Wednesday, October 12, 2011

Thế nào là doanh nhân?

Nhân dịp ra mắt bộ sách Trí tuệ xuất chúng, thiên tài kinh doanh, Alpha Books tổ chức buổi tọa đàm "Tinh thần doanh nhân Việt" với sự tham gia của chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành; doanh nhân Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc InvestConsult Group; ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Alpha Books. Rất nhiều vấn đề liên quan đến tinh thần doanh nhân, thể chế, ý tưởng kinh doanh, tài năng, lập nghiệp... đã được chia sẻ trong cuộc đối thoại. Thanh Niên xin giới thiệu cùng bạn đọc phần lược ghi các ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt trả lời cử tọa.

Thức dậy từ năm 1985
Trước đây ông làm trong cơ quan nhà nước nhưng là một trong những người đầu tiên thành lập công ty tư nhân vào cuối những năm 80 thế kỷ trước. Điều gì đã thôi thúc ông rời bỏ môi trường nhà nước vào thời điểm đó?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không bỏ cơ quan nhà nước. Bởi vì thời điểm việc giảm biên chế là giải pháp mang tính sống còn của nhà nước, tôi rời nhà nước như một sự hy sinh của bản thân chứ không phải vì chán. Giả sử không có mở cửa có lẽ tôi vẫn là cán bộ nhà nước như nhiều người.
Tại sao ông lại có ý tưởng mở công ty tư vấn đầu tư khi mà xuất thân nền tảng của ông là kỹ sư cầu đường?
Nói một cách chặt chẽ thì tôi là một nhà cơ học ứng dụng. Tôi làm nghề nghiên cứu, thiết kế các kết cấu được chôn trong đất, tức là các công trình ngầm. Tôi làm chủ nhiệm bộ môn này tại Viện Khoa học - Công nghệ giao thông vận tải từ năm 1976 sau khi giải ngũ cho đến khi tôi rời Viện năm 1986. Tôi không có bản năng của một nhà kinh doanh, vì trước đó tôi chưa kinh doanh bao giờ. Trước đó xã hội ta không có kinh doanh chính thống. Tôi thì không làm gì không chính thống. Nhưng là người nghiên cứu các khía cạnh khác nhau về đời sống xã hội, đời sống chính trị và những diễn biến quốc tế cuối những năm 70 đưa tôi đến kết luận rằng chắc chắn cộng đồng các nước XHCN có vấn đề... Tôi có nói với TS Zbigniew Brzezinski ở Mỹ là tôi dự báo sự sụp đổ này trước ông ta 10 năm. Bởi vì TS Brzezinski có viết một quyển sách có tên là The Grand Failure.

Trong điều kiện như vậy, VN chúng ta sống bằng viện trợ, tiến hành chiến tranh bằng viện trợ. Và chúng ta sống một thời gian khá lâu trong hòa bình bằng viện trợ đến mức Văn phòng Chính phủ có một Cục phân phối viện trợ. Tôi nhận thấy chúng ta gặp khó khăn và không cẩn thận là sẽ rơi vào rối loạn.
Rất may các nhà lãnh đạo VN lúc đó đã không đẩy đất nước đến rối loạn và chúng ta đã mở cửa. Mở cửa là một phương pháp giải thoát VN ra khỏi rối loạn. Trong điều kiện mở cửa ấy, người Việt không biết gì về kinh doanh, về chủ nghĩa tư bản. Còn người phương Tây thì không biết gì về chủ nghĩa cộng sản, mà chủ nghĩa cộng sản kiểu Việt Nam thì lại càng khó biết. Thành ra tôi nghĩ rằng chắc chắn hai cộng đồng này khi gặp nhau sẽ không hiểu nhau. Và chắc chắn họ cần một đối tượng phiên dịch. Tôi lập công ty để làm việc phiên dịch giúp hai cộng đồng buộc phải hợp tác với nhau trong tình thế không hiểu biết nhau.
Ông có thể chia sẻ một chút về câu chuyện khởi đầu của ông? Hình như ông là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đến New York, vào năm 1985?
Thực tế là muộn hơn một chút, vào năm 1989. Tôi cũng phải nói thế này, nếu lịch sử không có ai chen ngang, chỉ là các dòng chảy tự nhiên của thời gian thì có lẽ tôi cũng có vị trí nào đó. Lúc mọi người còn đang ngủ thì tôi đã thức dậy từ rất sớm. Có lẽ tôi bắt đầu thức từ năm 1985. Thức tỉnh một cách có ý thức về việc học tập các quy luật của nền kinh tế thị trường thì có lẽ tôi bắt đầu nghiên cứu nó từ 1979.
Từ lúc đó tôi bắt đầu nghĩ và nói thật là bắt đầu học, học giáo trình đầu tiên về kinh tế học phương Tây của giáo sư Paul A.Samuelson mà tôi biết Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ đạo Vụ Kinh tế tổng hợp của Bộ Ngoại giao dịch. Tôi đọc một cách say mê. Chúng tôi có lẽ vì cái bế tắc của đất nước mà chịu nghiên cứu, chịu học. Trong lòng thì đầy rẫy các nỗi đau xót, bức xúc. Cuộc sống thực thì đầy rẫy khó khăn. Nhưng chúng tôi học và hiểu ra điều ấy đã mạnh dạn lập công ty, công ty không kinh doanh gì cả ngoài kinh doanh phát triển các quan hệ quốc tế với Việt Nam.
Và phải nói thật vào thời điểm ấy tôi nổi tiếng ở ngoài VN hơn cả các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao của VN. Có kém là chỉ kém những người đứng đầu thôi. Tôi đến đâu cũng được đón rước. Năm 1989 tôi đến Úc, được các bạn hữu bố trí đến gặp một số nhà chính trị quan trọng ở Úc, trong đó có thượng nghị sĩ Kim Beazley, Chủ tịch Công đảng Úc. Lúc đó Công đảng đang cầm quyền. Khi gặp tôi ông hỏi một cách hơi coi thường: “Với tư cách là một thương nhân thì ông gặp tôi có chuyện gì?”. Tôi bảo: “Tôi được giới thiệu rằng ông là một trong những nhà chính trị thông minh nhất nước Úc. Tôi cũng nói chuyện với nhiều nhà chính trị của Úc, nhưng tôi dành những điều tôi sắp nói để nói riêng với ông. Nếu ông thích nghe thì tôi nói, còn nếu không thì tôi xin lỗi, tôi về”. Ông ấy bảo: “Anh có 15 phút”. Tôi nói rằng: “Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa đang co cụm lại từng khu vực, nước Úc với tư cách là một quốc gia châu Âu về mặt chủng tộc, là một quốc gia châu Á về mặt địa lý, vậy nước Úc ở đâu trong xu thế khu vực hóa ấy?”. Ông ấy sững ra và nói: “Xin lỗi ông, chuyện này quan trọng lắm, tôi không nghe một mình được”. Và thế là ông ấy kéo tôi sang một phòng khách lớn và mời 1/3 nội các đến. Tôi đã nói chuyện với họ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giáo dục... và cả mười mấy thượng nghị sĩ nữa. Cuộc nói chuyện ấy kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Và buổi ăn trưa diễn ra tại phòng làm việc luôn.
Cuối 1989 tôi đến Mỹ dịp lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Tôi đi khắp nơi. Có một nhà ngoại giao nổi tiếng từng cộng tác chặt chẽ với Việt Nam là bà Virgina Foote đã tổ chức cho tôi buổi nói chuyện với 700 công ty Mỹ ngay tại Washintgon DC. Tôi đã làm một việc mà có lẽ không người Việt Nam nào dám làm vào thời điểm đó. Tôi đã đến đặt một nhánh hoa lên bức tường tưởng niệm những người Mỹ đã chết trong chiến tranh tại Việt Nam. Người đưa tôi đến là một giáo sư, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ mà tôi quen tại Việt Nam. Ông ta hỏi tại sao tôi lại làm thế? Tôi trả lời: “Con người được xem là giống vật thông minh, nó sẽ không mang theo khái niệm hộ chiếu lên thiên đường”. Khi tôi kể lại câu chuyện này thì ngay lập tức đã thu hút được cảm tình rộng lớn của cử tọa. Cuộc nói chuyện diễn ra rất thú vị. Cho đến nay nhiều người vẫn giữ liên lạc với tôi sau hàng chục năm thông qua những tiếp xúc như vậy. Tôi đến thăm công ty luật của ông Warren Christopher (Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 1993 - 1997) ở Los Angeles. Họ tổ chức chiêu đãi và đã mời cả một ngôi sao điện ảnh rất nổi tiếng lúc đó là Kim Bassinger tham dự. Đến San Francisco ông Jordan, Thị trưởng, mời tôi đến nói chuyện tại một trong những CLB cổ xưa nhất của nước Mỹ là CLB Commonwealth... Tất cả những câu chuyện như vậy đã tạo cho tôi nhiều cơ hội.
Nhưng nguyên nhân mà tôi có được những cơ hội ấy lại bắt đầu ở VN một cách rất thú vị...

“Cú mua quảng cáo kỳ lạ…”
 

“Nguyên nhân mà tôi có được những cơ hội ấy lại bắt đầu từ ở VN một cách rất thú vị”, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt nói về bước khởi đầu của mình. Ông kể: Khi VN còn bị cấm vận, theo luật Mỹ, các công dân của họ sẽ không được tiêu quá 100 USD/ngày trên lãnh thổ Việt Nam. Cho nên không đi máy bay được, không ở khách sạn được. Nhà khách Chính phủ ở Ngô Quyền (Hà Nội) lúc đó rất đắt khách… Tôi có rất nhiều khách. Một hôm có một phụ nữ đi xe đạp đến gặp tôi và nói: “Tôi nghe nói nếu muốn được hỗ trợ thì đến tìm ông”. Đó là nhà báo ảnh Mỹ. Cô ấy cho biết đã đến Tổng cục Du lịch đề nghị hỗ trợ một chương trình chụp ảnh xuyên Việt. Tổng cục Du lịch đã ra giá 4.000 USD cho chương trình kéo dài một tháng. Nhưng cô ấy không chấp nhận do quá quy định của Chính phủ Mỹ. Tôi nói tôi sẽ giúp cô. Lúc đó cô ấy hỏi giá bao nhiêu thì tôi không nói, chỉ bảo cô ấy đưa chương trình. Tôi phân công anh em dẫn cô ấy đi chụp ảnh, phỏng vấn người này người kia. Sau khoảng 2 tháng hướng dẫn cô đi đâu gặp ai để làm việc, tôi chỉ viết biên lai nhận 500 USD tiền thù lao. Cuốn sách của cô ấy ra đời lấy tên là Miền đất của chín con rồng (The Land Of The Nine Dragons - tác giả Nevada Wier).

Rất nhiều người lúc đó đã trách tôi là sao lại lấy giá thấp như thế. Tuy nhiên, sau đó, trên tất cả các phương tiện truyền thông mà cô ấy có ảnh hưởng, người ta đều nhắc đến tôi. Và ở chương đầu của cuốn sách ảnh của cô ấy, những gì tôi nói đều được trích dẫn. Các tờ báo Mỹ sau đó khi nhắc đến VN đều nhắc đến tôi. Thậm chí một tờ báo Mỹ đăng ảnh tôi còn chú thích “Nguyễn Trần Bạt kẻ khai sinh ra chủ nghĩa tư bản ở VN”. Vợ tôi lúc đó sợ lắm.
Đó là một cú mua quảng cáo kỳ lạ nhất 25 năm “Đổi mới”. Các bạn thử nghĩ xem, nếu quảng cáo để được xuất hiện cùng một lúc trên những tờ báo lớn như vậy trên thế giới, nhất là trên cuốn sách xuất bản đầu tiên về Việt Nam thì tôi phải mất bao nhiêu tiền? So với mức giá 4.000 USD như của Tổng cục Du lịch thì tôi vẫn lãi không tưởng tượng được.
Xin vào để ra…
Sự mở đầu thứ hai, tôi là trường hợp tham gia vào tư nhân hóa công ty đầu tiên ở Việt Nam. Lúc đó có tiếng rồi, tôi tham gia vào quá trình tư nhân hóa công ty may mặc của chị Sơn ở TP.HCM (*). Tôi được Crédit Lyonnais và UNDP mời tham gia và tôi học ở đó rất nhiều “bài” về tư nhân hóa. Khi các nghị định của Chính phủ về các công ty nằm trong khối sự nghiệp có thu hết hiệu lực, tôi làm xong cái việc là mời Vụ Văn xã của Bộ Tài chính kiểm toán công ty tôi trước đó rồi. Tôi có nói với anh Phạm Vinh lúc đó là Vụ phó, sau này là Vụ trưởng Vụ Tài vụ của Bộ Tư pháp là anh làm thế nào thì làm, phải chứng minh công ty tôi không có đồng xu nhỏ nào là tài sản XHCN.

Sau khi có giấy chứng nhận của Bộ Tài chính xong, tôi làm đơn xin thành lập doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng Đỗ Quốc Sam, thầy giáo của tôi bảo “Không có xu nào của nhà nước mà đòi làm quốc doanh. Không được, ra ngoài”. Thế là GS Đỗ Quốc Sam đã đuổi tôi ra ngoài khu vực nhà nước như một quyết định tư nhân hóa. Mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị cho tư nhân hóa từ trước đó rồi nhưng nếu chúng tôi tỏ thái độ chán Nhà nước, chán CNXH, chán Đảng thì lúc đó chắc chắn tôi sẽ bị nhìn như một con vật dị dạng vào thời điểm đó. Nhưng nếu tôi xin “kết hôn” với khu vực nhà nước mà bị đuổi ra thì tội đó là không phải là tội của tôi.
Đó là 2 kỷ niệm mà tôi muốn kể.
“Doanh nhân” là một bản năng
Tinh thần doanh nhân Việt Nam hiện nay được đánh giá là khá cao, thậm chí còn cao hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên trong quá khứ đã có nhiều câu chuyện khá đau xót về thân phận các doanh nhân. Ông có thể kể/đánh giá về những thăng trầm của doanh nhân Việt Nam trong hơn 30 năm qua?
Thăng trầm lớn nhất của thân phận doanh nhân Việt chính là quan niệm giá trị của nó trong đời sống văn hóa Việt Nam. Cái rào cản lớn nhất, cái barie to nhất là cái người ta khinh “bọn” doanh nhân như thế nào. Trong nhiều năm chúng ta chưa và không chịu tự giải phóng mình ra khỏi sự cùm kẹp tinh thần. Tôi có viết một quyển sách về tự do. Trong đó tôi phân chia miền tự do ra làm hai. Tự do bên ngoài là thể chế. Tự do bên trong là nhận thức, năng lực tự nhận thức của con người…
Người Việt ít người biết được rằng nền tảng của khái niệm xã hội dân sự là bắt đầu từ khái niệm công ty. Cho đến giờ vẫn cãi nhau là có được phép xây dựng xã hội dân sự hay không, các tổ chức xã hội dân sự không? Nên luật về nó đang nằm đắp chiếu đâu đó. Người ta vẫn ngại các tổ chức, cái được gọi là xã hội dân sự. Nhưng người ta quên tổ chức xã hội dân sự căn bản nhất của mọi xã hội chính là doanh nghiệp. Họ không muốn ghép khái niệm công ty vào trong khái niệm xã hội dân sự.
Nếu không xây dựng công ty cho mình thì mình không có một miền đất tối thiểu hay miền đất cắm dùi về tinh thần của con người để sống một cách độc lập. Đó là công cụ xây dựng không gian tự do cho riêng mỗi một con người. Khi nói về tinh thần kinh doanh phải nhìn nhận rằng xây dựng công ty chính là xây dựng những tế bào cơ bản của xã hội dân sự và các bạn mới thấy được chúng ta tự do. Muốn xây dựng phải yêu nó và hiểu giá trị thật của nó.
Nghề nghiệp và công việc của tôi ở vào tuyến đầu của những xung đột chính trị xã hội vào những năm 1990. Đó là giao du và lôi kéo chủ nghĩa tư bản vào Việt Nam. Phải vượt qua tất cả và còn phải làm sáng tỏ nhiều nhận thức ở đội ngũ những người chịu trách nhiệm quản lý đất nước, phải cấy từng thuật ngữ, và phải gọi khéo đi từng khái niệm căn bản một… Bây giờ mới có một miền rất rộng lớn để các bạn tự do, chỉ cần vượt qua mình để thành lập được công ty.
Rủi ro là có trên tất cả các khía cạnh. Rủi ro là miền đất khống chế người Việt vì thế nên người Việt mới buộc phải cân nhắc nhiều quá. Buộc phải khích lệ nhiều quá. Buộc phải có ngày 13.10 là Ngày Doanh nhân. Trên thế giới chẳng có nước nào có Ngày Doanh nhân cả. “Doanh nhân” là một bản năng tự nhiên của con người. “Doanh nhân” là hành vi bản năng gần với các hành vi có tính chất sinh học. Nhưng chúng ta lại phải cần có một ngày để khích lệ. Chỉ nguyên việc phải ra đời một ngày để khích lệ hành vi mang tính bản năng ấy đã là một hành vi mang tính tiêu cực rồi.
“Những khoảng trống mênh mông”
Thế hệ các ông khởi đầu trong một thời kỳ rất khó khăn nhưng đó cũng là thời kỳ còn nhiều khoảng trống. Theo ông, thế hệ doanh nhân ngày nay còn khoảng trống nào, cơ hội nào để nắm bắt và cạnh tranh với các ông?
Các bạn không có cơ hội cạnh tranh với tôi nữa vì tôi về đích rồi (cười). Tôi giờ là một kẻ quan sát cuộc đua của các bạn. Bạn hỏi có còn khoảng trống nào? Tôi xin trả lời là chúng ta có mọi khoảng trống. Nếu nhìn cuộc đời theo mặt phẳng, chúng ta thấy đông đúc lắm, chật chội lắm. Nhưng nếu dựng trục Z lên chúng ta sẽ thấy khoảng trống còn mênh mông. Tôi nghĩ chúng ta có thể kinh doanh ở level chúng ta thấy đông đúc, có va chạm vui vẻ. Cạnh tranh cũng vui vẻ lắm chứ không chỉ có giết nhau đâu. Buôn có bạn, bán có phường mà. Sự tụ họp thành phường hội là niềm vui mà buôn bán kinh doanh mang lại. Nếu nói những người làm kinh doanh khó tâm sự với nhau là không đúng, không hiểu lớp trẻ đâu. Họ chia sẻ và thậm chí là thưởng thức cả sự thất bại nữa. Tôi hiểu tâm lý ấy.
Nhưng nếu các bạn nhìn lên trên cái tầng mà các bạn thấy đông đúc các bạn sẽ thấy còn những khoảng trống mênh mông. Chiếm lĩnh cái khoảng trống ấy là tài chính và ngân hàng. Trong một quyển sách mà tôi có nói đó là sự lộng hành của yếu tố trí thức trong nền kinh tế hiện đại. Không có chính phủ nào, tổng thống nào hay nhà nước nào có thể hiểu hết thủ thuật các nhà tài chính hiện đại. Nó có thể lừa toàn bộ các chính phủ và thậm chí là cả loài người về các khái niệm phái sinh. Đấy là điều tôi đã cảnh báo cách đây 5 năm.
Tôi cho rằng khoảng trống là mênh mông. Nếu cảm thấy mặt bằng đang sống “chật chội” các bạn có thể mạnh dạn lên tầng 10 kinh doanh, không sao cả. Xã hội hiện đại hoàn toàn có khả năng kết nối giữa các tầng không liên tục.

Đâu là tài năng thực sự?
Trong cuốn sách Đối thoại với tương lai ông có nhắc đến các khái niệm Tự do, Tự lập, Tự trọng. Theo ông doanh nhân Việt đã có được bao nhiêu chữ “tự” trong đó rồi?


Doanh nhân NGUYỄN TRẦN BẠT
Tự do là một khái niệm tự nhiên, có trước khi cả con người sinh ra. Tự do là của thượng đế, của trời đất, thuộc về tự nhiên. Không có nhà nước nào được gọi là tiến bộ nếu tẩy chay khái niệm này. Nhưng Tự do không phải là muốn làm gì thì làm. Tự do bên trong mình, ý nghĩ của mình thì muốn nghĩ gì thì nghĩ. Nhưng hành động thì phải chiếu cố đến quyền ấy, quyền tự nhiên của người khác. Cái đó tạo nên nhà nước. Sự không giẫm đạp lên các quyền (tương tự) của nhau là bản chất triết học của nhà nước. Không nghĩ ra được điều ấy thì không có đủ tư tưởng để xây dựng nhà nước.
Hai là Tự lập, đây là một phẩm hạnh. Muốn làm người phải tự lập. Và nếu không tự lập thì lãng phí Tự do.
Tự trọng là một thái độ đạo đức. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa Tự trọng và Tự ái. Tự ái mang lại các sự khúc mắc có chất lượng bất hạnh. Tự trọng thì không, Tự trọng nuốt vào bên trong tạo ra ý chí cho con người.
Đấy là 3 khái niệm cũng bắt đầu bằng chữ “tự” nhưng là 3 phạm trù khác nhau của đời sống. Việc phân biệt là rất cần thiết để minh bạch trong nhận thức. Còn trong đời sống người nào có ba phẩm chất ấy các bạn chỉ cần nhìn vào mặt là biết ngay thôi.
Họ là người tài?
Có thể nói tùy định nghĩa người tài là như thế nào. Tài năng là khái niệm nhân tạo và mọi người đều định nghĩa cả. Ở nước ta vài chục năm trước đây khi bầu chọn giáo sư thì có cả bà bếp trưởng tham gia bỏ phiếu cơ mà. Thầy của tôi, GS Đỗ Quốc Sam, GS Đặng Hữu khi được lựa chọn làm giáo sư thì trong hội đồng bỏ phiếu có cả người nấu bếp của khoa. Tôi đã dự những cuộc bỏ phiếu như thế.
Tùy quan niệm, định nghĩa đòi hỏi mà chúng ta có định nghĩa tài năng là như thế nào. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng tài năng là cái phải đi tìm nó. Đem quyền lợi, tiền bạc ra nhử rất nhiều kẻ bất tài chạy đến, còn người tài chạy xa. Các bạn cứ đo độ xoay mình của véc-tơ của một con người trước quyền lợi, các bạn sẽ thấy được đâu là tài năng thật sự.
Doanh nhân và thể chế
Thời điểm cuối những năm 90 thế kỷ trước, đất nước ta hết sức khó khăn và cũng từ đó có những bước chuyển đổi và tạo ra một thế hệ những doanh nhân như ông. Hoàn cảnh hiện tại của VN hiện nay cũng đầy những khó khăn. Theo ông liệu đây có phải thời điểm thích hợp để sản sinh ra một thế hệ doanh nhân mới với những tinh thần doanh nhân mới hay không?
Đây là một câu hỏi rất thông minh. Rất có thể là như thế. Và tôi đang nghĩ sự bế tắc của thời điểm chúng ta đang sống đây không chỉ ra đời một thế hệ doanh nhân mới mà rất có thể còn ra đời những thế hệ mới khác. Báo hiệu một sự xoay chuyển, một sự đổi mới khác của đất nước theo hướng tích cực.
Thời điểm lập nghiệp của thế hệ doanh nhân hiện nay khác nhiều với thời kỳ của ông. Vậy theo ông các doanh nhân cần xây dựng lòng tin với thể chế như thế nào?
Tôi chưa bao giờ đặt lòng tin vào bất cứ thể chế nào. Cho nên nói doanh nhân cần phải xây dựng lòng tin vào thể chế như thế nào là không đúng. Doanh nhân tin vào sức mạnh của mình để vượt qua bất cứ sự cản trở nào của thể chế. Đấy là bản lĩnh của kinh doanh. Không nên xét nghiệm bản lĩnh của doanh nhân dựa vào thái độ của nó với thể chế mà phải xem nghệ thuật của nó vượt qua trở ngại từ các thể chế như thế nào. Mọi tiến bộ trên thế giới đều là kết quả của nghệ thuật ấy.


''Kinh doanh là một cuộc leo núi, bắt đầu bằng niềm say mê. Những thứ còn lại như phương tiện, vốn liếng, kinh nghiệm... các bạn sẽ nhặt dọc đường'' - Doanh nhân NGUYỄN TRẦN BẠT

Xin hỏi ông có cách gì để doanh nhân tự khích lệ mình và những người xung quanh khi mất tinh thần?
Nỗi buồn hằng ngày của một con người đối với công việc của mình, với con cái, gia đình là chuyện xuất hiện thường xuyên. Vì thế không nên nhầm lẫn sự lo lắng mang tính bản năng của một con người với sự lo lắng có tính chất xã hội, chính trị. Lo lắng những tác động tiêu cực của thể chế đến công cuộc kinh doanh của mình là việc phải làm hằng ngày của các nhà kinh doanh. Có lần tôi đến nói chuyện ở Trường Đảng Nghệ An. Có một anh đứng lên nói với tôi rằng “Tôi đến nghe chuyện kinh doanh mà từ sáng đến giờ ông toàn nói chuyện chính trị. Lần sau biết thế này tôi sẽ không đến nghe ông nữa. Ông cảm thấy điều đó thế nào?”. Tôi trả lời, anh vừa gọi tôi là doanh nhân thành đạt, vậy tôi xin nhắc anh là một doanh nhân thì không bao giờ bỏ về khi nghe chuyện chính trị. Anh nghiên cứu thể chế như một điều kiện biên của kinh tế. Anh hiểu nó và trong chừng mực nào đó có tác động tích cực đến sự “nở ra” của nó, từ lượng đến chất tạo ra tính chất cách mạng.
Chín chắn, tinh khôn và thiển cận
Các anh có nói dường như lớp doanh nhân trẻ ngày nay rất thực dụng với việc kinh doanh mà ít có sự có say mê trong kinh doanh. Tôi không đồng ý vì cho rằng lớp trẻ vẫn có say mê. Nhưng chỉ có say mê thì chưa đủ, làm thế nào để có thể kinh doanh khi mà họ không có những điều kiện khác, ví dụ như vốn...
Trong một buổi nói chuyện ở ĐH Tài chính, một bạn sinh viên nữ có hỏi tôi là chúng cháu khi đi xin việc đến đâu cũng bị đòi phải có 2 năm kinh nghiệm, vậy chúng cháu phải làm thế nào. Tôi có nói thế thì đừng xin việc ở những chỗ như vậy nữa. Không có kẻ dại nào khi lấy vợ lại đòi vợ mình có 2 năm kinh nghiệm cả. Cứ làm đi. Tôi có quen một người bạn, là giáo sư đại học hẳn hoi. Anh ta định kinh doanh và có nói với tôi là đã chuẩn bị thế này, thế kia. Nhưng sau nhiều năm không thấy kinh doanh gì. Sau đó anh ấy có đến gặp tôi và muốn thảo luận thêm với tôi về việc kinh doanh. Tôi bảo anh ấy, này cậu, cậu như một kẻ leo núi, đã có đủ tất cả, có giày, có dây, có móc. Mỗi tội là cậu không chịu leo. Kinh doanh là một cuộc leo núi, bắt đầu bằng niềm say mê. Những thứ còn lại như phương tiện, vốn liếng, kinh nghiệm... các bạn sẽ nhặt dọc đường.
Vấn đề là phải xây dựng cho được teamwork của mình và hạt nhân đầu tiên chính là ý đồ của mình. Sự chín chắn của kẻ bắt đầu là ở ý đồ. Sự tinh khôn của kẻ bắt đầu là biết nhặt dọc đường những thứ mình gặp. Chín chắn là biết giấu bớt những lợi tức mình nhặt được dọc đường để phòng những lúc khó khăn. Tôi thấy một nhược điểm rất rõ của một số doanh nhân hiện nay đó là tiêu hoang một cách vô lối nhằm thị uy với xã hội về sự kiếm được của mình. Đó là biểu hiện quan trọng nhất của sự thiển cận.

No comments: