứu trong công ty của tôi. Tất cả những gì chúng tôi làm được trong mười năm nghiên cứu, từ ngày hứa với anh Phiêu, nằm trong những xuất bản phẩm tôi có mang vào đây để tặng các anh, các chị.
Ông Trần Bình Minh: Để tiếp tục đề tài này, tôi cũng xin trao đổi với anh Bạt. Tôi chia sẻ suy nghĩ của anh, không ai phủ nhận bất kể cái gì, thậm chí còn tự hào về trí tuệ của người Việt Nam. Và có một điều như vừa nãy anh nói là cái ý chí gắn kết lại với nhau trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Có một vấn đề như thế này, cuối những năm 1980 mà cái mốc là năm 1986 có một quyết định rất quan trọng của Đại hội Đảng đưa đất nước sang một bước ngoặt. Rõ ràng là đã 20 năm rồi. Lúc nãy tôi có hỏi về mô hình phát triển, mô hình phát triển ở thời kỳ mới phải có những gì để tạo thay đổi như thay đổi chúng ta từng có năm 1986 theo suy nghĩ của anh?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Vấn đề này tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Muốn gì thì cũng phải bắt đầu từ giáo dục. Xét trên qui mô quốc gia, xét trên qui mô cấp tỉnh mà nói, tôi rất ngạc nhiên là Nghệ An không phải là trung tâm giáo dục và đào tạo tỏa sáng ở đất nước này. Đấy là cái mà xin lỗi các anh các chị là tôi rất “cay cú” với tư cách là một người Nghệ. Tôi rất ngạc nhiên thấy Nghệ An không phải là một điểm sáng chói về giáo dục đào tạo. Người Nghệ khi đi học ở các trường thì rất sáng, thậm chí đôi lúc chói chứ không chỉ sáng, nhưng Nghệ An thì chưa sáng chói. Đấy là vấn đề cần phải để ý. Việt Nam cũng vậy, công nghệ học gạo của người Việt thì không thua bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới cả, không kém người Trung Quốc được tiếng chăm chỉ nhất thế giới, không kém sự cày cuốc vừa chăm chỉ, vừa sáng tạo của người Do Thái. Người Việt Nam có kém là kém ở khía cạnh khác chứ không phải khía cạnh phẩm chất cá nhân. Chúng ta thiếu yếu tố để liên kết các phân tử hợp lý tồn tại trong xã hội thành một cộng đồng hợp lý. Cái đấy là trách nhiệm của chính trị. Với đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, tôi phải nói rằng không gắn kết được các hạt rất lý tưởng trong đời sống xã hội Việt Nam là trách nhiệm của chính trị, không phải là trách nhiệm của khoa học kinh tế. Và chính trị là cái có thể chủ động thay đổi. Chủ động thay đổi để có thể tận dụng, có thể huy động một cách hợp lý nhất, mạnh mẽ nhất toàn bộ tiềm năng của một địa phương hoặc một quốc gia thì thấy là sáng tạo, là công lao của nhà chính trị. Còn chăm học thì người Nghệ chăm học hàng đầu trong người Việt. Tôi là một ví dụ. Lúc tôi đi học không có đèn điện mà phải học bằng đèn dầu. Tôi phải đốt mỗi tháng 10 lít dầu để học, mà thời kỳ bao cấp thì một gia đình 5-6 người con cũng chỉ được 5 lít/tháng. Vào thời điểm đi học đại học chính qui, tôi còn học song song hệ ngoại khóa của hai trường đại học nữa để có kiến thức. Thưa anh Trần Bình Minh, tôi nghĩ rằng nếu không tạo ra được một công nghệ chính trị hợp lý để kết hợp và huy động tất cả những yếu tố vốn tồn tại một cách tích cực trong xã hội chúng ta thì chính trị có lỗi. Chứ còn máu kinh doanh ở nước Việt Nam này nó ngun ngút. Tôi theo dõi thị trường chứng khoán rất chi tiết và tôi hiểu rằng, sự đam mê và sự dũng cảm một cách liều mạng của người Việt trong kinh doanh tài chính là không thể đòi hỏi hơn được. Liều lĩnh như thế thì ngay cả ở Mỹ thì cũng không thể hơn. Tôi gọi đó là lòng dũng cảm dân sự. Lòng dũng cảm dân sự để tiến hành những cuộc phiêu lưu kinh tế hoặc kinh doanh của người Việt là ở mức rất cao. Người Việt có một đặc điểm là thích trò may rủi. Người Việt đến Macao đánh bạc không đông như kiến nhưng cũng như ong. Người Việt ở nước Mỹ đến Las Vegas để đánh bạc vào ngày nghỉ cuối tuần đông hơn các chủng người khác. Tôi đã để ra cả tuần để theo dõi ở Las Vegas, ở Macao, ở Hongkong. Tôi đã từng hợp tác với một tập đoàn kinh doanh sòng bạc ở Áo nghiên cứu tâm lý của người Việt trong việc thích may rủi như thế nào. Nghiên cứu tâm lý xã hội trong việc kinh doanh thì thấy người Việt đạt đến tiêu chuẩn rất căn bản để có thể trở thành một xã hội kinh doanh tốt. Dũng cảm dân sự có, thông minh có, nhanh nhẹn có, sự bất chấp nguyên tắc vào những lúc cần thiết cũng có. Chỉ còn một điều là kết hợp các yếu tố ấy như thế nào để nó trở thành một tổng thể có lợi cho sự phát triển kinh tế thì đấy là công việc của chính trị.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An: Thưa giáo sư Nguyễn Trần Bạt tôi xin hỏi ông qua ý kiến của đồng chí Phó Bí thư tỉnh ủy. Qua trả lời của ông, hiện nay chúng ta có mấy cái đang cản trở. Một là chúng ta ngưỡng mộ quá khứ, đất nước chúng ta là một đất nước mà trong chiến tranh rất yêu nước và đánh thắng hai đế quốc lớn nhất thế giới là Pháp và Mỹ, do đó ta cũng có cái tự hào. Cái thứ hai là sĩ diện, thích hình thức và cái thứ ba là người Việt chưa có sự đoàn kết. Tôi xin đề xuất ba vấn đề để hỏi ý kiến của ông. Việt Nam chúng ta sau chiến tranh các doanh nghiệp chỉ là doanh nghiệp nhà nước. Mãi đến năm 1991 mới bắt đầu có luật doanh nghiệp, luật công ty ra đời, khi đó ta mới thành lập các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, và nhờ đó mới huy động được nội lực trong dân. Các nước trên thế giới có cả nghìn năm doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp của chúng ta thì mới có hơn 20 năm. Lực lượng doanh nghiệp của chúng ta mới thành lập lại, cho nên các doanh nhân của chúng ta đang còn rất bỡ ngỡ trong kinh doanh và tất cả mọi lĩnh vực. Cho nên, theo tôi nghĩ đối với nhà nước đó là cơ chế chính sách. Tháo gỡ cơ chế chính sách là một khâu đột phá, khi đó mới đưa doanh nghiệp chúng ta và nền kinh tế phát triển. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là nhà nước, các cấp, các ngành phải đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp, khi đó mới phát triển được nền kinh tế lớn mạnh. Cái thứ ba là sự đoàn kết hợp lực, liên doanh liên kết giũa các cộng đồng doanh nghiệp chúng ta phải cùng nhau hợp tác, không riêng lẻ. Các nước như Trung Quốc, đi đâu người ta cũng liên hợp với nhau, còn Việt Nam ta, như ông vừa nói, các doanh nghiệp riêng lẻ, không đoàn kết với nhau. Nếu 3 yếu tố này hợp lực lại thì tôi tin chắc rằng nên kinh tế của chúng ta sẽ nhanh chóng tiến kịp các nước, sẽ đưa đất nước chúng ta nhanh chóng giàu mạnh.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Thưa chị, tôi không phải là giáo sư, mà giáo sư là anh Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc thường trực của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, là đương kim Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Câu hỏi của chị giáo sư Trần Ngọc Hiên trả lời thì hợp địa vị hơn tôi. Tuy nhiên vì tôi với chị là như nhau, nên tôi cũng cố gắng để mô tả một cách dễ gần gũi hơn quan điểm của chúng ta. Tôi nghĩ rằng ý kiến của tôi và ý kiến của chị chẳng có gì khác nhau cả. Nhưng giải pháp cho những điều chúng ta mong muốn không nằm ở chỗ chị nói và tôi nói. Tôi không dám nói kỹ hơn mà tôi chỉ nói rằng nếu tất cả các yếu tố cơ bản là có mà không có hiệu quả lớn thì cái lỗi phải tìm ở chính trị. Tại sao tôi không nói kỹ hơn được? Bởi vì đã là lỗi ở chính trị thì người nào phát hiện ra nó thì người đó là người sáng tạo chính trị, mà sáng tạo chính trị chỉ có giá trị trong trường hợp những người đang có chức năng phải phát hiện thì nó mới có tác dụng nhanh được. Thành ra tôi nhường cái sự suy luận tiếp về khái niệm lỗi chính trị như thế nào cho những người như anh Bình Minh, anh Hằng chẳng hạn. Tôi cho rằng chị cũng không nên nghĩ chị là chủ tịch của hội doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở Việt Nam tất cả các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả các tập đoàn kinh tế. Người ta cứ nói vống lên như vậy thôi, nhưng so với các doanh nghiệp tầm vóc thế giới thì các tập đoàn kinh tế của chúng ta cũng vẫn là doanh nghiệp vừa, còn doanh nghiệp của các chị hay của tôi là doanh nghiệp nhỏ. Hiệp hội của chị đáng ra không phải gọi là hội doanh nghiệp vừa và nhỏ mà là hiệp hội các xí nghiệp dân doanh. Gọi như thế mới chính xác về chính trị. Nếu không xác định chuyện ấy cho rõ thì đối tượng phục vụ của chị là không rõ. Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh là hai đối tượng phục vụ hoàn toàn khác nhau. Tuy nó có các quyền lý thuyết giống nhau, nhưng trên thực tế nó nhận được những điều kiện hoàn toàn khác nhau trong quá trình kinh doanh của nó. Tôi không dám nói doanh nghiệp tư nhân kém được hỗ trợ hơn doanh nghiệp nhà nước, bởi doanh nghiệp tư nhân mặc dù không được tiếp cận tài nguyên, không được tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi như doanh nghiệp nhà nước, nhưng nó có một cái quyền quan trọng hơn là nó không có cấp trên, nó tự do hơn, đồng tiền của nó được sử dụng nhanh hơn và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp nhà nước tuy có những quyền ưu tiên, nhưng nó có cấp trên, có bộ chủ quản, có thủ trưởng và có những kẻ dòm ngó tất cả các hành vi hàng ngày của nó và nó thiếu tự do. Thiếu tự do còn quan trọng hơn nhiều so với thiếu vốn. Qua vấn đề này tôi muốn nói chung với các doanh nhân là đừng bao giờ để cho tín dụng trói buộc mình, làm mất tự do kinh doanh của mình. Trong Hồi ký của ông Lee Iacocca, chủ tịch Tập đoàn ô tô Chrysler, có một câu: “bố tôi bảo tôi rằng chớ bao giờ vay những món tiền quá lớn cho kinh doanh, bởi như vậy là mình bán tự do cho ngân hàng”. Tôi thấy rằng đôi khi chúng ta liều, trách nhiệm dân sự của chúng ta trong việc thanh toán thấp đến mức chúng ta không nghĩ đến rủi ro. Tôi xin lỗi các anh các chị rằng cho đến phút này, sau hơn 22 năm kinh doanh, tôi không nợ bất kỳ ngân hàng nào một xu nhỏ. Rất nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng nước ngoài đề nghị cho tôi vay tiền để phát triển, nhưng tôi từ chối. Lý do là tôi không muốn mất quyền tự do quyết định của một giám đốc, một chủ tịch. Nói như thế này để các anh chị thông cảm với các doanh nghiệp nhà nước. Tưởng rằng nó có các quyền ưu tiên như vậy thì nó sướng, nhưng không phải. Nó mất cái quan trọng hơn cả các quyền ưu tiên ấy là tự do. Họ bị theo dõi, họ bị chỉ trích, bình luận, trong khi đó không ai biết các công ty tư nhân làm gì, và cũng không ai biết cách kiểm soát nó. Có thể nói ưu thế của các doanh nghiệp dân doanh hiện nay là nhà nước chưa biết cách kiểm soát nó như thế nào. Nhưng đến một ngày nào đó, sự phát triển của kinh nghiệm quản trị nhà nước đạt được đến mức độ chuyên nghiệp hơn thì đó không còn là một ưu thế nữa. Điểm mấu chốt để quản lý các doanh nghiệp dân doanh là gì? Là thuế thu nhập cá nhân. Ưu thế của các anh chị là trả lương, muốn trả lương cho ai bao nhiêu thì trả, và do đó các anh chị thu hút được người tài. Trong một bài viết trên Báo Lao động Xã hội, tôi có nói về chuyện công chức bỏ việc và tôi có phân tích một điều là: ưu thế của khu vực công chính là chọn những người lãnh đạo tài ba và chọn những người lao động thông thường. Bởi vì trên thế giới không khu vực công nào trả được lương cao hơn khu vực tư cả, nhưng cơ hội thăng tiến ở khu vực công thì lớn hơn. Cái giá mà chúng ta nhận được từ viêc thâm nhập vào khu vực công khác với các giá mà chúng ta nhận được khi thâm nhập vào khu vực tư. Cho nên ưu thế của khu vực tư có thể nằm ở nhiều chỗ, nhưng trong đó quan trọng nhất là quyền tự do của chị trong việc trả lương. Còn về chính sách thì GS Trần Ngọc Hiên sẽ trả lời chị sau.
Doanh nhân: Ông đã nói Nghệ An từ con người, đất đai, mọi điều kiện đều rất đầy đủ để phát triển. Ông sẽ làm gì và nói gì nếu ông là: Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nghệ An?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Nếu tôi là Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An thì điều đầu tiên tôi phải nghĩ là: đây là con hổ rất khó cưỡi và nếu muốn cưỡi con hổ Nghệ An này thì phải đủ bản lĩnh. Nếu ở cương vị Chủ tịch tỉnh, thì tôi nghĩ rằng bằng mọi cách phải xác lập một thể chế minh bạch, rành mạch và không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật chung. Để làm gì? Để cho người Nghệ An có điều kiện hành động một cách tương đối tự do trong những điều kiện pháp luật rõ ràng. Bản chất của nhà nước là xây dựng thể chế. Bản chất của đảng cầm quyền là xây dựng mục tiêu chính trị. Bản chất của doanh nghiệp là phải nhìn ra lợi ích. Đấy là ba vấn đề quan trọng nhất của nhà lãnh đạo. Làm ông Bí thư Tỉnh uỷ thì phải chỉ ra được mục tiêu chính trị, làm ông Chủ tịch Tỉnh thì phải xây dựng được thể chế, làm nhà doanh nghiệp thì phải nhìn thấy lợi ích. Nếu tôi là cố vấn cho cả ba người thì tôi sẽ khuyên họ như thế. Tất nhiên không thể đặt vấn đề một người ngoại tỉnh hay một người nào đó về đây làm những việc như vậy. Tôi không có cơ hội ấy nữa vì tôi đã ngoài 60 rồi. Nhưng tôi muốn với anh rằng dù là ai đi chăng nữa thì dứt khoát phải trả lời ba câu hỏi: Lợi ích là cái gì? Thể chế cần phải được xây dựng như thế nào? Mục tiêu chính trị là gì? Kể cả Tổng bí thư, Thủ tướng và Chủ tịch nước cũng phải trả lời ba câu hỏi ấy. Đấy là ba câu hỏi cho bất kỳ ai muốn tạo ra sự phát triển của vùng, của địa phương, của tập thể mà mình chịu trách nhiệm. Không có thể chế thì không thể công bằng, không có mục tiêu chính trị thì không thể tập hợp được, và không nhìn thấy lợi ích thì tất cả những cái còn lại là vu vơ. Một nhà lãnh đạo không thể vu vơ được. Một nhà lãnh đạo không thể không rành mạch, không thể điều hành bằng tình cảm được mà phải điều hành bằng thể chế. Một nhà lãnh đạo không thể không xác lập mục tiêu chính trị của mình được. Câu hỏi của anh rất hay. Câu hỏi của anh đáng ra phải hỏi những người cao hơn tôi, nhưng vì anh liều hỏi tôi thì tôi cũng liều trả lời anh.
Doanh Nhân: Ông là người Nghệ An, là người có trình độ và rất thực tế, từng lăn lộn làm kinh doanh và cũng có nhiều kiến thức chính trị. Ba điều trên như ông vừa nói thì áp dụng vào tỉnh nào cũng đúng cả. Đề nghị ông nói chi tiết hơn về ba điều kiện trên trong trường hợp sự phát triển riêng của Nghệ An?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi đã nói rồi. Với bất kỳ ai làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An thì đầu tiên phải xác định đây là con hổ khó cưỡi. Tôi đã nói với rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà hoạt động chính trị ở Hà Nội là một anh xe ôm ở Vinh lúc nhàn rỗi nói chuyện chính trị còn hay hơn nhiều so với nhiều báo cáo viên ở những tỉnh khác. Đây là con hổ rất khó cưỡi đối với người lãnh đạo, người đứng đầu của tỉnh này. Và nếu ông bí thư và ông chủ tịch không cùng hợp tác với nhau, nếu ông bí thư không tạo ra chỗ dựa chính trị để cho ông chủ tịch xây dựng thể chế, thì ông bí thư không làm được bí thư và ông chủ tịch cũng không làm được chủ tịch và bà phụ trách doanh nghiệp thì đi chỗ khác chơi. Bao nhiêu năm nay chúng ta đi chỗ khác chơi, chúng ta không giàu lên được vì sao? Trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế thì lòng dũng cảm dân sự, tức là độ liều, là gan to vô cùng quan trọng. Nếu như tất cả các thể chế bóp nghẹt vào thân phận nhà kinh doanh thì nhà kinh doanh không dám liều mạng nữa. Cho nên cái phát minh quan trọng nhất của nhân loại chính là khái niệm trách nhiệm hữu hạn. Khái niệm trách nhiệm hữu hạn là giới hạn trách nhiệm hình sự hoặc dân sự của một nhà kinh doanh, tức là anh chỉ mất đến phần đăng ký trách nhiệm. Mỗi người khi đăng ký trách nhiệm của mình thì phải lượng sức mình xem có chịu được không. Chính vì thế, nếu không xây dựng được một thể chế để cổ vũ, bảo hộ lòng dũng cảm dân sự của nhà kinh doanh thì không phát triển được lực lượng kinh doanh. Chị Thanh có dạy họ khôn đến mấy, giỏi đến mấy đi chăng nữa cũng không ăn thua, vì càng giỏi càng khôn càng dát. Tại sao trí thức không đút đầu vào lỗ châu mai, không làm cách mạng, không muốn đi tù nhiều như các nhà hoạt động chính trị? Tại vì họ biết quá, họ khôn quá, họ lỉnh. Cho nên dạy doanh nhân nhiều không đủ mà cần phải xây dựng một thể chế để đảm bảo an ninh con người cho họ thì hiểu biết ấy mới được phát huy trong thực tế để họ liều mạng. Trong kinh doanh không thể thiếu yếu tố liều mạng được. Liều 10 lần, thua 3 lần là số đỏ, thua 5 lần là số vàng, và rất có thể thua đến 8 lần. Hán Cao Tổ đánh nhau cả 100 trận, thua 99 trận, chỉ thắng 1 trận ở Cai Hạ và lập nên Nhà Hán. Xây dựng một sự nghiệp kinh doanh cũng giống như Lưu Bang kiến tạo nhà Hán. Có một ai đó nói một câu rất nổi tiếng là đằng sau một tài sản khổng lồ là một tội ác. Tôi nghĩ nói như vậy là ở thời kỳ tiền tích luỹ tư bản thôi. Bây giờ thì đằng sau mỗi một sự nghiệp kinh doanh là rất nhiều máu và nước mắt. Vì thế, nếu không có thể chế minh bạch thì có nghĩa là không có sự bảo hộ chính trị đối với nhà kinh doanh. Không có sự bảo hộ chính trị đối với nhà kinh doanh thì không thể có sự phát triển kinh tế. Người ta không thể phát triển kinh tế bằng đồng vốn nhà nước được. Vì bản chất của sự phát triển là tạo ra giá trị gia tăng. Nếu hôm nay anh có tiền, anh mua một tờ giấy chỉ đáng 5 xu và biến tờ giấy trở thành một bông hoa bằng giấy thì anh có thể bán ra 5 đồng. Nhưng có những loại kinh doanh huy động tiền bạc từ túi người khác chứ không tạo ra giá trị gia tăng. Sự tích lũy tiền bạc không phải là kết quả của sự gia tăng các giá trị, và đó là kinh doanh không lành mạnh. Hiện nay các nhà quản lý xã hội không phân biệt được sự tăng trưởng hay sự phát triển này là kết quả của việc thu tiền về từ túi người khác hay là kết quả của sự sáng tạo ra giá trị do mỗi nhà kinh doanh tạo ra. Các anh chị có nói rằng người Việt Nam rất thông minh, nhưng thông minh bằng cách lấy tiền của người khác và thông minh bằng sự tạo ra giá trị tăng lên của những thứ mình đang nắm trong tay là hai sự thông minh khác nhau. Nếu không phân biệt được như vậy thì không quản lý nhà nước về kinh tế được. Bất kể ở quy mô nào, một công ty, một huyện, một tỉnh, một quốc gia, quy luật ấy đều giống nhau. Không phân biệt được sự tăng trưởng do giá trị gia tăng với sự tăng trưởng do đốt nhiều năng lượng để nó chạy thì không thể quản lý nhà nước về kinh tế. Và như vậy, cuối cùng chúng ta phải phân biệt hai khái niệm: nhà nước mạnh và nước mạnh. Có rất nhiều quốc gia rất đói, rất nghèo nhưng số dư tiền bạc của nhà nước rất lớn, dự trữ tài sản của nhà nước rất lớn, nhà nước có quyền nói to đối với các nhà nước khác, nhưng luôn luôn run rẩy trước xã hội. Vì sao? Vì với xã hội anh là con nợ, còn người bên ngoài nhìn vào thì chỉ thấy anh có một khối lượng không biết lấy từ đâu. Phát triển kinh tế không phải là bốc ở mọi chỗ đặt vào một chỗ mà nói rằng đây là phát triển. Phát triển chính là làm gia tăng các giá trị đã có. Mà muốn gia tăng các giá trị đã có thì người tiến hành kinh doanh cũng như người tiến hành các lao động kinh doanh phải có trí tuệ để gia tăng các giá trị. Cho nên giáo dục là việc đầu tiên để tạo ra sự gia tăng các giá trị xã hội. Mở đầu tôi nói rằng tôi rất ngạc nhiên thấy người Nghệ học rất giỏi, người Nghệ xuất sắc ở mọi điểm trên đất nước này, nhưng giáo dục Nghệ An chưa phải là một nền giáo dục tỏa sáng. Đấy là câu hỏi mà nếu các anh các chị điều tra thì nhân dân người ta sẽ hỏi như thế.
Doanh nhân: Tôi muốn hỏi ông về một số vấn đề. Ông nói là Nghệ An có tiềm năng rất lớn, nhưng con em Nghệ An vẫn phải đi làm thuê ở Sài gòn và nhiều tỉnh khác. Vậy tại sao không có nhiều nhà đầu tư lớn vào Nghệ An. Ông có cách nào thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Nghệ An để con em đỡ phải đi làm ở xa, có đồng tiền thu nhập, có điều kiện gần gia đình không? Thứ hai, như ông nói có những doanh nhân làm ra những đồng tiền không minh bạch nên phải đi làm từ thiện, vậy có cách nào để các doanh nhân có thể làm ra những đồng tiền minh bạch mà không phải làm những việc như ông viết trong sách?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng không nên xem việc người Nghệ đi làm thuê là một việc tội nghiệp. Làm thuê là thân phận của con người hiện đại. Cái thời kỳ có một nhà tư bản, một ông chủ bao trùm lên tất cả qua rồi. Tất cả các công ty lớn trên thế giới này là công ty công chúng. Đã là công ty công chúng thì không phải là của riêng ai, mọi người đều đến đấy làm thuê, kể cả ông chủ tịch. Cho nên, không nên cường điệu việc người Nghệ An đi làm thuê ở các tỉnh. Phải phân biệt việc đi làm người giúp việc khác với việc làm thuê. Cô thư ký cũ của tôi cách đây 22 năm bây giờ làm Tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam. Cô ấy vẫn phải xem cô ấy là người đi làm thuê, nhưng lương làm thuê của cô ấy vào khoảng vài trăm ngàn đô la một năm. Lương của tôi không được đến thế. Tôi sẵn sàng bỏ địa vị làm chủ đi làm thuê nếu có lương cao như vậy. Trong nền kinh tế hiện đại, cần phải hiểu khái niệm làm thuê một cách khác đi, và phải nhớ rằng nếu chúng ta vẫn cố định khái niệm theo những cái anh nói thì chính là tiêu diệt cảm hứng học tập của bọn trẻ. Vì có học giỏi mấy thì giai đoạn đầu tiên của cuộc đời chúng cũng phải làm thuê, và trước khi chết thì may ra được làm chủ một chút, một phần triệu cổ phần trong một công ty nào đó. Ví dụ, theo luật ngân hàng, không có công ty nào sở hữu quá 10% của một ngân hàng. Không được sở hữu quá 10% mà là một công ty thì không thể có người chủ theo nghĩa tuyệt đối được. Cho nên đi làm thuê và làm người giúp việc là khác nhau. Chúng ta có thể phân vân một tí khi có người nhà đi làm người giúp việc, nhưng chúng ta nên tự hào khi có người nhà làm thuê cho các công ty lớn. Cái đấy về mặt tâm lý là phải dứt khoát, còn nếu không thì về mở cửa hàng bán nước giải khát ở nhà, anh có thể làm chủ tuyệt đối tài sản của anh.
Còn tại sao Nghệ An không khá lên được thì tôi trả lời lúc đầu rồi. Cái mà tất cả các nhà lãnh đạo Nghệ An cần có gan chịu trách nhiệm là tìm giải pháp trong chính trị, tìm ra một cơ cấu hợp với nhu cầu phát triển, với điều kiện phát triển. Còn chuyện người Nghệ An tài ba mà vẫn nghèo thì có thể cái tài ba ở đây là do anh nghĩ thế. Trong một bài viết của tôi về các tài năng có một câu như thế này: tài năng là thứ mà người sở hữu nó là người cuối cùng biết về nó. Như tôi khi sử dụng cán bộ mà anh nào nói rằng tôi tài lắm, thậm chí không nói nhưng bắt đầu ý thức về tài năng của mình là tôi không dùng. Lý do rất đơn giản là khi mà con ngựa đã biết rằng trên lưng nó là một vật nặng thì nó sẽ dở chứng. Quản trị nhân sự chính là quản trị sự êm thuận tâm lý trong quá trình cộng tác và làm việc. Con người hay ở chỗ là người ta cống hiến mà người ta không biết. Vậy thì lãnh đạo công bằng là gì? Người lãnh đạo công bằng là người biết sử dụng tài năng của con người, mặc dù người ta không ý thức được tài năng ấy, và phải thanh toán cho đủ từng xu một đối với tài năng mà anh sử dụng. Sử dụng tài năng không phải là một cuộc mặc cả giữa tôi và cán bộ của tôi. Rất kỳ lạ là chúng ta đã tạo ra những cuộc mặc cả như vậy trên qui mô xã hội là phải xứng đáng với tài năng, xứng đáng với cống hiến. Chừng nào chúng ta còn sa vào cái bẫy ấy thì không thể có phát triển. Phát triển là một quá trình hợp tác tự thân với các đối tượng và người lãnh đạo buộc phải có tài năng để đánh giá tài năng của người mà mình sử dụng, và buộc phải công bằng thanh toán đến từng xu nhỏ một. Không có một cán bộ nào của tôi đòi tôi tăng lương bao giờ cả. Để cho người ta đòi tức là người lãnh đạo tồi. Các anh, các chị nhớ rằng khi mình làm chủ doanh nghiệp thì chớ bao giờ để nhân viên của mình đòi tăng lương. Phải biết trước đến thời điểm nào thì họ đòi tăng lương và phải thực hiện trước khi họ mở miệng nói về chuyện ấy, thậm chí trước khi cái đầu họ bắt đầu nghĩ về chuyện ấy. Như vậy thì chúng ta được gì? Chúng ta được sự êm thuận, sự tự nguyện và không làm vẩn đục nền văn hóa quan hệ giữa anh em lao động trong cùng một cộng đồng.
Doanh nhân: Tôi là giám đốc Công ty Đông dược Thái lưu, chuyên sản xuất thuốc thảo dược gia truyền, có những cái tuyệt vời nhưng cũng có cái rất yếu kém. Chúng tôi có rất nhiều bài thuốc chữa trị được bộ Y tế công nhận và được người bệnh ở rất nhiều nơi đặt mua, nhưng hầu hết là yêu cầu chuyển qua đường bưu điện. Rất nhiều tỉnh yêu cầu công ty phân phối cho bệnh nhân cả nước. Đây không phải là tôi quảng cáo nhưng trưởng khoa ở bệnh viện quân đội 108 có nói là chính vợ và mẹ ông ấy dùng thuốc này mới khỏi được. Rồi bác sĩ Châu ở bệnh viện Đông y trung ương cũng phát biểu là từ trước đến nay chưa có thuốc nào như thế này. Có những người đi Nhật mang thuốc đi rồi sau đó gọi về cảm ơn và nói tại sao không đưa ra nước ngoài. Nhưng hiện nay cái yếu của tôi là chưa tổ chức được khâu kinh doanh và marketing, tìm người có năng lực kinh doanh thì tìm ở đâu. Trong chương trình học ba ngày này, tôi được biết sẽ có bài giảng về marketing, nhưng muốn ông nói cho tôi và những người ngồi đây biết về tổ chức marketing.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi hiểu vấn đề của anh. Anh là một nhà sản xuất tốt, một thày lang tốt, nhưng là một nhà kinh doanh tồi. Xin lỗi anh, trong cách trình bày của anh có rất nhiều sơ hở không chỉ liên quan đến kinh doanh mà còn liên quan đến sự an toàn trong việc sử dụng. Khi người ta kinh doanh dược phẩm, người ta buộc phải tuân thủ các hiểu biết và các luật cơ bản trong lĩnh vực này. Tất nhiên anh có thể suy nghĩ là dược phẩm của anh là những thứ có tính chất thảo mộc, nó không độc hại ghê gớm nên có thể châm chước cái này, cái kia, nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Tóm lại, đây là trạng thái của những người kinh doanh đầu thế kỷ thứ 19, nếu lấy tiêu chuẩn của thế giới để đo, nhất là trong lĩnh vực dược học. Với cách sản xuất của anh, anh không có cách gì có đủ tiền để xây dựng hệ thống phân phối. Và cũng không một ngân hàng nào muốn cho anh vay tiền với cách trình bày như vừa rồi về giải pháp kinh doanh của anh. Anh sưu tầm tất cả các lời khen, nhưng ở trên thế giới này không ai bán hàng bằng lời khen cả. Hàng hóa không thể bán được bằng lời khen mà bán được bằng sự xác nhận, đánh giá của các tổ chức phù hợp với đòi hỏi của luật pháp. Về chuyện này nếu anh cần, chúng tôi cử người đến tận nơi hướng dẫn riêng để xử lý vấn đề của anh. Anh có thể không cần xây dựng hệ thống riêng để phân phối, nhưng anh có thể ký gửi vào hệ thống phân phối khác. Trên thế giới người ta có rất nhiều hệ thống phân phối. Tất cả các hệ thống bán lẻ sinh ra là để bán các hàng hóa ký thác mà người sản xuất không có năng lực xây dựng hệ thống phân phối. Kinh doanh hiện đại buộc phải có một số qui tắc, một số điều luật, một số hiểu biết và buộc phải thận trọng trong diễn đạt. Bởi vì diễn đạt như anh tại một cơ sở công cộng là một sự xác nhận để không một ngân hàng nào cấp tín dụng cho anh. Với những người làm ăn, tôi phải nói thẳng, tôi không thể nói vu vơ được.
Cán bộ Trường Chính trị Nghệ An: Tôi xin hỏi một câu hỏi có tính chất cá nhân nhưng cũng có thể là một tâm tư nguyện vọng phổ biến của nhiều anh chị em. Năm 1997, tôi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, năm 1998 tôi nhận công tác ở Trường Chính trị Nghệ An, năm 1999 tôi vào đoàn luật sư Nghệ An, năm 2000 tôi cùng một số anh em có lập ra văn phòng luật sư Thiên Thanh ở Nghệ An và tôi làm trưởng văn phòng. Năm 2004 Luật Luật sư thay thế Pháp lệnh Luật sư, lúc ấy tôi làm công chức nên không được làm luật sư theo pháp lệnh. Năm 2004 tôi cũng là một trong những thành viên của ban vận động thành lập hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An. Theo luật công chức có hiệu lực vào tháng 1 năm 2010 thì tôi là công chức, nhưng thực ra tôi không được sử dụng quyền lực công để thi hành công vụ mà tôi chỉ sử dụng kiến thức giảng bài cho đội ngũ cán bộ công chức của tỉnh, vậy thì tôi có được tư vấn pháp luật không? Tôi có được thành lập doanh nghiệp, có được tham gia vào ban chấp hành của các hiệp hội doanh nghiệp không? Đấy là những câu hỏi cụ thể của tôi. Hiện nay luật cán bộ công chức hạn chế rất nhiều việc không được làm mà tôi thì không được sử dụng quyền lực công.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Anh chỉ còn một quyền nữa thôi, đó là yêu cầu hệ thống quản lý công chức tăng lương cho anh, bởi vì khi làm công chức anh không được làm những việc như vậy. Tôi ủng hộ qui định công chức là không làm những việc khác ở bên ngoài. Có một thời kỳ người ta sinh ra một khái niệm là dịch vụ công, sau đó nó biến, bởi vì nó bị lợi dụng ngay. Tôi nghĩ rằng đã là công chức thì không đi làm luật sư được, nhưng không đi làm luật sư tư chứ không phải là không đi làm luật sư công, tức là các ủy viên công tố. Khi còn là công chức anh cũng không thể dây dưa đến các hiệp hội được, anh sẽ làm hỏng cái hiệp hội ấy, bởi vì khi ấy người ta sẽ xem đấy không phải tổ chức của xã hội dân dự mà là cơ quan nối dài của Đảng và Chính phủ. Không có cách nào khác cả. Vậy để anh sống được với tư cách là một công chức thì phải tăng lương cho anh, không phải tăng lương do cấp bậc mà tăng lương do nhu cầu sống của công chức. Trong bài viết trên báo Lao động Xã hội, tôi có nói rất rõ là khu vực công không có cách gì để đu với khu vực tư về chuyện trả lương được, khu vực công chỉ có sự thăng tiến, tức là nếu anh thích tạo dựng sự nghiệp, uy thế chính trị thì anh đi làm ở khu vực công. Còn nếu anh định đi tìm thu nhập cao thì ở khu vực công không có, mà nếu có thì đấy là tham nhũng. Không có cách gì khác cả. Anh có thể thôi làm công chức và ra mở văn phòng luật. Tôi là một người như thế. Tôi là công chức, đến năm 1992, khi có luật công ty là tôi thôi làm công chức để ra mở công ty, và tôi rành mạch từ khi chính phủ chưa quan tâm đến rành mạch là gì. Ở trong công ty của tôi chỉ còn duy nhất một yếu tố dính líu đến khu vực công, đó là Chi bộ Đảng của những người cộng sản trong công ty của tôi sinh hoạt trong Đảng bộ của Viện Khoa học Việt Nam. Bởi vì chúng tôi và họ có nội dung để thảo luận với nhau, còn đảng viên ở chỗ tôi mà về phường thì chẳng có cái gì để nói cả. Vì anh em vẫn lưu luyến chuyện ấy mà đảng bộ cấp trên chấp nhận cho nên tôi cũng chấp nhận. Tôi nghĩ rằng cần phải rành mạch về chuyện này. Anh muốn làm những việc khác thì anh phải thôi làm công chức. Nhưng anh bỏ thì anh cũng phải biết rằng mình làm bao nhiêu năm rồi, bây giờ mình bỏ, sang năm nhỡ mình trúng vào cấp ủy, vào tỉnh ủy thì sao? Con người luôn luôn phải đứng trước các sự phân vân như thế và có trách nhiệm phải cân nhắc và đưa ra các quyết định dứt khoát. Nếu không dứt khoát, không rành mạch là thiếu trung thực. Hôm nay được chị Thanh và các anh chị thưa gửi một chút làm tôi cũng thấy thích, chứ còn ngày thường tôi có được thưa gửi thế này đâu. Đến các cơ quan quản lý nhà nước, trông thấy mặt một giám đốc công ty thì không ai chào đón, không ai lễ phép đâu, nhất là ở cơ quan cảnh sát kinh tế. Và chúng ta buộc phải chấp nhận điều ấy. Đấy là sự vất vả, thiệt thòi của doanh nhân ở giai đoạn hiện nay, nhưng đổi lại thì người ta có tiền. Bây giờ chúng ta cái gì cũng muốn cả, muốn cả doanh nhân, muốn cả đảng viên, muốn cả đảng ủy, muốn cả chính quyền, muốn cả quốc hội, muốn tất thì không được.
Cán bộ Trường Chính trị Nghệ An: Tôi có câu hỏi đặt ra với ông Nguyễn Trần Bạt. Thứ nhất là ngay từ đầu tôi thấy ông đã đau đáu với vấn đề giáo dục đào tạo, và ông thấy trăn trở là tại sao giáo dục Nghệ An không phải là điểm sáng của Việt Nam. Và nếu nhìn rộng ra thì tại sao giáo dục Việt Nam lại không phải là điểm sáng chói của giáo dục thế giới. Chắc hẳn khi mà ông đau đáu về vấn đề đấy thì ông đã có những câu trả lời rồi, xin ông gợi mở những suy nghĩ của mình?
Câu hỏi thứ hai cũng liên quan đến vấn đề giáo dục, tôi thấy ông với tư cách là một doanh nhân thành đạt thì với rất nhiều doanh nhân đang ngồi đối diện trước mặt ông, ông sẽ nói gì với họ xung quanh vấn đề giáo dục đào tạo? Tôi cũng xin hỏi với tư cách là một nhà trí thức, ông hãy đặt mình vào địa vị của một người giáo viên khi đối diện với rất nhiều người đã, đang và sẽ là doanh nhân, ông sẽ nói gì với họ?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghe chị nói thì tôi biết chị là giáo viên. Tôi xin trả lời chị là không phải bất kỳ sự phát triển logic nào cũng vô tận. Tôi cay cú việc Nghệ An không phải là một điểm sáng về giáo dục thì không thể suy rộng ra rằng tại sao Việt Nam lại không phải là một điểm sáng về giáo dục trên thế giới. Tôi chỉ nói trong khuôn khổ Việt Nam thì Nghệ An là một điểm có lịch sử, có nguồn gốc giáo dục rất xuất sắc, vậy tại sao nó không xuất sắc nữa? Và câu hỏi này không phải là tôi trả lời mà những người như anh Hằng và anh Bình Minh phải trả lời. Đấy là một câu hỏi sống còn đối với tương lai của cả nước lẫn của từng tỉnh. Nếu Tổng Bí thư đột nhiên rẽ vào đây thì tôi cũng nói thẳng như thế. Trong một bài trả lời phỏng vấn của Vietnamnet gần đây, tôi có nói rằng “Mặt trận giáo dục là một Điện Biên Phủ, kẻ nào thua trong trận ấy sẽ không có tương lai chính trị”. Đấy là chìa khoá đầu tiên và quan trọng nhất để giải quyết bài toán phát triển Việt Nam. Nếu không chúng ta vẫn cứ tiếp tục đi làm ôsin, nếu không chúng ta vẫn cứ tiếp tục cho con gái của chúng ta đi làm vợ những ông què, cụt bên Đài Loan như báo chí vẫn nói, chúng ta vẫn cho vợ đi làm lao động ở nước ngoài, và khi về cũng quên cả ngửi xem đồng tiền ấy có mùi gì nữa. Tôi nghĩ rằng giáo dục là cái quan trọng nhất, đấy là điểm quyết tử mà nếu Nghệ An tiên phong được thì Nghệ An sẽ có một tương lai chính trị cực kỳ sáng sủa bắt đầu từ phát triển giáo dục. Tôi có nói trong bài phỏng vấn ấy rằng tại sao chỉ trong vòng 20 năm nay chúng ta có hàng trăm, hàng nghìn khu công nghiệp được quy hoạch ở các tỉnh, chúng ta có hàng chục sân golf rộng hàng chục ngàn hecta trong cả nước, nhưng chưa ở đâu chúng ta có quy hoạch cho vùng đất để ưu tiên phát triển giáo dục? Câu hỏi này tôi đặt ra với chính phủ chứ không phải đặt với Nghệ An, nhưng để gợi ý với các anh rằng nếu Nghệ An đi tiên phong trong việc hỗ trợ các thầy, các cô tạo ra những điều kiện ban đầu để có thể xuất hiện những trường, sở tư thục bằng sự hỗ trợ đất đai thì đấy là một sáng kiến. Rồi các anh các chị sẽ thấy rằng những đứa trẻ thông thái được đào tạo ra bằng sự cố gắng, bằng sự vắt cổ chày ra nước để đầu tư vào đấy nó sẽ trả lời câu hỏi của chúng ta.
Năm tôi 16 tuổi cha tôi bảo “nhà mình nghèo quá không đủ tiền để học, thôi con đi làm đi, khi nào có tiền thì sẽ học”. Và tôi giắt tư trang đi theo một đoàn khảo sát rừng lên xây dựng cơ quan quy hoạch lâm nghiệp Sông Hiếu ở Phủ Quỳ. Và tôi đã vác cái mia đi lang thang từ Tương Dương lên đến tận Thông Thụ giáp biên giới Lào. Tôi là người đã đi lang thang đến tận cả các vùng hẻo lánh của đất Nghệ An này để quy hoạch khu lâm nghiệp Sông Hiếu. Sau đó có chiến tranh thì tôi đi bộ đội. Cha tôi nói thế và tôi đi. Con không cãi cha được, và cũng không cãi gì một ông bố nghèo, một ông bố cũng rất gương mẫu, cũng cộng sản nữa. Sau đó tôi đi bộ đội luôn, bốn năm sau tôi bị sức ép ở cơ bụng, tôi quay về trong một nỗi đau xót là kẻ bị loại ngũ vì không đủ sức phục vụ chiến tranh. Bây giờ anh nào mà được loại ngũ thì sướng như mở cờ trong bụng, nhưng ở cái thời của tôi mà bị loại ra khỏi quân đội vì sức khoẻ tức là một sự thông báo với xã hội rằng cái anh đàn ông này không đáng để lấy làm chồng, thế có đau khổ không. Cha tôi bảo là bây giờ con lại đi học đi. Tôi bảo tiền đâu? Ông bảo ba có thể cho con một tháng năm đồng. Mà lúc bấy giờ cái suất ăn tại cái bếp ăn tập thể là 12 đồng. Vào thời điểm ấy trường tôi học sơ tán ở vùng Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Lúc ấy vì là người đi bộ đội về nên tôi trở thành bí thư đoàn trường. Chúng tôi tổ chức hội nghị phụ huynh, xin quyên góp cũng được một số tiền. Mọi người bảo để mua sắm cho sang trọng, nhưng tôi bảo chia ra làm hai, một phần mua gạo, một phần nữa mua dụng cụ đánh cá. Bởi vùng nước lợ Kiến Thuỵ là vùng mà mỗi một tấc đất là có một con cua, một con rạm hoặc một con cá, hễ cứ đặt xuống là cua, cá nó vào, và chúng tôi bê một nửa số cua cá ấy ra chợ bán để mua gạo, một nửa để lại làm thức ăn. Thưa các anh, các chị là bằng cách như vậy tôi đã sống và thi được vào đại học. Trong khi tôi tự cứu mình để vào đại học thì tôi giúp đỡ hàng trăm học sinh lớp 10 khác có được điều kiện để theo học. Trong tất cả các sáng tạo của con người, sự sáng tạo vì đồng loại bao giờ cũng có những kích thước, những chất lượng con người căn bản. Đấy là chuyện riêng của tôi, nhưng tôi kể là để cho các anh các chị thấy rằng nhân cách con người được bảo vệ bằng cách nào. Tôi học rất giỏi. Ở bộ đội về, lớn rồi nên tôi phải gương mẫu, chăm chỉ. Bí thư đoàn thì phải chăm chỉ, mà đã chăm thì giỏi thôi. Tôi học rất giỏi và tôi nhận được quyết định cử đi học khoa vật lý ở trường Lomonosov, và một quyết định kết nạp Đảng. Kể ra nếu tôi được kết nạp đảng từ năm 1967 đến bây giờ thì cũng khối tuổi đảng rồi. Lúc bấy giờ tôi gặp vợ tôi, cô ấy là con một việt kiều ở bên Pháp. Thời kỳ ấy có người nhà ở nước ngoài thì bị kỳ thị lắm. Vợ tôi không được đi học đại học và tôi buộc phải vận động để một năm sau đó vợ tôi được đi học trở lại. Khi đó, ông bí thư chi bộ là hiệu phó bảo với tôi rằng: cậu có quan hệ nam nữ, luyến ái ở trong nhà trường, nếu cậu muốn nhận hai quyết định này thì cậu phải từ bỏ quan hệ với cô ấy đi. Tôi trả lời rằng: thầy là người dạy vật lý, hai quyết định này với chuyện kia nó không cùng thứ nguyên, mà không cùng thứ nguyên thì không đổi cho nhau được, vì thế cho nên không tôi không đổi cho thầy người bạn gái của tôi để lấy hai tờ giấy ấy, thầy cứ giữ lấy cái của thầy. Nếu chấp nhận sự đánh đổi ấy thì tôi có thể trở thành một ông giáo sư, một ông tiến sĩ dễ hơn nhưng khí phách con người thì chưa chắc tôi đã có được như thế. Mà tôi cho rằng trong đời sống hàng ngày của con người thì lòng dũng cảm, khí phách quan trọng hơn một số các chứng chỉ.
Bằng cái việc ấy tôi muốn chứng minh rằng giáo dục là số một, nếu có Tổng bí thư ở đây tôi cũng sẽ nói như thế, nếu có Thủ tướng ở đây tôi cũng nói như thế, nếu có Chủ tịch nước ở đây tôi cũng sẽ nói như thế. Việt Nam nếu không giải quyết tốt vấn đề giáo dục sẽ không có tương lai. Cho dù có ai viện trợ, có ai cho cái gì đi nữa thì cũng không là gì hết. Năm 1987, khi tôi lập công ty này, tôi có 1 cái xe đạp, mà đấy là cái xe đạp không phanh, không chuông. Sau 2 năm tôi đi ô tô second hand. Sau 3 năm tôi đi xe ô tô mới. Sau 4 năm tôi đi xe ô tô Mercedes. Và tôi dừng lại không tiếp tục đu theo hướng ấy nữa, vì suy ra cho cùng ô tô cũng không phải là niềm vinh hạnh của mình mà chỉ là phương tiện để chở mình mà thôi. Có khi nói chuyện với các anh các chị đem lại thú vị hơn nhiều so với việc đi loại xe gì.
Doanh nhân: Kính thưa ông Nguyễn Trần Bạt, các doanh nghiệp muốn phát triển lành mạnh thì phải có một môi trường xã hội lành mạnh. Môi trường xã hội lành mạnh thì ông đã nhắc ở bài “Tận nhân lực tri thiên mệnh” đăng ở trên báo Doanh nhân Sài Gòn, đó là xã hội dân sự. Với tư cách là doanh nhân thành đạt thì ông sẽ tư vấn như thế nào để xã hội dân sự phát triển, mà xã hội dân sự phát triển thì các doanh nghiệp mới phát triển được?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Về vấn đề này, trong một buổi thảo luận với một số anh trong Hội đồng Lý luận Trung ương, có cả giáo sư Trần Ngọc Hiên dự, tôi có nói rằng “để cho các nhà chính trị của chúng ta cổ vũ khái niệm xã hội dân sự thì nhà khoa học phải chứng minh với các nhà chính trị rằng xã hội dân sự là một khái niệm thân thiện với chính trị”. Tất cả các nghiên cứu của tôi về lĩnh vực này đều muốn chứng minh với nhà cầm quyền rằng, đây là một khái niệm hoàn toàn thân thiện đối với một chế độ chính trị như chúng ta có hiện nay. Nếu về mặt khoa học chúng ta không chứng minh được điều ấy, về mặt thái độ xã hội không ý thức được điều ấy thì xã hội dân sự của chúng ta không được thừa nhận một cách công khai về mặt pháp luật, và một cách thật thoải mái về mặt chính trị. Hiện nay khái niệm xã hội dân sự chưa được thừa nhận đầy đủ cả về mặt luật pháp lẫn về mặt thái độ chính trị và chính điều đó ngăn cản việc hình thành một đội ngũ doanh nhân, một nền văn hoá kinh doanh, một môi trường kinh doanh mà ở đấy mọi việc phải phát triển một cách tự nhiên. Chúng ta chưa có cái đó. Hiện nay các nhà quản lý lờ đi một số mặt để cho nó tồn tại, nhưng thừa nhận nó như những yếu tố không thể không có thì chưa. Và từ chỗ cấm đến chỗ lờ đi và đến chỗ thừa nhận là cả một quá trình. Quá trình ấy được gọi một cách chặt chẽ là sự phát triển chính trị. Chúng ta không thể sốt ruột được, chúng ta phải kiên nhẫn. Không có cách gì bắt ép các nhà chính trị phải làm thế này, phải làm thế kia được. Chúng ta tạo điều kiện để khuyến khích họ, làm cho giữa chúng ta - những doanh nhân với những nhà chính trị có một quan hệ thân thiện. Quan hệ thân thiện tạo ra sự thoả hiệp một cách dễ dàng hơn về mặt chính trị.
Doanh nhân: Thưa ban lãnh đạo tỉnh, thưa toàn thể đại diện các doanh nghiệp, thưa ông Bạt. Được biết ông đã đi rất nhiều nước và biết được rất nhiều cách kiếm tiền, từ kinh doanh sòng bạc đến buôn bán cho đến sản xuất kinh doanh. Xin ông cho biết các doanh nghiệp ở nước ngoài khác các doanh nghiệp ở nước mình như thế nào, họ được hỗ trợ như thế nào? Thứ hai, ông là người Nghệ An, xin ông mách nhỏ cho các doanh nghiệp ở Nghệ An làm ăn như thế nào để phát triển tốt? Tôi cũng xin ý kiến ban lãnh đạo tỉnh là hàng năm nên thành lập một hội nghị thương mại đi tham quan du lịch hay đi tham quan các triển lãm ở nước ngoài để về học hỏi. Nếu như ban lãnh đạo tỉnh đã thành lập rồi thì cho tôi được biết, vì hiện nay tôi đang mong muốn đầu tư một dây chuyền sản xuất về cơ khí. Vừa rồi tôi sang Trung Quốc tôi thấy dây chuyền không bảo đảm vì nó không được bền, muốn sang mua của Đài Loan hay của Châu Âu thì tôi có thể liên hệ ở đâu để tôi có thể đi khảo sát và mua dây chuyền của họ?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Câu mà anh hỏi các nhà lãnh đạo của tỉnh thì tôi không trả lời được, còn câu mà anh hỏi tôi là ở các nơi khác trên thế giới người ta đối xử, người ta ưu đãi, người ta bảo vệ hay hỗ trợ doanh nhân như thế nào thì tôi nói lại với anh là, một trong những điểm quan trọng của WTO là cấm các các chính phủ hỗ trợ đối với các doanh nghiệp. Do đó, xuất hiện một loạt những hiện tượng chống bán phá giá hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài. Không có câu chuyện các chính phủ tốt bụng muốn hỗ trợ các doanh nghiệp của nước mình thì hỗ trợ đâu. Thế giới không khuyến khích chuyện đấy. Chừng nào doanh nhân Việt Nam còn đi tìm và kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ thì chưa làm doanh nhân được, bởi vì doanh nhân Việt Nam đã gia nhập WTO rồi thì phải bình đẳng với các doanh nhân khác ở trên thế giới, ít nhất là về mặt quan hệ với chính phủ. Ở các nước phát triển, xã hội vẫn hỗ trợ doanh nhân bằng chính môi trường xã hội chứ không phải bằng thái độ của chính phủ. Môi trường xã hội hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp là môi trường bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ, bảo vệ quyền sở hữu của chủ xí nghiệp, bảo vệ quyền của người lao động một cách chặt chẽ. Tất cả những yếu tố như vậy tạo ra một môi trường thuận lợi cho kinh doanh, và anh tiến hành hoạt động kinh doanh của anh trong những điều kiện chặt chẽ như vậy thì anh yên tâm. Đấy chính là sự hỗ trợ của xã hội các nước phát triển, của trình độ phát triển của họ đối với hoạt động có tính chất kinh doanh ở nước họ. Chúng ta chưa có được điều ấy. Chúng ta chưa có một cách rành mạch, một cách vững chắc, một cách chi tiết điều ấy, chúng ta phải phấn đấu. Và chính phủ muốn làm được điều ấy thì phải được nghe tiếng nói của các anh, phải biết là các anh đau chỗ nào. Một loại chính sách mà tạo ra một triệu vết đau thì buộc phải xem xét lại. Tôi có viết một bài nói rằng “Xét về phương diện vĩ mô mà nói thì một chính sách mà động chạm đến quyền lợi của năm người thì được xem xét một kiểu, chính sách mà động chạm đến một nghìn người thì phải xem xét một kiểu khác”. Tại sao chúng ta không lập một phòng thương mại tỉnh? Tôi đã đến rất nhiều nước trên thế giới và tôi thấy họ có các phòng thương mại vùng, ví dụ vùng Picardi ở Pháp. Năm 1989 người ta mời tôi đến đó cùng với anh Phan Xuân Đợt, lúc bấy giờ là bộ trưởng bộ lâm nghiệp. Chúng ta chưa có quy định về chuyện này. Bây giờ chúng ta chỉ có một Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, làm tất cả mọi thứ, nói tất cả mọi thứ. Có lẽ trong điều kiện không ai nói hộ doanh nhân thì tiếng nói của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cũng tốt, nhưng khi doanh nhân hết ngọng rồi thì có lẽ cũng phải trả cho họ quyền thành lập các phòng thương mại khu vực. Tôi gợi ý các nhà lãnh đạo Nghệ An như thế.
Cán bộ Trường Chính trị Nghệ An: Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, tôi cũng đã đọc rất nhiều bài báo ông viết trên mạng và một số tài liệu trao đổi của ông với Học viện Chính trị Quốc gia HCM. Tôi muốn hỏi thêm một số thông tin, trong quá trình làm việc thì thấy có những vướng mắc. Tôi thấy hiện nay nước ta còn băn khoăn về mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi từ một nước nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ thì mô hình phát triển kinh tế của nước ta là gì, và từ đó dưới góc độ cách nhìn về Nghệ An của ta thì nên lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế nào? Thứ hai, ông là người đi rất nhiều các nước tư bản phát triển, ông có thể trao đổi thêm một chút về kinh tế nhà nước ở các nước phát triển nó chiếm bao nhiêu phần sở hữu trong sở hữu của nền kinh tế quốc dân, và nó đóng góp bao nhiêu phần trăm? Vai trò chỉ đạo, điều hành của nó đối với nền kinh tế như thế nào, bởi vì nó liên quan đến định hướng phát triển nước ta hiện nay, đây là những thành phần kinh tế chủ đạo. Câu hỏi thứ ba là hình như trong quá trình phát triển đột phá về tư duy lý luận của đảng ta, và nói chung về mặt lý luận phát triển chúng ta có những khuôn mẫu về mặt tư duy, tức là bị hạn chế về mặt lý luận. Do những hạn chế đó nên dẫn đến những hạn chế tư duy trong quá trình hoạt động, đột phá và tạo ra những bước phát triển sáng tạo?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Câu hỏi của anh khó quá. Câu khó nhất tôi trả lời trước là đảng ta có hạn chế tư duy không. Tôi không phải là đảng ta, vì thế tôi không thay mặt đảng ta để nói nó có hạn chế hay không. Nhưng giả định nếu tôi là đảng thì tôi kiên quyết không để cho bất kỳ loại lý thuyết nào hạn chế tư duy của tôi cả. Có lẽ cách nghĩ như thế là hợp lý nhất. Phải nói rằng, trong thực tế sự hạn chế tư duy làm nảy sinh rất nhiều vấn đề làm cho chúng ta phải sửa, chúng ta phải nghĩ đi, nghĩ lại. Một xã hội mà toàn bộ thời gian của bộ máy lãnh đạo cao cấp của nó chỉ dành để bàn cãi những chuyện như thế thì chắc là rất khó phát triển. Vì thế tư duy là việc buộc phải có, nhận thức là việc phải có, và càng linh hoạt càng tốt.
Hiện nay giáo sư Trần Ngọc Hiên có một bài phát biểu rất nổi tiếng tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong một hội thảo về mô hình phát triển, lát nữa giáo sư Hiên sẽ nói về chuyện này. Để trả lời câu hỏi của anh thì tôi cho rằng chúng ta phải làm rõ khái niệm mô hình. Mô hình là cái gì? Là cái anh tạo ra để làm mẫu cho người đời, hay là cái anh đi sao chép của người đời để làm cho anh? Phải phân biệt chỗ này. Đấy là công việc của cả khối tuyên giáo lẫn của trường đảng địa phương. Nếu mô hình là cái anh mượn của thiên hạ để theo thì thiên hạ ấy là ai, và điều kiện của mô hình ấy là gì, anh phải làm rõ. Còn cái mà anh tạo ra để cho nhân dân theo thì anh phải chứng minh cho nhân dân thấy cơ sở khoa học của nó. Hiện nay chúng ta mới chỉ thảo luận đến chữ “mô hình” như cái lồng, còn bên trong nhốt con gì thì chưa ai nói. Theo tôi, nên bỏ khái niệm đi tìm kiếm mô hình ấy đi. Tôi biết từ ngày mở cửa đến bây giờ, chúng ta đi tìm rất nhiều mô hình. Tôi từng làm việc ở Bộ khoa học và Công nghệ, bất kỳ mô hình nào cũng liên quan đến cái bộ mà tôi làm việc, mà tôi là kẻ rất tò mò về chuyện đấy và cũng được các thứ trưởng, bộ trưởng rỉ tai (vì bộ trưởng là thầy của tôi), tôi hiểu rằng từ năm 1985 - 1986 đến giờ chúng ta vẫn đi tìm mô hình mà không tìm thấy. Vì tìm mô hình của người ta thì không có, còn nghĩ ra mô hình cho mình cũng không dễ và rất mất thời gian. Ở chỗ này làm như thế nào là vấn đề khổng lồ của lý luận. Đây không phải là việc mang ra để giễu, đây là một việc khó mà tôi cho rằng không làm được.
Về câu hỏi thứ ba của anh về kinh tế nhà nước, tôi rất ngạc nhiên trước chuyện thế giới và Việt Nam cứ bàn đến kinh tế nhà nước. Kinh tế là gì? Kinh tế là tiền vốn + điều hành + kinh doanh. Kinh tế nhà nước là nhà nước bỏ vốn hay nhà nước kinh doanh, hay nhà nước vừa bỏ vốn vừa kinh doanh? Đấy là ba tình huống cần phải làm rõ. Nhà nước bỏ vốn cũng là kinh tế nhà nước, nhà nước kinh doanh và nhà nước vừa bỏ vốn vừa kinh doanh cũng là kinh tế nhà nước, đấy là trên thực tế. Trong xã hội vẫn có cuộc thảo luận là kinh tế nhà nước chủ đạo hay kinh tế nhà nước là một bộ phận hợp thành của cái gọi là nền kinh tế quốc dân. Đây là một khái niệm nặng về chính trị. Cho đến phút này cuộc thảo luận ấy vẫn được tiếp tục diễn ra một cách gay gắt trong giới học thuật về kinh tế vĩ mô, về kinh tế chính trị học. Cho nên, chưa có một kết luận rành mạch nào về chuyện này ở Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Còn anh hỏi ý kiến riêng của tôi thì tôi cho rằng, nhà nước càng ít vai trò trong sinh hoạt kinh doanh và kinh tế bao nhiêu thì xã hội càng lành mạnh bấy nhiêu. Nhà nước có thể bỏ vốn, tôi lấy ví dụ cơ quan Nasa là nhà nước bỏ vốn. Tôi là người tham gia soạn hợp đồng cho vệ tinh đầu tiên của Việt Nam với hãng Lockheed Martin. Đấy là một hãng tư nhân, nhưng khi nhà nước ký hợp đồng với nó để sản xuất máy bay chiến lược chẳng hạn thì giai đoạn sản xuất ấy nó quản lý vốn cho nhà nước, và nhà nước cung cấp cho nó tất cả các loại dịch vụ kể cả bảo vệ an ninh, bảo vệ người của nó. Nhà nước có thể có những kinh doanh thông qua các công cụ tư nhân và nhà nước hợp tác với tư nhân và hỗ trợ họ trong những nhiệm vụ chiến lược nào đó mà nhà nước xem là mục tiêu của mình. Đây là bài toán rất khó giải quyết ở Việt Nam, nhất là khi chúng ta có thói quen xem nhà nước là tất cả. Chúng ta xem nhà nước là tất cả nên nhà nước không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước một mặt trận sôi động và quan trọng như mặt trận kinh tế, và vì thế rất khó để nói rằng nhà nước cần phải tránh ra chỗ khác. Và như vậy là nhà nước nhảy vào giữa cái sân ngồi ở đó và nói rằng, ta ngồi ở đây để giám sát. Không ai có thể hôn nhau trước mặt bố mẹ được. Nhà nước mà có mặt một cách thái quá thì hạn chế kinh doanh, mà nhà nước ngoảnh mặt làm ngơ thì cũng không được. Bởi nhà nước, nhất là nhà nước CHXHCN Việt Nam chưa có thói quen để khẳng định điều ấy.
Doanh nhân: Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, trước khi vào câu hỏi, tôi có đôi điều tâm sự với hội trường chúng ta. Ngồi đây từ sáng tôi có một băn khoăn là không biết đây là một hội thảo về chính trị hay hội thảo về kinh doanh. Vì tôi làm kinh doanh nên nếu hội thảo này là về chính trị thì chiều tôi không đi nữa. Tôi có câu hỏi, được biết ông lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, cũng như rất nhiều người Nghệ An khác cũng bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng, nhưng rất nhiều người không thành công. Xin hỏi ở ông có cái gì khác những người khác dẫn đến việc ông thành công?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Sở dĩ tôi thành công bởi tôi không bỏ những cuộc hội thảo mà ở đấy người ta bàn lẫn giữa kinh doanh và chính trị. Bởi vì một con cá muốn bơi thì phải hiểu nước, không hiểu chính trị chính là không hiểu môi trường sống của doanh nghiệp của anh, môi trường sống của các hoạt động kinh doanh của anh. Anh sẽ thất bại là cái chắc, nếu anh tảng lờ các khía cạnh chính trị, bởi vì chính trị đã gieo gió thì kinh doanh sẽ gặt bão.
Doanh nhân: Xin cảm ơn câu trả lời của ông. Không phải tôi không nghĩ đến sự liên quan giữa chính trị và kinh tế, mà tôi có cảm giác ngồi từ sáng đến giờ giống như ngồi họp ở quốc hội. Tôi cũng tham gia các kỳ họp quốc hội nhưng tôi nghĩ trong một hội thảo như thế này thì phải ưu tiên kinh doanh hơn thay vì chính trị. Đấy là thứ nhất. Thứ hai ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi là ông khác những người kinh doanh khác ở chỗ nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi là người tiến hành các kinh doanh của mình, sáng tạo ra các kinh doanh của mình trên cơ sở phân tích một cách toàn diện các cơ hội của đời sống kinh tế. Ví dụ, năm 1979, khi người Trung Quốc tổ chức chiến tranh ở biên giới là tôi nghĩ ngay đến chuyện cộng đồng khối xã hội chủ nghĩa sẽ có khủng hoảng chính trị. Cũng tại thời điểm ấy thì giáo sư Brzezinski cũng bắt đầu nghiên cứu hiện tượng khủng hoảng ở châu Âu. Năm 1983 khi Gorbachev lên ở Nga sau cái chết của hai tổng bí thư mà đảng ta rất ca ngợi là Andropov và Chernenko, thì tôi bắt đầu chú ý vào nhân vật Gorbachev. Tôi nghĩ rằng nếu thực thi perestroika và glasnost bằng một con người như thế này thì Liên Xô chắc chắn sụp đổ. Nếu Liên Xô sụp đổ thì Việt Nam sẽ như thế nào? Việt Nam không còn chỗ dựa nữa vì chúng ta là thành viên của khối SEV. Vậy Việt Nam không còn chỗ dựa nữa thì Việt Nam phải có chính sách như thế nào? Mở cửa, đổi mới. Đổi mới nông nghiệp, khoán 10 chỉ đủ giải quyết vấn đề đói, nó không đủ để giải quyết vấn đề phát triển. Vậy thì phải mở cửa. Mà đã mở cửa thì người Tây sẽ vào và khi đó thì hai cộng đồng gặp nhau. Người Tây không hiểu gì về người Việt Nam và người Việt Nam cũng không hiểu gì về người Tây. Vậy thì dứt khoát hai cộng đồng này phải cần một người phiên dịch. Tôi lập công ty này để làm công việc phiên dịch ấy và tôi thành công. Cái mà tôi trình bày với anh hoàn toàn không liên quan gì đến kinh doanh, nó liên quan đến chính trị, mà không phải chỉ chính trị Việt Nam. Tôi không nói con đường của tôi là con đường duy nhất, nhưng tôi nói kinh nghiệm của tôi, và tôi cũng không dám nói là tôi đúng. Tôi chỉ nói là sở dĩ tôi thành công bởi vì tôi biết dự những cuộc hội thảo có bàn cả chuyện chính trị lẫn chuyện kinh doanh. Và phải nói thật là trong đời sống chuyện chính trị và chuyện kinh doanh không thể rành mạch, vì thế cho nên không hiểu cái này thì không thể hiểu cái kia. Thế mới có môn học kinh tế chính trị học. Và cũng chính vì thế tôi rất hoan nghênh việc Trường Chính trị Nghệ An đứng ra tổ chức hội thảo như thế này. Tôi xin nói lại, đây là một ví dụ về việc các nhà chính trị chuyên nghiệp đã bước một chân vào trong đời sống của cộng đồng kinh doanh không phải với tư cách là một kẻ kinh doanh mà với tư cách là một kẻ hướng dẫn chính trị cho cộng đồng ấy. Tôi hoan nghênh bởi vì như thế, tôi nhận lời đến đây nói chuyện với các anh, các chị là vì như thế. 11h30 tối qua tôi mới lên đến tàu, sáng nay đến đây là 4h30 sáng, không ngủ được, nhưng vì háo hức được đối thoại với các đồng nghiệp Nghệ Tĩnh cho nên tôi không thấy mệt.
Cái hớ của anh khi nói làm tôi thích câu hỏi của anh nhất, bởi đấy là cơ hội để tôi nói với các anh em khác. Chớ bao giờ bỏ qua chính trị, chính trị là gió, còn kinh tế là bão, sai một chút nhỏ trong chính trị sẽ tạo ra bão ở khu vực kinh tế. và cái rủi ro ấy nó lớn đến mức nếu ai không ý thức được thì đừng hy vọng trở thành người thành đạt trong kinh doanh. Đấy là tôi chưa nói còn có một con đường tiếp cận với chính trị không minh bạch, không chân chính bằng cách móc ngoặc với quyền lực. Tôi không nói đến chuyện ấy vì số lượng người làm được chuyện đấy không nhiều, và loại người ấy nó cũng khôn đến mức không bộc lộ, vì thế cho nên nói là đoán mò, mà đoán mò thì không nên nói. Tôi nói khía cạnh phổ biến là chúng ta buộc phải rất hiểu biết về chính trị để tính đến cái rủi ro. Tôi có một cậu em họ định sản xuất một loại thiết bị giống như cái hộp điện thoại cho bưu điện, cậu ấy cùng với một số giáo sư của trường đại học bưu điện tổ chức một công ty để chế tạo sản phẩm ấy cấp cho các cấp huyện. Thầy trò các anh ấy đến hỏi tôi và bảo “anh ơi em làm thế anh bảo có nên không”? Tôi bảo “chỉ cần một thằng Tây nó tỉnh giấc là hình như ở Việt Nam có thị trường ấy thì cậu chết”. Và y như rằng, một năm sau có một công ty chế tạo thiết bị bưu điện vào hợp tác với nhà máy thiết bị bưu điện chế tạo ra cái đó, vậy là ông này treo niêu, bao nhiêu đầu tư trước đây là vứt sọc rác. Cái sự thức tỉnh của việc phát triển công nghiệp sản xuất các thiết bị bưu điện là bắt đấu từ anh Tá. Vậy nếu không quan sát chính trị thì làm sao biết được lúc nào ông tá thay ông tướng lên để mà cân nhắc chính sách? Trong một xã hội, một nền chính trị chưa chuyên nghiệp thì tính cách của một nhà chính trị đôi khi quyết định chất lượng của chính sách. Cho nên không những nghe mà tôi còn phải đọc bản tin hàng ngày. Số lượng tin mà tôi đọc hàng ngày để cập nhật tình hình trên thế giới và Việt Nam khoảng 200 trang A4/ngày, không thiếu cái gì. Con người chúng ta là một thực thể thông tin. Trước đây là một thực thể tự nhiên, sau đó là một thực thể theo kiểu Marx là một tổng hoà xã hội. Bây giờ cần phải định nghĩa cụ thể hơn: chúng ta là một tổng hoà có tính chất thông tin. Người nào không có thông tin thì người ấy là người chết theo nghĩa hiện đại. Nếu các anh các chị đồng ý với tôi thì xin ghi nhớ câu này: khi nào chúng ta không còn thông tin nữa là chúng ta cáo chung đối với thế giới hiện đại.
Doanh nhân: Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, tôi là một giám đốc doanh nghiệp có hai câu hỏi muốn hỏi ông. Thứ nhất, công ty của tôi có tên là Nước mắm Vạn Phần đã đăng ký tại Việt Nam, bây giờ muốn đăng ký ở nước ngoài thì phải chi phí bao nhiêu? Thứ hai, hiện nay chủ trương của nhà nước đang chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành các loại hình ngoài doanh nghiệp nhà nước như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc nhiều thành viên. Có thể trong thời gian tới khái niệm doanh nghiệp nhà nước sẽ dần dần không có nhiều. Nhưng hiện nay có một số văn bản của nhà nước, cụ thể văn bản của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về chế độ tiền lương đang còn khái niệm là công ty nhà nước. Tôi thấy rất khó hiểu, đề nghị ông giải thích rõ cho chúng tôi hiểu thêm về khái niệm công ty nhà nước?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Câu đầu tiên về việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp từ Việt Nam ra nước ngoài thì nó rất khác nhau đối với từng nước khác nhau. Vì thế nếu anh là chủ một cơ sở sản xuất, nếu anh có ý định đăng ký nhãn hiệu thì ngày mai các chuyên gia của tôi sẽ nói về việc này, anh có thể làm việc cụ thể hơn với họ.
Câu thứ hai của anh về chuyển đổi doanh nghiệp thì tôi cho rằng chuyển đổi doanh nghiệp thì không phải là chuyển đổi hình thức. Bản chất của chuyển đổi doanh nghiệp là chuyển đổi sở hữu. Tôi muốn cổ phần hoá doanh nghiệp sản xuất cái cốc này thì tôi phải định giá nó, phải bán nó đi, nếu nó là của nhà nước thì phải thu tiền về, trong đó có xét đến các khía cạnh chính sách như lao động lâu năm thì được bao nhiêu phần trăm cổ phần. Chuyện đấy nó có quy chế và nó có một uỷ ban của nhà nước để làm, mà hình như trước đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là phó thủ tướng) đã làm trưởng ban đấy, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ bây giờ là anh Phạm Viết Muôn, anh Nguyễn Minh Thông làm chuyện này. Trong quá trình cổ phần hoá nó diễn ra rất nhiều vấn đề, và bây giờ thì người ta đang củng cố lại cách thức để tránh việc đánh tháo tài sản quốc gia ra khu vực tư nhân bằng khái niệm cổ phần hoá. Cổ phần hoá về bản chất là nhà nước bán các xí nghiệp của mình cho tư nhân, cho cá nhân để thu tiền về, còn gọi tên cái quá trình ấy là cái này, cái kia không quan trọng. Vậy tại sao phải cổ phần hoá? Cổ phần hoá thứ nhất là giảm nhẹ gánh nặng của nhà nước. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì nhà nước phải nuôi, phải bao cấp, phải làm đủ thứ, mà bây giờ nhà nước không có quyền làm như thế nữa, nhất là khi đã gia nhập WTO. Đây là một trong những vấn đề buộc phải xử lý theo lộ trình hội nhập WTO. Còn những khuyết điểm trong quá trình cổ phần hoá, những sự đánh tháo tài sản quốc gia trong quá trình cổ phần hoá, những khuyết tật móc ngoặc về mặt kinh tế trong quá trình cổ phần hoá, những việc ấy nó không giống nhau ở các xí nghiệp khác nhau nên chúng ta bàn sau.
Doanh nhân: Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, tôi rất thích về chính trị và kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh. Thứ nhất xin hỏi ông về mảng kinh doanh, theo ông ở Nghệ An mô hình phát triển du lịch so với các ngành nghề công nghiệp khác có lợi thế như thế nào, và so với các tỉnh của Bắc Trung Bộ thì thế nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Để trả lời câu hỏi Nghệ An có tiềm năng du lịch hay không thì trước hết phải định nghĩa tiềm năng du lịch là gì. Con gái Nghệ An rất đẹp, biển Nghệ An chẳng xấu gì so với biển của bất kỳ chỗ nào, mặt trời Nghệ An chói sáng không kém gì mặt trời ở bất kỳ tỉnh nào của Việt Nam. Tôi không nghĩ là Nghệ An không có tiềm năng tự nhiên của công nghiệp du lịch. Có thể tiềm năng của nó không phải là xuất sắc nhất Việt Nam, nhưng nó cũng không kém những tỉnh bình thường khác (tất nhiên là không thể so với Nha Trang hay so với Huế). Tuy nhiên, tiềm năng thiên nhiên chỉ là một khía cạnh thôi. Cơ sở hạ tầng ở Nghệ An vẫn kém. Thành phố Vinh chưa đẹp, chưa được quy hoạch, chưa được thiết kế, chưa được tạo dáng phù hợp để trở thành trung tâm của một tỉnh muốn khuyến khích phát triển du lịch. Các khách sạn ở đây chưa có khách sạn nào thật có tiếng. Đôi khi chúng ta vẫn dùng những cái tên địa phưong, nghe chỉ mùi mẫn đối với những người không bao giờ ở khách sạn. Đặt tên cho khách sạn là đặt tên cho kẻ đến ở khách sạn chứ không phải đặt tên theo ý thích của người chủ khách sạn. Đấy là những logic rất căn bản về mặt kinh tế du lịch mà tôi thấy nếu người nào quan tâm thì nên suy nghĩ. Phải nghiên cứu đặt tên khách sạn, đặt tên đường phố, đặt tên địa phương, phải xác định xem địa phương mình có những sản vật thiên nhiên đặc trưng nào. Ví dụ, người ta đưa cả hình con vật lên trên quốc huy của nước Úc hoặc hình lá phong trên cờ của Canada. Chúng ta chưa tìm ra cái gì đặc trưng. Tôi có một bạn đồng nghiệp là Trần Hữu Nam, con của nhà thơ Trần Hữu Thung. Có lần cậu ấy kể một câu chuyện, tất nhiên chỉ là chuyện cười thôi. Để xây dựng biểu tượng Nghệ An thì người ta tổ chức một cuộc thi và nhà thơ Trần Hữu Thung được chọn làm chánh giám khảo. Người thắng cuộc là người lập luận rằng, Nghệ An ta trên rừng có gỗ, dưới biển có cá, vì thế cho nên con vật biểu trưng là một con cá gỗ.
Để phát triển kinh tế du lịch thì buộc phải nghiên cứu rất kỹ địa phương của mình, và buộc phải vứt bỏ những định kiến. Tôi có một người bạn đã mất là anh Võ Hoà, chủ tịch tỉnh Phú Khánh. Tôi với anh ấy rất thân với nhau. Mỗi lần đi qua Khánh Hoà vào Nha Trang bao giờ tôi cũng vào chơi với anh ấy và hai anh em ngồi với nhau cả buổi. Anh ấy bảo “tỉnh của tớ là tỉnh dưới cánh máy bay, các cụ đi qua đi lại trên đầu chúng tớ chứ không dừng lại”. Bằng sự phấn đấu, bây giờ Khánh Hoà đã có sân bay Nha Trang. Nghệ An chưa có sân bay. Cái sân bay mà các anh bảo có chỉ dành cho các vị lãnh đạo ở trên xuống đi họp, nhưng biến thành một đường vận tải hàng không và quốc tế hoá thành một cảng hàng không là chưa có. Bởi vì để kinh doanh du lịch thì người ta phải đi thẳng vào đây. Tất nhiên, việc đó tốn rất nhiều tiền và đòi hỏi rất nhiều thứ, nhưng ngay từ bây giờ các anh phải ý thức được chuyện đó. Anh Võ Hoà ý thức về chuyện này từ năm 1990 mà đến khoảng năm 2000 Khánh Hoà mới có được sân bay. Các anh phải tính đến chuyện ấy. Dân số Nghệ An không nhỏ, lớn hơn Khánh Hoà, Nghệ An hoàn toàn có thể có chuyện ấy. Tuy nhiên, cái quan trọng hơn cả là con người. Xin lỗi các anh lãnh đạo tỉnh, xin lỗi các anh chị, các anh chị có muốn nghe tôi nói thật không? Người Nghệ An có một đặc điểm cực kỳ quan trọng là rất không khéo léo hay là ngay thẳng một cách thô bạo. Đặc điểm này hoàn toàn không thuận lợi cho sự phát triển kinh tế du lịch. Lảnh lót, uốn éo như người Huế thì khó, nó lại có mặt khác của nó. Nhưng các anh các chị để ý người Nha Trang mà xem. Người ta không ngọt ngào quá, nhưng người ta không thô lỗ. Tôi đã từng dẫn những tập đoàn khách sạn như Marriott, như SAS vào Việt Nam cho nên chúng tôi biết rất rõ họ nghiên cứu các yếu tố nào để phát triển dịch vụ du lịch. Người Nghệ chúng ta có một nhược điểm là không khéo. Ngay cả những nhà nghiên cứu khoa học gốc Nghệ cũng nhấn mạnh quá các thực trạng thổ ngữ, địa phương ngữ mà không đô thị hoá nó, không hiện đại hoá nó để tạo cho người Nghệ An một hệ thống ngôn ngữ phù hợp với độ mở của nền kinh tế. “Chửi cha không bằng pha tiếng”, chê giọng là một lỗi, là một sự không tinh tế, vì thế để nói chuyện này thì phải xin phép, tôi đã xin phép thì tôi mới nói. Tôi nghĩ rằng cần phải có một nhận thức, một chương trình thế nào đó để đô thị hóa phong cách của người Nghệ. Tất nhiên, anh nào mà đô thị hoá quá thì cũng mất cái chất Nghệ đi. Tôi là một ví dụ không hay lắm, tôi không nhận được sự hỗ trợ chính trị của các đồng hương Nghệ Tĩnh cấp cao của tôi. Nhưng giữ nguyên nó thì cũng không được. Làm thế nào để thật mà không thô, khéo mà không giả, đấy là điều quan trọng nhất trong việc xây dựng phong cách ngôn ngữ của người Nghệ. Thưa các anh, việc ấy là vô cùng khó. Các anh muốn thành công, muốn biến Vinh thành một trung tâm của sự phát triển ở vùng này thì buộc phải làm như thế. Chúng ta có rất nhiều đời thủ tướng, nhưng thủ tướng Phạm Văn Đồng là người duy nhất ý thức được vai trò của văn hoá ngôn ngữ, cho nên ông ấy mới kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Rất nhiều người không thích ông ấy và chế giễu chuyện ấy, nhưng tôi hiểu rất rõ rằng ông ấy làm việc ấy là rất có tầm nhìn đối với sự phát triển của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Kính thưa các anh các chị, giáo sư Trần Ngọc Hiên đã trình bày tất cả một cách ngắn gọn về một quá trình không chỉ vất vả để lao động thông thường, mà còn vất vả để tồn tại. Những quan điểm mới, những ý nghĩ mới, thậm chí những hơi thở mới, những tiếng kêu khe khẽ trong thơ ca nhiều khi để tồn tại được ở một giai đoạn lịch sử nào đó cũng buộc phải rất vất vả. Bây giờ đã qua rồi nên giáo sư nói một cách nhẹ nhàng như vậy, nhưng lịch sử tồn tại của sự phát triển những ý nghĩ là cả một thời kỳ gay go. Thưa các anh, các chị doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân trẻ, chúng tôi đã ở thế hệ ngoài 60, 70, chúng tôi đã kết thúc sứ mệnh gợi ý và tiếp quản nền kinh tế tập trung quan liêu để biến nó thành một nền kinh tế khó gọi tên, tuy nhiên có màu sắc thị trường. Đấy là thành tựu của 20 năm đổi mới của thế hệ chúng tôi. Gọi tên là gì bây giờ là rất khó. Giáo sư Nguyễn Đức Bình trong một hội thảo có nói là ra đường chỉ thấy thị trường, không thấy định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng chúng ta có thấy xã hội chủ nghĩa ở đâu đâu mà thấy định hướng xã hội chủ nghĩa? Có lẽ giáo sư Bình quên mất một thực tế là sự lo toan và tinh thần trách nhiệm của những người tạo ra doanh nghiệp đối với đời sống người lao động chính là định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đi tìm cách lý luận hoá khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa cho nên chúng ta bế tắc trong việc gọi tên nội dung của nó. Tôi đã nói từ lâu và với rất nhiều người rằng, sự quan tâm một cách sâu sắc đến đời sống của người lao động trong mỗi một xí nghiệp, trong mỗi một vùng lãnh thổ, trong mỗi một tổ chức chính là định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạm thời chúng ta chấp nhận nội dung thô sơ như vậy để gọi tên hiện tượng có chất lượng lịch sử là định hướng xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều người trong các góp ý trên báo chí đề nghị bỏ cái này đi, bỏ cái kia đi. Với tư cách là một người nghiên cứu, tôi cho rằng chưa đến giai đoạn ấy, chưa đến lúc làm như vậy. Bởi sự tồn tại một vài khái niệm có nguyên do lịch sử của nó, chứ không phải tự nhiên nó mọc ra ở xã hội của chúng ta.
Ở đây không phải vì ở trong Trường Chính trị Nghệ An mà tôi nói một cách chiếu lệ để tìm kiếm sự an toàn ở bên ngoài hoặc an toàn ở các anh các chị, mà tôi nói từ trong suy nghĩ, từ trong phân tích của tôi. Tại sao tôi nói chuyện này với các nhà doanh nghiệp? Các anh các chị có thể có ý nghĩ tôi thiên về chính trị, nhưng không phải như vậy. Bản chất của sự đòi hỏi của người lao động về sự quan tâm phải có của lãnh đạo hoặc của những người chủ doanh nghiệp là một đòi hỏi có chất lượng hậu quả của nền văn hoá vô sản mà chúng ta đã gieo ra hơn nửa thế kỷ trên đất nước của chúng ta. Cho nên, nếu anh không có ý thức quan tâm và có một thiết chế đầy đủ, có một cách thức hợp lý để có thể chăm sóc đời sống, chăm sóc tương lai của người lao động, thì những người lao động sẽ trở thành kẻ thù của anh trong chính công ty hoặc xí nghiệp của anh. Đấy là một kinh nghiệm sống còn. Không phải cứ chăm sóc thì người ta sẽ ở lại một cách trung thành. Tất cả những chủ công ty nào chăm sóc người lao động để tìm kiếm sự trung thành như giáo sư nào đó đòi hỏi thì đấy là hàng xén về mặt khoa học. Sự chăm sóc con người tạo ra độ hấp dẫn của người chủ, của người lãnh đạo và chỉ có sự hấp dẫn ấy mới thu hút được những yếu tố tích cực, phù hợp với đòi hỏi của anh trong mỗi một giai đoạn phát triển. Nếu không còn thích hợp thì người ta đi. Tôi có một phương châm là không ai nghèo đi khi đến làm việc cho tôi, hay tôi cố gắng chứng minh là không một ai không giầu lên sau một thời gian 3- 5 năm làm việc cho tôi. Nguyên lý ấy là vô cùng quan trọng trong thực tiễn điều hành và xây dựng các doanh nghiệp.
Bây giờ tôi sẽ chuyển qua nói về những kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp. Kinh nghiệm thứ nhất tôi muốn nói với các anh chị về xây dựng doanh nghiệp hay quản lý doanh nghiệp là vấn đề quản trị đời sống người lao động. Tiền đề để ứng xử với người lao động là chúng ta phải xác lập được, phải thừa nhận một cách khách quan rằng chúng ta đã có một nền văn hoá, nền văn hoá đó được xây bởi những người cộng sản, và tôi gọi đó là nền văn hoá vô sản. Nền văn hoá vô sản tồn tại trong thực tế đời sống nhân dân, đời sống tâm lý của người lao động, nhất là ở miền Bắc. Cho nên, nếu không tự giác về điều ấy chúng ta sẽ không xây dựng được doanh nghiệp. Trong buổi nói chuyện sáng nay tôi đã nói, nó rủi ro lắm. Ví dụ, một thứ thuốc bậy bạ được nhét vào trong sản phẩm, hoặc một băng ghi hình những phút rửng mỡ của ông giám đốc. Hàng chục, hàng trăm các rủi ro diễn ra đối với một người phải chịu trách nhiệm trước một doanh nghiệp hoặc một đơn vị nếu anh không giải quyết tốt vấn đề nhân tâm, vấn đề con người trong xí nghiệp của anh. Ở chỗ tôi có những người lương cao đến cả trăm triệu một tháng vẫn ra đi. 20 năm rồi tôi rút ra kết luận rằng, không có một đồng tiền nào hấp dẫn người lao động no đủ, đồng tiền chỉ hấp dẫn những người lao động đói kém và thiếu việc. Người lao động đã no đủ là họ bắt đầu tự do, khi họ bắt đầu tự do thì họ đi tìm cái họ thích chứ họ không đi tìm tiền nữa, đấy là kinh nghiệm sống còn trong việc điều hành nhân sự của xí nghiệp. Về chuyện này rất nhiều anh em ở trường Đảng ngoài kia đề nghị tôi nói, giáo sư Hiên cũng đề nghị tôi nói nhưng tôi không nói. Lý do là mới nói thì có vẻ hay nhưng để làm thì không thực tế, bởi vì không phải ai cũng đủ điều kiện, thậm chí cả điều kiện trí tuệ để làm được những việc như vậy. Đôi khi thương người ta quá, cho người ta nhiều quá là thành giết chết người ta. Muốn nâng đỡ con người quá một cách không có cơ sở khoa học cũng là giết chết người ta, bởi nó sẽ nuôi dưỡng tính tự mãn một cách vô lý.
Tôi thí nghiệm chuyện này một cách kiên nhẫn 20 năm nay. Muốn ai ra đi sớm thì bơm, bơm đến mức họ không còn là họ nữa. Bỗng nhiên họ thấy rằng chỉ một bước nữa là họ đến gần Tổng bí thư, thế là họ đi. Đấy chính là độ rủi ro, độ dễ nhầm lẫn của con người về sự đo đạc các giá trị của mình.
Có một lần Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội vào kiểm tra, thanh tra xem tôi tiêu tiền như thế nào. Tôi không hiểu tại sao lúc bấy giờ lại có những quyền kỳ quặc như vậy. Họ thấy tất cả các lái xe của tôi (có 5- 7 người) đều được đi nước ngoài, lễ tân cũng được đi học đại học kinh tế, và tôi còn hợp tác với các trường tổ chức các lớp học tại cơ quan. Các anh ấy cho rằng những chi phí ấy không phù hợp, bởi trong danh mục các chi phí để khấu trừ trước khi tính thuế không có loại chi phí ấy. Không ai cho lái xe ra nước ngoài chơi, đi nước ngoài là để công tác. Người ta chất vấn tôi, tôi bảo “Tôi hỏi các anh lái xe có phải là người không? Nếu là người thì họ có niềm tự hào riêng của họ. Sau 3-5 năm làm việc mà không biết nước ngoài, không biết Thái Lan ở đâu, không biết Lào ở đâu thì tội nghiệp quá. Họ lấy cái gì để khoe với vợ họ, để họ giữ được sự cân bằng tình cảm của một cô vợ sau 10 năm chung sống với anh chồng cứ luẩn quẩn?” Tất cả những điều như vậy là chúng tôi phải làm. Tôi lấy ví dụ, công ty tôi trên thực tế có từ năm 1987, nhưng khi chính thức thành lập công ty là tôi lập ngay Chi bộ Đảng Cộng sản. Tôi không phải là Đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng tôi lập chi bộ ở trong công ty. Rất nhiều người, kể cả các nhà lãnh đạo của Đảng hỏi tại sao tôi lại làm như vậy. Tôi trả lời rằng “Tôi làm như vậy vì sự tôn nghiêm về chính trị và sự tôn trọng của tôi đối với người lao động đã là Đảng viên Đảng Cộng sản”. Ở bên Mỹ người ta có cấm những người cộng sản hoạt động đâu. Công ty của tôi không phải là công ty Mỹ, nhưng chúng tôi cũng không cấm những người cộng sản hoạt động. Mà công ty của tôi lại còn tồn tại trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thì tôi phải tạo điều kiện ưu tiên cho những người cộng sản hoạt động. Lúc đầu có những người là đảng viên đến chỗ tôi xin việc giấu chuyện mình là đảng viên. Đến ngày chủ nhật về quê đi họp chi bộ thì lấm la lấm lét và đến tối chủ nhật phải vội về để sáng thứ hai đi làm. Tôi hỏi “Hôm qua anh đi đâu để tôi phải đi tìm?”. Cuối cùng cậu ấy mới gãi đầu, gãi tai nói rằng “Em về quê họp chi bộ”. Tôi bảo “Thế thì không được”. Chính từ ví dụ như vậy mà tôi buộc phải thành lập chi bộ, bởi đấy cũng là một khía cạnh chăm sóc đời sống tinh thần của những người lao động, những người lao động trong một xã hội tồn tại sự lãnh đạo của đảng này hơn nửa thế kỷ. Đấy là vấn đề thứ nhất mà tôi muốn nói, vấn đề con người.
Vấn đề thứ hai tôi muốn nói với các anh các chị trong việc quản trị kinh doanh là quản trị quan hệ. Thường thường chúng ta sử dụng ngôn ngữ nói, nói cho hay, thuyết phục chớp nhoáng tất cả những ai dại dột nghe mình trong một lúc để đạt được một thoả hiệp cho một mục đích. Tôi có nói với nhiều anh em doanh nghiệp rằng những ai lợi dụng sự ngu ngốc của người khác để làm lợi thế trong kinh doanh thì bao giờ cũng có sự nghiệp rất ngắn. Trong tư duy hàng ngày, trong báo chí của chúng ta, rất nhiều người nói về lợi thế, về ưu thế mà quên mất ưu thế không phải là một vũ khí bền vững. Ai sử dụng ưu thế trong quan hệ con người kẻ đó không có quan hệ bền vững. Muốn xây dựng một sự nghiệp bền vững thì phải biết hoà hợp, trộn lẫn, phân công, kết hợp một cách tự nhiên các năng lực khác nhau, chứ không sử dụng năng lực như một ưu thế. Đôi khi chúng ta không hiểu quy luật cạnh tranh. Quy luật cạnh tranh không phải là giết kẻ này thì kẻ kia tồn tại. Quy luật cạnh tranh cũng không phải là chặt chân kẻ này thì kẻ kia cao lên. Quy luật cạnh tranh là một quy luật mang chất lượng tinh thần. Những biểu hiện dễ thấy của quy luật cạnh tranh mà các anh chị quan sát thấy ngoài đường là những biểu hiện tiêu cực của việc hiểu biết quy luật cạnh tranh chứ không phải là chính nó. Tại sao đầu thế kỷ XX chúng ta lại hình thành những phố, những phường ở Hà Nội? Anh Trần Bình Minh là người ở Hà Nội nên anh biết rõ là những phố, phường buôn bán cùng chung một mặt hàng như vậy đã tồn tại không biết bao nhiêu năm nay. Quy luật cạnh tranh hiện đại của cái gọi là chủ nghĩa tư bản như các anh nói (tôi không đồng ý về cái thuật ngữ được gọi là chủ nghĩa tư bản vì chỉ có mỗi chúng ta gọi nó là chủ nghĩa tư bản chứ nó không tự gọi là chủ nghĩa tư bản) đã len lỏi vào những phố, phường như vậy. Nhưng các nhà sản xuất cùng mặt hàng và những người buôn bán cùng mặt hàng vẫn tập hợp với nhau thành phố và thành phường, đấy là mặt hợp tác của quy luật cạnh tranh. Cho nên, trong một bài viết tôi có nói hợp tác là triết học của giai đoạn hiện đại. Không tìm cách để hợp tác thì không có sức mạnh, nhất là trong cùng một cộng đồng dân tộc như thế này. Chúng ta mạnh bởi chúng ta có nhau, chứ không phải chúng ta mạnh vì chúng ta hơn anh hàng xóm.
Có một câu chuyện cười thế này: Có ba người nông dân có bò chết, một người Pháp, một người Mỹ và một người Việt. Người Pháp bảo “Tôi nằm mơ gặp Chúa và Chúa cho tôi xin một con bò và 100 đô la để mua cỏ”. Người nông dân Pháp hay được tài trợ, hỗ trợ, còn người nông dân Mỹ thì không được như vậy, họ bảo: “Con lạy Chúa cho con xin lại con bò thôi còn cỏ thì con tự kiếm lấy”. Còn người Việt thì bảo “Chúa thế là không công bằng. Tại sao con bò của con thì chết mà con bò của thằng hàng xóm thì không làm sao cả?” Nếu không tìm ra được, nếu không giáo dục được, nếu không truyền bá được tâm lý cần hợp tác với nhau thì chúng ta không mạnh. Người Việt chúng ta sở dĩ mạnh là vì chúng ta có nhau. Trong chiến tranh chúng ta có nhau, bởi nếu không có nhau thì chúng ta chết. Trong hoà bình, có vẻ như không có nhau thì chúng ta chưa chết, nhưng tôi cho rằng chúng ta chưa chết chứ không phải không chết. Do đó, chúng ta phải tìm cách hợp tác với nhau, mà phải tìm bằng khoa học. Quy luật hợp tác trong nền kinh tế hiện đại là một vấn đề mà bộ phận nghiên cứu của trường đảng Nguyễn Ái Quốc cũng như trường đảng các tỉnh cần phải nghiên cứu, bởi họ vừa có thời gian, vừa có ngân sách để nghiên cứu. Đấy chính là một trong những yếu tố có chất lượng động lực để phát triển. Cho nên kinh nghiệm thứ hai tôi muốn nói với các anh, các chị là phải tạo ra sự hợp tác. Công ty của tôi không có cái gọi là tiền thưởng. Tôi tuyệt đối không thưởng bởi vì tôi không muốn xây dựng một nền kinh tế thành tích chủ nghĩa trong công ty của tôi. Công ty tôi có hai loại lương. Thứ nhất là lương cứng như một bộ phận đảm bảo tối thiểu để duy trì trạng thái ổn định của toàn bộ nền tâm lý lao động. Thứ hai, không phải thưởng mà là phần chia lợi ích, phần chia lợi ích ấy được chia làm hai mảng: trong bộ máy lãnh đạo cao cấp thì tôi quyết định; trong các bộ phận cơ sở thì thủ trưởng của họ quyết định, nhưng thủ trưởng của họ không được quyết định phần cứng, tức phần tối thiểu của tiền lương. Xây dựng như thế tức là chúng ta xây dựng bằng bản năng một thể chế. Tất cả mọi thể chế chỉ có một giá trị là duy trì trạng thái tâm lý ổn định cho con người ở cơ sở để tiến hành các hành vi hàng ngày. Còn chúng ta cứ thổi thêm hương, thêm hoa, chúng ta thắp nhang, thắp đèn lên, chúng ta khấn, chúng ta xem thể chế như là một cái gì siêu hình, một cái gì khó hiểu, một cái gì giống như bụt là chúng ta sai. Thể chế là công cụ để duy trì sự ổn định tâm lý của con người trong khi nó tồn tại và hợp tác với nhau. Cho nên người ta mới cần tam quyền phân lập để con người không lạm dụng thể chế để ứng xử một cách không công bằng giữa người nọ với người kia. Thực ra động cơ để xây dựng những chuyện như vậy rất đơn giản.
Vấn đề thứ ba tôi muốn nói đến là quản lý thương hiệu. Ngày mai sẽ có một bài nói chuyện của chị Hà, phó tổng giám đốc của công ty tôi về quản lý thương hiệu. Tôi là Phó Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự quan tâm đến vấn đề về sở hữu trí tuệ hay thương hiệu, nhưng về kinh nghiệm ứng xử hàng ngày thì chị Hà đã xử lý rất nhiều tình huống, chị ấy có kinh nghiệm hơn, chị ấy sẽ nói về vấn đề này. Về phần tôi, tôi cho rằng phải biết giữ uy tín lâu dài. Thương hiệu là một đầu tư. Hiện nay tôi không hiểu tại sao trong xã hội chúng ta, người ta xem quảng bá thương hiệu là một hoạt động quảng cáo, bởi như thế tức là lừa đảo. Trên nền tảng của những chất lượng hàng hoá đã được xã hội thẩm định, anh truyền bá hàng hoá ấy, anh phổ biến hình ảnh của hàng hoá ấy để mở rộng thị trường tiêu thụ nó khác với việc anh tung ra những lời quảng cáo, những giá trị không có thật. Hiện nay, pháp luật của chúng ta, hệ thống quản lý nhà nước của chúng ta trong lĩnh vực này rất không chặt chẽ, do đó nó tạo ra một trạng thái không bảo vệ được người tiêu dùng, hay nói cách khác là làm cho doanh nhân Việt Nam mất ngay thị trường trong nước của mình. Hiện nay chúng ta thua trên sân nhà là vì như vậy. Mọi người cứ nói một cách hay ho là thua trên sân nhà, nhưng tôi cho rằng chưa đánh nên không có chuyện thua. Anh bỏ trống sân nhà của anh bởi vì anh vội vã muốn kiếm lợi lớn hơn. Trong một bài viết cách đây khoảng 6 tháng, tôi có viết về lý thuyết hai nền kinh tế. Tôi rất muốn nói với các anh chị, nhất là các anh chị lãnh đạo tỉnh rằng Nghệ An phải có nền kinh tế của mình. Nền kinh tế của mình là gì? Là nền kinh tế mà bất chấp ngoài trời mưa gió bão bùng như thế nào dân chúng ta không đói, trẻ em chúng ta không quá khổ, tức là nền kinh tế tối thiểu. Nền kinh tế này thường được hợp thành bởi sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn các công ty lớn, tập đoàn nọ, tập đoàn kia thì đóng vai trò phát triển, tôi gọi là nền kinh tế phát triển. Chúng ta muốn có những tập đoàn để đối phó hoặc để vươn tới những thị trường lớn hơn, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại thì thấy là những con voi đó đang ăn mía nhà, ăn cỏ nhà. Và như vậy là những con vật khổng lồ được chúng ta nuôi dưỡng béo tốt đang cạnh tranh với những con vật nhỏ nhoi còm cõi không được quyền ưu tiên nào, tạo ra nền kinh tế bất bình đẳng. Bất bình đẳng bởi chúng ta xếp những con vật lớn bên cạnh con vật bé, chứ nếu con vật lớn đi ra đồng lớn bên ngoài, nếu nó viễn dương thì người ta không thấy sự bất bình đẳng. Tôi xin mở đầu buổi trao đổi chiều nay như thế và tóm tắt phần của giáo sư Trần Ngọc Hiên. Bây giờ chúng ta vẫn còn thời gian, tôi vẫn thích kéo dài phần hỏi và đáp. Tôi rất muốn nhận được những chất vấn của các anh chị, nếu là các anh chị lãnh đạo thì càng tốt.
Doanh nhân: Kính thưa ông Nguyễn Trần Bạt, từ sáng tôi nghe rất chăm chú và cảm nhận được rất nhiều điều, tôi muốn ông bộc bạch ba vấn đề. Thứ nhất, đang là một trí thức, một công chức nhà nước tại sao ông lại có lối rẽ ngang vào những năm người ta cho rằng doanh nhân không đẹp, doanh nhân là đi buôn. Đáng lẽ trí thức lúc đó phải đi con đường đẹp, vậy tại sao ông lại rẽ ngang đi con đường không đẹp và bây giờ lại thành công. Thứ hai, trong xã hội chúng ta bây giờ có hai nhà, nhà chính trị và nhà doanh nghiệp, theo ông, trong hai nhà này thì làm nhà nào khó nhất? Theo tôi hiểu làm nhà chính trị dễ hơn, bởi vì ông sai thì người khác chịu, còn nhà doanh nghiệp sai thì bị phá sản và chết. Thứ ba, theo tôi biết, ông cùng với nước ngoài đầu tư vào đây 1.200 dự án, không biết là trong 1.200 dự án này có Nghệ An không. Tôi biết rằng ông là người Nghệ An, 9 tuổi đã đi ra Hà Nội, liệu tới đây ông có dự án nào đầu tư cho Nghệ An, và tại sao trong một quá trình rất dài thành đạt như thế ông lại không đầu tư vào Nghệ An?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi thích trả lời cả ba câu hỏi của anh. Thứ nhất, tại sao tôi lại rẽ ngang con đường của anh trí thức đẹp thế. Con đường trí thức nó đẹp như thế là bởi người đứng ngoài trí thức nhìn thấy như thế, còn chúng tôi, những người đứng ở trong đấy thì biết rất rõ nó là gì. Dài lưng tốn vải, ăn nói cũng lèm bèm, nói thì có vẻ logic vậy thôi nhưng không có chất lượng. Lúc tôi là người trí thức đẹp đẽ mà anh nói thì vợ tôi bảo “anh là một người nếu không có thì thiếu, có thì thừa”, vì tôi không đóng vai trò gì trong cơ cấu đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của gia đình tôi. Người trí thức chỉ đẹp thật khi các giá trị trí tuệ của anh ta tạo ra sự có ích. Tôi là một trong các phó chủ nhiệm của đồ án cầu treo Chương Dương ở Hà Nội, một đồ án rất nổi tiếng. Chủ nhiệm đồ án ấy là anh Bùi Danh Lưu, sau này là bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tôi là phó chủ nhiệm phụ trách phần móng. Tôi đi vào Sài Gòn tính toán rất cẩn thận để tiết kiệm và cuối cùng ra một thiết kế khoảng 20 cái cọc (việc này xảy ra khoảng 40 - 50 năm rồi tôi cũng không nhớ chính xác lắm về mặt con số). Nhưng trong cuộc họp để trình bày với Hội đồng Bộ trưởng thì Thứ trưởng thường trực phụ trách chuyện ấy bảo tôi: “trông ghê quá cậu ạ, tôi không yên tâm để trình bày với các cụ, cậu thêm vào đi”. Tôi bảo “theo anh thì thêm bao nhiêu?”. Anh ấy bảo “cậu cứ cho gấp đôi đi”. Tôi bảo “gấp đôi là nhân với hai, tức là sử dụng hệ số hai, hệ số thì phải có cơ sở pháp luật của hệ số, vậy tôi đặt tên cho hệ số này là gì?” Anh ấy bảo “cậu cứ nghĩ đi, đặt tên gì thì đặt, đặt tên tớ”. Khi anh ấy nói như vậy thì tôi làm đúng như vậy, và sau buổi trình bày ấy tôi tìm cách ra khỏi cái gọi là con đường đẹp đẽ ấy để đi tìm một con đường khác. Bây giờ tôi vẫn là một trí thức, vẫn là một nhà khoa học. Tôi không làm cái khoa học mà tôi đã làm 20 - 30 năm trước đây mà tôi làm khoa học khác, khoa học nghiên cứu về con người, về thể chế, về nhà nước, về chính trị, bởi bản năng trí thức của tôi không mất đi được. Bản năng trí thức là một cái tâm nhãn, một con mắt từ bên trong tâm hồn của mình nhìn vào các sự vật, và mình chiếu đôi mắt ấy vào vật gì thì vật ấy trở thành đối tượng của khoa học. Mười năm nay tôi vẫn làm khoa học và chính điều đó tạo cho tôi cơ hội để đối thoại với các anh chị, chứ không phải sự thành đạt trong kinh doanh để tôi có cơ hội ấy. Chị Lệ Thanh và một số người khác sở dĩ biết tên tôi vì đọc bài của tôi ở trên mạng, chứ có nhìn thấy cái dự án nào của tôi ở Nghệ An đâu. Nếu lấy quyền lợi của Nghệ An để đo đạc tính tích cực chính trị của tôi đối với Nghệ An thì điểm của tôi là âm, chị Thanh chắc là 10. Tôi không rẽ ngang, tôi vẫn đi thẳng đến cái lợi ích có thật mà một con người có lương tri buộc phải tạo ra cho xã hội. Các sự vật rẽ ngang trước mặt tôi chứ tôi không rẽ trước mặt nó. Cái này những ai chưa có thì phải rèn luyện. Chúng ta đi thẳng, các sự vật nó sợ ta thì nó rẽ chứ ta không rẽ. Tôi không quay một độ nào đối với sự nghiệp của đất nước. Tôi yêu đất nước của tôi, tôi đi tìm lợi ích mà tôi có thể tạo ra cho đất nước của tôi, chứ tôi không rẽ. Các hình thức công ty hay cái này, cái khác chỉ là những bộ áo khoác tôi mặc đi dọc con đường hành hương để tìm kiếm sự có ích của cá nhân mình đối với đời sống.
Về câu hỏi thứ hai của anh, tôi không đồng ý với anh nhà chính trị ít rủi ro hơn nhà kinh doanh. Chỉ có rủi ro mà nhà chính trị đem lại khó đo đạc hơn nhà kinh doanh thôi. Bởi cái rủi ro của nhà chính trị đem lại nó không đo đạc được cho nên nó nguy hiểm cho nhà chính trị hơn nhà kinh doanh. Giả sử nếu anh gây ra thiệt hại một đồng thì dư luận có thể biến nó thành một triệu. Vì tác hại do sự sai lầm chính trị không đo đạc được, cho nên, tùy thuộc vào năng lực ứng xử của nhà chính trị mà cái ba lô trách nhiệm nó nặng bao nhiêu ký trên vai của nhà chính trị ấy. Mặc dù thế, nếu cho tôi quyền lựa chọn, tôi vẫn thích chọn địa vị một nhà chính trị. Bởi vì phải nói rằng, làm một nhà chính trị thông thái thì đem đến một sự cống hiến vĩ đại hơn, nhanh hơn, và trực diện hơn đối với sự phát triển của đời sống xã hội. Tóm lại, làm nhà chính trị khó hơn và tác động nhanh hơn đến đời sống. Chỉ cần một lượng gió chính trị có thể thổi thành bão kinh tế, sáng nay tôi đã nói với anh em như thế. Để tạo thành bão kinh tế thì phải thổi phù phù, nhưng để tạo thành bão chính trị thì chỉ cần một ít sai lầm nho nhỏ của nhà chính trị thôi, bởi hậu quả nó đến chậm hơn, đến một cách kín đáo hơn, nhất là chính trị ở xã hội chúng ta. Chúng ta không có nguyên nào ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên không có người phán xét chính trị đối với các sai lầm chính trị, và đấy chính là rủi ro cơ bản của những nhà chính trị trong thể chế của chúng ta. Làm nhà chính trị khó và phải rất cẩn thận, làm nhà chính trị Việt Nam càng khó và càng phải cẩn thận hơn. Đấy là tôi trả lời câu hỏi thứ hai của anh.
Câu hỏi thứ ba của anh là tại sao không đưa dự án về Nghệ An. Nếu trả lời một cách thẳng thắn câu hỏi của anh thì sẽ làm mất lòng các nhà lãnh đạo không chỉ ở nhiệm kỳ này, mà cả ở nhiệm kỳ trước. Sáng nay tôi đã nói một gợi ý rồi. Nếu không có một nền chính trị hấp dẫn thì không có một tương lai đẹp có thật và có tiền. Nhà chính trị là người thông minh nhất, sau nhà chính trị đến nhà kinh doanh. Đã là người thông minh rồi thì chỉ nói xa xa thôi. “Người khôn ăn nói nửa chừng…”, tôi chỉ nói đến thế thôi.
Cán bộ Tỉnh ủy: Kính thưa doanh nhân Nguyễn Trần Bạt, tôi có hai câu hỏi. Thứ nhất, phải chăng có thời kỳ dài chúng ta có định kiến mặc cảm với doanh nhân, thậm chí có lẽ nói là thương gia phải trả giá. Ngày nay thương nhân được định vị cao hơn, ngày xưa là thứ dân, bây giờ là chính dân, thậm chí hơn thế nữa có ngày tôn vinh. Vậy ở đây có lý do truyền thống, lý do thời đại hay lý do gì khác? Thứ hai, khái niệm doanh nhân đúng nghĩa là thế nào? Hiện nay người ta nói nhà điều hành quản trị kinh doanh được tuyển dụng hoặc thuê, vậy các giám đốc ở quốc doanh trước đây có phải là doanh nhân đúng nghĩa của nó không?
Trả lời: Tôi thích cả hai câu hỏi của anh, thực ra đó là câu hỏi kinh điển. Tôi không thích lắm những hoạt động tôn vinh doanh nhân đang thực hiện hiện nay trên đất nước của chúng ta. Tôi là một doanh nhân, tôi không hề chờ đợi và không thấy sung sướng gì khi được tôn vinh như thế. Bởi vì sự tôn trọng chân thật đối với một đối tượng được thể hiện trong sự im lặng. Ở đây rất nhiều chị phụ nữ đã qua giai đoạn được tán tỉnh, chắc chắn các chị đồng ý với tôi rằng chân thật nhất là những anh vụng về, ngọng nghịu và nói rất thầm đối với các chị. Cho nên nếu ai đó điều khiển được quá trình tôn vinh này thì nên khuyên những người tổ chức làm khẽ thôi, bởi vì chỉ có những cái hơi rẻ, hơi nhẹ ký thì người ta mới cần đến sự ầm ĩ. Những người vì sự nghiệp thật họ không cần sự ầm ĩ ấy, càng im lặng càng đi xa. Câu trả lời của tôi về ý thứ nhất là như vậy.
Quan niệm xã hội về doanh nhân hiện nay chưa được thay đổi thật lòng. Các anh chị thử trả lời xem có bao nhiêu doanh nhân được ứng cử vào quốc hội nước CHXHCN Việt Nam? Có bao nhiêu doanh nhân là ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam? Có bao nhiêu doanh nhân là ủy viên đoàn chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam? Trong tất cả các phong tặng hiện nay có hai loại, có loại do nhà nước và có loại do các tổ chức xã hội. Phần lớn các phong trào của một số tổ chức xã hội là không ra đầu mà cũng chẳng ra cuối. Họ cũng vận động để kiếm ít tiền, kiếm sự ủng hộ của mấy cụ về hưu, cũng in, cũng phát. Những người nhận không phải không biết, nhưng để tạo ra được một tiếng động, một tiếng vang thì thôi chúng ta chấp nhận với nhau cùng đóng trò. Các anh chị nên dành thời giờ nghiên cứu kỹ hiện tượng này thì mới biết được sự thật là như thế nào, và mới có cách thức tốt nhất để tiếp cận đến những giá trị chân chính của nhà kinh doanh Việt Nam. Đấy là ý kiến của tôi về câu chuyện này.
Thế còn, làm thế nào để Đảng và Nhà nước có thể làm cảm động giới kinh doanh, làm thế nào để nó trở thành đồng minh chính trị, tôi có hỏi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là “thưa anh, trong thời đại mà kinh tế trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, thì thương nhân có phải là đồng minh chính trị của anh không?”. Tôi đặt câu hỏi ấy vào thời kỳ Đại hội IX. Nguyên văn câu trả lời của anh Phiêu là như thế này “về chuyện đồng minh như anh Bạt hỏi thì chưa phải là đồng minh, nhưng chúng ta cùng hội cùng thuyền”. Đấy là câu trả lời của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào thời điểm ấy. Và các anh chị thấy ở Đại hội X người ta thừa nhận Đảng viên được quyền làm kinh tế tư bản tư nhân. Như vậy tức là nếu không thừa nhận anh là đồng chí thì tôi cho đồng chí của tôi làm anh vậy. Các anh chị thấy rằng đấy là một sự hội nhập của các khái niệm, và sự hội nhập ấy xét theo quan điểm lịch sử thì không rõ ràng lắm. Bởi vì, khi người ta kiểm nghiệm chất lượng của những kết luận khoa học là người ta kiểm nghiệm diễn biến lịch sử của nó chứ không phải chỉ kiểm nghiệm nó tại một thời điểm. Vì thế cho nên, để làm cho mọi người cảm động, mọi người nhìn mình một cách ngay thẳng, thì khi mình phải trả lời các câu hỏi có chất lượng lịch sử, tức là câu trả lời phải được kiểm nghiệm theo thời gian. Đấy là câu trả lời của tôi đối với câu hỏi của anh.
Doanh nhân: Tôi có đọc một số bài viết của ông và xin hỏi ông hai câu. Thứ nhất, tôi theo dõi phần trình bày và trả lời của ông thì tôi thấy ông đã chỉ ra được một số vấn đề liên quan đến các câu chuyện trong những bài viết của ông. Ví dụ như ông có nói đến cá nhân và hiệp hội. Việc hình thành ra những hiệp hội bây giờ là để phục vụ một số người hoặc một số người lợi dụng nó chứ không đúng bản chất của nó. Ông có đề cao vai trò cá nhân, nhưng phần cuối thì chưa giải quyết được giữa cái cá nhân và hiệp hội. Lúc nãy ông có nói câu mà tôi cũng thấy được “Người khôn thì nói nửa chừng…”. Đề nghị ông có thể nói rõ hơn lý do tại sao chưa làm rõ như thế hoặc ông có thể làm rõ cho chúng tôi thấy phần này?
Câu hỏi thứ hai là như ông nói ở phần mở đầu là ở Nghệ An ta không thiếu cái gì, ông có nói đến vấn đề giáo dục, tôi lại quan tâm về vấn đề đầu tư. Ông có đau lòng trước số liệu thống kê về thu hút đầu tư cũng như giá trị được tính toán, thống kê lại trong thời gian vừa qua là rất ít ỏi? Ông có biện pháp gì để giúp tỉnh nhà, cũng như thu hút những người đứng đầu ở các ngành như ông đánh giá, ví dụ như các giáo sư ở các trường, các hiệu trưởng, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm, nhiều khả năng để làm cho kinh tế tỉnh nhà phát triển như chúng ta mong muốn?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Câu hỏi thứ nhất, tôi đã viết một chương dành riêng để luận giải mối quan hệ biện chứng giữa khái niệm cá nhân, khái niệm tôi và khái niệm chúng ta trong quyển sách “Cội nguồn cảm hứng” tôi có mang theo để tặng các anh, các chị ở đây. Đây là một vấn đề khoa học, không phải là vấn đề quan niệm, tôi không đề cao bất kỳ cái gì cả. Khoa học không đề cao, khoa học nói rõ sự thật, khoa học cố gắng mô tả sự thật. Có thể cơ quan tuyên huấn thì cần phải đề cao cái này hoặc cái kia, nhưng khoa học thì không đề cao cái gì cả. Khi không có điều kiện để đưa một đối tượng vào nghiên cứu thì mình chịu, nhưng khi đã có điều kiện để đưa nó vào nghiên cứu thì buộc phải vạch ra bản chất của nó chứ không vòng vo, không tuyên truyền được. Tôi xin nói lại rằng: Cá nhân là căn bản, tập thể được hình thành trên cơ sở những cá nhân căn bản ấy. Cái tôi là nguồn gốc, cái chúng ta là trạng thái phát triển của cái tôi, là tinh thần trách nhiệm của cái tôi đối với cộng đồng sống.
Câu thứ hai về vấn đề thu hút đầu tư, câu ấy tôi không trả lời được. Câu ấy sáng nay tôi mạnh dạn hỏi các nhà lãnh đạo tỉnh, chứ tôi không trả lời được là tại sao, bởi vì không ai đặt câu hỏi cho người khác rằng “tại sao vợ tớ lại không yêu tớ?”. Nếu nó chưa yêu Nghệ An thì người đầu tiên là người Nghệ An phải đặt ra câu hỏi này và đi tìm nó, và trong quá trình đi tìm ấy là anh giải quyết luôn vấn đề. Vấn đề mà anh đề nghị tôi giúp đỡ là làm thế nào để lôi kéo đầu tư thì khi các anh chị lãnh đạo đi tìm điều ấy, các anh chị sẽ thấy ngay cách và có ngay hiệu quả. Hữu xạ tự nhiên hương thôi. Chúng ta không để ý ở Hà Nội và TP. HCM, và rất nhiều tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo thu hút đầu tư. Tôi đã từng dự một cuộc kêu gọi đầu tư vào Nghệ An được chủ trì bởi anh Lê Doãn Hợp, nhưng anh ấy lại làm ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên vì ở trong phòng họp không có nhà đầu tư nào cả. Kêu gọi đầu tư ở một cuộc họp không có các nhà đầu tư thì làm sao kêu gọi được? Tôi nghĩ rằng, đây là một việc rất khó. Nếu như bây giờ các anh lãnh đạo tỉnh nói rằng “Ông Bạt, chúng tôi đi tổ chức kêu gọi đầu tư đây, chúng tôi rất muốn ông đi theo chúng tôi. Ông có đi không?” thì tôi đi ngay. Nếu anh Trần Bình Minh nói rằng “Chúng tôi định tổ chức kêu gọi đầu tư ở Mỹ đấy, ông có đi không?” thì tôi cũng nói luôn là các anh phải cho phép tôi tự chi tiền của tôi chứ tôi không tiêu tiền của nhân dân Nghệ An để đi làm chuyện ấy. Tôi sẵn sàng làm những chuyện như vậy. Kêu gọi đầu tư là một việc rất khó. Anh phải xác định được đối tượng, nhưng khó nhất là anh phải xác định anh. Cỡ mình thì lấy ai? Bây giờ tôi 64 tuổi rồi, tôi lại ngồi mơ tưởng đến hoa hậu, đòi lấy hoa hậu thì người ta bảo tôi thần kinh. Cho nên phải xác định mình, sửa mình, nhuộm tóc, nhổ tóc sâu, căng da, phải làm cái gì đó với tuổi sáu mấy của mình. Tôi không nói chúng ta làm như thế để bịp ai, mà tôi muốn nói rằng, để làm một việc chúng ta buộc phải chuẩn bị rất cẩn thận. Cần phải hiểu mình, hiểu người và có một bà mối, có một kẻ môi giới thông thạo đường đi nước bước. Kẻ đó có thể là tôi. Nhưng tôi chỉ sẵn sàng phục vụ các anh chị chứ tôi không thể chủ động tổ chức chuyện ấy được.