Saturday, July 25, 2009

Quan Niệm Các Nơi Về Nhân Quyền

Điều khó hiểu đối với tôi là ngoài lý do mị dân để kiếm phiếu, mấy Thương Nghị Sĩ, Dân Biểu Mỹ đó không có chuyện gì làm khác hay sao mà lại cứ xía vào chuyện nội bộ của Việt Nam, và chỉ nhắm vào Việt Nam, một nước nhỏ, tương đối nghèo, và đang ở trên đà phát triển. Tại sao mấy người dân cử đó, sống do tiền thuế của những công dân như tôi, lại cứ đi làm những chuyện ruồi bu, trong khi trên chính trường quốc tế còn vô số những chuyện đáng làm để tăng uy tín của nước Mỹ. Trái lại, họ lại đi làm cái chuyện “cường quyền thắng công lý”, chuyên việc đi ăn hiếp người của các tên Anh Chị. Phải chăng họ vẫn còn hậm hực vì Mỹ đã thua ở Việt Nam, hay nói cách khác, không thể thắng được ở Việt Nam trước đây. Hay là ăn không ngồi rồi, nặn ra vài việc để ve vuốt dân Việt di cư chống Cộng? Mà thật ra Mỹ có quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam không, những gì Mỹ làm trong cuộc chiến ở Việt Nam đã chứng tỏ Mỹ tôn trọng nhân quyền của người dân Việt Nam như thế nào. Ngày nay, chiêu bài nhân quyền của Mỹ đúng như nhận định của Giáo Sư Noam Chomsky:

“Thật ra chính sách ngoại giao của Mỹ là đặt căn bản trên nguyên tắc không liên quan gì đến nhân quyền, mà là liên quan nhiều đến sự tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho ngoại thương”

(James Speck, Editor, The Chomsky Reader, p. 331: U.S. foreign policy is in fact based on the principle that human rights are irrelevant, but that improving the climate for foreign business operations is highly relevant.)

Vì những quyền lợi này nọ của Mỹ, Mỹ đã giúp Việt Nam gia nhập WTO, đã bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách [danh sách chỉ là một danh sách trên giấy tờ] các nước cần đặc biệt quan tâm về vấn đề tôn giáo [CPC], nhưng mặt khác, vài ông bà Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu lại nhúng mũi vào những chuyện không phải của họ, làm luật này nọ về nhân quyền để hùa theo một thiểu số dân “tỵ nạn” chống phá Việt Nam, làm như quan niệm về nhân quyền và dân chủ của Mỹ là những khuôn vàng thước ngọc, phải được áp dụng trên toàn thế giới, không thử sờ lên gáy để thấy nền dân chủ và quan niệm về nhân quyền đã tạo nên một nước Mỹ như thế nào về các tệ đoan và các tội ác mà các thống kê của chính nước Mỹ đã tỏ rõ là đứng đầu thế giới về tỷ lệ trên dân số.

Như vậy, quan niệm về nhân quyền của Mỹ có thể áp dụng cho Việt Nam nói riêng, các nước khác nói chung, hay không ? Chúng ta hãy duyệt qua quan niệm về nhân quyền của một số chính khách trên thế giới:

► Một số lãnh tụ ở Á Châu, thí dụ như Thủ Tướng Mã Lai Mahathir Mohamad, đã cho rằng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là sản phẩm của những quốc gia Tây phương [không hiểu gì về các xã hội Đông phương], chỉ là sự xâm lược văn hóa của chính sách đế quốc Tây phương (Some Asian leaders, like Malaysian Prime Minister Mahathir Mohamad, denounce it (the Declaration) as Western cultural imperialism), và đề nghị phải duyệt lại bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này.

► Thủ Tướng Lý Quang Diệu của Singapore cũng cho rằng “Những bài thuyết giảng về nhân quyền [của Mỹ] chỉ là những vận dụng của thái độ kiêu căng Tây phương, sẽ không có ảnh hưởng gì đến Bắc Kinh” (Newsweek, Nov. 29, 1993: “Human-rights lectures, says Lee, are exercices in Western arrogance that will not influence Beijing.”)

► Và Thủ Tướng Nhật Hosokawa cũng tuyên bố “Những quan niệm về nhân quyền của Tây Phương không thể áp dụng một cách mù quáng vào Á Châu” (New York Times, May 2, 1994: Japan’s Prime Minister Hosokawa: “Western human rights concepts could not be “blindly applied” to Asia”)

► Cách đây ít năm, những quốc gia Á Châu đã họp ở Bangkok và chấp thuận một bản tuyên ngôn nhấn mạnh rằng nhân quyền phải được xét đến “trong bối cảnh của những cá biệt quốc gia và địa phương, và những nền tảng lịch sử văn hóa tôn giáo khác nhau” và rằng “theo dõi vấn đề nhân quyền là vi phạm chủ quyền quốc gia” (human rights must be considered in the context of national and regional particularities and various historical religious and cultural backgrounds, that human rights monitoring violated state sovereignty) và sau cùng “viện trợ kinh tế với điều kiện, dựa trên tiêu chuẩn nhân quyền [trong khi thực sự không quan tâm đến nhân quyền, theo như nhận định của Noam Chomsky] là đối ngược với quyền phát triển” (and that conditioning economic assistance on human rights performance was contrary to the right of development).

Tôi không hiểu mấy dân biểu Mỹ như Smith, Lofgren, Sanchez, Davis v..v.. có biết đến những điều này hay không? Họ có biết rằng, ngày nay, nhiều quốc gia không còn thuộc quyền thống trị của thế giới Tây phương, cho nên những quan niệm về nhân quyền của Tây phương không còn khả năng để áp đặt trên toàn thể thế giới. Nhất là đối với Việt Nam, Mỹ đã thua ở Việt Nam vì không biết đến lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, không biết đến tinh thần yêu nước sâu đậm của người dân Việt Nam, rất nhạy cảm trước mọi hành động có tính cách xen vào nội bộ Việt Nam.. Vậy với vài cái nghị quyết ấm ớ, họ tin rằng có thể ảnh hưởng đến chính quyền Việt Nam hay sao? Hay chỉ làm cho người dân Việt Nam oán ghét thêm về sự can thiệp trịch thượng vào nội bộ của nước họ, khơi lại niềm oán ghét mà Mỹ đã gây ra trong cuộc chiến ở Việt Nam. Họ không thể hiểu được rằng Á Đông không bao giờ chấp nhận quan niệm về nhân quyền mà Tây phương cho rằng đó là những quyền mà Thượng đế của họ ban cho [God given].

Tại sao Á Đông không chấp nhận quan niệm về nhân quyền của Tây phương? Ngoài những bất đồng về văn hóa, xã hội, nhân sinh v..v.. giữa những nền văn minh khác nhau, Á Đông còn coi sách lược lưỡng chuẩn (double standard) về nhân quyền của Tây phương như là một sự áp đặt để đạt những mục đích kinh tế, tôn giáo. Tây phương, với bản chất đế quốc, chưa bao giờ tôn trọng nhân quyền ở các nơi khác trên thế giới.

Muốn hiểu rõ vấn đề nhân quyền trong cộng đồng thế giới có lẽ chúng ta không thể nào bỏ qua cuốn Sự Xung Đột Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới (The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order) của Samuel P. Huntington. Huntington là một lý thuyết gia chính trị thế giới nổi tiếng của Mỹ, thường viết trong tập san Foreign Affairs. Uy tín của Huntington không ai có thể phủ nhận. Ông là giáo sư đại học Harvard, giữ chức vụ Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược John M. Olin và Chủ Tịch Học Viện Harvard Nghiên Cứu Các Địa Phương Trên Thế Giới. Ông cũng từng là Giám Đốc Kế Hoạch An Ninh cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dưới thời Tổng Thống Carter, và Chủ Tịch Hội Chính Trị Khoa Học Hoa Kỳ. Giáo sư Huntington giải thích, trang 92:

Vì quyền lực Tây phương suy thoái, khả năng áp đặt những quan niệm về nhân quyền, tự do, và dân chủ của Tây phương trên các nền văn minh khác cũng như sự hấp dẫn của những giá trị Tây phương cũng suy thoái theo. Điều này đã xảy ra. (As Western power declines, the ability of the West to impose Western concepts of human rights, liberalism, and democracy on other civilizations also declines and so does the attractiveness of those values to other civilizations. It already has...)

http://giaodiemonline.com/2009/07/taisao27.htm

No comments: