Monday, August 20, 2012

Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ (P3)

"Tò mò đi sâu vào các loại sử liệu xung quanh, tôi càng thấy nói như nhà nước Trung Quốc là có nhiều chỗ không hợp lý", nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân chia sẻ.


Ông có nhận xét gì về sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà nghiên cứu luật pháp của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển đảo, chẳng hạn phản bác đường lưỡi bò của Trung Quốc?
Những người nghiên cứu về luật pháp quốc tế nói nhiều rồi. Nhưng, theo tôi, nhiều khi họ vẫn phải viện dẫn lịch sử. Cái gì cũng phải bắt đầu từ lịch sử, cũng như cái nhập đề của anh, để dẫn nguồn gốc, nguyên nhân. Lịch sử chính là nguyên nhân.
Hạn chế của mình là chưa liên kết được hai lĩnh vực nghiên cứu này với nhau, để từ đó hình thành một luận cứ vững chắc, có giá trị thuyết phục cao.
Còn với tư cách cá nhân, ông có sự trao đổi với những người nghiên cứu về luật pháp quốc tế không?
Thường thì cũng có gặp để nói chuyện về tình hình chung, chứ chưa từng có sự phối hợp làm việc.
Thế chẳng hạn như một người khá quen biết ông là Thạc sĩ Hoàng Việt? Mỗi khi gặp nhau các ông nói chuyện gì?
Nói chuyện thời sự không à. Cũng may là Hoàng Việt cũng có ứng dụng các kết quả nghiên cứu của tôi vào các bài viết của anh ấy. Bởi có những lúc nói chuyện pháp lý vẫn phải có những chứng cứ lịch sử, mà đọc sử thì cực, vậy thì ứng dụng ngay những kết quả nghiên cứu của tôi nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nhưng đó mới là sự phối hợp mang tính nhỏ lẻ của cá nhân, bởi vì tôi và Hoàng Việt đều là những người nghiên cứu nhỏ lẻ. Chưa có gì mang tính hệ thống chung hết, chưa có chủ trương nào hết.
Nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân. Ảnh: Huỳnh Phan
Đối với những người nghiên cứu ngoài Bắc, ông có dịp giao tiếp trao đổi gì nhiều chưa?
Thực ra, tôi cũng ít có dịp gặp mấy vị ngoài đó. Một lý do nữa là công việc của tôi cũng chẳng dính dáng gì nhiều đến họ. Lâu lâu, có hội thảo, họ mời thì chủ đề của tôi cũng khác chủ đề của họ. Thành ra, mỗi người một đề tài, phát biểu cũng loạc choạc không mấy ăn nhập.
Tôi chỉ được mời tham dự hội thảo quốc gia Mùa Xuân năm ngoái, do Học viện Ngoại giao tổ chức, thôi. Tôi cũng có tham dự Hội thảo Hè tổ chức ở Singapore, và cũng gặp một số anh em từ Hà Nội sang.
Ấn tượng của ông về những cuộc hội thảo đó?
Tại Hội thảo Xuân, tôi có tham luận về tình hình nghiên cứu các địa danh trên Biển Đông của học giả Trung Quốc. Đó là một cái cớ để nói chuyện lịch sử, bởi địa danh có nguồn gốc từ lịch sử.
Còn tại Hội thảo Hè, điều tôi thấy ấn tượng nhất là không khí học thuật rất cởi mở, thẳng thắn và bình đẳng.
Nghiên cứu về thư tịch cổ có nhiều người như ông không?
Về mảng thư tịch cổ của Việt Nam thì đông, làm từ trước '75 đến nay. Còn về mảng thư tịch cổ Trung Quốc, tôi cũng ít thấy ai đi chuyên sâu. Do thấy mảng đó không được quan tâm lắm, tôi mới từ từ tìm hiểu và mới ra được những gì tôi đã làm vừa rồi. Có nhiều kết quả thấy cũng hay. Một phần cũng là nghiên cứu qua lại giữa các nước (Trung Quốc và Việt Nam), phần khác cũng đóng góp cho chuyện phản biện liên quan đến chủ quyền.
Tôi muốn khẳng định lại là trong nghiên cứu thư tịch cổ của Trung Quốc, trong đó có bản đồ, ông có tìm thấy sự chia sẻ trong nghiên cứu từ các đồng nghiệp Việt Nam không?
Nếu anh theo dõi kỹ trên truyền thông, hay thông qua các hội thảo về Biển Đông, anh sẽ nhận thấy rằng tình hình hơi bi quan cho công việc chung. Vào thời điểm này, cái khó của tôi là không tìm thấy một bạn đồng nghiệp nào có thể cùng trao đổi sâu về những nghiên cứu của mình, phản biện lại quan điểm, lập luận của mình.
Cũng có thể do diện quan hệ của tôi nó hạn chế. Và cũng có thể những người cũng chuyên tâm và chuyên sâu vào lĩnh vực này hơi bị ít.
Đúng là làm nghiên cứu, khi nghĩ ra quan điểm, lập luận gì mới mà không được phản biện thì cũng kém phấn khởi, phải không ông?
Cái tôi lo là trong chuyện học thuật mà không có phản biện khoa học thì người nghiên cứu khó có thể tiến bộ được. Cũng còn may là tôi vẫn nhận được phản biện từ một số anh em ở hải ngoại, như Vũ Quang Việt, hay Thái Văn Cầu, liên quan đến những nghiên cứu được công bố của mình.
Những học giả này, tuy lĩnh vực nghiên cứu chính không phải là về Biển Đông, nhưng lại rất quan tâm tới nó, và, hơn nữa, lại có điều kiện đọc về sử Trung Quốc được dịch sang tiếng Anh. Qua trao đổi với họ, tôi rút ra thêm được những điều bổ ích để hoàn thiện công trình của mình.
Nhiếp ảnh gia Bùi Minh Sơn, người tôn thờ thuyết tương phản, khi vào thăm phòng làm việc của Phạm Hoàng Quân, đã thốt lên: Trong cái huyện lớn (Cái Bè) có một ngôi nhà nhỏ/ Trong ngôi nhà nhỏ có một kho sách lớn/ Chủ nhân của kho sách lớn là một người có bằng cấp nhỏ (tú tài)/ Trong cái đầu của người có bằng cấp nhỏ là một bộ  óc lớn.
Thế còn nhà nghiên cứu bản đồ cổ Nguyễn Đình Đầu?
Bác Nguyễn Đình Đầu là người Tây học, giỏi tiếng Pháp, nhưng chữ Hán thì không hay. Nghiên cứu của bác chủ yếu là tư liệu của Pháp, và phương Tây. Còn nghiên cứu của tôi toàn về tư liệu Trung Quốc, thành ra, chúng tôi cũng khó có thể trao đổi sâu về công việc được.
Xưa nay nghiên cứu tư liệu về Biển Đông, mình phân chia thành ba chân kiềng: tư liệu trực tiếp của Việt Nam để khẳng định chủ quyền, tư liệu của Trung Quốc và tư liệu gián tiếp của phương Tây, hay nói chung là ngoài Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, hai loại tư liệu sau bổ trợ, củng cố cho tư liệu của Việt Nam.
Như vậy, nhiều khi do không hiểu rõ nguyên tắc nói trên, có những người lại công bố những tư liệu của Trung Quốc không có lợi cho lập luận về chủ quyền của Việt Nam.
À tôi có nhớ câu chuyện lùm xùm có tên là "An Nam đồ" hồi đầu năm 2009 rồi.
Tấm bản đồ đó không có giá trị để chứng minh sự khẳng định của nhà Minh đối với chủ quyền của Việt Nam đối với HS-TS, bởi nó vẽ những cửa biển trong bờ, chứ không liên quan gì đến ngoài biển hết. Dùng cái đó còn đi ngược lại lý luận của mình đang sử dụng từ trước đến giờ nữa.
Hơn nữa, nó còn rất nguy hiểm, chứ không sai lầm một cách bình thường, bởi giới nghiên cứu Trung Quốc luôn lấy cái bản đồ thời Minh đó để lập luận rằng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là ở trong bờ chứ có phải ở ngoài biển đâu.
Ngay với sử liệu Việt, nếu chúng ta không xử lý tư liệu một cách thấu đáo, rất dễ dẫn đến rắc rối cho các nghiên cứu về sau. Như Phan Huy Chú, hoặc Lê Quí Đôn, khi ghi chép, cũng không thống nhất hoàn toàn về mặt chi tiết, mặc dù trên đại thể là khớp nhau, và dễ dẫn đến những sơ hở.
Chẳng hạn, về động thực vật trên đảo. Tôi không nhớ rõ, nhưng một trong hai ông nói rằng trên đảo có yến sào. Tôi đọc và thấy phía Trung Quốc họ có phản biện rằng chim yến chỉ làm tổ trên những vách núi, hay vách những hang động, và như vậy đang mô tả cảnh trong bờ.
Đó là một trong những điểm cần phải được xem xét nghiêm túc, để khi đưa thông tin về sử liệu phải làm sao cho chuẩn mực, để làm sao nó hệ thống và logic.
Nhìn cái khối sách ông đã xếp lên giá trong phòng khách và phòng làm việc ở căn nhà đằng sau, cũng như thùng to thùng nhỏ chứa sách mà ông chưa kịp sắp xếp, mà thấy kinh hoàng về kho tư liệu của ông. Cách ông sưu tập tư liệu như thế nào mà được một gia sản đồ sộ như vậy?
Anh lại sa vào mấy câu hỏi thông thường. Tôi đã từng trả lời một người, mà có khi người đó giận tôi, rằng đây là việc riêng và rất thông thường của người nghiên cứu, không cần phải chia sẻ. Cái cần chia sẻ là kết quả nghiên cứu cơ.
Tôi hỏi ông câu này bởi ông là một nhà nghiên cứu độc lập, điều kiện kinh tế cũng chẳng mấy dư dả, và ít có điều kiện đi Tây đi Tầu. Hoàn cảnh ông khác hẳn với các học giả phương Tây, hay thậm chí các nhà nghiên cứu thuộc biên chế nhà nước - những người có điều kiện thuận lợi hơn cả về nguồn ngân sách nghiên cứu do nhà nước chu cấp, thông qua các dự án.
Thực ra, điều này không quan trọng bằng phương pháp nghiên cứu. Khi tìm tư liệu, nếu có phương pháp nghiên cứu tốt, anh sẽ có sự lưu ý về tài liệu tốt. Mình đâu phải tự nhiên tiếp nhận được vào một kho tư liệu, hay có điều kiện đến những thư viện quốc tế lớn, để tra cứu đâu. Tôi phải cóp nhặt qua nhiều năm những tư liệu tôi cần.
Tại sao ông tập trung nghiên cứu về thư tịch cổ mà không chọn lĩnh vực khác?
Thứ nhất là nó hợp với hiểu biết về ngôn ngữ của tôi. Tôi học chữ Hán, đọc được sách của Trung Quốc, rồi nghiên cứu về nghệ thuật, hội hoạ, thư pháp Trung Quốc...
Rồi như tôi đã kể, khoảng 2005, có những sự kiện lấn cấn trên Biển Đông được đề cập trên báo chí dưới dạng những mẩu tin ngắn. Tôi tò mò nên mới chuyển qua đọc mấy cuốn sách sử Trung Quốc, có sẵn trong nhà, xem họ nói về việc đó như thế nào.
Thế rồi, tôi thấy có sự chênh lệch lớn giữa những cái mình đọc được và những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Từ đó, tôi mới càng tò mò đi sâu vào các loại sử liệu xung quanh nữa, và càng thấy nói như nhà nước Trung Quốc là có nhiều chỗ không hợp lý.
Và thế là tôi bắt đầu viết các bài để phản biện lại quan điểm của họ.
Bài đăng báo đầu tiên của ông về chủ đề này?
Ngày 5.12.2007, báo chí mình đăng cái tin về thành lập cái gọi là Tam Sa. Tôi viết nhanh trong 2 ngày, đưa cho cho một người bạn bên Tuổi Trẻ, nhưng cuối cùng họ không đăng. Tôi đành gửi cho một trang mạng bên ngoài.
Bài đó giống như đề cương, phân loại ra chính sử, địa phương chí và địa đồ nên nghiên cứu như thế nào, như tôi nói với anh nãy giờ đó. Và tôi cũng chứng minh một cách sơ bộ luôn những điểm không vững trong lý luận của Trung Quốc về cái gọi là Tam Sa.
Một tháng sau, Tuổi Trẻ đăng lại nguyên bài đó. Thế rồi không hiểu sao, năm đó Hội Nhà báo thành phố cơ cấu cho nhóm bài về biển đảo, trong đó có bài của tôi, cái giải nhất.
Tôi cũng tò mò về cảm giác khi lên nhận giải thưởng báo chí, vì tôi chưa bao giờ được giải cả, dù là giải khuyến khích.
Tôi không đi nhận giải, vì tôi dị ứng chỗ ồn ào, đông người.
Ông học chữ Hán thế nào?
Cái anh hỏi cũng rất nhiều người hỏi, mà tôi cũng không biết trả lời sao. Bởi không thấy tôi học đại học về chuyên ngành Hán - Nôm gì cả mà sao tôi đi nghiên cứu sâu liên quan đến chữ Hán.
Cái này cũng giống như duyên nghiệp, bởi tôi đọc văn tự rất chuẩn. Sau nhiều lần làm việc cụ thể với văn bản, được anh em họ tín nhiệm.
Hồi học phổ thông, tôi tự học được một ít chữ Hán. Sau khi đi Thanh niên Xung phong về, tôi học tiếp một ông sư phụ ở trong chùa ở thị trấn Cái Bè, cách đây khoảng 20 cây số, được một ít chữ nữa. Rồi năm 1987, 21 tuổi, tôi lên Sài Gòn làm ăn, và học được ít chữ nữa của mấy người Hoa kinh doanh trên đó. Rồi tôi đọc mấy cái giáo trình đại học của khoa Hán - Nôm, Đại học Sư phạm.
Khi chuyên về sử, anh đọc hoài, anh quen à. Các thầy tôi đều là giới bình dân, họ không nghiên cứu gì hết cả. Việc nghiên cứu là do tôi thấy thích rồi mày mò đi theo, chứ tôi cũng đâu có được học.
Ông đã bao giờ nghĩ đến việc đào tạo "đệ tử" nối nghiệp chưa?
Học sử đói lắm, anh ơi, ai chịu học đâu. Tốt nghiệp Trung văn ra đi làm công ty nước ngoài, lương cao, sống khoẻ hơn.
Có người hỏi tôi, vậy em theo nghiên cứu với anh một tháng được bao nhiêu tiền. Làm nghề sử phải có yêu thích thực sự, và cũng phải đảm bảo đủ sống nữa. Có một số người thì do lương nhà nước quá kém, nên họ đành bỏ nghề đi làm cho tư nhân.
Còn một lý do nữa là cử nhân khoa sử không rành chữ Hán, bởi chỉ được học có mấy chục tiết, còn cử nhân Hán - Nôm lại thiên về văn chương, đâu có làm việc trên sử liệu được. Cách đào tạo của mình sai ngay chỗ đó.
Còn tại sao cử nhân Hán - Nôm lại không làm việc được trên sử liệu?
Bởi người ta lấy tư liệu văn chương để dạy Hán - Nôm.
Muốn chuyên sâu về cổ sử của Việt Nam thì phải biết tiếng Hán cổ và tiếng Pháp mới làm được. Nhưng sinh viên mình học sử ra chỉ biết tiếng Việt không à, nên họ chỉ biết những công trình đã được dịch ra tiếng Việt mà nói tới nói lui. Công trình chưa được dịch ra rất nhiều mà họ đâu có biết.
Ngoài nghiên cứu, ông có được mời tham gia giảng dạy không?
Không. Tôi chỉ ngồi nhà đọc và viết thôi. Coi như một nghề chính.
Ngôi nhà nhỏ của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân (có mấy chiếc xe máy dựng trước nhà)
Nếu nhà nước có quan tâm, ông có thể bớt thời gian nghiên cứu và dành cho giảng dạy, đào tạo không?
Cái này còn phụ thuộc vào qui chế nữa. Tôi thực sự chỉ có bằng tú tài thôi.
Nhưng nói vậy thôi, tôi cũng thấy khó cho ông. Chẳng nhẽ, để được giảng dạy đại học, nhà nghiên cứu cổ sử Phạm Hoàng Quân sẽ phải đi lấy bằng cử nhân, Anh văn chẳng hạn, ở cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần, trước khi lấy nốt bằng thạc sĩ về lịch sử và địa dư Trung Quốc, để có đủ tư cách giảng dạy đại học.
Nhưng mà ai sẽ là thầy hướng dẫn cho Phạm Hoàng Quân nhỉ?
À, tôi nhớ ra một trường hợp khác. Người em ruột ông nội tôi là cố Giáo sư Ngôn ngữ Hoàng Phê, chỉ có bằng tú tài thời Tây, rồi sau đó có thêm tấm bằng đại học, nhiều khả năng là tại chức, của thời kỳ đầu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Thế nhưng, người ta vẫn phong giáo sư cho ông, nhờ vào những công trình nghiên cứu có giá trị của ông, nhất là trong lĩnh vực từ điển.
Với trường hợp của ông, cũng chẳng khác mấy.
Thời đó nó khác, bây giờ muốn đi dạy là phải có bằng thạc sĩ à. Đó là chưa nói, cái hồi sau năm 45', có cái bằng tú tài, kể cả về thực học lẫn so sánh trên mặt bằng chung, là ngon lắm rồi.
Còn chuyện phong giáo sư như vậy là theo phong cách của Nhật Bản. Họ đánh giá theo chuyên môn, thành tựu, chứ không nhất nhất theo bằng cấp. Họ có thể mời bất cứ ai lão luyện về cái nghề đó đi giảng dạy ở đại học.
Tôi lại xin đặt thêm một câu hỏi mang tính giả tưởng nữa. Nếu ông được mời đi giảng ở đại học, ông sẽ đăng ký chuyên ngành gì?
Ví dụ tôi có thể truyền thụ những kinh nghiệm về nghiên cứu lịch sử, địa dư Trung Quốc. Có điều môn Trung Quốc học ở Việt Nam mình lại không có dạy, chủ yếu dạy về văn hoá không à. Trong chính trị, hiểu theo nghĩa thời xưa là quản lý chế độ, thì phải học nhiều về địa - chính trị, lịch sử, địa dư nhiều hơn.
Chẳng hạn, về Việt Nam học, các nhà Việt Nam học ở Nhật Bản, Trung Quốc, hay Triều Tiên, còn nghiên cứu về mình hay hơn mình tự nghiên cứu về mình nữa mà. Bởi họ chuyên đọc sách lịch sử và sách địa dư.
Các cụ nhà ta vẫn nói: "Cái khó bó cái khôn."
Nhưng các cụ cũng nói: "Cái khó ló cái khôn." Tôi vẫn hy vọng rằng, trong cái khúc quanh quan trọng của lịch sử này, sẽ có những quyết định sáng suốt, đột phá được những người có thẩm quyền đưa ra.
Như triết gia cổ người Do Thái tên là Hillel đã nói: "Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ? Nếu không phải là tôi, thì là ai?"
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị và bổ ích này.

No comments: