Monday, August 13, 2012

Đừng đem mình ra nướng chỉ vì muốn mùi thơm của thịt



(SVVN)Tiếp tục chủ đề "người trẻ trong khủng hoảng", Sinh Viên Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group.
"Khủng  hoảng  kinh tế" và "cơn lũ" đạo đức!
Thưa ông, những người trẻ bây giờ cảm giác cuộc sống đang khó khăn sau một vài năm có vẻ "khấm khá". Là chủ một doanh nghiệp lớn như ông, ông có thấy mình đang đối diện với khó khăn?
Cá nhân tôi thì không thấy khó khăn mà thấy nặng nhọc. Kinh tế suy thoái, khủng hoảng, để duy trì mức sống vốn có thì buộc mình phải lao động gấp rưỡi, gấp đôi và do đó, thấy nặng nhọc hơn. Chúng ta vừa đi vừa thở, thậm chí bây giờ, chúng ta không có đủ điều kiện sống nên chúng ta phải chạy để kiếm sống.
Năng lực quan trọng nhất của con người là thích nghi, thích nghi là công nghệ cơ bản để tạo ra thuyết tiến hóa đi từ con khỉ đến Einstein, đến James Joyce, từ con khỉ xứ Đông Á đến Trần Dần. Không bao giờ được mất đi thiện chí để phấn đấu vươn lên cái hoàn thiện bằng cá thể. Hoàn thiện các phẩm hạnh cá thể chính là cách thức tốt nhất để phát triển và bảo vệ quyền con người. Người khôn không bao giờ rơi vào trạng thái "tiêu cực tập thể", để giữ cho mình sự yên tĩnh vốn có của một con người có trách nhiệm, sống một cách tỉnh táo cho mình và bảo vệ sự sống tỉnh táo cho những người xung quanh mình.
Nhưng không phải ai cũng dễ thích nghi. Trong khủng hoảng, người trẻ nên làm gì, thưa ông?
Cuộc sống bình thường vốn đã rắc rối và trong khủng hoảng thì nó rắc rối hơn. Tôi nghĩ rằng, lớp trẻ cứ sống bình thường và tập làm quen với các trạng thái hiện nay của cuộc sống. Quan sát một cách tỉnh táo, suy ngẫm thấu đáo, bởi không mấy khi xã hội khủng hoảng để mình có thể học các bài học. Xã hội đã vô tình tổ chức các thí nghiệm trên quy mô khổng lồ để cho thế hệ trẻ tự phân tích, tự học tập, tự rèn luyện để sống trong cuộc sống phức tạp như thế này.
Tình hình xấu, khó khăn chính là lúc chúng ta phải suy ngẫm để đối phó với nó, bởi chúng ta vẫn phải tiếp tục sống lâu dài trong môi trường ấy. Để đạt được sự phát triển, trở thành một xã hội có nề nếp, chúng ta phải mất nửa thế kỷ nữa là ít, nếu không muốn nói một cách chính xác là chúng ta phải mất hàng thế kỷ nữa. Những sự khủng hoảng hiện nay chỉ là những dấu hiệu ban đầu.
Nhớ rằng, để có được tất cả những gì mình muốn, chúng ta phải đi qua một cuộc trường chinh. Lớp trẻ là chủ của tương lai và họ phải học cách làm chủ từ trong tình hình khó khăn. Không nên xem lớp trẻ là một đàn thỏ và chúng ta phải có trách nhiệm kiến tạo điều kiện sống tương lai cho đàn thỏ ấy. Lớp trẻ là chủ nhân thật sự, chủ nhân tương lai của cuộc sống của họ, mà cuộc sống của họ chính là phái sinh của cuộc sống mà chúng ta đang có. Họ phải làm quen, phải học tập, phải kiên nhẫn. Không mấy khi cuộc sống tạo ra cho chúng ta những trường hợp rắc rối, những trạng thái rắc rối như thế này để học tập kinh nghiệm.
Thời trẻ của ông, ngoài việc phải đối diện với chiến tranh còn phải đối diện những khủng hoảng nào khác?
chu Bat.JPG
Chúng tôi đối diện với tất cả các khủng hoảng. Các bạn tưởng chiến tranh là mọi người đều bằng nhau, mọi người đều yêu nước như nhau, mọi người đều ra trận như nhau...? Không phải thế! Ở những chỗ công khai, mọi người có vẻ giống nhau nhưng ở những chỗ riêng tư, mọi người rất không giống nhau. Trong lớp học của tôi lúc trẻ, có con người nghèo thành thị như tôi, có con của các cán bộ trung cấp bình thường, có con những cán bộ cao cấp, có đứa nhà giàu, có đứa nhà nghèo, có đứa không có ăn. Bọn trẻ vẫn phải sống trong một xã hội rất nhiều đối tượng, ở những khía cạnh khác nhau. Nhưng vì chung một kẻ thù là đế quốc xâm lược cho nên tất cả các mặt đối lập ở trong tâm lý bớt đi, tất cả cùng nhau ca ngợi người chiến sĩ quân đội và cùng ra trận. Tất cả vẻ đẹp tiền tuyến ấy chi phối, làm cho người ta lãng quên sự chênh lệch giàu nghèo ở bên trong đời sống thông thường.
Bây giờ, chúng ta không ở trong trạng huống đó, chúng ta không còn kín đáo nữa, người giàu khoe cái giàu sang, người mạnh khoe cái mạnh mẽ. Bắt nạt được ai là bắt nạt, thu xếp được ai là thu xếp. Đâm xe vào người ta thì lấy điện thoại ra gọi cho người quen. Bây giờ, mọi chuyện lộ liễu hơn, cho nên nó kích động một sự phản ứng lộ liễu hơn. Chúng ta phải tập kiểm soát mình trong trạng thái bị gây cho khó chịu thường xuyên như vậy, để giữ gìn được sự bình tĩnh của mình, sự yên ổn của cuộc sống. Những mặt trái của xã hội ngày nay như một cơn lũ về mặt đạo đức và mỗi người chúng ta phải tự trang bị cho mình, người sắm "phao", người sắm "thuyền", để không "chết chìm" trong "cơn bão".
Hãy kiến tạo một cái tốt hợp lý!
Theo ông, giáo dục có vai trò gì trong việc chuẩn bị kỹ năng cho con người?
Có một điều buồn là giáo dục đang được hiểu sai. Nhiều người nghĩ rằng, giáo dục như một công việc của Nhà nước, giáo dục như công việc của nhà trường là một cách hiểu rất sai. Trong chiến tranh không có nhiều trường, lớp nhưng có biết bao nhiêu giáo sư, bao nhiêu bác sĩ giỏi, bao nhiêu nhà phẫu thuật vĩ đại xuất hiện từ các lớp học tranh tre thời kháng chiến ở Việt Bắc. Trong khi Nhà nước chưa làm tốt được các chương trình tổ chức giáo dục của mình thì con người, với tư cách là một chủ thể của cuộc sống, tự tổ chức giáo dục cho mình bằng cách dạy thêm cho con, uốn nắn thêm về những thiếu sót mà xã hội không gợi ý, không dạy cho nó.
Con người phải tìm cách bù đắp cho chính tương lai của mình những kinh nghiệm rút ra được từ những  bối cảnh tiêu cực. Không có lối thoát nào khác. Ai đó thích chờ đợi cứ chờ đợi, còn tôi thì không. Chúng ta luôn luôn đứng giữa mọi thực tế tích cực hoặc tiêu cực, tận dụng tất cả các yếu tố có thể tận dụng được để kiến tạo ra cuộc sống của mình, của gia đình, của những người mình quen biết và khuyên họ những điều hợp lý, những hành động hợp lý để tổ chức ra cuộc sống của mình.
Trong những thời điểm như thế này, ông thường hay mách bảo hay dạy bảo con mình điều gì?
Hãy sống một cách nghiêm túc, giữ gìn sự trong sáng, lương thiện, lao động một cách tích cực và khôn ngoan. Hiểu cái xấu nhưng không theo nó, hiểu cái tốt nhưng không bắt buộc phải có nó bằng mọi giá. Chúng ta muốn cái tốt bằng mọi giá cũng là một thái độ sai. Chúng ta tôn thờ cái tốt lý tưởng và cố gắng kiến tạo cho mình một cái tốt hợp lý.
Nhưng phải là người có năng lực như thế nào mới làm được việc đấy?
Luôn luôn cần năng lực. Rèn luyện năng lực là công việc của mỗi cá nhân.
Trong những thời điểm khủng hoảng này thì đạo đức đang bị thách thức, muốn giữ được sự trong sạch và phấn đấu để có được "một cái tốt hợp lý" cũng không đơn giản, bởi vì mỗi cá thể phải đối chọi với những cám dỗ xấu mỗi ngày?
Không có gì đơn giản cả. Những người đủ bản lĩnh giữ cho mình tốt ngày càng nhiều lên thì những kẻ xấu ngày càng ít đi. Làm cho lực lượng xấu hằng ngày ít đi, chính là bảo vệ mình. Alecxey Tolstoy viết quyển Hai chị em (tập đầu tiên trong tiểu thuyết bộ ba Con đường đau khổ) có một câu rất hay: "Rồi năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, các cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét, chỉ còn lại bất diệt tình yêu của em và tôi". Tôi luôn tin vào sự hợp lý, năng lực thu xếp những trạng thái hợp lý của một "không gian con" của riêng mỗi một con người, để con người bảo tồn các phẩm hạnh của mình, ít nhất trong không gian be bé, riêng tư ấy của mình.
Giữ mình trong thời điểm khó khăn như thế này cũng là một thách thức với giới trẻ. Suy cho cùng, người trẻ nào mà không thiếu kinh nghiệm, ngay cả người già, nhiều khi vẫn thiếu kinh nghiệm. Cho nên, nó là thách thức khi anh thiếu kinh nghiệm sống trong một điều kiện như thế. Nếu như anh học, anh giàu năng lực suy tưởng thì anh không phải trả giá để có kinh nghiệm, không phải đem mình ra nướng chỉ vì muốn mùi thơm của thịt.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Lê Ngọc Sơn(Thực hiện)

No comments: