Monday, August 30, 2010

Giao lưu giữa ông Nguyễn Trần Bạt với các nhà lãnh đạo và doanh nhân Nghệ An (phần 2)

Doanh nhân: Tôi xin hỏi ông tiếp hai ý. Ý thứ nhất, về mặt lý thuyết, xây dựng CHXH thì phải có một nền kinh tế XHCN, tức là có thành phần kinh tế XHCN. Tôi thấy các thành phần kinh tế XHCN này không bứt phá được, không trở thành chủ đạo được. Vì sao? Bởi vì người của Đảng tự giám sát, vốn của nhà nước, của dân ném vào, ông loay hoay trong cái đó và không xong thì ông cũng hạ cánh an toàn. Tôi thấy rất bứt dứt lâu nay. Bây giờ, với tư cách là một trí thức, một doanh nhân thành đạt, vừa nghiên cứu, vừa trải nghiệm trong thực tiễn, ông có thể lý giải vấn đề đó?
Vấn đề thứ hai là ông là một doanh nhân thành đạt, bây giờ ông ngoảnh lại nhìn mình, nhìn xung quanh. Theo ông, ông thấy một nhà doanh nhân thành đạt cần phải có những tố chất gì?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi biết anh băn khoăn, anh đau khổ, về những điều mà rất nhiều người khác cũng đến tâm sự với tôi. Có những điều không có nội dung, những điều không nhìn thấy đâu cả và chúng ta buộc phải tụng niệm với những điều như vậy. Nhưng có ai dám đứng trước bàn thờ phật mà nói là “ông không đem lại cho tôi cái gì cả, tại sao hằng ngày tôi phải thắp hương cho ông”? Cho nên, không phải vì chúng ta e sợ nhà cầm quyền mà chúng ta e sợ cái lịch sử tâm lý tồn tại trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ. Đấy là chúng ta kính trọng lịch sử chứ không phải khiếp sợ một số người cầm quyền nào đó. Nếu anh thích tôi nói thẳng, thì tôi nói thẳng như vậy. Tôi rất vì nể lịch sử của đất nước chúng ta, bởi vì nói gì thì nói, trong lịch sử lâu dài ấy có những yếu tố mà nếu không có nó thì chúng ta không thành người. Còn đương nhiên uống thuốc gì cũng có phản ứng phụ, bây giờ chúng ta ngồi nghĩ cách tìm loại thuốc để xử lý phản ứng phụ của toa thuốc chính mà chúng ta đã trót sử dụng trong nửa thế kỷ lịch sử của chúng ta. Tôi không nói gì cụ thể cả, nhưng tôi nói cái khung logic của câu chuyện như vậy để nói với anh là đừng đau khổ vô ích, thế nào cũng có người nghĩ ra cái gì đó, hoặc thế nào một ngày đẹp trời cũng có người đến nói với anh điều đó. Và tôi nói trước với anh là đừng đau khổ, thế nào cũng có cách giải quyết.
Còn doanh nhân thành đạt thì tôi phải nói rằng đấy là một trong những thành tố tạo ra chiến dịch tôn vinh doanh nhân mà tôi vừa trả lời người phụ trách kinh tế của Tỉnh uỷ. Cái chữ đấy khi nghe người khác nói thì tôi mặc kệ, nhưng khi nghe đồng hương nói thì tôi thấy ngượng. Tôi không phải doanh nhân thành đạt gì đâu. Tôi là một doanh nhân có một số kinh nghiệm xuất phát từ sự thành công cá nhân của mình đủ để mình tự tin chứ không đủ để cho người ta khen mình. Vì thế cho nên tôi có được trao tặng gì đâu, và xin lỗi, nếu có trao tặng tôi cũng không nhận. Tôi không phải là doanh nhân thành đạt, tôi không có kinh nghiệm của doanh nhân thành đạt. Tôi có kinh nghiệm của một người biết tạo ra những kinh doanh đứng đắn để xây dựng cho cuộc đời của mình một cơ sở tài chính bền vững. Nếu các anh chị hỏi tôi rằng làm thế nào để có được một cơ sở tài chính bền vững cho cuộc sống của mình, tôi sẵn sàng trả lời. Chứ còn làm thế nào để trở thành một doanh nhân thành đạt thì tôi không trả lời được, bởi vì tôi không thích là một doanh nhân thành đạt theo bất kỳ một định nghĩa nào ngoài quan niệm của tôi.
Tôi xem đây là đồng hương, là người nhà, tôi nói với các anh chị tâm tình thật của một người có nhiều va chạm. Nhà báo, Trợ lý Tổng bí thư Hữu Thọ đã từng nói nhà kinh doanh là thế này, nhà chính trị là thế kia, nhà báo là thế nọ. Tôi nói thẳng là “Thưa anh, tôi không xem có nhà báo, nhà kinh doanh hay nhà chính trị. Mỗi một con người trong cuộc đời của mình làm những việc khác nhau trong những giai đoạn khác nhau. Và cái quán xuyến những giai đoạn khác nhau của cuộc đời con người chính là lẽ phải tâm hồn”. Tôi tôn trọng cái lẽ phải mà tôi xác nhận trong quan hệ của tôi với những người, những đối tượng, những cá nhân cụ thể tức là tôi xác lập sự đúng đắn của tôi bằng các quan hệ. Và khi mật độ của những sự đúng đắn ấy nó dày đến mực độ nào đấy thì tôi tin rằng mình là người được người khác chấp nhận và có lẽ mình là người tốt. Tôi không đòi hỏi hơn về mình, cho mình những cái khác. Nếu kể ra những cuộc đối thoại với ông nọ bà kia thì nhiều lắm, nhưng cũng chẳng để làm gì. Họ cũng nói về mình như thế và mình cũng nói về họ như thế và chúng ta trở thành những kẻ đưa đẩy. Những kẻ đưa đẩy đến lúc nào đó đi quá một bước sẽ trở thành trò cười cho con người. Tôi thì không định làm như thế.
Trưởng ban tuyên giáo thành ủy: Hôm nay anh có nói một ý Nghệ An là một con hổ rất khó cưỡi, chắc rằng anh cũng có rất nhiều ý nghĩ trong đó khi khái quát thành nội dung này. Chúng tôi ở Nghệ An hoạt động thì thấy rằng, cũng có người nói rằng Nghệ An đầy tiềm năng, 16.000km2, có đầy đủ các vùng miền, 83km đường biển, Nghệ An nhiều người có tài, nhưng tại sao người Nghệ An đi ra lại làm được còn ở trong tỉnh không làm được? Có thật không? Tôi nghĩ có lẽ anh có rất nhiều thông tin về con hổ rất khó cưỡi của Nghệ An. Chúng tôi cũng không thích con hổ dễ cưỡi. Nghệ An là một con hổ rất khó cưỡi, mà một ông bí thư tỉnh uỷ, hoặc một ông chủ tịch tỉnh thì phải biết cái đó. Tôi muốn anh nói rõ thêm bởi vì có khi anh ở bên ngoài anh nhìn dễ hơn chúng tôi ở bên trong?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Sáng nay khi nói chuyện với các anh chị, tôi có nói rằng, bây giờ lấy mẫu một cặp xe ôm ở chợ Vinh nói chuyện chính trị đem so với cán bộ ở ngoài Hà nội có cương vị nào đó, thì tôi cá với các anh chị là độ chính xác về suy luận chính trị của cặp xe ôm ở đây tốt hơn. Cái này không phải tôi nói chơi chơi đâu, tôi nói với anh Trần Việt Phương, nguyên Trợ lý Thủ tướng, tôi nói với anh Trần Đức Nguyên, tôi nói với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng và nhiều người khác nữa. Người Nghệ là những người rất sắc sảo về chính trị. cho nên, để làm thủ lĩnh chính trị của một tập hợp người như vậy vô cùng khó. Đấy là một khía cạnh. Cái thứ hai là Nghệ An nhiều tiềm năng, nhưng lại nghèo thực tế, giải quyết bài toán ấy không dễ gì, hay để thoả mãn con mắt quan trắc chính trị của xã hội này không dễ gì. Tôi cảm thấy rằng rất ít nhà lãnh đạo thành công trong việc tạo ra sự giải thích tích cực về vai trò của mình trong lịch sử chính trị lâu dài của người Nghệ An. Tôi theo dõi từ thời anh Trương Kiện chứ không phải chỉ bây giờ. Đó là thực tế. Có những thực tế đôi khi gọi tên nó thì nó ngượng nên mình không gọi. Cho nên trí thức là những người biết nghĩ ra những cách nói xa xôi để cho người khác hiểu, và tôi cũng lạm dụng cơ hội để nói thôi.
Trưởng ban tuyên giáo thành ủy: Nếu như thế thì có lẽ thế hệ trẻ, 35- 45 mà tỉnh Nghệ An đang muốn đào tạo thành cán bộ có lẽ họ sợ, mà chúng tôi mời người ngoài vào thì có lẽ không được?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Không, tôi nói khó là làm Bí thư Tỉnh uỷ chứ tôi có nói làm những việc khác đâu. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng thế hệ sắp tới sẽ khác. Muốn nó không trở thành con hổ khó cưỡi thì phải có thuốc, phải đơn giản hoá đời sống chính trị, còn nếu phức tạp như thế này thì nó càng ngày càng khó cưỡi. Phải đơn giản hoá đi, phải ít để tâm đến các mẹo chính trị, phải để tâm đến phát triển nền kinh tế, phải nghĩ đến người dân nghèo khổ, phải nghĩ đến sĩ diện của một vùng đất đẻ ra không biết bao nhiêu nhân tài mà dân của nó vẫn còn nghèo và đói. Đấy là một lời kêu gọi của một người đồng hương. Tôi nghĩ là ở chỗ nào mà các nhà chính trị đầy bản lĩnh, khôn khéo một cách nổi tiếng thì thường ở đấy dân nghèo. Tôi lấy ví dụ, ở Albania, quê hương của Enver Hoxha là vùng Gjirokastër rất nghèo. Ở Rumani, vùng Timisoara quê hương của Nicolae Ceauşescu cũng là một vùng rất nghèo. Vì thế cho nên các nhà chính trị ít võ đi thì nhân dân sẽ béo tốt dần ra. Đấy là tôi nói với tư cách là một người dân, và tôi nghĩ rằng cái giới hạn này không đụng trần, không chạm đến tự ái của bất kỳ ai cả. Trong quyển sách đầu tiên của tôi, tôi viết một chương về văn hoá chính trị. Nền văn hoá chính trị hợp lý là một nền văn hoá mà ở đấy tất cả mọi con người đều có thể cảm nhận được, còn nếu đến khi mà số đông không cảm nhận được nó thì đấy không phải là văn hoá chính trị. Tôi có đọc một mẩu chuyện là trong một buổi trà dư tửu hậu trong đó có Lenin, có Zdanov là trưởng ban tuyên huấn Trung ương ĐCS Liên Xô, có Kalenin, có Stalin, Zdanov nói một câu “chính trị là một con điếm”. Lenin quắc mắt và nói với Zdanov như thế này “đồng chí nõi khẽ thôi, nếu các cô ở ngoài đường mà nghe thấy là các cô ấy tự ái chết”. Đấy là một câu chuyện có thật, câu chuyện ấy được viết trong lịch sử ĐCS Liên Xô chứ không phải chuyện bịa. Tôi là người đọc lịch sử ĐCS Liên Xô, tôi không hề giấu giếm các anh chị là trước khi định nói cái gì thì tôi phải đọc thật kỹ. Thưa các anh chị là khi nào chúng ta tạo ra được một nền chính trị còn độ rỗng, độ xốp, độ khoáng để cho các yếu tố khác đến chung sống với, thì lúc ấy xã hội chúng ta sẽ lành mạnh, dân chúng ta sẽ đỡ khổ.
Doanh nhân: Tôi thay mặt một số anh em bạn bè biểu lộ lòng khâm phục và ngưỡng mộ ông. Vừa rồi chúng ta có những thay đổi tổng công ty thành các tập đoàn, xin ông cho biết rõ thêm về bản chất và hình thức về việc đổi từ tổng công ty sang các tập đoàn có những khác nhau như thế nào và có đem lại lợi ích gì cụ thể không?
Câu hỏi thứ hai là Việt Nam vừa rồi có gia nhập WTO, đấy là ý chí hay là lợi ích thiết thực, và nếu như chúng ta không gia nhập thì sao? Ông đánh giá từ khi gia nhập đến giờ thì WTO có đem lại những lợi ích phát triển hơn cho Việt Nam hay không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Đây là hai câu hỏi sống còn và có rất nhiều quan điểm khác nhau, tôi sẽ trả lời bằng cách phân tích những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Câu hỏi thứ nhất về tập đoàn, trên thế giới này không có cái gì được gọi là tập đoàn. Bởi vì, các đơn vị kinh doanh là kết quả của kinh tế học vi mô. Công ty loại này, loại kia không phải là ngẫu nhiên, nó là phát hiện, là kết quả của nghiên cứu khoa học vi mô. Các anh chị không tin cứ giở quyển sách kinh tế học của giáo sư Samuelson sẽ thấy. Tôi chưa thấy có cái gọi là tập đoàn trong các nghiên cứu khoa học về việc xây dựng các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, thế giới người ta gọi là “Group”, tức là các nhóm. Các nhóm ấy cũng là tổ chức xã hội dân sự trong lĩnh vực kinh tế, nó không bị ràng buộc, hoặc nếu có thì ràng buộc bởi một chủ sở hữu cụ thể mà người ta gọi là các công ty Holding. Cho nên hiện nay quá trình chuyển đổi từ tổng công ty 90-91 sang tập đoàn kinh tế đang vướng phải cơ sở luật học và triển khai. Phải nói rằng cái ban chịu trách nhiệm thực hiện chuyện này đang rất lúng túng. Còn về lợi ích, với tư cách là một người hiểu biết rất rõ các khái niệm kinh doanh và các loại hình công ty ở trên thế giới, tôi không tìm thấy lợi ích gì ngoài sự sĩ diện. Tuy nhiên, một khi sự sĩ diện trở thành một thứ thuốc kích thích để động viên, để tạo cảm hứng của người ta để làm thì nó lại không có hại nữa. Thế thì hãy để cho người ta uống thuốc kích thích ấy. May ra, sau khi uống thuốc kích thích thì họ sẽ tích cực hơn hoặc có hiệu quả hơn chăng? Điều đó chúng ta phải đợi. Nói tóm lại, về mặt kinh tế học là không cần phải có khái niệm tập đoàn, nhưng có lẽ về mặt chính trị thì cần cái đấy như một thứ thuốc kích thích.
Câu thứ hai là về WTO, gia nhập WTO không phải là một cuộc mặc cả, mặc dù chúng ta phải mặc cả mãi mới vào được. Gia nhập WTO là việc không thể không làm. Nó giống như trường hợp anh có người nhà bị H1N1, bây giờ nếu anh muốn đi làm thì anh phải đi xét nghiệm và người ta chứng nhận rằng kết quả xét nghiệm của anh âm tính thì anh mới đến cơ quan được. Đấy là một chứng chỉ có chất lượng xét nghiệm về chất lượng kinh tế và xã hội Việt Nam, cái đấy buộc phải có, không thể từ chối được. Rất nhiều người nói rằng thế là dại, tự dưng lại nổi hứng lên, rửng mỡ đi tham gia WTO, thế nào cũng chết. Tôi nói rằng chúng ta có thể lép vế khi chúng ta vào cái vòng ấy, nhưng nếu chúng ta có đứng ngoài vòng thì chúng ta cũng vẫn lép vế. Chúng ta dễ thấy sự lép vế của mình hơn khi chúng ta tham gia vào WTO và sự cảm thấy rõ ràng hơn sự lép vế của mình là một liều thuốc kích thích hoặc là một phác đồ chỉ dẫn quá trình tự sửa mình của nền kinh tế Việt Nam. Không thể không vào được, bởi vì nếu không vào đó là từ chối văn minh hiện đại. Tiêu chuẩn văn minh của thời kỳ hiện đại hiện nay chính là anh thừa nhận vai trò điều chỉnh của các tổ chức quốc tế, nếu anh từ chối là anh sống ngoài vòng pháp luật quốc tế. Cho nên cả nước Nga vĩ đại lẫn nước Trung Quốc khổng lồ cũng đều phải phấn đấu gia nhập. Việt Nam nằm mơ cũng không có giá hơn Nga hoặc mạnh hơn Trung Quốc được, cho nên họ vào thì ta cũng vào. Tôi rất tiếc là chúng ta vào WTO chậm hơn Trung Quốc. Tôi có khoảng 20 năm để tìm hiểu quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây, tôi biết có rất nhiều nhà ngoại giao ủng hộ chuyện Việt Nam có mặt ở WTO trước Trung Quốc. Nhưng chúng ta dường như nghĩ rằng nhảy xuống ao thì để người ta nhảy trước, nếu người ta làm sao thì mình đỡ phải nhảy. Tôi không biết cân nhắc của các nhà lãnh đạo của chúng ta vào thời điểm ấy là như thế nào, nhưng với tư cách là một người hiểu biết về chuyện này thì tôi nói với các anh chị là không được phép bàn lại câu chuyện chúng ta có gia nhập hay không gia nhập WTO. Bởi vì đấy là giấy chứng nhận rằng chúng ta thừa nhận nền văn minh nhân loại. Còn nếu không thì càng ngày càng khó, và khi chỉ còn lơ ngơ mỗi mình là mình chết. Hơn nữa, nhìn xung quanh cả thế giới có hơn 200 nước thì một trăm chín mấy nước vào rồi, chúng ta việc gì phải phân vân nữa.
Doanh nhân: Xin hỏi ông một câu hỏi vui, đó là câu chuyện về con hổ Nghệ An. Nếu vận dụng câu chuyện “Trí khôn của ta đây” thì con hổ Nghệ An đấy có cần phải cột vào gốc cây để đốt cho nó khôn ra hay không? Và vấn đề thứ hai là các nhà lãnh đạo có nên nhìn vào thực trạng kinh tế của chúng ta bằng con mắt của nhà hài kịch Chu Lập Ba ở Trung Quốc, vốn là một hiện tượng rất nổi bật hiện nay. Ví dụ khi ông ấy nói rằng thuyết ba đại diện ở Trung Quốc thì nên nhìn nhận đó là ba cái đồng hồ, một là đồng hồ nước, hai là cái đồng hồ ga, và ba là cái đồng hồ điện hay không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không nghĩ rằng phải cột bất kỳ cái gì vào gốc cây để đốt cho nó khôn ra. Không phải tôi nói cải lương đâu mà thời kỳ đó qua rồi. Đây là thời đại trí khôn con người phát triển theo một phương thức khác, chứ không phải là phương thức áp đặt bằng cách trói nó vào gốc cây và đốt nó lên. Sự mất mát quyền lợi, sự thua kém so với các tỉnh bạn, sự nghèo đói một cách công khai trong tương quan so sánh với xã hội hiện đại làm cho con hổ ấy tự khôn ra mà không cần phải trói và đốt. Tôi nghĩ rằng anh nào làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khóa tới thì nên loại bỏ phương án trói và đốt đi.
Còn về thuyết ba đại diện, tôi có một trí khôn như thế này, khi mình chưa làm xong việc của mình thì xem xét việc của thiên hạ là không cần thiết. Chưa bao giờ tôi để ý đến câu chuyện này, vì nó cũng không có tiếng vang gì ghê gớm trong quan sát của tôi. Đấy là câu trả lời của tôi cho sự chú ý có chất lượng chính trị trong câu hỏi của anh. Tuy nhiên, định nghĩa truyền thống của những người cộng sản và chủ nghĩa cộng sản là người đại diện cho quyền lợi của giai cấp vô sản, của những người nghèo khổ. Bây giờ thay nội dung đại diện cho một thực thể bằng đại diện cho một giá trị thì phải nói rằng đấy là một trí khôn rất thương mại.
Doanh nhân: Hiện nay trên thế giới có đặt ra vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, đây là vấn đề rất phức tạp, xin ông trao đổi thêm về vấn đề này? Thứ hai, là ông Micheal Porter có sang Việt Nam, rất nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách chúng ta hỏi là hiện nay Việt Nam có lợi thế gì. Ông ấy nói Việt Nam có hai lợi thế, lợi thế thứ nhất là nông nghiệp, và lợi thế thứ hai là nguồn nhân lực. Và ông ấy cũng nhắc nhở rằng chúng ta không nên phụ thuộc vào nền kinh tế gia công. Quan điểm của ông dưới góc độ của người trong cuộc thì Việt Nam hiện nay có lợi thế gì? Thứ hai, nhìn về góc độ của tỉnh Nghệ An thì phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập này chúng ta nên phát huy những lợi thế nào của Nghệ An?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi rất ngạc nhiên trước việc người ta luôn luôn đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Nhà nước và thị trường là hai đại lượng khác thứ nguyên, không có tương quan ấy để so sánh. Thị trường là thị trường, nhà nước là nhà nước, không thể biến nhà nước trở thành ban quản lý thị trường được, đây là một nhầm lẫn của một loạt các cơ quan truyền thông Việt Nam. Nhà nước điều hành xã hội, nhà nước không chỉ điều hành thị trường. Thị trường chỉ là một yếu tố, và không phải là yếu tố khống chế đời sống xã hội. Tôi rất ngạc nhiên khi người ta biến Thủ tướng trở thành ông trưởng ban quản lý thị trường. Vô lý. Nhà nước không có quan hệ bình đẳng cùng thứ nguyên với thị trường.
Câu thứ hai là lợi thế của Việt Nam, tôi nghĩ lợi thế lớn nhất hiện nay của Việt Nam là nó không còn lợi thế gì để ỷ lại nữa. Người Việt Nam bây giờ không còn lợi thế gì để ỷ lại, để lười biếng và để không thay đổi một cách triệt để, một cách có cơ sở khoa học và một cách quyết liệt. Tôi biết tất cả những trò bỏ tiền tới 10 triệu để đi nghe một ông giáo sư nước ngoài nào đấy nói. Tôi quan hệ với những người như vậy và tôi biết họ. Họ sẵn sàng nói vì anh trả tiền, nhưng họ có nghiên cứu Việt Nam đâu mà họ biết Việt Nam cần cái gì và thiếu cái gì. Tôi với anh nằm ngủ trên mảnh đất khốn khổ của chúng ta, chúng ta rớt nước mắt, chúng ta cười vỡ bụng về tất cả về những thành công và thất bại của đất nước chúng ta, chẳng lẽ chúng ta không hiểu được nó mà lại phải chạy sang Mỹ để mời một người sang nói với mình Việt Nam như thế nào? Nếu mời sang để hỏi là với tình trạng hiện nay, làm sao mà chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ được thì nên mời người ta. Còn mời người ta đến đánh giá xem mình như thế nào thì chẳng khác nào mời một ông hàng xóm đánh giá chất lượng của vợ mình.
Trước đây chúng ta bảo chúng ta có nhân dân anh hùng cho nên cứ từ từ, không sao cả. Sau đó chúng ta bảo là chúng ta có đội ngũ trung kiên, chúng ta có làm sai một tí cũng không sao. Rồi chúng ta bảo xuất khẩu lao động rồi cho nên thị trường trong nước chúng ta có bỏ trống một tí cũng không sao. Tất cả những con bài được gọi là lợi thế đã được sử dụng trong suốt 20 năm đổi mới và nó đã bắt đầu hết hiệu lực. Cho nên ưu thế lớn nhất của Việt Nam tại thời điểm chúng ta ngồi đây, đang thảo luận các vấn đề để chuẩn bị cho một sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước chúng ta là đại hội Đảng XI, là chúng ta không có lợi thế gì để ỷ lại nữa. Chúng ta buộc phải thay đổi, phải nghĩ ngợi, phải lao động thật sự từ trên xuống dưới để cứu đất nước của chúng ta, để giải thoát cho nền kinh tế của chúng ta. Những cái gì có thể có chúng ta dùng hết rồi, tài nguyên chúng ta bán rồi, rừng chúng ta chặt hết rồi, bao nhiêu sông có thể làm nhà máy thuỷ điện chúng ta đã làm cả rồi, bao nhiêu vùng có biển nước sâu chúng ta làm cảng hết rồi. Cái gì được gọi là lợi thế chúng ta dùng hết rồi, nhân dân chúng ta cũng đã dùng xuất khẩu lao động rồi, bây giờ chúng ta buộc phải quay lại những bài toán thực sự của những người chịu trách nhiệm về đất nước của mình, mà trong đó các nhà lãnh đạo chỉ là một phần, phần còn lại là xã hội, là tất cả các anh, các chị. Tôi nói như vậy không biết các nhà lãnh đạo có tự ái không, nhưng tôi xem xã hội là những người có cùng trách nhiệm với các anh trong việc phát triển đất nước. Và chúng ta phải tìm cách gửi ý kiến của mình một cách thân thiện đến những người lãnh đạo, đừng gây gổ, đừng phê phán, đừng chọc giận, tôi nghĩ là những cách ấy sẽ không có ích.
Doanh nhân: Tôi được đọc các bài viết của ông trên mạng và cũng nghe tiếng ông rất nhiều, hôm nay mới được gặp ông. Tôi nghĩ rằng mỗi năm lãnh đạo tỉnh Nghệ An và anh em doanh nhân mời ông về để trao đổi như thế này thì rất bổ ích, một năm nên làm một hai lần. Tôi thấy ông không dám nhận mình là nhà doanh nhân thành đạt, nhưng tôi nghĩ ông là một người kinh doanh giỏi. Ông có thể truyền lại cho anh chị em doanh nhân một số kinh nghiệm để ông trở thành một người doanh nhân giỏi, trong cách đối nhân xử thế cũng như trong mẹo kinh doanh của bản thân ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Anh vừa nói rằng đề nghị các anh chị ở đây gọi tôi về một năm một hai lần, tôi nhận lời. Lúc nào các anh các chị cần thì tôi sẵn sàng làm. Chỉ sợ là tôi về nhiều quá thì các anh chị chán. Còn câu hỏi về kinh nghiệm kinh doanh thì tôi nói rằng, sai lầm lớn nhất khi chúng ta mở đầu cuộc đời kinh doanh của mình là cố gắng học theo kinh nghiệm của ai đó. Tôi kể anh nghe là con trai của tỷ phú Kerry Packer, một trong những người giàu có nhất nước Úc đến TP. HCM gặp một số nhà kinh doanh tài chính Việt Nam tìm cách hợp tác. Ông ấy cũng là một nhà tài chính lớn, ông ấy hỏi: “đã có ai trong các anh kinh doanh thua lỗ chưa?”. Tất cả mọi người ở đấy đều chứng minh mình chưa bao giờ thua lỗ cả, mà chỉ có thắng trở lên. Đến lúc mọi người đề nghị ông ấy phát biểu thì ông ấy bảo “thế thì tôi không chơi với các anh, bởi vì trong kinh doanh người nào chưa thua lỗ thì sẽ thua lỗ, chỉ có những người đã thua lỗ thì sẽ không thua lỗ nữa”. Thưa các anh chị, kinh nghiệm của tôi là các anh chị nếu mở đầu sự nghiệp kinh doanh của mình thì phải bằng chính ý nghĩ của mình, phải bằng chính sự hiểu biết của mình, phải xác nhận chính công nghệ của mình. Không cần thắng, thua càng tốt. Những kinh nghiệm học được trong sự thua của mình có giá trị gấp 100 lần so với các kinh nghiệm tôi nói với các anh chị. Kinh nghiệm lớn nhất tôi nói với các anh chị là hãy tìm lấy kinh nghiệm của mình, đừng đi học kinh nghiệm của người khác trong buổi đầu kinh doanh. Sau này, khi chúng ta đã trở thành những đối tượng kinh doanh bình đẳng với nhau chúng ta có thể trao đổi kinh nghiệm. Trao đổi kinh nghiệm và đi học kinh nghiệm đối một nhà kinh doanh là khác nhau. Không có một nhà chính trị nào đi học kinh nghiệm của một nhà chính trị khác để điều hành đất nước của mình. Không có một nhà kinh doanh chân chính nào đi học kinh nghiệm của một nhà kinh doanh khác để điều hành doanh nghiệp của mình. Không có một người chồng chân chính nào đi học kinh nghiệm của hàng xóm để về điều hành vợ mình. Đấy là kết luận trong buổi chiều hôm nay.

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Giao_luu_giua_ong_Nguyen_Tran_Bat_voi_cac_nha_lanh_dao_va_doanh_nhan_Nghe_An_phan_2/2.viePortal

No comments: