Monday, September 26, 2011

Chống tham nhũng cần khoa học hơn, chặt chẽ hơn

Thưa ông, Nghị định số 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập sẽ có hiệu lực từ ngày 30-9 tới đây. Có nghĩa là câu chuyện kê khai tài sản không phải là mới mẻ ở Việt Nam, càng không mới đối với thế giới, nhưng có vẻ là một chuyện khó thực hiện ở Việt Nam?
Ở trên thế giới người ta không đặt ra vấn đề kê khai tài sản, vì tất cả mọi tài sản đều minh bạch, hoặc cũng có tài sản không minh bạch nhưng người ta cũng không đặt ra việc kê khai. Người ta chỉ đặt vấn đề kê khai đối với các tài sản có được từ quyền lực của bộ máy nhà nước, tức là từ ngân sách, thứ hai là từ các tài trợ chính trị. Tức là việc kê khai tài sản chỉ liên quan đến những người làm chính trị, quan chức chứ không phải là một đòi hỏi bắt buộc phải kê khai tài sản đối với bất kỳ người dân nào.
Vâng, thưa ông, tôi nghĩ là theo tinh thần của Nghị định 68 thì ở Việt Nam kê khai tài sản cũng là để hướng tới mục tiêu phòng chống tham nhũng là chính, tức là đối tượng cần kê khai tài sản hay nói cách khác là bắt buộc phải kê khai tài sản chủ yếu là cán bộ, công chức – những người nằm trong bộ máy nhà nước?
Tôi thấy chúng ta đang đặt ra một vấn đề tôi cho là chưa rõ ràng lắm. Theo tin tức được phản ánh từ báo chí mà tôi đọc được thì có quan chức có trách nhiệm đã phát biểu, đến một lúc nào đó sẽ có sự kê khai tài sản đối với cả xã hội. Vậy chúng ta có định hình thành cho xã hội một thói quen kê khai tài sản hay không? Bởi vì công khai và kê khai tài sản sẽ kéo theo rất nhiều thứ khác. Nhà nước có biện pháp gì để bảo vệ tài sản cho những người đã công khai tài sản trước nguy cơ xâm phạm từ các lực lượng xã hội đen tối khác. Bởi nếu chúng ta có một số tài sản thì dễ bị trộm cắp “nhìn”, kẻ cướp cũng “nhìn”, bọn khủng bố cũng “nhìn” và nó liên quan đến chuyện bắt cóc, tống tiền cùng nhiều hệ lụy khác. Tôi cho rằng đặt ra vấn đề kê khai tài sản mà không xét đến các khía cạnh hậu quả của vấn đề này là một sự đơn giản hóa. Chúng ta không nhân danh chống tham nhũng để bắt người ta “phơi áo” trước mọi thèm thuồng của các lực lượng xã hội khác nhau. Có cả những lực lượng bảo vệ sự trong sạch xã hội, nhưng cũng có những lực lượng không hề có trách nhiệm bảo vệ sự trong sạch xã hội có thể sẽ lợi dụng vào những thông tin đó. Tôi cho rằng nếu quan niệm kê khai tài sản sẽ làm các nguồn tài sản được minh bạch thì đó là một quan niệm rất đơn giản, chưa chú ý đầy đủ đối với an ninh cá nhân. Các bạn biết là những người giàu ở trên thế giới này phải thuê vệ sĩ, người ta phải bảo hiểm tài sản, phải làm rất nhiều việc để bảo vệ tài sản. Đã đến lúc chúng ta không thể nhìn mỗi một sự việc một cách đơn giản như hiện nay chúng ta đang nhìn.
Chúng ta nhớ một điều là, chống tham nhũng chỉ là một mục tiêu trong các mục tiêu xã hội. Nếu anh có một triệu là đủ thì triệu thứ hai chính là phát triển. Nếu triệu thứ hai (vì phải kê khai) mang lại tai họa nhiều hơn thì liệu có cần có triệu thứ hai không? Và khi mỗi một thành viên của xã hội nghĩ rằng không cần đến triệu thứ hai tức là xã hội không phát triển nữa. Tôi cho rằng không nên biến một chức năng quản lý nhà nước thành một phong trào xã hội. Không nên lạm dụng một mục tiêu, cho dù mục tiêu ấy rất quan trọng và được xã hội rất hưởng ứng là chống tham nhũng để đưa ra các tuyên ngôn đơn giản.
Vậy nhưng theo ý ông, quan hệ giữa việc kê khai tài sản và mục tiêu chống tham nhũng như thế nào?
Về mặt nguyên tắc, quan chức của chúng ta gần như không có tài sản. Bởi đem so lương với mức chi tiêu để người ta có thể sống một cách bình thường, thậm chí là phải hơi tiết kiệm hiện nay thì không có một quan chức nào đủ lương để sống.
Trở lại với vấn đề ông lo lắng ở trên là kê khai tài sản sẽ làm an ninh cá nhân bị đe dọa. Nhưng trong thực tế mấy năm qua, việc kê khai tài sản của cán bộ cũng chưa được công khai trước dân?
Đúng vậy, nghĩa là việc kê khai chỉ là để nội bộ biết. Nếu kê khai mà không có xét xử, không có kỷ luật, không có làm rõ thì dân sẽ bảo đấy là cán bộ kê khai với nhau. Vậy là thay vì mất uy tín của từng cá nhân, việc đặt vấn đề kê khai tài sản có thể sẽ làm mất uy tín tập thể. Cho nên đặt ra những đòi hỏi như thế, những yêu cầu như thế đôi khi chúng ta không lường trước được khả năng thực thi, nó sẽ dẫn đến mất uy tín một cách tập thể.
Quan điểm của ông từ đầu câu chuyện đến giờ có vẻ là không ủng hộ việc cán bộ phải kê khai tài sản, trong khi dư luận xã hội lại đang trông chờ điều này như một liều thuốc có thể phòng và chống tham nhũng?
Như tôi đã nói ở trên, nếu nghĩ rằng với việc kê khai tài sản để chống tham nhũng thì rất khó đạt được. Chống tham nhũng cũng là một nghệ thuật. Chống tham nhũng cũng phải có binh pháp của nó chứ không phải chống tham nhũng bằng tuyên bố. Chúng ta sẽ tiến tới một xã hội công khai hóa, minh bạch hóa hoàn toàn về tài sản, nhưng minh bạch thế nào lại là chuyện khác, không đơn giản chỉ là việc tự kê khai.
Vậy theo ông, làm thế nào để kiểm soát được nguồn tài sản có được nhờ lợi dụng chức quyền?
Cần rất thận trọng khi đặt ra vấn đề kiểm soát tài sản. Người ta kiểm soát sự trốn thuế. Chính phủ Anh và Chính phủ Thụy Sĩ vừa đạt được một thỏa thuận về việc đánh thuế các khoản tiền gửi của công dân Anh có tài khoản bí mật ở các ngân hàng Thụy Sĩ. Mọi tài sản bất minh ở các nước phát triển chính là trốn thuế, còn tham nhũng thì người ta kiểm soát kín hơn, và không có chuyện công khai tài sản. Kê khai thì có thể có nhưng công khai là một vấn đề. Không nên nhầm lẫn giữa kê khai và công khai. Kê khai với nhau hay kê khai với ai cũng là một vấn đề.
Nhưng kiểm soát thu nhập qua thuế ở Việt Nam hiện nay cũng đang rất khó?
Đương nhiên, những khát vọng của chúng ta hiện nay thì cái gì cũng khó cả. Số lượng người có thu nhập bên ngoài đồng lương công khai ở Việt Nam hiện nay lớn đến mức nó trở thành vấn đề. Ở các nước phát triển, mua nhà là anh mua chịu thì anh phải chứng minh là anh có nguồn tài chính. Cho nên các tổ chức dân sự khác nhau làm minh bạch vấn đề, chứ không phải Nhà nước đứng ra làm minh bạch vấn đề. Mọi việc chúng ta làm đều là Nhà nước đứng ra cả và Nhà nước trở thành đối tượng của xã hội. Cho nên, phải nói rằng đặt ra các mục tiêu vừa phải với năng lực của Nhà nước trong vấn đề kiểm soát xã hội là cả một vấn đề khoa học phải nghiên cứu, chứ không thể nói khát vọng chung chung được nữa.
Tôi vẫn muốn hỏi lại, ông cho rằng việc chống tham nhũng phải tinh tế hơn, cụ thể là Nhà nước phải làm gì, thưa ông?
Không phải chỉ tinh tế hơn, mà buộc phải khoa học hơn, buộc phải chặt chẽ hơn, và buộc phải phù hợp với năng lực của bản thân Nhà nước nữa. Bởi vì kiểm soát xã hội đòi hỏi phải có chi phí, phải có tiền. Bây giờ muốn kiểm soát giao thông chẳng hạn thì buộc phải có cảnh sát giao thông. Lương của anh em cảnh sát giao thông thì thấp nên một bộ phận trong số họ sẽ coi ra đường là cơ hội để thêm thu nhập và nó trở thành một vấn đề không chỉ của xã hội mà của Nhà nước nữa. Bây giờ chúng ta lại đặt mục tiêu kê khai tài sản thì cũng đòi hỏi bộ máy để thực thi, để giám sát và nó rất dễ trở thành gánh nặng của Nhà nước.
Nói tóm lại, ý của ông là không thể chống tham nhũng chỉ bằng việc kê khai tài sản, trong khi như tôi đã nói ở trên dư luận xã hội có vẻ đang rất kỳ vọng vào chủ trương này?
Chỉ với kê khai lẫn công khai chưa thể chống tham nhũng được. Chống tham nhũng sâu sắc hơn nhiều. Bây giờ lấy đâu lực lượng để kiểm soát việc kê khai tài sản và kiểm soát sự gia tăng tài sản. Xã hội sẽ như thế nào nếu có một đội quân rầm rộ suốt ngày đi điều tra tài sản. Cho nên, khi đưa ra các quyết sách theo tôi cần phải thận trọng. Đề ra quyết sách rồi không thực thi được sẽ làm giảm thêm một chút trong sự suy giảm lòng tin của xã hội.
Đừng vội vàng đưa ra những tuyên bố theo kiểu: Khi Nghị định 68 được thực thi sẽ tạo ra sự minh bạch trong phòng chống tham nhũng. Xưa nay chúng ta có một thói quen là chúng ta đưa ra những tuyên bố một cách tương đối dễ dãi, và thói quen ấy cần phải chấm dứt. Cần phải rất thận trọng trong việc đưa ra các tuyên bố.
Xin cảm ơn ông!

No comments: