Tuesday, February 7, 2012

Tự tin và khiêm tốn trước năm con Rồng


- Theo các ông, tại sao người ta hay ví đến hình tượng "rồng", "hổ"... khi nói về các nền kinh tế?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Phát triển kinh tế là cách dễ nhất để chỉ ra mình là rồng, là hổ hay là cái gì khác. Khi chúng ta ngưỡng mộ các quốc gia phát triển khác thì chúng ta cũng chỉ mới kịp để ý đến sự phát triển kinh tế của họ. Đôi khi chúng ta không kịp để ý đến những khía cạnh phát triển khác. Vì thế cho nên ước mơ về việc phát triển kinh tế để chỉ cho những nước khác thấy rằng người Việt Nam cũng chẳng đến nỗi nào, cũng có thể trở thành rồng, thành hổ - đấy là những vẻ đẹp mà người Việt Nam vẫn ngưỡng mộ. Tôi không thấy ngạc nhiên trước ước mơ trở thành rồng, thành hổ về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, với cá nhân tôi, tôi không xem việc thành rồng hay thành hổ, nó quan trọng bằng thành người văn minh. Trở nên văn minh khó hơn thành rồng hay thành hổ. Có rất nhiều quốc gia trở thành rồng, thành hổ, thậm chí là rồng lớn, hổ lớn chứ không phải bé, nhưng chưa thành nước văn minh hoặc đang rất vất vả để thành nước văn minh. Người ta vẫn trộn những chất độc vào thức ăn, người ta vẫn ăn cắp các sáng chế, các thương hiệu thuộc sở hữu của người khác. Những dấu hiệu ấy có thể là những dấu hiệu được lờ đi trong việc mô tả một con rồng. Nhưng khi chúng ta mô tả con người thì buộc chúng ta phải kể đến.
- Trong khu vực, "những con rồng" nào mà ông ấn tượng nhất? Vì sao? Và nó mang lại bài học gì cho Việt Nam?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Trước hết, chúng ta phải kể đến Nhật Bản. Đấy là một dân tộc thức tỉnh rất sớm trong những điều kiện mà các nước lân bang của nó vẫn còn ngủ, thậm chí vẫn còn ngáy. Người Nhật Bản đã có một lịch sử để làm bằng chứng cho sự thức tỉnh rất cặn kẽ, rất toàn diện, rất người của họ. Sự phát triển của Nhật Bản là sự phát triển đồng đều, cân đối của một nền văn hóa, không đơn thuần chỉ là một nền kinh tế. Nhật Bản đóng góp một cách thật lòng, một cách thật sự, một cách rất có giá trị đối với toàn bộ kinh nghiệm để phát triển của nhân loại. Vì thế tôi ngưỡng mộ người Nhật Bản.
Người Hàn Quốc thì ở địa vị khó khăn hơn. Nhưng người Hàn Quốc lại có một ý chí, một khát vọng, một quyết tâm không thể tưởng tượng nổi. Người Hàn Quốc là một tấm gương bứt phá, mặc dù sự thức tỉnh hơi chậm.
Còn Singapore là một quốc gia đô thị, nó là một thành bang. Thành tựu của nó lại diễn ra dưới dạng khác, nó cung cấp một kinh nghiệm khác. Kinh nghiệm ấy là làm thế nào để một nước nhỏ bé, một quốc gia có chất lượng đô thị phát triển đến mức gây nên được uy tín, gây nên sự tín nhiệm toàn cầu, tạo ra một trật tự xã hội đáng nể, một mức độ giáo dục đáng nể như vậy. Singapore cung cấp cho chúng ta kinh nghiệm tổ chức các đô thị như thế nào. Cả 3 nước ấy có điểm chung là họ thừa nhận dân chủ là một khuynh hướng tất yếu trong việc cấu tạo ra một xã hội văn minh.
- Để "rồng" không dính "bẫy" thì phải làm sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Theo tôi, bẫy thu nhập trung bình chỉ thuần túy là kinh tế. Chúng ta đã mắc một số cái bẫy rồi. Thứ nhất là sốt ruột. Chúng ta rất sốt ruột, vội vã, chúng ta thiếu đắn đo, thiếu cân nhắc, thậm chí là thiếu chín chắn trong những thể nghiệm xã hội. Thứ hai là thường quá xem trọng xây dựng cơ chế điều hành là Nhà nước mạnh, nó làm cho chúng ta nếu có hóa rồng thì con rồng ấy cũng chỉ hiện được cái đầu, còn cái đuôi của nó là hằng hà sa số nguồn động lực cộng đồng, người dân thì phải xuất hiện sau. Do đó, người ta ngờ vực tính rồng của con rồng Việt Nam, nếu như người ta không thấy được cái đuôi của nó.

"Thời tiết kinh tế" năm 2012
- Có chuyên gia nhận định, năm 2011 là năm kinh tế khó khăn nhất trong 20 năm qua. Ông có nhận xét gì?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Nhận định ấy nó quá dễ. Nó giống như nhận định chắc chắn ở phố này thế nào cũng có ít nhất một hàng phở. Bởi thực trạng của năm 2011 là thực trạng của toàn cầu. Chúng ta đang ngồi đây trong khi tôi biết một cách chắc chắn rằng toàn bộ các chính phủ của châu Âu đang vò đầu để suy ngẫm về việc thoát ra khỏi khủng hoảng của khu vực Eurozone như thế nào. Toàn bộ giới học giả kinh tế trên thế giới đang hồi hộp và trăn trở để nghĩ ra giải pháp cho việc tránh khỏi các thảm họa kinh tế. Tất cả các ông chủ của các thực thể kinh tế toàn cầu đang cấu trúc các doanh nghiệp của mình cho phù hợp với tình trạng suy thoái kinh tế tiếp tục của thế giới. Tất cả mọi người đều lo lắng. 2011 là một năm lo lắng và năm 2012 là một năm lo lắng nhiều hơn nhiều so với năm 2011. Không được phép lạc quan đối với năm 2012, cho dù nó là năm rồng thì tất cả những năm rồng đều vất vả hơn nhiều những năm còn lại.
- Với nhãn quan của một chuyên gia kinh tế, bức tranh kinh tế VN năm 2012 trong ông, sẽ có những gam màu gì?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Gam màu của nó là một gam màu tổng hợp, trong đó có nhiều điểm sáng, không phải điểm sáng của thành công mà là điểm sáng của việc thoát ra khỏi sự khó khăn như thế nào.
- Kinh nghiệm "vượt điểm đấy" của những con rồng trên thế giới, là gì?
Ông Huỳnh Thế Du: Triệt để sửa chữa những khiếm khuyết, cắt ngay những khối u, nhất là những khối u ác tính ngày một lớn tàn phá nền kinh tế và làm băng hoại đạo đức xã hội.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi đến các nước gọi là "rồng châu Á" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore vào những năm 1997, 1998, 1999, lúc có khủng hoảnh kinh tế chấu Á, để quan sát cuộc khủng hoảng kinh tế này. Ấn tượng của tôi với các quốc gia ấy là họ cực kỳ khiêm tốn. Họ hỏi kinh nghiệm, họ hỏi tiếng vọng của núi rừng về sự khủng hoảng của họ. Đó là sự khủng hoảng của các yếu tố được tạo ra bởi quá trình toàn cầu hóa. Quá trình toàn cầu hóa biến tất cả các nền kinh tế trở thành một môi trường hở, do đó nó rất dễ bị nhiễm bệnh, bị nhiễm lạnh. Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc là một ông già khoảng 80 tuổi, ông ấy hỏi tôi một cách rất trịnh trọng. Tôi vừa trả lời vừa khâm phục sự khiêm tốn vĩ đại của những dân tộc ý thức rất rõ rủi ro mà mình phải đối mặt. Có lẽ nếu chúng ta học thì nên học sự bình tĩnh và khiêm tốn của họ. Hình như đôi khi chúng ta phải nói to lên để đỡ sợ ma. Những người có kinh nghiệm hiểu rằng chúng ta đang run, những người lạ thì dễ hiểu lầm chúng ta kiêu ngạo. Chúng ta vừa không nhận được sự ủng hộ của những người chín chắn vì chúng ta kiêu ngạo, chúng ta cũng không nhận được sự tin cậy của những người sáng suốt vì chúng ta thiếu tự tin. Cho nên tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh khó khăn sắp tới chúng ta cần phải tự tin và cần phải khiêm tốn.
- Về mặt vĩ mô, chúng ta cần làm gì? Tư duy kinh tế có nên thay đổi?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta luôn luôn đòi hỏi phải có tư duy kinh tế thay đổi. Tôi không nghĩ như thế. Chúng ta bám chặt lấy cuộc sống, chúng ta nương theo và phát triển một cách tự nhiên theo các nhịp điệu tự nhiên của cuộc sống, chúng ta sẽ thay đổi. Sự thay đổi không bắt đầu từ ý định chủ quan mà từ sức ép của thực tế. Đổi mới là một hoạt động chịu sức ép của thực tế. Thực tế chính trị toàn cầu bắt buộc chúng ta phải đổi mới. Bản năng của đời sống con người bắt chúng ta phải thay đổi. Thay đổi trước sức ép của cuộc sống chính là dấu hiệu của sự sống.

No comments: