Sunday, October 10, 2010

Còn nhiều người nghèo, phung phí xót lắm!

Tôi thỏa thuận chỉ nói chuyện với một ông bầu bóng đá Võ Quốc Thắng chứ không nói chuyện với một doanh nghiệp và bầu Thắng dí dỏm: “Anh cứ chuyền bóng khó, tôi sẽ khống chế và ghi bàn cho xem”.
Bầu Thắng mời tôi ngồi rồi mở lời: “Tôi biết anh sẽ hỏi gì, sẽ là chuyện Tài Em, Minh Phương rời Đồng Tâm Long An chứ gì? Đấy! Chỗ anh ngồi vài ngày trước là chỗ Tài Em và Minh Phương ngồi đấy! Họ gặp tôi cũng rất thẳng thắn và chân tình…”.
Chống lại xu hướng bóng đá chuyên nghiệp
. Nói chuyện về Tài Em trước nhé! Một biểu tượng của bóng đá Long An, của Đồng Tâm, thế mà giờ lại dứt áo ra đi?
+ Biểu tượng? (Suy nghĩ) Với tôi thì bóng đá Long An chỉ có một biểu tượng là đội bóng. Tài Em đi vì có những cái ở đội bóng không thỏa mãn được em ấy, như tiền lót tay hay lương bổng. Tài Em được nhiều từ đội bóng rồi và cậu ấy đã bắt đầu nghĩ đến chuyện được nhiều hơn. Điều này rất bình thường với bóng đá chuyên nghiệp và cầu thủ cũng đang cắm đầu chạy theo...
. Tôi không cho là bình thường vì Tài Em mà đi sẽ tạo ra nhiều tiền lệ xấu?
+ Biết nói thế nào nhỉ? Thực tế thì các cầu thủ ấy đều đến gặp tôi và đề nghị nếu thế này, thế này… thì họ ở lại. Và tôi thì rất rõ ràng: “Anh chỉ đáp ứng được thế này, thế này… nếu em cảm thấy được thì ở lại”… Theo tôi thì đổ quá nhiều tiền để giữ một cầu thủ và chạy theo các đội bóng làm bóng đá kiểu vãi tiền mới là tiền lệ xấu.
. Ông có vẻ không mặn mà giữ chân các trụ cột?
+ Tôi quý các tài năng nhưng không đua tiền để giữ tài năng bằng mọi giá theo kiểu phá giá. Tiền làm ra từ mồ hôi và nước mắt chứ đâu phải rác mà cứ vung vít bừa bãi trong khi xã hội còn nhiều người nghèo khổ, chỉ vài trăm ngàn đồng một tháng lương mà có khi vẫn bị thất nghiệp…
Bầu Thắng đang lo sự vung vãi và phung phí tiền cho bóng đá. Ảnh: XUÂN HUY
. Ông đang chống lại xu hướng bóng đá chuyên nghiệp hiện nay?
+ Xu hướng? Chống? (Trầm ngâm và suy nghĩ rất lâu)…
. Ông và bầu Đức là hai doanh nghiệp đi đầu trong phát triển bóng đá chuyên nghiệp, giờ thì ông và cả bầu Đức lại khá lẻ loi trên con đường mà người ta gọi là bóng đá chuyên nghiệp?
+ Tôi và anh Đức khi phát triển từ các CLB của nhà nước thành bóng đá doanh nghiệp không có tư tưởng đổ tiền để vô địch mà quan trọng là tầm ảnh hưởng của đội bóng có ảnh hưởng gì đến xã hội. Ảnh hưởng ở đây còn phải tương đồng và tương thích với đời sống xã hội chứ không phải cứ vô địch để sướng là xong.
. Nghĩa là làm bóng đá theo kiểu tiết kiệm, kiểu con nhà nghèo?
+ Tôi nói điều này có thể động chạm đến nhiều người đang làm bóng đá. Đó là sự lãng phí rất lớn từ thị trường bóng đá đang biến dạng bởi một cuộc đua tiền không lành mạnh trong khi đời sống xã hội còn rất rất nhiều khó khăn. Tôi đi các nước, ngồi với nhiều nhà làm bóng đá và xót khi họ hỏi bình quân thu nhập của người dân Việt Nam, sau đó họ hỏi sang tiền chi cho các CLB, cho mua cầu thủ, cho lót tay… Nghe xong, họ nhíu mày và không tin được chúng ta đang làm bóng đá kiểu gì.
Tại sao những đại gia lại làm bóng đá kiểu ki bo?
. Có bao giờ ông nghĩ trên một con đường ai cũng chạy, chạy ào ạt, mình chỉ cần không tăng tốc là thua, là rớt lại và bị loại?
+ Vậy cũng có người nghĩ ai cũng tăng ga nhưng không biết công suất cho phép của chiếc xe và mặt đường có nhiều ổ gà, ổ voi với nhiều đường băng ngang không và thậm chí là có bảng cấm không?
. Nếu vì vậy mà mùa tới Đồng Tâm Long An rớt hạng thì sao?
+ Thì cũng bình thường thôi. Chúng tôi sẽ đá từ hạng nhất lên với sức lực có thể và với đồng tiền mình bỏ ra một cách hợp lý.
. Có lúc tôi nghe những người làm bóng đá nói bầu Thắng bây giờ ki bo, làm bóng đá mà không dám bỏ tiền?
+ Nhà có năm anh em, anh cả sống trong sung túc, vung vít tiền bạc vô tội vạ trong khi bốn thằng em đứa nào cũng nghèo khổ, đi làm chắt bóp từng đồng mà không đủ ăn thì có ai khen thằng anh đấy không? Bóng đá ta giờ có nhiều người nướng tiền kiểu đấy và tôi không biết sẽ nướng đến bao giờ.
.Vậy cũng có nghĩa lương công nhân Gạch mà 5 triệu đồng thì cầu thủ cũng không vượt quá mức đấy?
+ Ai lại cào bằng như thế! Nhưng nếu anh nhìn qua những nhà “hàng xóm” thì anh sẽ thấy mình phí phạm và đẩy giá ảo lên như thế nào. Chẳng hạn thu nhập đầu người Việt Nam không cao hơn Thái Lan nhưng lương cầu thủ Việt Nam lại cao hơn gấp 5, gấp 10 lần. Cái này là chính mình hại mình. Họ đua nhau trả lương, đua nhau tiêu tiền và bị “cò”, bị những nhà môi giới đẩy giá tạo ra thị trường ảo. Một ngày nào đó những giá trị ảo sẽ bị triệt tiêu và mọi cái sẽ trở lại đúng với giá trị của nó. Chỉ sợ là đến lúc đó thì bóng đá Việt Nam phải chịu nhiều hậu quả từ những cái không thật mà bây giờ đang tranh nhau. Đua nhau để phá giá kiểu đấy thì nguy hiểm quá! Làm bóng đá chuyên nghiệp cần có nhiều tiền nhưng cũng cần phải biết tiêu tiền đúng cách và đúng chỗ. Như anh Ba Đức đấy, một năm bỏ 100 hoặc 200 tỉ đồng làm bóng đá để lấy chức vô địch với anh ấy đâu khó nhưng anh ấy không làm vì anh ấy biết quý đồng tiền mình làm ra mà bóng đá thì chưa cho thu hoạch gì.
. Nhắc tới Ba Đức, tôi nhớ cứ Đồng Tâm Long An đá với Hoàng Anh Gia Lai là người ta lại nhắc đến đại chiến Gạch-Gỗ. Có vẻ đây là cuộc chiến của hai ông bầu không đội trời chung?
+ Trời ạ! Tôi với Ba Đức thân với nhau lắm! Tính Ba Đức hay nói cho sướng để cầu thủ máu đá cho sung. Có lúc Ba Đức trách tôi: “Ông không bắt chước tui tuyên bố cho nó máu mới là bóng đá”. Mới đây, tôi mời Ba Đức dự lễ khởi công Cảng Long An, Ba Đức nói bận ở nước ngoài không về được, tôi mới đùa: “Ông không về chiều nay, tui kêu quân đá chết bỏ, thắng 2-0 cho xem!”. Không ngờ, Ba Đức không về và đội tôi thì cũng thắng 2-0 thật. Ai nói Gạch-Gỗ ghét nhau chứ chúng tôi vẫn là bạn rất thân vì có cùng một cách làm bóng đá và tiêu tiền đúng chỗ cho bóng đá.
. Nhưng nhiều người nói vụ Việt Thắng, ông bị bầu Đức lừa bán để lấy lại vốn vì bầu Đức biết trước Thắng sẽ bị treo giò?
+ Họ không biết gì nên nói thế! Thực chất trước khi mua Việt Thắng, Ba Đức có nói với tôi: “Việt Thắng nó hư quá! Sắp tới bị VFF treo giò rồi lại còn chấn thương nữa. Giờ về CLB nào cũng không thể giáo dục thành người được trừ khi về với anh. Tôi chỉ đồng ý cho Thắng về Đồng Tâm Long An thôi. Quan trọng là giáo dục một cầu thủ để họ biết đứng lên, chứ tiền bạc không thành vấn đề!”. Tôi nghe Ba Đức nói đúng nên đồng ý nhận Thắng về chỉ để ăn lương và chữa chấn thương. Những ngày đầu tôi thấy báo chí “đánh” Thắng ghê quá nên bàn với ông Calisto cho Thắng sang Bồ Đào Nha tập huấn trong CLB nước ngoài để tránh bị dư luận soi và để chính Thắng tĩnh tâm lại.
. Nhưng Thắng vừa thành đạt ở Gạch thì lại đi. Số ông có vẻ không giữ được người tài?
+ Tôi giúp Việt Thắng trở lại không có nghĩa là tôi bắt Thắng phải mang ơn tôi và phục vụ suốt đời cho Đồng Tâm Long An.
. Vậy gần 10 năm gắn với bóng đá chuyên nghiệp, ông được gì?
+ Được nhiều lắm chứ! Cái được lớn nhất là chúng tôi đi đầu trong việc doanh nghiệp hóa đội bóng, từ đó các đội đều như thế, giúp ngân sách nhà nước mỗi năm giảm hàng trăm tỉ đồng. Rồi tôi có một đội bóng dù họ đá hay hay dở cũng không ai nghĩ là họ bán độ bao giờ cả…
. Thế cũng từng ấy năm ông mất gì?
+ (Suy nghĩ rất lâu) Tôi cũng mất nhiều lắm! Muốn bóng đá phát triển chung theo hướng tích cực nhưng nó lại không đi theo hướng ấy và nhiều khi mình trở thành kẻ đi đường độc đạo, thế là đã mất rồi. Chưa kể là mình bị hiểu sai nhiều, nhất là cả đối với những cầu thủ mà mình rất thương yêu, chăm chút…
. Thế nếu thời gian quay lại, ông có nhận đội bóng đá từ nhà nước để phát triển như bây giờ không?
+ (Trầm ngâm) Nói thật, nếu biết bóng đá phát triển theo hướng này thì lúc đấy tôi đã phải suy nghĩ lại.
. Giống như việc ông đang là ủy viên VFF lại bất ngờ rút lui?
+ Cái này thì khó nói lắm nhưng nói chung, khác suy nghĩ và khác đích đến thì khó song hành được với nhau.
. Xin cảm ơn ông.
“Say” với Cảng Long An lên đến 1 tỉ USD
Đang nói chuyện bóng đá, bầu Thắng chuyển đề tài sang Cảng Long An vừa khởi công với kinh phí dự trù 1 tỉ USD. Ông mở laptop khoe tôi công trình vừa khởi công và tương lai thì Long An có một cảng hoành tráng và sẽ là niềm tự hào của đồng bằng sông Cửu Long. Chưa đã cơn “say”, ông mở luôn bài Miền hạ quê em, nói về vùng đất nghèo khó bạc màu và mặn phèn quê ông sau này sẽ thành một Cảng Long An hoành tráng, giải quyết việc làm cho biết bao người dân nghèo khó tại đây. Hát hết bài hát, mắt ông rơm rớm nói: “Quê tôi đó, nghèo lắm! Chừng nào đời sống người dân mình khá lên và đủ ăn, thoát nghèo rồi thì làm bóng đá cỡ nào tôi cũng chơi”.
NGUYỄN NGUYÊN

No comments: