Wednesday, December 26, 2012

Giới trí thức tinh hoa trong lịch sử Việt Nam

Để xây dựng kinh tế tri thức trở thành chủ đạo của nền kinh tế quốc dân, chúng ta cần có một lực lượng lao động tương ứng là lao động có kiến thức cao, nói khác đi đòi hỏi mọi thành viên tham gia nền kinh tế này phải là người lao động trí tuệ hoặc sử dụng trí tuệ như công cụ lao động chủ yếu, đặc biệt là phải hình thành một giới trí thức tinh hoa.
Chỉ từ những điều sở tri sở kiến của mình, chúng tôi muốn góp bàn về việc nhận diện thực trạng của giới tinh hoa trong lịch sử Việt Nam và những đặc điểm của giới đó có thể trở thành chướng ngại mà chúng ta cần khắc phục trong việc hướng tới hình thành giới tinh hoa mới trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Trong lịch sử Việt Nam cho đến tận đầu thế kỷ XX, mẫu hình trí thức tồn tại lâu dài nhất, có tác động lớn nhất đến đời sống tinh thần xã hội là nhà Nho. Tinh thần văn hóa Nho giáo thấm sâu vào thành truyền thống, thậm chí thành bản sắc của nền văn hóa dân tộc. Về mặt diện mạo tổng thể, nền văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XIV đến hết thế kỷ XIX là nền văn hóa Nho giáo. Nếu lưu ý đến “đặc điểm lớn nhất của xã hội Việt Nam thời đại ngày nay” là sự phát triển bỏ qua (hay ít nhất là cho đến nay cũng chưa thành một phương thức sản xuất/một hình thái kinh tế - xã hội hoàn chỉnh) đối với hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, thì phải đồng ý với nhiều nhà khoa học (1) rằng Việt Nam đi từ Nho giáo lên chủ nghĩa cộng sản.

Trước khi có nền học vấn Âu hóa của thời hiện đại, và cả khi nền học vấn đó đã, đang trở thành xu thế chủ đạo thì quán tính của nền học vấn truyền thống vẫn chi phối từng bước đi của lịch sử một cách mạnh mẽ, khá vô hình nhưng vẫn khá quyết liệt. La mort saisit le vif, - cái chết đang túm lấy cái sống. Sự “túm lấy” này, tuy không hoàn toàn chỉ mang nghĩa tiêu cực, nhưng những tác động tiêu cực của nó là điều không thể xem thường.


Trong vòng bảy, tám thế kỷ, đội ngũ trí thức - nhà Nho ở Việt Nam đã dần thay thế và cuối cùng là thay thế hẳn đội ngũ trí thức Phật giáo, tạo ra một nền học vấn kiểu nhà Nho, và vì thế, ngả theo mô hình của nền học vấn Trung Hoa. Nhưng khác với các trí thức Trung Hoa nói chung, tầng lớp nhà Nho Trung Hoa nói riêng, chưa bao giờ tầng lớp nhà Nho Việt Nam thực sự có được sự độc lập tương đối về chính trị, nhất là trong quan hệ với chế độ chuyên chế, để có thể có được những thành tựu độc lập trong sáng tạo tri thức và những giá trị tinh thần đủ để vinh danh chỉ riêng tầng lớp của mình.


Vào đầu thế kỷ XX, khi tự tỉnh và lay tỉnh quốc dân, nhằm “khai dân trí, chấn dân khí”, các nhà Nho duy tân đã đọc to lên tình trạng nghiệp dư quá quắt của tầng lớp mình:
Khỏi làng mắt chửa thấy xa
Lại toan mai mỉa hai nhà Khang, Lương
Ở nhà chân chửa ra đường
Lại toan ngang dọc bốn phương giang hồ
Hỏi: “Ông tu những đường mô?
Ông rằng: “Tu những làng nho đã thừa”
Hỏi: “Ông mộ những gì ư?
Ông rằng: “Mộ những người xưa là thầy”….
- Hỏi rằng: “Dây thép sao mau?”
Ông rằng: “Khí học cũng màu mà thôi”
Kìa như dây sắt, roi lôi
Nào ai bày đặt mọi ngôi cho đành?
Hỏi rằng: “Xe khí sao nhanh?”
Ông rằng: “nghề máy cũng lành mà thôi”
Kìa như lửa ống, nước nồi
Nào ai bày xét đến nơi nhiệm màu?
Năm châu tên gọi hay đâu
Lại chê người rợ mà gào ta hoa
Mắt nhìn chính học không ra
Lại chê người bá mà nhà ta vương” (4)
-“Hỏi cụ việc thực
Thì cụ làm thinh
Hỏi trận pháp binh thư thì cụ ù ù cạc cạc
Hỏi địa dư quan chế thì cụ u u minh minh;
Cụ chẳng biết kèn sao kêu, súng sao nổ?
Cụ không hay xe sao chóng, tàu sao lanh?
-“Khí học làm sao? Hóa học làm sao? Cụ dẫn Dịch tượng Thư trù chi Cổ đế
Cơ khí là thế, điện khí là thế, cụ rằng mộc ngưu lưu mã chi Khổng Minh
Cụ phải đeo thẻ đóng sưu, cụ muốn nước Nhật, nước Tàu sang bảo hộ
Cự mà ngâm thơ đọc phú, cụ mong ông Chèm, ông Gióng chi phục sinh
Ai nói chuyện tân học tân văn, cụ ghét hơn người đầu thuốc độc
Ai dâng câu cổ thi cổ họa, cụ mừng hơn trẻ được cái đinh” (5)
Lý luận Nho giáo không được khái quát lên từ thực tế Việt Nam, mà lý luận đó chỉ phù hợp nên có thể vận dụng được trên thực tế Việt Nam ở những thời gian lịch sử nhất định, dù quãng thời gian lịch sử ấy có thể và trên thực tế đã kéo dài, thậm chí đã quá dài. Theo cách nhìn nhận cá nhân, tôi cho rằng tuy Phật giáo ở Việt Nam chỉ thật thịnh trong một khoảng thời gian không dài, nhưng lại có những thành tựu về sáng tạo tinh thần đột xuất và có những gương mặt trí tuệ đỉnh cao, khả dĩ vinh danh và đại diện cho trí tuệ Việt hơn cả những đóng góp mà nhà Nho tạo nên trong một thời kỳ lịch sử dài hơn nhiều.

Nhìn vào những sản phẩm đỉnh cao cuối cùng theo cách nhìn cấu trúc đồng đại hóa, sẽ thấy trong đội ngũ trí thức nhà Nho Việt Nam thiếu một cách nghiêm trọng những trí tuệ lý thuyết, những xung năng sáng tạo lớn. Các tác giả Trần Văn Giàu, Trần Đình Hượu, Hà Văn Tấn đã nhiều lần lưu ý đến sự thiếu hụt ấy. Nói thiếu vắng hoàn toàn thì không phải, nhưng chắc chắn đội ngũ những người như vậy trong lịch sử Việt Nam khá thưa thớt, có những thế kỷ hầu như không tìm thấy được(2). Điều đáng cảm thán không chỉ là “ôi thương sao những thế kỷ vắng anh hùng” như Chế Lan Viên từng thốt lên, mà cũng cả “Ôi thương sao những thế kỷ vắng thiên tài”! Nhận xét tỷ mỷ hơn cả về điều này là ý kiến của cố học giả Trần Đình Hượu:

a) Không có ai có hứng thú đi vào những tư tưởng triết học. Chưa có tác phẩm, tác giả chuyên về tư tưởng triết học. Những người mà ta phải tính là các nhà tư tưởng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đều là như vậy.

Loại hình chính là những nhà hoạt động yêu nước, những người làm văn học, học thuật (chủ yếu là sử học), và thông qua hoạt động chính trị, học thuật hay nghệ thuật của mình mà đề cập đến những vấn đề tư tưởng. Những ông thầy khi giảng kinh, sử cũng bàn những vấn đề tư tưởng, mà nhiều khi chính những ông thầy đó lại nói tư tưởng nhiều hơn, nói nhiều nhưng là nói lại, có hay không sửa chữa chút ít.

b) Ở đây chưa hình thành mối quan hệ tương hỗ giữa khoa học kỹ thuật và triết học, tức là triết học làm cơ sở lý luận cho khoa học và phát triển theo sự phát triển của khoa học… Có thay đổi thì cũng chỉ là lấy, bỏ, thêm, bớt từ những cái có sẵn trong và ngoài từng hệ thống…

Nhìn chung, tư duy lý luận không phát triển. Những vấn đề nhận thức, logic, phương pháp không được bàn bạc. Ở đây phát triển một cách tư duy thực tiễn nhằm không phải vào sự chính xác mà sự hợp lý (phải khoảng). Cái ngự trị ở trong nhiều phạm vi là một cái lí - lẽ phải thông thường. Triết học không tách khỏi tôn giáo, học thuật. “Về căn bản, trong lịch sử chưa xảy ra một sự thay đổi nền móng sản xuất, tổ chức xã hội, văn hóa, học thuật. Tôi nói cả văn hóa, học thuật vì khi còn học theo, bắt chước, nói lại thì chưa gây ra tác động sâu từ khoa học sang triết học, không tạo ra cách mạng trong tư tưởng” (3).

Nền học vấn truyền thống theo Nho giáo ấy rốt cuộc ở lớp trên cùng chỉ đẻ ra được nhà Nho – ông quan (đường quan hay học quan, võ quan có học hay văn quan, kể cả loại “văn võ kiêm bị” đi nữa thì nói gọn lại, cũng chỉ là quan). Các loại hình trí thức then chốt của một xã hội trí thức, một kết cấu của tầng lớp trí thức thực thụ như nhà kỹ thuật, nhà khoa học (hay học giả), nhà nghệ sĩ, tiếp đến là nhà tư tưởng – nhà triết học loại thì xuất hiện thưa thớt, mở nhạt, loại thì hoàn toàn vắng bóng.

Học giả lừng danh nhất trong lịch sử Việt Nam trước thế kỷ XX là Lê Quý Đôn, người mà với tất cả sự ngưỡng mộ và lòng kính trọng cũng không thể gán cho là tác giả của bất cứ định lý, định luật hay nguyên lý, quy tắc nào, ý tưởng nào thực thụ mang tính đột phá tri thức, nên có lẽ danh xưng xứng đáng nhất trong việc phân loại chuyên gia khoa học thời hiện đại thì đúng nhất là xếp vào dạng nhà sưu tầm, nhà biên khảo hay nhà thư tịch học. Thật đau lòng khi phải nói lên điều này.


Nhà Nho thuộc loại hình trí thức nguyên hợp. Đó là loại trí thức điển hình cho một hình thái kinh tế-xã hội khi mà lao động trí óc chỉ mới là đặc quyền của một thiểu số rất nhỏ. Tuy so với loại quý tộc, loại người có được những đặc quyền chỉ nhờ quan hệ huyết thống với người hay dòng họ cầm quyền thì sự xuất hiện và phát huy tác động trong xã hội của trí thức nhà Nho là một bước tiến bộ, nhưng đến lượt họ, khi đã tự khẳng định và được khẳng định địa vị trong xã hội, trong cơ chế thì nhà Nho cũng từng bước một kiến tạo đặc quyền theo lối huyết thống hóa, tạo ra không phải những cá nhân người trí thức sáng tạo, mà những “thế gia, vọng tộc, cự môn”, vừa theo mô hình quý tộc hóa, vừa theo lối đẳng cấp giữ những chức năng đặc thù. Họ không ngần ngại gì mà không khẳng định “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”, tự coi là người bề trên tự nhiên (và cũng thường được thừa nhận) là người đỡ đầu trực tiếp của các tầng lớp cư dân khác.

Với tôn chỉ “Nhất nghệ bất tri nho giả sở sỉ” (một nghề nào đó mà không biết thì kẻ làm nhà Nho tự thấy xấu hổ), họ thường kiêm luôn công việc của nhiều loại “chuyên gia” trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí khá xa lạ đối với nhau. Người dân gọi họ là “thầy”, và ở nông thôn xưa thì nhà Nho làm tất tật công việc của các thứ thầy như vậy: thầy đồ dạy học (nho), thầy thuốc chữa bệnh (y), thầy địa lý lo chuyện phong thủy (lý), thầy bói xem tướng số (số), cả chuyện làm…thầy dùi, “tư vấn” cho các bên tham gia vào các vụ kiện tụng.


Bộ phận hiển nho - các nhà Nho hữu danh và thành đạt – cũng hầu như không có ai đủ căn đảm để chỉ “đi đến cùng một con đường đã chọn” có lẽ trừ Hải Thượng Lãn Ông. Ngay Hải Thượng Lãn Ông cũng chọn con đường trở thành một danh y vào lúc tuổi đời không còn trẻ và tình huống cơ hồ không thể khác. Nói tổng quát, mẫu trí thức nhà Nho ở ta chuyên môn hóa khá muộn màng và không trở nên là đội ngũ chuyên gia thực thụ, ở hầu như bất cứ bình diện nào của lao động sáng tạo tinh thần. Trong các hoạt động nghệ thuật, chỉ thơ là có thành tựu nổi bật, nhưng không có ai, kể cả nhà thơ vĩ đại nhất trong lịch sử văn học dân tộc là Nguyễn Du, cũng không trở thành nhà thơ “chuyên nghiêp”.

Một khi họat động sáng tạo tinh thần, lao động trí óc chưa được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, thì mọi hoạt động lao động khác gắn liền với các hệ thống tri thức chuyên nghiệp sẽ chỉ trở thành các loại lao động thủ công, nghiệp dư. Tình trạng đó là phổ biến từ các loại làng nghề gắn bó xa gần với hoạt động nghệ thuật cho chí các loại làng nghề sản xuất ra các sản phẩm thuần túy mang tính thương mại. “

Công tượng”, gọi nôm na là thợ, xếp loại ba, sau nông dân, còn được an ủi là xếp trên loại người tiêu thụ sản phẩm cho họ, tức thương nhân, tầng lớp “dưới đáy”, bị gọi miệt thị là loại “con buôn”. Giữ gìn phương tiện mưu sinh: theo ý tôi trong cách hành xử ấy còn tiềm ẩn cả tâm trạng ẩn ức, cả sự chống đối theo kiểu tiêu cực, cả niềm kiêu hãnh về những phẩm tính và kỹ năng ưu việt không được thừa nhận.


***
Gia nhập xã hội hiện đại theo con đường bị cưỡng bức, không hề được chuẩn bị đầy đủ về mọi phương diện để thích nghi, thiếu nghiêm trọng những kinh nghiệm và thực tế tương ứng được với xã hội hiện đại từ truyền thống, tóm lại, với tính nhược tiểu thể hiện khá “hoàn hảo”, giới trí thức Việt Nam khi trở thành “tầng lớp trí thức bản xứ” thêm một lần nữa bị chủ nghĩa thực dân vày vò, ép ướp hoàn toàn có chủ đích chỉ nhằm biến đổi họ thành đám vong quốc nô có chữ nghĩa. Lịch sử còn lưu lại vô số bằng chứng cả trực tiếp cả gián tiếp chứng minh cho đường lối chính trị, chính sách trí thức thuộc địa này của thực dân Pháp(6).

Hệ quả cuối cùng của chính sách thực dân, dù những chính sách cụ thể trong từng thời kỳ nhất định có đổi thay theo hướng xoa dịu sự phản ứng của một cư dân bản địa dù sao cũng có hàng nghìn năm lịch sử đồng thời trên từng bình diện nhất định phải đáp ứng những đòi hỏi của tình hình khó khăn mà “mẫu quốc” lâm vào, vẫn cứ là một tầng lớp trí thức bản xứ với rất ít cá nhân thực sự đạt tới trình độ tinh hoa, đội ngũ chuyên gia tuy có số lượng khá hơn nhưng không toàn diện, gắn bó quá trực tiếp với sự điều tiết từ chính quốc chứ không phải gắn bó với xã hội và nền kinh tế tại chỗ, và một lượng đông đảo nhất những trí thức cấp thấp. Chất lượng của một tầng lớp trí thức như vậy, xét trên tương quan của một sự so sánh lịch đại, nghĩa là so sánh về khả năng đáp ứng những nhu cầu phát triển từng thời điểm lịch sử khác nhau, chắn chắn là còn kém hơn thời kỳ tiền thực dân.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, thân phận con người, thân phận công dân của người trí thức được đổi thay về chất. Đại đa số những trí thức trong xã hội cũ vì thế hăng hái tham gia bằng sở học của mình vào các công việc của xã hội mới. Thời gian kháng chiến chống Pháp, tuy có quá nhiều khó khăn khách quan, một thế hệ trí thức mới đã xuất hiện, trưởng thành. Đội ngũ này, tuy về số lượng không thật đông đảo, nhưng lại đặc biệt có chất lượng. Đa số những tên tuổi lớn trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và nghệ thuật thời gian qua ở ta là thuộc về hoặc cơ bản là thuộc về thế hệ này. Phần lớn họ là những người ra đời trong khoảng từ 1920-1932.

Không phải ngẫu nhiên tôi chọn những mốc này: cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, hầu hết họ đều đã có một thời kỳ học phổ thông và có được một “lưng vốn” tri thức nói chung, tiếng Pháp hay một ngoại ngữ nói riêng đủ để tự đọc sách và tự học tiếp tục. Những người sinh trước năm 1920 nếu thành danh thì đã thành danh trước Cách mạng, mà những người sinh sau năm 1932 thì “không kịp” có điều kiện như vừa tính tới.


Nhưng cũng từ sau Cách mạng tháng Tám xã hội Việt Nam trải qua hơn 30 năm là xã hội thời chiến hoặc bị chi phối mạnh mẽ bởi một hoàn cảnh thời chiến. Trừ một vài lĩnh vực đặc biệt, chiến tranh không phải là điều kiện dương tính cho sự phát triển của lĩnh vực lao động tri thức. Không quá khó khăn để chỉ ra các lĩnh vực đặc biệt ấy. Dù muốn dù không, tính phục vụ trực tiếp, tính ứng dụng là những yêu cầu được đặt lên hành đầu đối với lao động của người trí thức trong hoàn cảnh ấy. Cũng khó mà tạo ra những diện mạo trí thức, những tên tuổi lớn theo lối hàng loạt trong điều kiện như vậy. Xét cho cùng, sức sản xuất các giá trị tinh thần – cả trong khoa học xã hội lẫn khoa học nhân văn, cả trong nghệ thuật, trong văn hóa đều tùy thuộc vào nền sản xuất vật chất của xã hội. Ngay cả việc phản ứng lại một thực tiễn lớn cũng đòi hỏi tiền đề là sự tồn tại của cái thực tiễn ấy đã.

Mặt khác, kể từ sau Cách mạng tháng Tám, nền khoa học non trẻ của Việt Nam nhận được sự bổ sung về nguồn tri thức từ các nước xã hội chủ nghĩa có nền khoa học tiên tiến, chủ yếu là từ Liên Xô, và mức độ khác, từ Trung Quốc. Nhưng chỉ chưa hết một khóa học (đại học) từ sau năm 1954 thì giữa Liên Xô và Trung Quốc đã nổ ra những bất đồng. Vừa bối rối vì vấn đề phân liệt giữa các đảng cộng sản lớn cầm quyền, hết chống tệ sùng bái cá nhân lại rơi vào tình trạng phải đối phó với chủ nghĩa xét lại, người trí thức mới trẻ tuổi vừa còn phải “tuân thủ mọi yêu cầu của tổ chức, mọi nhiệm vụ được phân công” mà không phải lúc nào những yêu cầu ấy, những sự phân công ấy cũng được kế hoạch hóa, duy lý hóa. Tiếp theo đó là Đại Cách mạng văn hóa, mà một trong những đặc điểm nổi bật của cái gọi là cuộc Đại Cách mạng văn hóa này lại chính là ở tính chất phản văn hóa, phản tri thức của nó, tuy diễn ra và tác động tai hại trước hết và chủ yếu là ở Trung Quốc, nhưng không thể nói Việt Nam nằm ngoài vòng ảnh hưởng của biến cố kinh hoàng này.

Giới trí thức tinh hoa ở mọi dân tộc đều là báu vật, nói như ngôn từ được làm sống lại gần đây đối với những ý tưởng truyền thống, thì họ là “hiền tài”, là “nguyên khí quốc gia”. Vậy những nạn “chảy máu chất xám” đã là điều nguy hại, mà nạn “lãng phí chất xám”, thậm chí còn khó nhận dạng hơn và khó khắc phục hơn, theo thiển ý, cũng cần nêu lên thành vấn đề lớn hiện nay.

Có thể nói, ở ta mới có những người trí thức lớn,- không đông lắm mà nói thực thì cũng chưa được “lớn” lắm - nhưng chưa thể nói rằng đã có giới trí thức tinh hoa. Mà chừng nào trí thức tinh hoa chưa thành một giới, nôm na là núi không có đỉnh, thì khó lòng bàn đến “tầm” trí tuệ Việt Nam, tuy đó là điều không hiếm người thành tâm khao khát khẳng định.


---

(1) Tham khảo, chẳng hạn:
- Trần Đình Hượu Đến hiện đại từ truyền thống. Nxb Văn hóa và Thông tin 1996.
- Le contact colonial franco – vietnamien le premier demi – siècle (1858 – 1911) Nxb Universitè de Provence (PUP), 1999.
- Trịnh Văn Thảo Vietnam du confucianisme au communisme. Nxb Presse Universitaire Francaise (PUF) 1992.

(2) Tham khảo những tài liệu liên quan đến cuộc thảo luận về việc viết lịch sử tư tưởng Việt Nam. Viện Triết học, 1984.

(3) Trần Đình Hượu, Sđd

(4) Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900 -1930) Nxb Văn học Hà Nội 1976.

(5) Các bộ lịch sử, lịch sử tư tưởng Việt Nam của cả các tác giả người Việt lẫn người Pháp đều cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến điều này.

Tuesday, December 25, 2012

Old blog

http://blog.yahoo.com/_MUMF7J2IQXNODDWBZG4GKXCBI4

Tuesday, November 20, 2012

VÀI ĐÁNH GIÁ VỀ TRIỂN VỌNG TRUNG HẠN CỦA KINH TẾ VIỆT NAM


Trần Ngân

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 năm nay của Việt Nam được mở đầu bằng một màn xin lỗi khá thống thiết của Thủ tướng. Trước đó Tổng bí thư cũng đã đăng đàn xin lỗi sau Hội nghị TW 6. Xin lỗi thì cũng tốt thôi nhưng vấn đề là sau khi xin lỗi có làm gì để sửa sai hay không và vấn đề còn quan trọng hơn nữa là liệu đã nhìn ra đúng cái sai để sửa hay chưa. Tác giả bài viết này cho rằng ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay đã không nhìn ra đúng cái sai để sửa hay nói đúng hơn là không đủ khả năng hoặc không muốn sửa những cái sai lớn nhất. Điều này sẽ làm triển vọng trung hạn (khoảng 10 năm tới) của nền kinh tế Việt Nam là rất kém.
Có thể nói tâm lý chung của xã hội Việt Nam hiện nay đang tập trung vào những vấn đề nóng, mang tính ngắn hạn trước mắt mà còn ít quan tâm tới các vấn đề trung và dài hạn. Điển hình như ngay trong cuộc họp Quốc hội đang diễn ra, trong khi có tới gần 400 câu hỏi về những vấn đề tiền tệ, ngân hàng dành cho thống đốc NHNN thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại không ra trả lời chất vấn. Trong khi thực ra các vấn đề về tiền tệ chỉ là vấn đề ngắn hạn của nền kinh tế. Trong trung và dài hạn, muốn nền kinh tế phát triển tốt thì phải thay đổi các yếu tố của tổng cung như máy móc, trình độ lao động, trình độ công nghệ, trình độ quản lý hay nói cách khác là phải tái cấu trúc nền kinh tế là lĩnh vực do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Việc tái cấu trúc nền kinh tế được nói tới rất nhiều trong giai đoạn từ khoảng năm 2009 nhưng rồi sau đó dần đi vào quên lãng. Rất nhiều chuyên gia kỳ vọng với chương trình tái cấu trúc được nói tới rầm rộ nhưng cuối cùng đa số đều thất vọng vì hầu như chưa có tiến triển gì cả. Tuy nhiên, tôi cho rằng , dù chương trình tái cấu trúc này được thực hiện thì kết quả vẫn rất đáng nghi ngờ vì một trong những nhánh tái cấu trúc trọng tâm là tái cấu trúc DNNN đã sai ngay từ trong định hướng.
Trong Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, do Bộ Tài chính xây dựng được Thủ tướng phê duyệt ngày 17/7/2012 vẫn nêu mục tiêu của tái cấu trúc là để DNNN “… làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô…” (http://www.ven.vn/sau-giai-phap-thuc-hien-tai-co-cau-dnnn-den-2015_t77c78n30307tn.aspx)
Đối với ngành ngân hàng thì trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015” của NHNN được Thủ tướng phê duyệt ngày 1/3/2012 có nêu mục tiêu là: “Nâng cao vai trò, vị trí chi phối, dẫn dắt thị trường của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đặc biệt là bảo đảm các ngân hàng 100% vốn của Nhà nước và ngân hàng có cổ phần chi phối của Nhà nước (sau đây gọi chung là ngân hàng thương mại nhà nước) thật sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời có đủ năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.” (http://www.vietinbankschool.edu.vn/home/export/sites/default/vn/doccenter/vanban/taichinh/de_an_tai_co_cau_NH.pdf)
Như vậy có thể thấy mục tiêu của các đề án tái cơ cấu này vẫn là làm sao để DNNN giữ được vai trò chủ đạo, thậm chí còn là công cụ để nhà nước ổn định và điều tiết kinh tế vĩ mô.
Đã có quá nhiều chứng cứ về lý thuyết và thực tiễn ở Việt Nam và thế giới chứng minh sự kém hiệu quả của DNNN so với các loại hình doanh nghiệp khác nên ở đây không cần nói lại nữa.
Theo tôi, đây có thể được coi là trở lực lớn nhất trong công cuộc phát triển kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới. Tiếp tục các định hướng trên cũng có nghĩa là sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn lực khan hiếm cho một khu vực làm ăn kém hiệu quả nhất của nền kinh tế, cản trở việc hiện đại hóa công nghệ vì lãnh đạo các doanh nghiệp này có xu hướng thích mua máy móc cũ với chi phí cao để kiếm hoa hồng hơn là các máy móc chất lượng tốt. Tiếp tục ưu tiên và bảo bọc DNNN cũng chính là cách tốt nhất để làm giảm khả năng cạnh tranh của chúng và cản trở việc thay đổi cung cách quản trị công ty. Về cả mặt lý thuyết và thực tiễn, chưa có quốc gia nào phát triển nhanh và bền vững khi chủ yếu dựa vào cột trụ là các DNNN. Việt Nam tiếp tục cố gắng đi ngược lại kinh nghiệm nói chung của thế giới thì chắc chắn sẽ lại phải chuốc lại thất bại mà thôi.
Đi kèm với triển vọng tăng trưởng thì triển vọng lạm phát cũng rất kém vì sẽ còn rất nhiều tiền được đổ vào một khu vực hiệu quả kém, lượng của cải tạo ra ít so với quá nhiều vốn đổ vào thì khả năng xảy ra lạm phát cao và dai dẳng gần như là chuyện đương nhiên.
Vấn đề then chốt thứ 2 sẽ kiềm hãm tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn theo tôi chính là việc không chấp nhận đa sở hữu về đất đai hay nói cụ thể hơn là sở hữu tư nhân về đất đai. Đây có lẽ là điểm gây thất vọng nhất trong Luật Đất đai sửa đổi đang được Quốc hội bàn luận.
Trước khi ban hành Hiến pháp 1980, ở Việt Nam vẫn thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Khái niệm “đất đai là sở hữu toàn dân” được đưa vào Hiến pháp 1980 chủ yếu là vì ý muốn chủ quan của TBT Lê Duẩn (ông này cũng là người đã “sáng chế” ra những khái niệm như “làm chủ tập thể” hay “xây dựng mỗi huyện thành 1 pháo đài kinh tế” mà bản thân các cán bộ lý luận thời đó cũng không biết tuyên truyền, giải thích làm sao cho cấp dưới hiểu được). (http://sgtt.vn/Goc-nhin/88720/Tinh-than-Hien-phap-Phan-1-Doi-thay-theo-dong-lich-su.html)
Đại đa số các nước trên thế giới thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai và đây lại là 1 lĩnh vực nữa mà Việt Nam quyết tâm đi ngược chiều với thế giới văn minh. Khi đất đai không được giao ổn định cho người dân thì người dân sẽ không dám đầu tư nhiều vào đất đai vì họ sợ có thể bị nhà nước thu hồi một cách tùy tiện như trong vụ ông Đoàn Văn Vươn.
Nhà kinh tế học H. De Soto, trong quyển sách nổi tiếng Sự bí ẩn của vốn (The Mystery of Capital) cho rằng một trong những lý do quan trọng trong việc làm các quốc gia bị nghèo đói là bởi vì “Sự thất bại của hệ thống luật pháp trong việc công nhận và tôn trọng tài sản của người nghèo”.
De Soto viết: Người dân ở những nước chậm phát triển cũng khôn khéo và có đầu óc kinh doanh như người dân ở những nước giàu có. Vấn đề khác biệt then chốt là vì phần lớn họ sống trong những ngôi nhà không phải là chủ sở hữu thực sự. Họ không có quyền pháp lý đối với đất đai, nhà cửa hoặc công việc kinh doanh. Họ không thể sử dụng chúng như những đồ ký quỹ hoặc vay mượn khi cần thiết. Họ cũng không thể sử dụng những dịch vụ thiết yếu như điện, nước. Và nếu họ có tích luỹ được tài sản, họ sẽ gặp rủi ro khi bị những rào cản từ phía Chính quyền.[1]
Như vậy, việc không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai sẽ làm lãng phí một nguồn lực rất quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, chưa kể đây chính là mầm mống của đại đa số các vụ khiếu kiện và bất ổn cũng như là nguồn cơn của tham nhũng trong thời gian qua.
Vấn đề đặt ra tiếp theo ở đây là: đâu là nguồn gốc của những vấn đề trên? Tại sao các chương trình tái cấu trúc ỳ ạch? Tại sao vẫn giữ tư duy kinh tế nhà nước làm chủ đạo mặc dù đại đa số ngay cả những người hô hào to nhất cho điều đó cũng biết quá rõ rằng các hiệu quả của các DNNN là rất kém? Tại sao không chịu thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai?
Chắc chắn đã có nhiều người biết rằng nguyên nhân sâu xa của những vấn đề trên nằm ở thể chế kinh tế và thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay.
Trong quyển sách nổi tiếng “Tại sao các quốc gia thất bạiNguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng, và Nghèo đói” (Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty) mới xuất bản đầu năm 2012, hai nhà kinh tế Daron Acemoglu và James Robinson cho rằng thể chế là yếu tố quyết định tới sự giàu có hay nghèo đói của một quốc gia.[2] Các tác giả phân ra hai loại thể chế kinh tế: Thể chế kinh tế bao gồm (thể chế tốt) (inclusive economic institution) sẽ giúp cho kinh tế phát triển thịnh vượng bền vững; và các Thể chế kinh tế khai thác (thể chế xấu) (extractive economic institution) cũng có thể tạo ra sự tăng trưởng nhưng không bền vững trong dài hạn. Nhưng thường thì loại thể chế xấu này sẽ làm trì trệ hoặc thậm chí phá hủy nền kinh tế như ở Zimbabwe.
Các thể chế kinh tế bao gồm (tốt) bảo đảm: các quyền tài sản an toàn; luật pháp và trật tự; các thị trường và sự ủng hộ của nhà nước đối với các thị trường (qua các dịch vụ công và các quy định); dễ tham gia hoạt động kinh tế; tôn trọng các hợp đồng; đa số nhân dân được tiếp cận đến giáo dục và đào tạo và các cơ hội.
Ngược lại, trong các thể chế kinh tế khai thác (xấu) thì: thiếu luật pháp và trật tự; các quyền tài sản không an toàn; các rào cản tham gia và các quy chế cản trở hoạt động của các thị trường và tạo ra sân chơi không bằng phẳng.
Nhưng bản thân các thể chế kinh tế lại xuất phát từ các thể chế chính trị. Tương ứng với 2 loại thể chế kinh tế thì cũng có 2 loại thể chế chính trị: bao gồm và khai thác.
Các thể chế chính trị bao gồm bảo đảm: điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của các công dân – chủ nghĩa đa nguyên – đặt ra các ràng buộc và kiểm soát đối với các chính trị gia; nền pháp trị; nhà nước tập trung ở mức đủ để thực thi luật pháp và trật tự (nhưng không quá tập trung để biến thành chính thể chuyên chế).
Ngược lại, các thể chế chính trị mang tính khai thác: tập trung quyền lực chính trị vào tay một số ít người; không có các ràng buộc lên các chính trị gia, không có cơ chế kiểm soát và cân bằng hay thiếu nền pháp trị.
Như vậy có thể thấy rằng các thể chế kinh tế và chính trị ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều các yếu tố của một thể chế mang tính khai thác nên việc nó chưa tạo ra được một sự tăng trưởng bền vững cho đất nước cũng không có gì quá ngạc nhiên.
Theo tôi, một loạt các sự kiện gần đây ở Việt Nam cho thấy thể chế hay nói đúng hơn là bộ máy lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam hiện nay đã mất đi khả năng “tự sửa sai” vốn là một đặc tính thiết yếu của một hệ thống nếu muốn nó được vận hành tốt khi không có các sự kiểm soát từ bên ngoài.
Trong Đại hội 11, khi Thủ tướng và một số Ủy viên Bộ Chính trị có khả năng đưa thẳng con cháu còn rất trẻ của mình vào giới lãnh đạo chóp bu thông qua sự dàn xếp, đổi chác ở hậu trường thì rõ ràng hệ thống chính trị ở Việt Nam đã ngày càng vận hành bởi vì lợi ích của chính nó chứ không còn vì nhân dân mà nó nói rằng nó đại diện nữa.
Khi Hội nghị TW 6 diễn ra trong tháng 10/2012, nhiều người cũng hi vọng là thủ tướng có thể bị kỷ luật nhưng đa số những người tỉnh táo và hiểu biết tình hình đều hiểu rằng điều này không thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại. Vấn đề chính là các ủy viên TW mà trong đó rất nhiều người có được ân huệ từ phe của thủ tướng sẽ bỏ phiếu vì lợi ích của chính mình và phe nhóm chứ không phải lợi ích của đất nước. Đây là 1 hệ thống đã được xếp đặt chặt chẽ từ Đại hội 11 và chắc chắn nhiều người đã phải bỏ ra những khoản chi phí không nhỏ cho cái ghế của mình và chưa kịp thu hồi vốn thì tất nhiên họ không muốn gây ra một sự xáo trộn lớn có thể ảnh hưởng tới vị trí và gắn với nó là quyền lợi của mình. Những sai lầm của Thủ tướng gây ra tác động trực tiếp tới đời sống người dân chứ không tác động tới quyền lực hay lợi ích của các Ủy viên TW và phe nhóm nên chả có lý do gì để họ phải phế truất Thủ tướng trừ phi Thủ tướng gây tổn hại trực tiếp tới lợi ích của họ.
Họ biết rằng hệ thống các DNNN làm ăn kém hiệu quả thế nào, các tập đoàn làm ăn lỗ lã thất thoát thế nào nhưng vẫn quyết tâm giữ vững quan điểm “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, là “công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế” dù không hề có cơ sở khoa học và thực tiễn nào chứng minh những tín điều trên là đúng đắn và đã bị rất nhiều chuyên gia có uy tín phản đối. Trong các kiến nghị của mình thì Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đề nghị thẳng là: “Không dùng DNNN là một công cụ để điều tiết vĩ mô” (http://cafef.vn/doanh-nghiep/khong-su-dung-dnnn-la-mot-cong-cu-dieu-tiet-kinh-te-vi-mo-20120522015510754ca36.chn). Nhưng trong lần sửa đổi Hiến pháp này người ta vẫn muốn đưa điều khoản Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo vào trong Hiến pháp.
Họ biết rằng việc không chịu thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân chính là nguồn gốc sâu xa của hơn 70% vụ khiếu kiện trong thời gian qua, là công cụ để tước đoạt đất đai và bần cùng hóa nông dân, là nguồn gốc tạo ra tham nhũng và bất bình đẳng ngày càng trở nên trầm trọng nhưng vẫn quyết tâm giữ vững quan điểm cũng chẳng có cơ sơ khoa học và hết sức mơ hồ là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” dù cũng có tới 48% cơ quan T.Ư và 37% cơ quan địa phương đề xuất là nên có tư nhân hóa đất đai (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121107/du-an-luat-dat-dai-sua-doi-phai-cham-dut-khieu-kien-trien-mien.aspx)
Tất cả những điều trên và hàng loạt sự việc nữa đã chứng tỏ hệ thống thể chế ở Việt Nam hiện nay đã mất đi khả năng “tự sửa sai” là điều đã giúp nó thoát khỏi khủng hoảng giai đoạn 1986-89. Trong một hệ thống độc đảng, không có tiếng nói đối lập như ở Việt Nam thì khả năng “tự sửa sai” hay “tự đổi mới” của hệ thống là cực kỳ quan trọng. Đảng Cộng sản đã chứng tỏ họ có khả năng này thông qua qua quá trình Đổi mới (tạm gọi là Đổi mới 1) giai đoạn 1986-89. Tuy nhiên, sau lần Đổi mới 1 mạnh bạo đó, đã vài lần người ta mong có Đổi mới 2 nhưng rồi đều không đi tới đâu. Giai đoạn năm 1997-98, trong tâm bão của khủng hoảng tài chính-tiền tệ Đông Á, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, tăng trưởng GDP năm 1999 bị sụt còn 4,77%, nhiều người đã kêu gọi có Đổi mới 2 vì đà tiến từ Đổi mới 1 đã hết. Tuy nhiên, với một lãnh đạo thủ cựu là TBT Lê Khả Phiêu thì điều này đã không diễn ra mà thay vào đó, đi đâu cũng thấy hô hào câu khẩu hiệu “phát huy nội lực” do ông đưa ra. Tới giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007-08, lại một lần nữa nhiều người kêu gọi Tái cấu trúc nền kinh tế hay Đổi mới 2 nhưng rồi như đã nói ở trên, điều này cũng mãi chưa xảy ra.
Lật lại lần Đổi mới 1 thì có lẽ lúc đó do đất nước đã lâm vào khủng hoảng toàn diện, không còn sự trợ giúp ở bên ngoài, ở trong thế bị dồn vào chân tường, cộng thêm khí thế đổi mới ở Liên Xô và Đông Âu, Đảng Cộng sản mới có quyết tâm làm một cuộc đổi mới toàn diện về tư duy. Tất nhiên, lúc đó không thể không kể đến vai trò cá nhân cực kỳ quan trọng của người đứng mũi chịu sào là TBT Trường Chinh với câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Đổi mới hay là chết” dù trước đó ông là người rất bảo thủ[3] (Còn hiện tại tôi nghĩ khẩu hiệu của Đảng có lẽ là “Thà chết (dân) chứ (nhất định) không đổi mới”). Tất nhiên lúc đó có 1 may mắn cho đất nước là TBT Lê Duẩn qua đời chứ nếu không quá trình đổi mới ở Việt Nam chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều. (Acemoglu và Robinson cũng cho rằng thể chế có thể thay đổi vì những lý do rất ngẫu nhiên). Ở thời điểm sau Đổi mới 1, khi hệ thống thể chế mới đã được hình thành và dần có tính cố kết cao, các thành phần trong hệ thống quyền lực sẽ có xu hướng muốn duy trì hiện trạng (Status Quo) vì họ có quá nhiều cái để mất nếu xảy ra thay đổi lớn. Chẳng hạn, nếu tư nhân hóa hầu hết các DNNN thì cả một hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương sẽ không còn có thể bòn rút các nguồn lợi từ các doanh nghiệp này và tất nhiên họ cùng với các lãnh đạo hiện thời của các doanh nghiệp đó sẽ tìm mọi cách để điều này không xảy ra hoặc xảy ra càng chậm càng tốt. Chính vì thế, có lẽ mong chờ hệ thống tự đổi mới (lớn) trong tình hình hiện tại chỉ là ảo tưởng.
Các lãnh đạo thế hệ trước đây của Việt Nam như Trường Chinh, Lê Duẩn… rất lý tưởng, trong sạch và hầu như không tham nhũng. Họ một lòng muốn đất nước đi lên nhưng không đủ kiến thức để làm được điều đó. Nhưng tình hình hiện nay đã khác, nhiều lãnh đạo hiện nay hoặc có kiến thức hoặc hoàn toàn có thể dựa vào các chuyên gia để biết cách làm đất nước phát triển nhưng họ không muốn làm vì họ muốn bảo vệ quyền lợi của họ và phe nhóm hơn là vì lợi ích của đất nước.
Thực ra ở Việt Nam khi thủ tướng Dũng lên cầm quyền vào giữa năm 2006, đã có rất nhiều người hi vọng vì ông này tỏ ra là một người có tư tưởng cách tân và có năng lực khi còn làm Phó thủ tướng. Sau hơn một nhiệm kỳ của thủ tướng Dũng, có thể nói rằng sau thời của TBT Lê Duẩn, chưa khi nào vận mệnh của đất nước lại bị ảnh hưởng nhiều bởi một cá nhân như vậy. Với quyền lực vượt trội của mình trong tập thể lãnh đạo Việt Nam, nếu thủ tướng Dũng có những quyết định sáng suốt thì chắc chắn Việt Nam đã khác xa bây giờ và lịch sử sẽ ghi công ông Dũng như người có công đầu trong việc đưa Việt Nam lên một tầm cao mới. Nhưng rất tiếc rõ ràng thủ tướng Dũng đã phá hỏng gần hết đà tiến và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam[4].
Ngoài lý do về lợi ích nhóm thì một lý do quan trọng khiến hệ thống hiện nay mất khả năng tự sửa đổi chính là tư duy bảo thủ của rất nhiều cán bộ trong hệ thống. Ví dụ điển hình có thể thấy công khai là các đại biểu QH ngành công an, quân đội bảo vệ rất hăng hái hệ thống các DNNN. Chẳng hạn trong vụ Vinashin, các đại biểu QH như thiếu tướng Trần Bá Thiều - Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Thiếu tướng Bế Xuân Trường - tư lệnh Quân khu I, Trung tướng Võ Trọng Việt - bí thư Đảng ủy, chính ủy Bộ đội biên phòng đều có xu hướng biện hộ cho Vinashin và bảo vệ cách xử lý của Chính phủ trong vụ này (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/409012/Dung-vi-Vinashin-ma-lam-rac-roi-tinh-hinh.html) hoặc khi bàn về việc có nên đưa qui định “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vào Hiến pháp sửa đổi hay không thì đại biểu Lê Đông Phong, Thiếu tướng, PGĐ Công an TP.HCM cũng ủng hộ đưa qui định này vào (http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2012/11/303478/).
Thực ra thì rất khó trách những người này khi từ lúc học đại học, trung, cao cấp chính trị lúc nào họ cũng được nhồi nhét vào đầu những tín điều về tầm quan trọng của DNNN. Ngay bản thân các lãnh đạo cao cấp còn đi tới mức “sùng bái” hay có thể nói là “mê tín” vào DNNN khi cho rằng nếu không có DNNN thì nhà nước không thể điều hành được nền kinh tế. Chẳng hạn Thủ tướng Dũng có nói:
“Trong 3 khối doanh nghiệp, phúc lợi cao nhất là DNNN. Các DNNN gần như không để công nhân thất nghiệp. Trên tổng thể, trong những năm qua, trong giai đoạn thực sự khó khăn, nếu không có lực lượng kinh tế nhà nước, chính phủ không biết điều hành làm sao" http://vef.vn/2011-02-16-keu-kho-nhung-cac-tap-doan-van-song-khoe-
Còn ngài Nguyên Phó thủ tướng, giờ là chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì ban cho DNNN danh hiệu “Anh cả đỏ của nền kinh tế” http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/2008/04/779904/
Tóm lại, kết luận chính của bài viết này là tương lai trung hạn của nền kinh tế Việt Nam là rất kém vì những lý do chính sau:
-        Hầu hết các cải cách quan trọng cần thiết để giải phóng các nguồn lực tăng trưởng trong trung và dài hạn liên tục bị trì hoãn mà không được thực thi. Nhưng bản thân nhiều cải cách này cũng sai ngay từ định hướng nên kết quả rất khó thành công hay nói đúng hơn là chắc chắn cũng sẽ thất bại. Điều này sẽ làm thui chột các nguồn lực đang rất khan hiếm dành cho tăng trưởng kinh tế. Việc “cải cách” các tập đoàn (thực chất là “cải lùi” về cơ chế cũ) như đưa lại về cho các Bộ quản lý như trước đây trong khi Thủ tướng chỉ nắm các tập đoàn lớn (ngon ăn nhất) có thể làm giảm bớt qui mô của thất thoát nhưng chắc chắn không giải quyết được gì về vấn đề hiệu quả hoạt động của các tập đoàn này cả. Việc cố lai tạp để tạo ra một thứ “quái thai” không giống ai rồi lại cố gắng để huấn luyện nó thành thiên tài rõ ràng là chuyện không tưởng. Các cheabol ở Hàn Quốc dù nhận được nhiều hỗ trợ của nhà nước nhưng về bản chất vẫn là doanh nghiệp tư nhân có sức cạnh tranh cao. Trung Quốc cũng có những tập đoàn nhà nước lớn hùng mạnh nhưng phải hiểu rằng người Trung Quốc có truyền thống kinh doanh từ hàng ngàn năm nay với rất nhiều doanh nhân nổi tiếng trong lịch sử và những tập đoàn nhà nước ở dù nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước nhưng cũng đã có quá trình cạnh tranh lâu dài tương đối sòng phẳng với các công ty đa quốc gia.
-        Thể chế chính trị hay nói cụ thể hơn là bộ máy lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam hiện nay đã mất khả năng “tự sửa sai” và lợi ích của số đông cán bộ lãnh đạo không còn gắn với với lợi ích của đại đa số nhân dân và đất nước nữa. Ví dụ như việc 63% cơ quan cấp địa phương không đồng ý với việc tư nhân hóa đất đai cũng cho thấy cán bộ cấp địa phương được hưởng lợi nhiều thế nào từ qui định về “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” hiện nay. Lợi ích nhóm cộng với tư duy bảo thủ càng ngày càng làm cho hệ thống mất khả năng tự đổi mới để đưa ra những quyết sách đúng đắn có tầm nhìn dài hạn. Việc hi vọng vào những phong trào kiểu như “Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” hay “Phê và tự phê” để làm cán bộ trong sạch hơn rõ ràng chỉ là ảo tưởng. Không thừa nhận Tam quyền phân lập, tinh hoa của trí tuệ loài người thì không cách nào có thể xây dựng được một thể chế tốt để chống tham nhũng được. Có Tam quyền phân lập chưa chắc đã chống được tham nhũng nhưng nếu không có, cũng có nghĩa là tư pháp không được độc lập, cộng thêm báo chí không được tự do thì sẽ dẫn tới quyền lực không bị kiểm soát thì chắc chắn không thể chống được tham nhũng. Những biện pháp khác như lập lại Ban Nội chính TW và Ban Kinh tế TW rõ ràng là một bước thụt lùi về cải cách thể chế, dùng cái sai này để sửa cái sai khác, chắc chắn sẽ không có tác dụng gì trong việc làm nền kinh tế tốt lên và giảm bớt tham nhũng.
-        Nhiều chính sách kinh tế trong thời gian kể từ khi thủ tướng Dũng lên nắm quyền và đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2008 trở lại đây có chất lượng rất kém. Trong kinh tế có 1 nguyên lý rất quan trọng là: “Con người làm việc vì các khuyến khích” (People Respond to Incentives). Vấn đề là nhà nước phải tạo ra các khuyến khích đúng đắn để mọi người làm việc tạo ra của cải và nền kinh tế có thể vận hành một cách trơn tru. Nếu nhà nước đưa ra các khuyến khích sai, nền kinh tế sẽ bị méo mó và không thể phát triển tốt. Thay vì tôn trọng các qui luật thị trường và tạo ra các khuyến khích đúng cho người dân và nền kinh tế tự vận hành thì thủ tướng Dũng và bộ máy của mình đã đưa rất nhiều chính sách mang tính hành chính và làm thị trường ngày càng trở nên méo mó hơn. Các biện pháp hành chính thì luôn được hô hào là cần làm theo kiểu “quyết liệt” (“quyết” làm đất nước “liệt” đi) bất chấp các hệ quả đã được nhiều chuyên gia chỉ ra từ trước. Luôn có những “hệ quả không lường được” (Unintended Consequences) khi con người cố gắng can thiệp vào các hiện tượng kinh tế-xã hội. Ví dụ điển hình chính là chính sách quản lý vàng. Khi VND bị mất giá nhiều do lạm phát cao, người dân chuyển sang tích trữ vàng và USD. Thay vì quyết tâm chống lạm phát để nâng cao chất lượng VND, tạo niềm tin cho người dân thì nhà nước lại sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn cấm sử dụng USD và vàng để ép người dân phải dùng loại hàng hóa có chất lượng thấp là VND. Việc sử dụng các biện pháp hành chính như thế này rõ ràng là sai từ đầu và do phản ứng của thị trường thì rồi sẽ càng ngày phải thực hiện các biện pháp vá víu sai lầm bằng các ý tưởng hết sức kỳ quặc, không giống ai như: xây dựng thương hiệu vàng quốc gia SJC, độc quyền hóa thị trường vàng làm thiệt hại ghê gớm quyền lợi chính đáng của người dân. Như TS.Vũ Thành Tự Anh có nói là “Cần đảo ngược những gì đã làm sai”[5] nhưng để đảo ngược những chính sách sai lầm như vậy hết sức khó khăn và chi phí cho xã hội là rất cao. Khi một chính sách và một hệ thống chính sách đã được ban hành thì nó bắt đầu có cuộc sống riêng của nó và có khả năng tự tái tạo ra một hệ thống hỗ trợ cho nó và điều này sẽ làm cho việc xóa bỏ những cái sai là rất khó khăn và trong nhiều trường hợp là bất khả thi.
Nhiều người đánh giá rằng cho tới hết năm 2013, kinh tế Việt Nam sẽ còn khó khăn, hàm ý rằng những năm sau sẽ khá hơn. Theo quan điểm của tôi, đánh giá như vậy vẫn còn là quá lạc quan. Có thể tình hình sắp tới của Việt Nam sẽ không xảy ra khủng hoảng lớn nhưng có xác suất rất cao sẽ rơi vào sự trì trệ do lâm vào một vòng phản hồi xấu (Vicious Circle) khi đất nước đã mất đà tăng trưởng, Thủ tướng (đồng chí X) và ê kíp của mình như Phó thủ tướng Nhân, bộ trưởng Thăng, thống đốc Bình… đã mất gần hết uy tín lãnh đạo trong mắt người dân và cán bộ các cấp, doanh nghiệp tư nhân phá sản hàng loạt, hàng tồn kho chất đống, nợ xấu ngân hàng không biết bao giờ mới giải quyết xong, các tập đoàn con cưng nợ đầm đìa, thị trường bất động sản đóng băng, các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin, bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất trắc, thể chế thì mất khả năng tự đổi mới và đưa ra những quyết định sáng suốt có tầm nhìn dài hạn, người dân thì mất niềm tin và đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng...
Trong bối cảnh hiện nay thì nguy cơ lớn nhất từ bên ngoài mà Việt Nam gặp phải chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều quyết định để Việt Nam có thể đứng vững trước Trung Quốc hay không chính là sức mạnh của nền kinh tế. Kinh tế không mạnh thì không thể có nhiều tiền dành cho quốc phòng. Sau này, khi Trung Quốc có ý định xâm lấn Việt Nam thì không vì Việt Nam XHCN bằng hoặc XHCN hơn Trung Quốc mà Trung Quốc nương tay. Đáng lẽ vì quyền lợi dân tộc, lãnh đạo phải thúc đẩy cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam mạnh hơn, nhanh hơn Trung Quốc để nâng cao tiềm lực của đất nước nhưng họ đã không chịu làm vậy mà luôn sợ sệt, lẽo đẽo đi sau Trung Quốc trong tư tưởng cũng như các bước cải cách. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của người viết là khả năng xảy ra chiến tranh với Trung Quốc là thấp. Một lý do đơn giản là bởi vì các lãnh đạo hiện nay là những người không muốn chiến tranh nhất nên họ sẽ nhượng bộ. Họ tất nhiên không muốn hi sinh nhà cửa, đất đai, tài sản của họ để bảo vệ lợi ích của đất nước. Nếu thực sự họ yêu nước thì họ đâu tham nhũng nhiều như vậy. Ngay cả nếu xảy ra chiến tranh thì tôi cũng rất nghi ngờ việc con em nông dân (là chỗ dựa chính trong những cuộc chiến tranh vừa qua) như nông dân ở Văn Giang chả hạn lại đi nhiệt tình đem xương máu ra bảo vệ “lãnh địa”, biệt thự, xe hơi, tài sản… của các quan đã cướp đất của chính mình. Chính vì thế khả năng chiến tranh là thấp nhưng khả năng tụt hậu và lệ thuộc từ kinh tế vào tới chính trị như lo ngại của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây là hết sức lớn.

 

[1] Có thể đọc bản dịch của quyển sách này tại: http://www.slideshare.net/guest83eef9/su-bi-an-cua-tu-ban
[2] Quyển này đã được TS.Nguyễn Quang A dịch ra tiếng Việt. Bài viết này sử dụng bản dịch của TS.Nguyễn Quang A tại địa chỉ http://vanhoanghean.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/goc-nhin-van-hoa/4629-vi-sao-cac-quoc-gia-that-bai-nguon-goc-cua-quyen-lucthinh-vuong-va-ngheo-kho.html
[3] Để hiểu thêm vai trò quyết định của TBT Trường Chinh trong đổi mới ở Việt Nam thì có thể xem quyển: “Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 – 1989” của tác giả Đặng Phong
[4] Thủ tướng là 1 nhà chính trị giỏi trong việc tạo cơ sở quyền lực cho mình nhưng khi làm như vậy, ông ta đã hi sinh quyền lợi của đất nước và nhân dân. Đơn cử để gây ảnh hưởng tới lực lượng công an, ông đã phong tướng cho rất nhiều người, dưới thời của ông, rất nhiều tướng lĩnh công an đã sang nắm các vị trí quan trọng như bí thư tỉnh ủy, Trưởng ban Tôn giáo, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân tối cao… Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây ngành CA kiên quyết thực hiện những chính sách rất phi lý và bị dư luận phản đối rất dữ dội như: bắt in tên cha mẹ vào chứng minh thư, bắt người đi xe chứng minh mình đang đi xe “chính chủ” cũng như xảy ra hàng loạt các vụ CA đánh chết dân… Điều này cho thấy ngành CA đang ngày càng có quyền lực lớn hơn trong xã hội Việt Nam. Để giữ được cơ sở quyền lực, Thủ tướng đã phải làm lơ cho các quan chức địa phương hành xử rất tùy tiện. Chẳng hạn trong vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Thủ tướng hoàn toàn có thể chỉ đạo Bộ Công an điều tra thay thế cho công an Hải Phòng mà ai cũng rõ là không khách quan. Nhưng rõ ràng Thủ tướng chả dại gì làm thế vì sẽ mất sự ủng hộ của Bí thư thành ủy là Nguyễn Văn Thành trong khi ông Vươn không mang lại lợi ích chính trị gì cho thủ tướng. Việc ông Bá Thanh ở Đà Nẵng thoải mái ra qui định trái với Luật Cư trú nhưng nhất định không sửa và tuyên bố thẳng trước Quốc hội là Quốc hội có sửa luật thì sửa chứ Đà Nẵng không sửa qui định càng cho thấy các quan chức ở địa phương ngày càng không sợ gì chính quyền trung ương. Thượng bất chính, hạ tắc loạn.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 20-11-12

Thursday, October 11, 2012

Even Small Players Can Seize the Day With an App Strategy

http://www.nytimes.com/2012/10/11/business/smallbusiness/small-companies-seek-to-push-sales-and-marketing-with-own-apps.html?pagewanted=2

Monday, August 20, 2012

Phạm Hoàng Quân: Đừng học Trung Quốc "lấy sách đè người" (P1)

Hiện nay, đa số học giả Trung Quốc căn cứ vào loại tư liệu du ký, nhiều hơn là chính sử và địa chí, để nêu quan điểm và lập luận của họ về chủ quyền đối với Biển Đông và hai quần đảo. Điều đó không hề có tính pháp lý, bởi chính sử và địa chí là do nhà nước chủ trương thực hiện, còn du ký là của những nhà hàng hải và thương buôn.
LTS: Mục "Gặp gỡ & Đối thoại" tuần này xin được trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện giữa phóng viên Huỳnh Phan và nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân - người "mở hàng" cho loạt bài của Tuanvietnam về các nhà nghiên cứu Biển Đông trong và ngoài nước.
Cuộc trao đổi này được thực hiện cách đây đúng mười ngày tại nhà riêng của Phạm Hoàng Quân tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - nơi vị học giả này mới kịp "tái định cư" được hai tuần, sau ngót 15 năm "tha hương cầu... đạo" ở đất Sài Thành.
Mặc dù, mục đích chính của phóng viên là tìm hiểu công việc của một nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông - điều mà phóng viên đã từng muốn thực hiện cách đây đúng 2 năm, sự khởi đầu câu chuyện vẫn cứ liên quan đến sự ồn ào của giới truyền thông xung quanh việc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp nhận tấm bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh dư địa toàn đồ", được vẽ năm 1904, từ TS Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Phả học Việt Nam vào hôm 25.7 vừa rồi.
Đó là vì khi nhận được lời yêu cầu phỏng vấn, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã trả lời rằng, trước đó, ông đã từ chối nhiều đề nghị phỏng vấn liên quan đến sự kiện truyền thông nói trên, và ông không muốn tạo ra một ngoại lệ.

Nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân. Ảnh: Huỳnh Phan
Xin ông giải thích lý do ông từ chối trả lời liên quan tới tấm bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh dư địa toàn đồ".
Theo tôi, chuyện đó là một hình thức truyền thông bình thường, để cho số đông họ có ý thức rằng chính cái bản đồ cổ của Trung Quốc đã nêu lên vị trí địa lý cụ thể của Trung Quốc. Việc làm đó của truyền thông đã đạt được những hiệu quả đáng kể rồi.
Thế nhưng, nếu những người nghiên cứu mải sa vào câu chuyện đó, họ sẽ mất đi tính hệ thống trong nghiên cứu. Bởi cái bản đồ đó không phải là bản đồ duy nhất, mà đã có rất nhiều cái như vậy.
Trước đây 30 năm, người ta đã từng công bố những bản đồ như vậy rồi, tất nhiên, chỉ trong phạm vi của giới học thuật. Thành ra, sự kiện này không lạ với giới nghiên cứu, và việc nếu nhà nghiên cứu coi tấm bản đồ này là một cổ vật trân quý thì không hẳn đã hay lắm.
Theo thiển nghĩ của tôi, do chưa có tổng hợp và phân loại một cách hệ thống các nguồn tư liệu, chúng ta hay bị tham, đâm ra nhiều khi bị rối. Chúng ta đã chưa rút bài học của Trung Quốc.
Ý ông là sao?
Đối với vấn đề Biển Đông, tư liệu của họ gấp mười lần mình. Nhưng chính việc họ gom tất cả vào để khẳng định chủ quyền của họ đã làm nảy sinh ra những lỗ hổng, những sự mâu thuẫn, mà chúng ta có thể tận dụng để phản biện.
Đề cập tới việc tổng hợp và phân loại tư liệu, ông chỉ nói đến cả tư liệu của Trung Quốc hay cả nguồn tư liệu của Việt Nam?
Tôi chưa đi hẳn về nghiên cứu sử liệu Việt, nhưng tôi vẫn phải đọc để hình dung được công việc đang làm. Tôi rất muốn góp ý với giới học giả Việt Nam nghiên cứu sử liệu Việt đừng lặp lại cái sai lầm và sơ hở mà Trung Quốc đã mắc phải.
Nếu mình chịu khó hãm lại một nhịp, để tổng hợp và phân loại cho thật kỹ, không cần nhiều, nhưng phải có trình tự các đời, sẽ hiệu quả hơn nhiều. Mà cũng không cần xưa quá, chỉ cần từ thời các chúa Nguyễn trở về sau là đủ. Bởi khi đưa những cái xưa quá, nó sẽ hổng vì tính chính xác không cao.
Tức là đừng học cái chiến thuật "biển người - biển sách" của họ, hay nói theo các cụ nhà ta là "lấy sách đè người", đúng không ạ?
Đúng vậy. Nhưng tôi cũng biết rằng cái này góp ý khó lắm. Nhiều khi cản cái nhiệt tâm của người ta cũng khó.
Vậy có thể điều chỉnh chuyện này bằng cách nào?
Các cơ quan ngôn luận phải biết chắt lọc.
Có hai loại công bố: thứ nhất trong các ấn bản chuyên ngành, trong các hội thảo khoa học, và thứ hai là trên truyền thông đại chúng.
Tôi cũng hiểu điều này cũng không dễ dàng gì với báo giới các anh. Vì đây nó thuộc bản tính dân tộc của mình rồi. Gần đây nhất là vụ địa đồ, nó đã làm cho công chúng, nói một cách dân dã và dễ hiểu nhất, cảm thấy hý hửng lên một cách thái quá.
Cái kiểu nay phát hiện một món, mai phát hiện một món, rồi đều coi các món này là quan trọng số một, rất không ổn. Chưa xếp vào khuôn thì chưa biết nó quan trọng thế nào đâu.
Vậy đối với một nhà nghiên cứu như ông, việc công bố tấm bản đồ vừa rồi thực sự có ý nghĩa gì không? Tôi coi nó là một trong nhiều vật để có thể xâu chuỗi lại thành một hệ thống, nhằm phục vụ nghiên cứu. Ý nghĩa của nó chỉ gói gọn trong đó thôi.
Vì sao ư? Bởi chỉ trong phạm vi địa đồ nói riêng, một tấm bản đồ là một thành phần quá nhỏ. Còn nói về tư liệu lịch sử nói chung, địa đồ cũng chỉ là một bộ phận thôi.
Khi nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc, anh phải biết cả về những điều ghi chép trong sử, những điều ghi chép trong địa phương chí (địa chí). Hai cái này hình thành ý thức về địa đồ.
Tức là địa đồ xuất hiện sau hai loại hình kia?
Đúng thế. Đầu tiên có sử, sau đó có địa chí, và để quản lý hành chính, đất đai, người ta mới vẽ địa đồ. Nói cách khác, địa đồ là loại hình trực quan, đúc kết lại những điều đã được ghi trong chính sử và địa chí. Chính vì vậy, nó phải được dẫn giải bởi các tư liệu khác nữa mới có giá trị.
Khi nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, anh phải phối hợp được ba loại tư liệu chính thống này của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Chỉ khi ba loại tư liệu này ăn khớp, không mâu thuẫn với nhau, thì những gì ghi trên địa đồ mới có độ xác tín cao.
Tại sao một tấm bản đồ không có tư liệu dẫn giải thì lại ít giá trị? Người ta có thể cho là nguồn gốc không rõ ràng?
Tôi ngại rằng điều sắp nói ra có thể làm mích lòng các anh em chơi đồ cổ...
Vậy chúng ta hãy cùng xin họ thứ lỗi trước, cho nó lành. Đây là câu chuyện hoàn toàn học thuật thôi mà.
Người ta hoàn toàn có thể làm giả một bản đồ cổ. Vì mục đích kinh doanh, chứ hoàn toàn không liên quan đến chính trị.
Tuy nhiên, nếu không giỏi về sử và địa chí, những người làm giả bản đồ cổ sẽ không tránh khỏi những sơ suất trong những địa danh được ghi trên bản đồ, bởi chúng có thể không trùng khớp với niên đại xuất hiện của tấm bản đồ.
Chính vì vậy, bất cứ tấm bản đồ nào cũng cần phải được nghiên cứu xem nó có phù hợp với chính sử và địa chí hay không. Hay nói cách khác, địa đồ là phương tiện để củng cố thêm quan điểm mình đã xác lập, chứ không phải dựa vào một bức địa đồ để nói tất cả mọi chuyện.
Và mô hình nghiên cứu kết hợp giữa chính sử, địa chí và địa đồ, theo tôi, là mô hình nghiên cứu hoàn chỉnh nhất.
Xin hỏi ông, tại sao Trung Quốc vẫn cứ khăng khăng rằng họ có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông, cụ thể hơn là vùng nước lịch sử (nằm trong đường Lưỡi Bò) và hai quần đảo nằm trong đó là Hoàng Sa và Trường Sa.
Qua nghiên cứu chính sử và địa chí Trung Quốc, bao gồm cả địa chí toàn quốc, địa chí Quảng Đông và địa chí Quỳnh Châu (đảo Hải Nam), suốt từ đời Hán đến cuối đời Thanh, tôi mới rút ra rằng học giả Trung Quốc dựa vào một loại tư liệu hoàn toàn khác, so với ba loại tư liệu có tính chính thống mà chúng ta đã nói ở trên. Đó là tư liệu của các nhà hàng hải Trung Quốc, tức là loại tư liệu giao thông trong khu vực.
Người Trung Quốc có truyền thống đi biển đã lâu. Chẳng hạn, từ đời Tống họ đã vượt biển đi về phía các nước Đông Nam Á rồi. Trong quá trình đi lại, họ có ghi chép lại các hiện tượng và sự vật trên Biển Đông. Nhưng những ghi chép đó không phải để xác lập chủ quyền, mà được coi là những ghi chép trung tính.
Hiện nay, đa số học giả Trung Quốc căn cứ vào loại tư liệu du ký, nhiều hơn là chính sử và địa chí, để nêu quan điểm và lập luận của mình. Điều đó không hề có tính pháp lý. Bởi chính sử và địa chí là do nhà nước chủ trương thực hiện, còn du ký là của những nhà hàng hải và thương buôn.
Thế còn về mặt địa đồ?
Trung Quốc vẫn có những địa đồ vẽ Hoàng Sa và Trường Sa, ghi những cái tên như Vạn Lý Trường Sa, hay Thiên Lý Thạch Đường. Nhưng đó là những địa đồ được vẽ ra sau khi bị ảnh hưởng của những địa đồ thế giới, bắt đầu được đưa vào Trung Quốc vào đời Minh. Người Trung Quốc biết có những hòn đảo đó, và khi vẽ bản đồ thế giới, hay khu vực, họ cũng đưa luôn vào.
Tôi phân loại bản đồ do Trung Quốc thực hiện làm hai loại: bản đồ hành chính Trung Quốc và bản đồ hành chính thế giới / khu vực.
Vậy là giới học giả Trung Quốc đã đánh lận con đen, khi dùng bản đồ hành chính thế giới, hay khu vực, để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc?
Hoàn toàn đúng. Đó là cách thực hiện một bản đồ, chứ không phải một hành vi khẳng định chủ quyền.
Họ có nhiều bản đồ như vậy không?
Địa đồ Trung Quốc thời Minh và thời Thanh có nhiều bản đồ vẽ các quần đảo, và các nước lân cận.
Theo dõi tranh luận giữa học giả Việt Nam và Trung Quốc xung quanh chứng cứ lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo ở Biển Đông, ông có thấy các học giả Việt Nam xoáy kỹ vào lập luận ông vừa nêu ra không?
Học giới Việt Nam, theo tôi nhìn nhận một cách tổng quan, bị giới hạn bởi việc chưa phân loại một cách cụ thể các nguồn tư liệu mình có. Theo tôi, điều quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu là phải tổng hợp tư liệu, rồi từ đó mới phân loại và phân tích trên những loại tư liệu đã được phân ra.
Thường thì mình có thói quen là thấy cái gì thì đem cái đó vào bài viết. Điều đó dễ dẫn tới lý luận bị chuệch choạc, thiếu ăn khớp.
Ông có thể nói rõ hơn được không?
Thí dụ như anh đang phản biện về chủ quyền của Trung Quốc, anh đem bản đồ Trung Quốc không có quần đảo vào. Nhưng rồi, một hồi sau, anh lại dẫn kỷ sự của Trung Quốc để chứng minh chủ quyền của Việt Nam. Đó là những lỗ hổng do việc phân loại tư liệu không kỹ.
Tư liệu của Trung Quốc phân ra hai nhánh. Nhánh thứ nhất thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông và hai quần đảo của Việt Nam, còn nhánh thứ hai là chưa từng công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Hai nhánh này khác xa nhau lắm.
Thí dụ, cuốn sách "Hải ngoại kỷ sự" của ông Thích Đại Sán, được các nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam hay đề cập, có kể rằng ông hoà thượng Quảng Đông này đi qua Việt Nam vào thế kỷ 17, ghi chép về các quần đảo, và thừa nhận Chúa Nguyễn có cho người ra thu thuế ở quần đảo Hoàng Sa. Loại tư liệu này là du ký của một ông sư, trong đó thừa nhận người Việt Nam đã sở hữu quần đảo Hoàng Sa.
Loại tư liệu này có giúp gì trong việc khẳng định chủ quyền hay không?
Có. Nhưng mới chỉ dừng ở nhận thức của người Trung Quốc, hay giới trí thức Trung Quốc, chứ không phải sự thừa nhận của chính quyền Trung Quốc. Vậy nếu phía Trung Quốc họ phản biện rằng ông nhà sư này không hề đại diện cho chính quyền Trung Quốc, không hề biết về quản lý hành chính thì mình trả lời như thế nào?
(Còn tiếp)
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-08-15-pham-hoang-quan-dung-hoc-trung-quoc-lay-sach-de-nguoi-

Thiếu nhạc trưởng trong nghiên cứu chủ quyền Biển Đông (P2)

Kể từ cái ngày có tranh chấp biên giới với Trung Quốc, vào khoảng năm '80, Việt Nam đã có in một vài tập mỏng mỏng khẳng định chủ quyền của mình, và phản bác chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng kể từ đó trở đi, chưa hề có một công trình nào hệ thống hoá một cách đầy đủ tư liệu của Trung Quốc. Tức là cách làm việc của mình đã bị trật ngay từ đầu.
Kỳ 1:  Phạm Hoàng Quân: Đừng học Trung Quốc "lấy sách đè người"
Tuanvietnam xin tiếp tục giới thiệu phần 2 cuộc trao đổi giữa phóng viên Huỳnh Phan và nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân liên quan đến công việc nghiên cứu chủ quyền Biển Đông.
Giáo sư Vũ Minh Giang ở Đại học Quốc gia, trong bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhân dịp Hội nghị Quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất vào cuối tháng 11.2009, đã cho rằng Việt Nam thiếu một nhạc trưởng đối với công việc nghiên cứu vấn đề tranh chấp biển đảo, tức là mình chưa hiểu cái gì thì mình có đầy đủ rồi, cái gì mình thiếu, để tập trung và phần bổ nguồn lực nghiên cứu cho hợp lý. Có cái đủ rồi, thậm chí thừa, rồi vẫn cứ cố làm, trong khi cái thiếu thì không ai ngó cả. Như vậy, các nhà ngoại giao khi đấu tranh chủ quyền không khéo lại bất lợi.
Ý ông thế nào?
Thực ra, tôi không dám nói mạnh như các ông đó. Bởi vị thế của mình, nói ra có khi người ta không thích.
Nhưng ông có chia sẻ cái đó không?
Ông Vũ Minh Giang đánh giá vậy là đúng. Bởi cái sự nghiên cứu nó nằm tản mát ở nhiều cơ quan nhà nước, rồi các cá nhân cũng lại muốn có tên đóng góp trong sự nghiệp chung, rồi công bố đủ thứ hết.
Chẳng hạn, nhiều cái gọi là phát hiện cũng trật, bởi cái đó bản thân mình thấy muộn, chứ người khác thấy trước, thậm chí lâu rồi. Trong nền báo chí nước mình từ "phát hiện" bị lạm dụng từ lâu lắm rồi.
Vâng, dưới những cách diễn đạt khác nhau, ngoài từ phát hiện, còn có những cụm từ như "lần đầu tiên xuất hiện", hay "chuyện bây giờ mới kể". Nhiều khi chuyện đó người ta kể từ lâu rồi ấy chứ.
Trở về vấn đề anh hỏi, về việc cần có một nhạc trưởng, tôi cũng đã từng nói rồi, nhưng theo cách khác. Tôi nhấn mạnh tới việc cần phải kết tập tư liệu thành hệ thống. Và đó là chuyện của một cơ quan nhà nước lớn, chứ tư nhân đâu làm được. Vừa không có sức, vừa không đủ kinh phí.
Người chỉ đạo, mà dùng từ nhạc trưởng chuẩn hơn, có thể không nghiên cứu giỏi về một lĩnh vực nào, kiểu như nhạc công chơi giỏi một loại nhạc cụ nhất định, nhưng phải hiểu cả một dàn nhạc.
Trong trường hợp của ông, liệu có sự phối hợp nào đó giữa nghiên cứu của ông với các tổ chức nghiên cứu của nhà nước không?
Nói chung, họ chỉ tham khảo những gì tôi viết và công bố thôi. Tôi không thuộc cái ngạch của nhà nước, nên khó có điều kiện tham gia nhiều vào các dự án nghiên cứu do nhà nước tài trợ.
Tức là ông chưa có những đơn đặt hàng cụ thể về nghiên cứu?
Ảnh minh họa
Làm gì có.
Quay lại câu chuyện nhạc trưởng, hình như riêng đối với việc nghiên cứu chứng cứ lịch sử mình cũng đã thiếu một sự phối hợp như vậy, đúng không ạ?
Đúng là còn yếu quá. Chính vì vậy, tôi rất quan tâm đến việc xây dựng thư mục nghiên cứu. Gần đây, tôi có làm một bộ thư mục liệt kê tất cả các sách sử Trung Quốc, sách địa chí Trung Quốc có liên quan đến Biển Đông, để các anh em nghiên cứu tìm nó một cách dễ dàng. Thư mục này có cả danh mục địa đồ liên quan.
Tôi thống kê hết cả những cái ích lợi lẫn bất lợi cho việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Bởi, theo tôi, cả hai loại tư liệu này đều phải được nghiên cứu kỹ càng, chứ không nên chỉ chọn những thứ có lợi cho lập luận của mình.
Để mình khỏi bất ngờ khi Trung Quốc họ đưa ra những chứng cứ và lập luận ngược lại?
Đó chính là cái tôi muốn nhấn mạnh trong đường lối nghiên cứu, phải hết sức toàn diện.
Thư mục đó ông đã công bố chưa?
Tôi đã công bố phân nửa rồi, trên trang của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Đó là trang nội bộ của anh em nghiên cứu, khi cần họ có thể tham khảo.
Ví dụ, một đầu sách có thể được xuất bản bao nhiêu lần cho tới nay, tôi đều phải điểm lược hết. Khi đó, những anh em nghiên cứu trên khắp thế giới người tìm được bản này, người tìm được bản kia. Có thể là ở một hiệu sách cũ ở một xứ nào đó, hay ở một thư viện cổ ở một xứ khác mà anh em nghiên cứu ở Việt Nam không thể kiếm được.
Ngay cả đối với một đầu sách, mình cũng cần phải có 5-7 bản in ở các thời điểm khác nhau.
Lý do?
Để mình đối chiếu xem học giả Trung Quốc họ dẫn ra có đúng hay không. Phải kiểm tra cho đúng, chứ đừng nên thấy họ nói rồi mở miệng cãi liền, không khéo lại hớ.
Làm thế nào để ông xây dựng một thư mục như vậy?
Tôi phải đọc rất nhiều sách của các học giả Trung Quốc. Bởi khi viết xong công trình họ phải liệt kê thư mục tham khảo. Khi mình điều tra như vậy, mình sẽ có cơ hội tìm thêm được những nguồn tư liệu mới.
Nhờ đó, tôi cũng tìm được một số sách cổ để nghiên cứu, nhưng cũng chỉ là một phần trong cái thư mục đó thôi.
Trước khi tôi đăng thư mục này, tôi đã cho đăng nhiều công trình nghiên cứu rồi. Chẳng hạn, công trình nghiên cứu về chính sử Trung Quốc, công trình nghiên cứu về địa phương chí Trung Quốc, mỗi công trình cả trăm trang, đúc kết những điều cốt lõi mà các loại tư liệu đó nêu ra.
Bản thư mục đó tôi vẫn dùng cho công việc nghiên cứu của mình cho tiện, nhưng thấy nó cũng cần thiết cho anh em khác, trước hết là những anh em chuyển ngữ từ tiếng Trung qua tiếng Anh, từ tiếng Việt qua tiếng Anh. Bởi người phương Tây họ viết tên cuốn sách đó bằng chữ phiên âm, còn người Việt mình viết bằng chữ Hán - Việt, đôi khi người ta không hiểu hai cuốn đó thực ra là một.
Tôi bổ sung tên sách theo tiếng Anh, ghi nguồn gốc xuất bản của những cuốn này, từ đời Hán đến đời Thanh khoảng 200 cuốn, và thêm khoảng 180 cái bản đồ. Điều đó giúp cho anh em đỡ mất thì giờ.
Do việc chuyển nhà nên tôi ngưng lại một chút, chắc mất vài tháng nữa mới hoàn thành xong để công bố nốt.
Khi thư mục được đăng trên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, phản ứng của anh em nghiên cứu khác như thế nào?
Đây là trang nội bộ, ít có người đọc. Nhưng anh em trong quỹ rất là phấn khởi. Tôi cảm giác được là trước giờ họ đang thiếu chính cái đó.
Mặc dù không đóng góp trực tiếp cho đấu tranh về chủ quyền, nhưng bản thư mục này chính là chìa khoá của nghiên cứu. Anh biết rồi đấy, cái ngành thư mục học của Việt Nam mình nó không mạnh lắm. Đối với các ngành luôn, chứ không chỉ với chuyên ngành nghiên cứu Biển Đông.
Đối với một nhà nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu chính là kim chỉ nam, quyết định thành tựu nhỏ hay lớn. Tôi tò mò không hiểu, đối với một nhà nghiên cứu độc lập, chủ yếu tự học như ông, phương pháp nghiên cứu đó của ông đã hình thành như thế nào?
Thì cũng qua tự học thôi. Tôi đọc những công trình nghiên cứu của người Nhật về Trung Quốc qua bản dịch Hán Văn. Họ là những nhà nghiên cứu thực sự chuẩn mực, sâu sát, bài bản, và hệ thống. Các học giả hiện thời của Trung Quốc rất nể trọng những công trình nghiên cứu đó. Anh biết đấy, Trung Hoa học là một vấn đề hết sức quan trọng với người Nhật.
Tôi bắt đầu nghiên cứu về Biển Đông vào năm 2005, khi bắt đầu xảy ra một số chuyện lấn cấn ở khu vực này. Tự nhiên, tôi thấy tò mò về những nghiên cứu của người Nhật liên quan đến lịch sử tổng quan của Trung Quốc. Đọc rồi, tôi thấy họ nghiên cứu theo phương pháp hay lắm, và nhận thức rằng phương pháp nghiên cứu của mình hơi bị kém.
Có lẽ, cái phương pháp mà tôi đang sử dụng để nghiên cứu đã hình thành từ đó.
Nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân. Ảnh: Huỳnh Phan
Tên những học giả Nhật Bản đó là gì?
Có một vài học giả nổi tiếng, sống ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mà chưa được đề cập ở Việt Nam, như Nội Đằng Hồ Nam (Naito Konan), Đằng Điền Phong Bát (Fujita Toyohachi), Câu Tỉnh Nghĩa Minh (... Saeki), Tang Nguyên Chất Tạng, hay Ngạn Điền Ngâm Hương (Kishida Ginko) ...
Một điều nữa đáng lưu ý ở đây là cái tinh thần học thuật của người Trung Quốc cũng cao lắm. Họ thấy công trình nghiên cứu nào của Nhật đối với những vấn đề chung của lịch sử Trung Quốc mà hay là họ dịch liền sang tiếng Trung. Cũng nhờ đó mà trình độ nghiên cứu của người Trung Quốc cũng phát triển theo.
Có lẽ đây là nhược điểm của cái dân tộc mang danh là có truyền thống hiếu học như Việt Nam chúng ta?
Nói riêng về các công trình nghiên cứu, mình còn hơi bị kém. Chúng ta chưa từng dịch công trình nghiên cứu đẳng cấp nào của Trung Quốc, và, cũng vì vậy, chúng ta cũng chưa biết những nhà nghiên cứu giỏi, chuyên sâu của Trung Quốc. Chúng ta chỉ dịch sách sử phổ thông, sách văn học, hay sách tư tưởng kinh điển thôi.
Điều nguy hiểm nhất ở đây là chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ rằng họ cũng nói khơi khơi, như trên truyền thông, chứ họ đâu có sâu sắc gì. Đâu ngờ chính cái tinh thần học thuật và trình độ nghiên cứu của người Trung Quốc phát triển rất mạnh theo những gì họ dịch ra từ công trình nghiên cứu của các học giả tài ba Nhật Bản và phương Tây.
Tôi cũng có được biết cách nghiên cứu của người Nhật có những điểm rất hay.
Chẳng hạn như Giáo sư Sakurai, người được trao giải thưởng Phan Chu Trinh năm 2009, đã đưa phương pháp nghiên cứu theo kiểu khu vực học vào Việt Nam, khi nghiên cứu tổ chức làng xã Việt Nam. Phương pháp này sau đó được các nhà nghiên cứu Việt Nam áp dụng.
Hay Giáo sư Yoshiharu Tsuboi đã đưa ra một cách nhìn nhận rất mới về triều đình nhà Nguyễn thời Vua Tự Đức. Đó là sự thất bại trong việc tổ chức kháng chiến chống Pháp, chứ không phải rắp tâm bán nước như trước đó chúng ta đánh giá.
Ông viết rằng "...Dù trong hoàn cảnh đó, Tự Đức đã kiên trì nỗ lực, chủ yếu bằng ngoại giao, nhằm cứu vãn chủ quyền."
Đó là cuốn "Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa".
Và những nguyên nhân thất bại, theo GS Tsuboi, đó là "mất lòng dân, yếu kém về kinh tế, những khó khăn chính trị và gánh nặng về di sản". Theo tôi nghĩ, sự phân tích thấu đáo và kết luận sắc sảo của bài luận văn tiến sĩ của ông, trước khi cho in thành sách, đã làm được tốt hơn cả cái vai trò đánh giá lại lịch sử một cách khách quan và biện chứng.
Vậy thì tốt quá.
Ông có cơ hội nào ngồi tranh luận với các học giả Trung Quốc không?
Tôi đọc được chữ Hán, nhưng không biết nói tiếng Hoa.
Thì qua phiên dịch?
Chưa có dịp gặp.
Chẳng hạn, ở hội thảo quốc tế Biển Đông tổ chức thường niên ở Việt Nam từ cuối năm 2009. Bên Trung Quốc họ cũng cử tới gần chục người sang chứ không ít. Ông vẫn có thể gặp họ ở đó mà. Năm nay, sẽ luân phiên tổ chức ở TP.HCM  nên cũng tiện cho ông, chỉ một cuốc xe đò, chứ không tàu bay - tàu bò tốn kém.
Nhưng mà tôi thích đọc cái mà học giả nghiêm túc của Trung Quốc viết hơn là nghe những học giả được cử đến các hội thảo để tranh luận. Bởi những người họ cử tham dự các hội thảo cũng chỉ thường thường bậc trung, gặp rồi cũng chả được ích lợi gì đâu.
Tại sao ông đánh giá họ là loại thường thường bậc trung?
Tôi đã đọc kỹ những nghiên cứu, thậm chí blog, của những học giả lừng danh của Trung Quốc, và thấy mấy ông đó không bao giờ xuất hiện tại những loại diễn đàn như vậy hết.
Còn tham luận, rồi tranh biện, của mấy ông chuyên dự hội thảo đâu phải là những nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Chủ yếu là nêu lập trường, quan điểm của chính quyền Trung Quốc về Biển Đông thôi à.
Mấy cái ông đó không đáng ngại. Cái tôi lo là nếu những người làm khoa học thầm lặng, nghiêm túc mà giở quẻ, thì mình cũng mệt đấy.
Ông có thể nêu một số cái tên được không?
Phùng Thừa Quân, Lăng Thuần Thanh, Trần Tự Kinh, hay Trần Giai Vinh. Những học giả này đều được quốc tế công nhận là những chuyên gia giỏi về Biển Đông, hay Đông Nam Á. Có điều, ba người đầu đã mất, chỉ còn Trần Giai Vinh đang rất nổi.
Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa nhóm "nghiên cứu thầm lặng" và nhóm "sẵn sàng lớn tiếng" (tại các diễn đàn)?
Như ban nãy tôi nói với anh, mình đi tìm tòi phương pháp nghiên cứu của mấy ông "sư phụ" người Nhật, thì mấy học giả Trung Quốc thuộc nhóm "thầm lặng" cũng bị ảnh hưởng bởi mấy sư phụ đó. Ngoài ra, họ còn học được cả phương pháp nghiên cứu của phương Tây. Họ giỏi nhiều ngoại ngữ, cũng như tiếp cận được nhiều loại tư liệu.
Tức là cái hệ thống nghiên cứu của họ rất tốt, họ cũng phân loại tư liệu, như tôi nói nãy giờ, và làm việc rất bài bản. Anh tìm kẽ hở của họ mà bắt bẻ rất là khó.
Quay lại chuyện hội thảo, hãy quên đi câu chuyện tranh biện - tranh luận với nhóm học giả "lập trường - quan điểm" đó đi. Nhưng hội thảo vẫn là nơi các nhà nghiên cứu từ nhiều nước có thể trao đổi thông tin, tư liệu hữu ích. Một số học giả nước ngoài tôi gặp nói rằng họ rất thiếu thông tin về các nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam.
Cũng tốt thôi. Anh mời tôi nhé?
Tôi nghĩ các nhà tổ chức sẽ phải nghĩ lại, bởi điều đó rất phù hợp với chủ trương thông tin đối ngoại về chủ đề này.
Trở lại câu chuyện bị ngắt quãng, nếu như ông được yêu cầu tổ chức lại việc nghiên cứu Biển Đông cho có sự phối hợp hiệu quả nhất, ông sẽ làm thế nào?
(Cười lớn) Anh lại bị lạc đề rồi. Anh đang phỏng vấn một người nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa, chứ không phải một nhà văn chuyên viết chuyện giả tưởng nha.
Sao cũng được. Nhưng tôi muốn biết ý kiến của ông.
Chủ trương của tôi vẫn là đi lại từ gốc, như tôi đã nói. Chẳng hạn, kể từ cái ngày mình có tranh chấp biên giới với Trung Quốc, vào khoảng năm '80 mình đã có in một vài tập mỏng mỏng khẳng định chủ quyền của mình và phản bác chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng kể từ đó trở đi, chưa hề có một công trình nào hệ thống hoá một cách đầy đủ tư liệu của Trung Quốc. Tức là cách làm việc của mình đã bị trật ngay từ đầu rồi.
Ông lý giải ra sao?
Theo thiển nghĩ của tôi, việc soạn thảo những công trình mang tính hệ thống như vậy chưa hẳn đã bị ảnh hưởng bởi chính trị, mà phần nhiều bởi khả năng của học giả - những học giả được nhà nước phân công. Tại sức anh làm không được, chứ không phải vì chính trị, tôi phân biệt được rõ điều này.
Cái việc cần làm lại là thống kê, tập hợp tư liệu. Bây giờ tập hợp tư liệu rất là tiện, anh không phải khó nhọc đi tìm kiếm mua những cuốn sách cổ, mà có thể thấy ngay chúng trong các thư viện quốc tế, các đại học quốc tế... Ở đó, có luôn nội dung được chụp PDF rồi.
Ông chắc chứ?
Những địa chỉ tin cậy được là Thư viện Quốc hội Mỹ, hay thư viện của các trường đại học Nhật Bản.
Dựa trên thư mục mà tôi đang làm, mình hoàn toàn có thể đến những nơi đó là kiếm về những cuốn sách cổ của Trung Quốc về Biển Đông đã được số hoá. Việc này cũng giống như anh mua vật liệu cơ bản về xây nhà là phải theo yêu cầu của kiến trúc sư, thay vì thích cái gì, nghe ai xui cái gì đẹp, là mua cái đó.
Tôi nghĩ điều đó tuy mất thời gian, nhưng việc nghiên cứu sẽ có hệ thống, và có lợi cho đời sau.
Những điều này ông đã từng nói ra chưa?
Đâu có ai hỏi cái kiểu "cắc cớ" như anh đâu mà tôi có dịp nói. Nhưng mà "lang thang đâu đó" trong các bài viết, những công trình nghiên cứu cụ thể, mà tôi đã công bố, tôi cũng có gợi ra những cái ý đó. Có điều tôi không nói rõ ra phương pháp, vì ngại mọi người lại nghĩ tôi muốn đóng vai trò hướng đạo gì đó.
Nói thiệt tình, tôi ngại lắm.
http://www.tuanvietnam.net/2012-08-16-thieu-nhac-truong-trong-nghien-cuu-chu-quyen-bien-dong

Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ (P3)

"Tò mò đi sâu vào các loại sử liệu xung quanh, tôi càng thấy nói như nhà nước Trung Quốc là có nhiều chỗ không hợp lý", nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân chia sẻ.


Ông có nhận xét gì về sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà nghiên cứu luật pháp của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển đảo, chẳng hạn phản bác đường lưỡi bò của Trung Quốc?
Những người nghiên cứu về luật pháp quốc tế nói nhiều rồi. Nhưng, theo tôi, nhiều khi họ vẫn phải viện dẫn lịch sử. Cái gì cũng phải bắt đầu từ lịch sử, cũng như cái nhập đề của anh, để dẫn nguồn gốc, nguyên nhân. Lịch sử chính là nguyên nhân.
Hạn chế của mình là chưa liên kết được hai lĩnh vực nghiên cứu này với nhau, để từ đó hình thành một luận cứ vững chắc, có giá trị thuyết phục cao.
Còn với tư cách cá nhân, ông có sự trao đổi với những người nghiên cứu về luật pháp quốc tế không?
Thường thì cũng có gặp để nói chuyện về tình hình chung, chứ chưa từng có sự phối hợp làm việc.
Thế chẳng hạn như một người khá quen biết ông là Thạc sĩ Hoàng Việt? Mỗi khi gặp nhau các ông nói chuyện gì?
Nói chuyện thời sự không à. Cũng may là Hoàng Việt cũng có ứng dụng các kết quả nghiên cứu của tôi vào các bài viết của anh ấy. Bởi có những lúc nói chuyện pháp lý vẫn phải có những chứng cứ lịch sử, mà đọc sử thì cực, vậy thì ứng dụng ngay những kết quả nghiên cứu của tôi nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nhưng đó mới là sự phối hợp mang tính nhỏ lẻ của cá nhân, bởi vì tôi và Hoàng Việt đều là những người nghiên cứu nhỏ lẻ. Chưa có gì mang tính hệ thống chung hết, chưa có chủ trương nào hết.
Nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân. Ảnh: Huỳnh Phan
Đối với những người nghiên cứu ngoài Bắc, ông có dịp giao tiếp trao đổi gì nhiều chưa?
Thực ra, tôi cũng ít có dịp gặp mấy vị ngoài đó. Một lý do nữa là công việc của tôi cũng chẳng dính dáng gì nhiều đến họ. Lâu lâu, có hội thảo, họ mời thì chủ đề của tôi cũng khác chủ đề của họ. Thành ra, mỗi người một đề tài, phát biểu cũng loạc choạc không mấy ăn nhập.
Tôi chỉ được mời tham dự hội thảo quốc gia Mùa Xuân năm ngoái, do Học viện Ngoại giao tổ chức, thôi. Tôi cũng có tham dự Hội thảo Hè tổ chức ở Singapore, và cũng gặp một số anh em từ Hà Nội sang.
Ấn tượng của ông về những cuộc hội thảo đó?
Tại Hội thảo Xuân, tôi có tham luận về tình hình nghiên cứu các địa danh trên Biển Đông của học giả Trung Quốc. Đó là một cái cớ để nói chuyện lịch sử, bởi địa danh có nguồn gốc từ lịch sử.
Còn tại Hội thảo Hè, điều tôi thấy ấn tượng nhất là không khí học thuật rất cởi mở, thẳng thắn và bình đẳng.
Nghiên cứu về thư tịch cổ có nhiều người như ông không?
Về mảng thư tịch cổ của Việt Nam thì đông, làm từ trước '75 đến nay. Còn về mảng thư tịch cổ Trung Quốc, tôi cũng ít thấy ai đi chuyên sâu. Do thấy mảng đó không được quan tâm lắm, tôi mới từ từ tìm hiểu và mới ra được những gì tôi đã làm vừa rồi. Có nhiều kết quả thấy cũng hay. Một phần cũng là nghiên cứu qua lại giữa các nước (Trung Quốc và Việt Nam), phần khác cũng đóng góp cho chuyện phản biện liên quan đến chủ quyền.
Tôi muốn khẳng định lại là trong nghiên cứu thư tịch cổ của Trung Quốc, trong đó có bản đồ, ông có tìm thấy sự chia sẻ trong nghiên cứu từ các đồng nghiệp Việt Nam không?
Nếu anh theo dõi kỹ trên truyền thông, hay thông qua các hội thảo về Biển Đông, anh sẽ nhận thấy rằng tình hình hơi bi quan cho công việc chung. Vào thời điểm này, cái khó của tôi là không tìm thấy một bạn đồng nghiệp nào có thể cùng trao đổi sâu về những nghiên cứu của mình, phản biện lại quan điểm, lập luận của mình.
Cũng có thể do diện quan hệ của tôi nó hạn chế. Và cũng có thể những người cũng chuyên tâm và chuyên sâu vào lĩnh vực này hơi bị ít.
Đúng là làm nghiên cứu, khi nghĩ ra quan điểm, lập luận gì mới mà không được phản biện thì cũng kém phấn khởi, phải không ông?
Cái tôi lo là trong chuyện học thuật mà không có phản biện khoa học thì người nghiên cứu khó có thể tiến bộ được. Cũng còn may là tôi vẫn nhận được phản biện từ một số anh em ở hải ngoại, như Vũ Quang Việt, hay Thái Văn Cầu, liên quan đến những nghiên cứu được công bố của mình.
Những học giả này, tuy lĩnh vực nghiên cứu chính không phải là về Biển Đông, nhưng lại rất quan tâm tới nó, và, hơn nữa, lại có điều kiện đọc về sử Trung Quốc được dịch sang tiếng Anh. Qua trao đổi với họ, tôi rút ra thêm được những điều bổ ích để hoàn thiện công trình của mình.
Nhiếp ảnh gia Bùi Minh Sơn, người tôn thờ thuyết tương phản, khi vào thăm phòng làm việc của Phạm Hoàng Quân, đã thốt lên: Trong cái huyện lớn (Cái Bè) có một ngôi nhà nhỏ/ Trong ngôi nhà nhỏ có một kho sách lớn/ Chủ nhân của kho sách lớn là một người có bằng cấp nhỏ (tú tài)/ Trong cái đầu của người có bằng cấp nhỏ là một bộ  óc lớn.
Thế còn nhà nghiên cứu bản đồ cổ Nguyễn Đình Đầu?
Bác Nguyễn Đình Đầu là người Tây học, giỏi tiếng Pháp, nhưng chữ Hán thì không hay. Nghiên cứu của bác chủ yếu là tư liệu của Pháp, và phương Tây. Còn nghiên cứu của tôi toàn về tư liệu Trung Quốc, thành ra, chúng tôi cũng khó có thể trao đổi sâu về công việc được.
Xưa nay nghiên cứu tư liệu về Biển Đông, mình phân chia thành ba chân kiềng: tư liệu trực tiếp của Việt Nam để khẳng định chủ quyền, tư liệu của Trung Quốc và tư liệu gián tiếp của phương Tây, hay nói chung là ngoài Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, hai loại tư liệu sau bổ trợ, củng cố cho tư liệu của Việt Nam.
Như vậy, nhiều khi do không hiểu rõ nguyên tắc nói trên, có những người lại công bố những tư liệu của Trung Quốc không có lợi cho lập luận về chủ quyền của Việt Nam.
À tôi có nhớ câu chuyện lùm xùm có tên là "An Nam đồ" hồi đầu năm 2009 rồi.
Tấm bản đồ đó không có giá trị để chứng minh sự khẳng định của nhà Minh đối với chủ quyền của Việt Nam đối với HS-TS, bởi nó vẽ những cửa biển trong bờ, chứ không liên quan gì đến ngoài biển hết. Dùng cái đó còn đi ngược lại lý luận của mình đang sử dụng từ trước đến giờ nữa.
Hơn nữa, nó còn rất nguy hiểm, chứ không sai lầm một cách bình thường, bởi giới nghiên cứu Trung Quốc luôn lấy cái bản đồ thời Minh đó để lập luận rằng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là ở trong bờ chứ có phải ở ngoài biển đâu.
Ngay với sử liệu Việt, nếu chúng ta không xử lý tư liệu một cách thấu đáo, rất dễ dẫn đến rắc rối cho các nghiên cứu về sau. Như Phan Huy Chú, hoặc Lê Quí Đôn, khi ghi chép, cũng không thống nhất hoàn toàn về mặt chi tiết, mặc dù trên đại thể là khớp nhau, và dễ dẫn đến những sơ hở.
Chẳng hạn, về động thực vật trên đảo. Tôi không nhớ rõ, nhưng một trong hai ông nói rằng trên đảo có yến sào. Tôi đọc và thấy phía Trung Quốc họ có phản biện rằng chim yến chỉ làm tổ trên những vách núi, hay vách những hang động, và như vậy đang mô tả cảnh trong bờ.
Đó là một trong những điểm cần phải được xem xét nghiêm túc, để khi đưa thông tin về sử liệu phải làm sao cho chuẩn mực, để làm sao nó hệ thống và logic.
Nhìn cái khối sách ông đã xếp lên giá trong phòng khách và phòng làm việc ở căn nhà đằng sau, cũng như thùng to thùng nhỏ chứa sách mà ông chưa kịp sắp xếp, mà thấy kinh hoàng về kho tư liệu của ông. Cách ông sưu tập tư liệu như thế nào mà được một gia sản đồ sộ như vậy?
Anh lại sa vào mấy câu hỏi thông thường. Tôi đã từng trả lời một người, mà có khi người đó giận tôi, rằng đây là việc riêng và rất thông thường của người nghiên cứu, không cần phải chia sẻ. Cái cần chia sẻ là kết quả nghiên cứu cơ.
Tôi hỏi ông câu này bởi ông là một nhà nghiên cứu độc lập, điều kiện kinh tế cũng chẳng mấy dư dả, và ít có điều kiện đi Tây đi Tầu. Hoàn cảnh ông khác hẳn với các học giả phương Tây, hay thậm chí các nhà nghiên cứu thuộc biên chế nhà nước - những người có điều kiện thuận lợi hơn cả về nguồn ngân sách nghiên cứu do nhà nước chu cấp, thông qua các dự án.
Thực ra, điều này không quan trọng bằng phương pháp nghiên cứu. Khi tìm tư liệu, nếu có phương pháp nghiên cứu tốt, anh sẽ có sự lưu ý về tài liệu tốt. Mình đâu phải tự nhiên tiếp nhận được vào một kho tư liệu, hay có điều kiện đến những thư viện quốc tế lớn, để tra cứu đâu. Tôi phải cóp nhặt qua nhiều năm những tư liệu tôi cần.
Tại sao ông tập trung nghiên cứu về thư tịch cổ mà không chọn lĩnh vực khác?
Thứ nhất là nó hợp với hiểu biết về ngôn ngữ của tôi. Tôi học chữ Hán, đọc được sách của Trung Quốc, rồi nghiên cứu về nghệ thuật, hội hoạ, thư pháp Trung Quốc...
Rồi như tôi đã kể, khoảng 2005, có những sự kiện lấn cấn trên Biển Đông được đề cập trên báo chí dưới dạng những mẩu tin ngắn. Tôi tò mò nên mới chuyển qua đọc mấy cuốn sách sử Trung Quốc, có sẵn trong nhà, xem họ nói về việc đó như thế nào.
Thế rồi, tôi thấy có sự chênh lệch lớn giữa những cái mình đọc được và những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Từ đó, tôi mới càng tò mò đi sâu vào các loại sử liệu xung quanh nữa, và càng thấy nói như nhà nước Trung Quốc là có nhiều chỗ không hợp lý.
Và thế là tôi bắt đầu viết các bài để phản biện lại quan điểm của họ.
Bài đăng báo đầu tiên của ông về chủ đề này?
Ngày 5.12.2007, báo chí mình đăng cái tin về thành lập cái gọi là Tam Sa. Tôi viết nhanh trong 2 ngày, đưa cho cho một người bạn bên Tuổi Trẻ, nhưng cuối cùng họ không đăng. Tôi đành gửi cho một trang mạng bên ngoài.
Bài đó giống như đề cương, phân loại ra chính sử, địa phương chí và địa đồ nên nghiên cứu như thế nào, như tôi nói với anh nãy giờ đó. Và tôi cũng chứng minh một cách sơ bộ luôn những điểm không vững trong lý luận của Trung Quốc về cái gọi là Tam Sa.
Một tháng sau, Tuổi Trẻ đăng lại nguyên bài đó. Thế rồi không hiểu sao, năm đó Hội Nhà báo thành phố cơ cấu cho nhóm bài về biển đảo, trong đó có bài của tôi, cái giải nhất.
Tôi cũng tò mò về cảm giác khi lên nhận giải thưởng báo chí, vì tôi chưa bao giờ được giải cả, dù là giải khuyến khích.
Tôi không đi nhận giải, vì tôi dị ứng chỗ ồn ào, đông người.
Ông học chữ Hán thế nào?
Cái anh hỏi cũng rất nhiều người hỏi, mà tôi cũng không biết trả lời sao. Bởi không thấy tôi học đại học về chuyên ngành Hán - Nôm gì cả mà sao tôi đi nghiên cứu sâu liên quan đến chữ Hán.
Cái này cũng giống như duyên nghiệp, bởi tôi đọc văn tự rất chuẩn. Sau nhiều lần làm việc cụ thể với văn bản, được anh em họ tín nhiệm.
Hồi học phổ thông, tôi tự học được một ít chữ Hán. Sau khi đi Thanh niên Xung phong về, tôi học tiếp một ông sư phụ ở trong chùa ở thị trấn Cái Bè, cách đây khoảng 20 cây số, được một ít chữ nữa. Rồi năm 1987, 21 tuổi, tôi lên Sài Gòn làm ăn, và học được ít chữ nữa của mấy người Hoa kinh doanh trên đó. Rồi tôi đọc mấy cái giáo trình đại học của khoa Hán - Nôm, Đại học Sư phạm.
Khi chuyên về sử, anh đọc hoài, anh quen à. Các thầy tôi đều là giới bình dân, họ không nghiên cứu gì hết cả. Việc nghiên cứu là do tôi thấy thích rồi mày mò đi theo, chứ tôi cũng đâu có được học.
Ông đã bao giờ nghĩ đến việc đào tạo "đệ tử" nối nghiệp chưa?
Học sử đói lắm, anh ơi, ai chịu học đâu. Tốt nghiệp Trung văn ra đi làm công ty nước ngoài, lương cao, sống khoẻ hơn.
Có người hỏi tôi, vậy em theo nghiên cứu với anh một tháng được bao nhiêu tiền. Làm nghề sử phải có yêu thích thực sự, và cũng phải đảm bảo đủ sống nữa. Có một số người thì do lương nhà nước quá kém, nên họ đành bỏ nghề đi làm cho tư nhân.
Còn một lý do nữa là cử nhân khoa sử không rành chữ Hán, bởi chỉ được học có mấy chục tiết, còn cử nhân Hán - Nôm lại thiên về văn chương, đâu có làm việc trên sử liệu được. Cách đào tạo của mình sai ngay chỗ đó.
Còn tại sao cử nhân Hán - Nôm lại không làm việc được trên sử liệu?
Bởi người ta lấy tư liệu văn chương để dạy Hán - Nôm.
Muốn chuyên sâu về cổ sử của Việt Nam thì phải biết tiếng Hán cổ và tiếng Pháp mới làm được. Nhưng sinh viên mình học sử ra chỉ biết tiếng Việt không à, nên họ chỉ biết những công trình đã được dịch ra tiếng Việt mà nói tới nói lui. Công trình chưa được dịch ra rất nhiều mà họ đâu có biết.
Ngoài nghiên cứu, ông có được mời tham gia giảng dạy không?
Không. Tôi chỉ ngồi nhà đọc và viết thôi. Coi như một nghề chính.
Ngôi nhà nhỏ của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân (có mấy chiếc xe máy dựng trước nhà)
Nếu nhà nước có quan tâm, ông có thể bớt thời gian nghiên cứu và dành cho giảng dạy, đào tạo không?
Cái này còn phụ thuộc vào qui chế nữa. Tôi thực sự chỉ có bằng tú tài thôi.
Nhưng nói vậy thôi, tôi cũng thấy khó cho ông. Chẳng nhẽ, để được giảng dạy đại học, nhà nghiên cứu cổ sử Phạm Hoàng Quân sẽ phải đi lấy bằng cử nhân, Anh văn chẳng hạn, ở cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần, trước khi lấy nốt bằng thạc sĩ về lịch sử và địa dư Trung Quốc, để có đủ tư cách giảng dạy đại học.
Nhưng mà ai sẽ là thầy hướng dẫn cho Phạm Hoàng Quân nhỉ?
À, tôi nhớ ra một trường hợp khác. Người em ruột ông nội tôi là cố Giáo sư Ngôn ngữ Hoàng Phê, chỉ có bằng tú tài thời Tây, rồi sau đó có thêm tấm bằng đại học, nhiều khả năng là tại chức, của thời kỳ đầu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Thế nhưng, người ta vẫn phong giáo sư cho ông, nhờ vào những công trình nghiên cứu có giá trị của ông, nhất là trong lĩnh vực từ điển.
Với trường hợp của ông, cũng chẳng khác mấy.
Thời đó nó khác, bây giờ muốn đi dạy là phải có bằng thạc sĩ à. Đó là chưa nói, cái hồi sau năm 45', có cái bằng tú tài, kể cả về thực học lẫn so sánh trên mặt bằng chung, là ngon lắm rồi.
Còn chuyện phong giáo sư như vậy là theo phong cách của Nhật Bản. Họ đánh giá theo chuyên môn, thành tựu, chứ không nhất nhất theo bằng cấp. Họ có thể mời bất cứ ai lão luyện về cái nghề đó đi giảng dạy ở đại học.
Tôi lại xin đặt thêm một câu hỏi mang tính giả tưởng nữa. Nếu ông được mời đi giảng ở đại học, ông sẽ đăng ký chuyên ngành gì?
Ví dụ tôi có thể truyền thụ những kinh nghiệm về nghiên cứu lịch sử, địa dư Trung Quốc. Có điều môn Trung Quốc học ở Việt Nam mình lại không có dạy, chủ yếu dạy về văn hoá không à. Trong chính trị, hiểu theo nghĩa thời xưa là quản lý chế độ, thì phải học nhiều về địa - chính trị, lịch sử, địa dư nhiều hơn.
Chẳng hạn, về Việt Nam học, các nhà Việt Nam học ở Nhật Bản, Trung Quốc, hay Triều Tiên, còn nghiên cứu về mình hay hơn mình tự nghiên cứu về mình nữa mà. Bởi họ chuyên đọc sách lịch sử và sách địa dư.
Các cụ nhà ta vẫn nói: "Cái khó bó cái khôn."
Nhưng các cụ cũng nói: "Cái khó ló cái khôn." Tôi vẫn hy vọng rằng, trong cái khúc quanh quan trọng của lịch sử này, sẽ có những quyết định sáng suốt, đột phá được những người có thẩm quyền đưa ra.
Như triết gia cổ người Do Thái tên là Hillel đã nói: "Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ? Nếu không phải là tôi, thì là ai?"
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị và bổ ích này.