Wednesday, February 27, 2013

'Chúng ta đang loạn tài năng'

"Bây giờ chúng ta hơi loạn tài năng, bởi chúng ta không chỉ ra được tiêu chuẩn của tài năng" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt nhận định về cách quan niệm, chính sách thu hút tài năng trẻ hiện nay.
>> Giới trẻ 'nghèo' nhất tài sản gì?
>>  Khủng hoảng là... cơ hội của người trẻ
>> Con người tự do vẫn là ý niệm xa lạ
LTS: Xung quanh câu chuyện Định vị người trẻ thời khủng hoảng, ông Nguyễn Trần Bạt - chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group - đưa ra quan điểm về các vấn đề như vị trí của lớp trẻ, chính sách thu hút tài năng, v.v...
Đừng kỳ vọng môi trường vô trùng
- Ông đánh giá vị trí của lớp trẻ trong bối cảnh hiện nay ra sao? Với vị trí đó, họ đã nhận được sự quan tâm thích đáng của xã hội và các nhà lãnh đạo hay chưa?
Theo tôi, lớp trẻ hiện nay đang đứng ở vị trí tiền phương của toàn bộ các tiến trình, hoạt động và phát triển của xã hội. Trước hết họ đứng ở tiền phương trong sự chịu đựng những khó khăn chúng ta đang gặp phải. Họ vất vả, họ rất đáng được hỗ trợ, rất đáng được nghiên cứu và phân tích một cách khoa học.
Độ tuổi 25 - 35 của lớp trẻ chính là khoảng thời gian bản lề trong toàn bộ quá trình của một con người. Họ phải có gia đình để tạo lập hạnh phúc, phải xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho bản thân và gia đình. Họ buộc phải có công việc để thực hiện tất cả những điều đó.
Bởi thế, quan tâm đến lớp trẻ là một trong những quan tâm quan trọng nhất, để từ đó xác định xã hội chúng ta còn tỉnh táo, bình thường nữa hay không. Bỏ rơi lớp trẻ là dấu hiệu tiêu cực nhất trong tất cả mọi sự tiêu cực.
Tôi cho rằng, lúc này đặt ra vấn đề địa vị, tình thế, các điều kiện cơ bản của lớp trẻ chắc chắn là một vấn đề được xã hội hoan nghênh, nếu chúng ta xem xét nó một cách nhân văn, thiện chí, và có trách nhiệm.
Vấn đề đặt ra là, ở vị trí tiền phương như vậy thì lớp trẻ phải chịu đựng như thế nào? Và chúng ta có thể khuyên lớp trẻ nên có thái độ ra sao.
Cần nói rằng, dân tộc chúng ta có một quá trình hết sức khốc liệt. Từ đầu thế kỷ 20, những thanh niên thế hệ của những người như cố tổng bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn đã phải hi sinh thân mình, chịu đựng nhiều thứ phức tạp hơn chúng ta bây giờ. Nhưng thuận lợi của họ là họ có trước mắt một hình hài đất nước để đi tìm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt
Lớp trẻ bây giờ không phải không có một nhu cầu tinh thần giống như thế hệ ấy. Từ bên trong đời sống tinh thần của mình, họ tự giao cho mình những nhiệm vụ không hề thua kém, không hề thiếu sự thiêng liêng, đẹp đẽ. Có lẽ đôi chỗ họ chưa chuẩn mực về mặt thái độ thể hiện, nhưng động lực tinh thần của họ phong phú, đẹp đẽ và phức tạp không hề kém các thế hệ đi trước. Phải chăng thế hệ trẻ hiện nay là hậu duệ tinh thần của thế hệ trẻ đầu thế kỷ 20.
Tôi tự hào theo dõi tất cả các diễn biến tinh thần của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ của chúng ta đang hiện đại, hiểu biết dần lên, họ biết học, biết tìm nơi để học, biết trang bị cho mình những kiến thức rất hiện đại. Họ háo hức và cũng rất giỏi giang trong việc sử dụng phương tiện của thời đại để tiếp cận những vấn đề mà họ quan tâm.
Đặc biệt họ vẫn giữ được những điểm tích cực vốn có của người Việt đối với những vấn đề liên quan đến đời sống, vận mệnh, chủ quyền đất nước. Họ đúng hay sai còn là vấn đề cần bàn, và tùy theo các quan điểm, sự tinh tế của các kế sách chính trị mà đôi khi các nhà lãnh đạo không phổ biến cho lớp trẻ biết.
Tuy nhiên, tôi nghĩ từ trong sâu xa, các nhà chính trị, các lãnh đạo của chúng ta luôn bị hấp dẫn bởi sức trẻ. Có thể vì những lý do chính trị, lý do tinh tế của kế sách chính trị mà họ không thể hiện ra ngoài. Nhưng tôi không tin những người có tinh thần trách nhiệm với đất nước lại vô cảm với thế hệ trẻ, với thái độ chính trị của thế hệ trẻ.
Cùng với thời gian, bằng sự cố gắng rất đáng ngợi khen của thế hệ trẻ, tôi nghĩ năng lực lao động của XH chúng ta sẽ dần được cải thiện, nâng cao để chúng ta không còn là thị trường lao động rẻ. Suy cho cùng, những ai không biết tin tưởng, kỳ vọng, không vun xới, đầu tư vào thế hệ trẻ thì chắc chắn là không khôn ngoan.
- Ông có nói các nhà lãnh đạo quan tâm và bị thu hút về phía người trẻ. Tuy nhiên, có những sự việc thực tế dường như thể hiện ngược lại. Chẳng hạn gần đây là "cú sốc" chạy công chức 100 triệu, sau đó kết luận thanh tra lại là không có hiện tượng này. Ông nhìn nhận câu chuyện này thế nào? Theo ông, những chuyện như vậy tác động đến tâm lý, niềm tin của giới trẻ ra sao?
Trước hết theo tôi, giới trẻ không phải là một lực lượng đòi hỏi một môi trường vô trùng để đảm bảo cho họ sống an toàn. Lớp trẻ buộc phải lặn lội, "chui" vào tất cả những không gian, ngõ ngách, đầy rẫy những phức tạp. Chúng ta đừng kỳ vọng có một môi trường vô trùng cho lớp trẻ và môi trường như vậy cũng không tốt cho quá trình rèn luyện bản lĩnh của họ.
Chạy một trăm triệu là một thực tế và việc không tìm ra ai chạy cũng là một thực tế. Trong một phát biểu mới đây của tôi trên Đài tiếng nói VN về vấn đề tái xác lập một số cơ quan của Đảng, tôi nói rằng chúng ta là một quốc gia mất trộm rất nhiều nhưng không bắt được kẻ trộm, bởi đôi khi kẻ trộm nhiều quá, không phát hiện lẫn nhau được. Và đó chính là một tín hiệu vô cùng nguy hiểm cho một xã hội - xã hội không đủ năng lực bắt kẻ trộm.
Hiện chúng ta huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia chiến đấu chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Nhưng chiến đấu cũng không phải để bắt kẻ trộm.
Ở khía cạnh khác, tôi cho rằng biến một tên kẻ trộm thành người lương thiện khó hơn nhiều so với việc đi bắt kẻ trộm. Bản thân tôi không xung vào đội quân "bắt trộm", mà cố gắng tham gia một ê-kíp khác - ê-kíp làm hoàn lương những kẻ đã trót lấy trộm.
Quan niệm về tài năng là năng lực của lãnh đạo
- Trong việc thu hút tài năng trẻ, chúng ta cũng đã có những động thái, chính sách tích cực. Nhưng nhiều người đánh giá chúng chưa đem lại hiệu quả lớn, chẳng hạn thống kê cho thấy chính sách trải thảm đỏ của HN mới chỉ thu hút được khoảng 10% số thủ khoa. Tuy nhiên, khoan chưa bàn về hiệu quả, theo ông, cái nền tảng để cấu thành nên chính sách, đó là quan niệm về tài năng của chúng ta hiện nay đã ổn chưa?
Tôi nghĩ tài năng và quan niệm về tài năng cũng là một năng lực, và đó là năng lực của những người lãnh đạo, những người đưa ra các tiêu chuẩn để định nghĩa tài năng và đưa ra các quy chuẩn để tuyển chọn và sử dụng họ.
Cũng cần nói rằng, không phải cứ tất cả nhân viên trong một công ty, một cơ quan đều tài năng cả là tốt. Bởi thứ nhất, xét về mặt nào đó, như vậy là không công bằng trong việc phân bố tài năng. Xét trên trên một diện rộng, như quốc gia chẳng hạn, mà tài năng "chất đống" ở một khu vực, còn khu vực khác lại không có cũng không phải dấu hiệu tích cực.
Thứ 2 là về mặt cấu trúc vi mô của một nhóm làm việc, thì tất cả mọi người đều tài năng cũng không phải dấu hiệu tốt. Bởi suy cho cùng, trong quá trình hoạt động, con người luôn luôn cần những yếu tố chỉ huy. Vậy cấu trúc một nhóm làm việc, hay các tài năng trong một nhóm làm việc như thế nào là vấn đề khoa học, chứ không đơn thuần là thiện chí chính trị.
Nếu chúng ta tập trung hết các soloist (nghệ sĩ hát solo) vào một dàn hợp xướng thì đó là dấu hiệu tan rã, rối loạn của dàn hợp xướng. Trong một dàn hợp xướng vài trăm người, chỉ cần một vài người hát solo thôi. Vì thế cũng đừng nghĩ khi anh đứng ở vị trí soloist thì anh có cương vị cao.
Kẻ tạo ra tính khuynh hướng trong sự phát triển của một ê-kíp, một cộng đồng đôi khi giữ những cương vị rất phụ, rất kín đáo. Tôi lấy ví dụ, trong một nhóm đào đất, sự xuất hiện một cô gái đẹp trong nhóm sẽ khiến những người đào đất quên mệt. Thế nhưng nếu cô gái cũng hì hục vác đất, thì nhiều lắm cũng chỉ vác thêm được 1 hòn đất to, mà không làm cho hàng trăm con người còn lại quên mệt khi vác đất.
Đội ngũ sử dụng các thủ khoa quan trọng hơn bản thân thủ khoa. Ảnh minh họa
Cho nên, sử dụng những người tài thế nào trong một ê-kíp, một cơ cấu, một nhóm xã hội là vô cũng quan trọng. Bây giờ chúng ta hơi loạn tài năng, bởi chúng ta không chỉ ra được tiêu chuẩn của tài năng. Chúng ta lấy các tiêu chuẩn hình thức như tiến sĩ hay thạc sĩ, hay thủ khoa, v.v... làm căn cứ, nhưng tôi không cho đó là tiêu chuẩn của tài năng.
Bản thân tôi đã từng rất "khổ sở" vì những thủ khoa. Bởi vì suy ra cho cùng, cái thủ khoa đó có phải thủ khoa thật không, và thứ 2, thủ khoa trong thi cử và thủ khoa trong đời sống lao động là khác nhau.
Nhưng cũng đừng "lên án" việc HN chỉ tuyển được 10% thủ khoa. May mà chỉ tuyển được 10%, chứ tuyển được 90% thủ khoa là HN "toi".
Dù thế nào, HN cũng đã thể hiện họ kính trọng các thủ khoa, và chỉ cần thông điệp đó thôi cũng đã đủ tích cực. Nhưng cũng phải cẩn thận, nếu không mọi người sẽ cố gắng trở thành thủ khoa bằng cách mua vị trí ấy. Mà "chạy" công chức hết 100 triệu, theo như con số của anh Trần Trọng Dực, nhưng nếu đạt thủ khoa sẽ "mua" được cả hai thứ thì chắc phải "đắt" hơn.
Vì vậy, tôi vẫn nhấn mạnh rằng cái quan trọng nhất mà chúng ta quên mất là đội ngũ sử dụng lao động. Đội ngũ sử dụng các thủ khoa ấy quan trọng hơn bản thân thủ khoa.
- Vậy còn quan niệm về tài năng của ông thì sao? Trong hoạt động tuyển dụng cho doanh nghiệp mình, ông lấy tiêu chí tài năng là gì?
Tôi không đặt ra vấn đề về tài năng. Tôi đo tài năng bằng hiệu quả, không phải bằng bằng cấp, thành tích thi cử. Vì thế tôi không quan tâm việc người dự tuyển có bằng gì, đạt loại nào.
Tôi quan tâm thực dụng hơn. Chẳng hạn việc người đó có biết tiếng Anh, đọc được văn bản bằng tiếng Anh không, bởi công ty tôi chủ yếu làm việc với doanh nghiệp nước ngoài. Tôi quan tâm đến hiệu quả, đến năng lực phản ứng, đến độ nhạy của sự phản ứng của người lao động trong công việc họ làm.
Đôi khi đừng nhầm lẫn giữa học giỏi và làm giỏi. Học giỏi là một sự trau chuốt CV (lý lịch) của mình, mà trau chuốt CV là để đi xin việc chứ không phải để đi làm việc.
Bởi khi làm việc người ta phải trả lời, giải quyết những bài toán rất thực tế. Chẳng hạn, làm thế nào để không thành một kẻ hối lộ mà lại có quan hệ với các yếu nhân, hoặc những người có ích cho công việc của mình là một tài năng. Đánh giá các đồng nghiệp của mình công bằng và tập hợp họ trong một nhóm làm việc một cách vui vẻ, êm thuận, cũng là một tài năng.
Vì vậy, tôi cho rằng tài năng là một khái niệm rất ít giá trị quan liêu, ít tính lý thuyết suông, mà nó là một năng lực có mặt ở hiện trường công tác của mọi cương vị.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không "dè bỉu", từ chối những thành tựu trong thi cử. Chúng ta khuyến khích điều ấy, bởi phải nói rằng những người có những điều ấy rồi thì họ hội tụ một số điều kiện tích cực. Nhưng đó không phải là điều kiện đủ cho việc hoàn tất tốt một cương vị.
Tôi nghĩ, đối với con người, việc quan niệm những thành tích xuất sắc trong học hành, thi cử được biểu dương như yếu tố chủ chốt để có thể tuyển chọn, thành đạt, v,v... là một cái gì đó hơi thiếu nhân văn.
Sự nhân văn đòi hỏi con người phải tinh tế hơn, nhuần nhị hơn trong sự phân loại về con người. Làm thế nào để 1 người ngốc không đau khổ, nhảy lầu vì sự phê phán của mình, một người giỏi không trở nên kiêu ngạo, vênh váo vì sự khen ngợi của mình. Chính thái độ như vậy khiến người tuyển chọn lao động từ bản chất đã trở thành nhà lãnh đạo về mặt chính trị đối với quá trình tuyển chọn và quá trình sử dụng lao động.


Quan trọng nhất là khát vọng thay đổi
- Trong một bài phỏng vấn, ông từng nhấn mạnh 3 loại năng lực mà người lao động cần có, trong đó có khát vọng thay đổi. Theo ông năng lực đó quan trọng với giới trẻ thế nào, nhất là đặt trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay?
Cuộc sống bắt con người phải thay đổi, cuộc sống không chiều ai cả. Chẳng hạn có người giỏi toán lại thành công nhân đóng gạch, chúng ta cũng từng có thời kỳ rất dài như thế đúng không?
Theo tôi, khát vọng thay đổi chính là năng lực quan trọng nhất mà thế hệ trẻ cần phải có, bởi họ cần đi tìm những vùng đất mới. Nước Mỹ hình thành bằng khát vọng ấy, trở thành một cường quốc, một nền kinh tế vĩ đại là nhờ hình thành quốc gia bằng những người có khát vọng thay đổi. Trung Quốc ra khỏi tất cả những trì trệ trước đổi mới, phát triển được như hiện nay là thành quả của khát vọng thay đổi.
Thế nhưng nếu thay đổi bạt mạng, vô điều kiện thì lại nguy hiểm. Bởi nó khiến chúng ta biến tất cả mọi nguyên liệu rất nguyên sơ của cuộc sống thành phế phẩm. Khát vọng thay đổi phải dựa trên cơ sở khoa học, và luôn gắn liền với sự hiểu biết, với sự nhạy cảm có chất lượng lương tri, có nền tảng đạo đức của con người.
Cho nên con người phải rèn luyện cả năng lực cụ thể, năng lực kỹ trị lẫn cả năng lực đạo đức, tinh thần. Bởi chúng ta có một đội ngũ nhiều người thành đạt nhưng không lành mạnh, vì xã hội chúng ta không lành mạnh, và khi đã không lành mạnh về tinh thần thì càng thành đạt càng không lành mạnh.
Xã hội lành mạnh là xã hội con người vẫn còn sống được với nhau, tin, yêu nhau được, vẫn còn do dự trước tất cả những hành động gây thất thiệt cho người khác. Luôn luôn phải có nền tảng về đạo đức, luôn luôn phải xem sự lương thiện là một trong những vốn ban đầu của đời sống con người.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt
- Theo quan sát từ xã hội cũng như từ chính quá trình sử dụng nhân lực của mình, ông có thấy một khát vọng thay đổi đầy đủ ở giới trẻ Việt Nam chưa?
Đủ, thậm chí là khát vọng lớn hơn cả khả năng. Tuy nhiên điều đó vẫn là tích cực. Một người hát karaoke say sưa và luôn tưởng tượng mình là Thanh Lam, hay Hồng Nhung thì đó là quyền của họ và nó lành mạnh. Nó lành mạnh ở mong muốn hát bằng các diva đó, nhưng nếu nghĩ mình là diva như họ thì lại là dấu hiệu tiêu cực. Cái ranh giới từ khát vọng tích cực đến điểm hợp lý của nó chính là trí tuệ, đó là điều quan trọng nhất mà thế hệ trẻ cần có.
Con người đều có ảo tưởng. Ảo tưởng là một khái niệm triết học chứ không phải một khuyết điểm. Chúng ta cứ lên án ảo tưởng như một khuyết điểm, mà không nhớ rằng nếu không còn tưởng tượng, ảo tưởng nữa thì loài người sẽ "ngủ" say sưa thế nào.
Lớp trẻ cũng cần có ảo tưởng thì mới đi qua được những chông gai, rắc rối, những tiêu cực, khó khăn, trở ngại, như thiếu 100 triệu để "chạy" chẳng hạn. Không có ảo tưởng như vậy, con người làm sao sống qua được những điều kiện như hiện nay.
- Thông thường khát vọng thay đổi phải được dựa trên niềm tin. Tuy nhiên, có một nghịch lý là thế hệ trước thường hay nói thế hệ trẻ mất niềm tin, hay hoài nghi. Ngược lại, nếu thế hệ trẻ bây giờ nhìn vào "di sản" của thế hệ đi trước - những tiêu cực, trì trệ hiện nay - thì liệu họ còn có niềm tin để từ đó xây dựng khát vọng thay đổi?
Tôi nghĩ nhìn vào mặt tiêu cực của tình trạng, của thế hệ đi trước để lý giải cho việc không hành động là... phản động. Không thể nhìn vào mặt tiêu cực để lý giải "tôi xấu vì cha tôi xấu", và cũng chính vì thế mới có câu "Con hơn cha là nhà có phúc". Con mà không hơn cha thì dân tộc này tồn tại bằng cách gì.
Ở thời đại, giai đoạn nào, thì thế hệ trước cũng là tiêu cực đối với bọn trẻ. Không ai yên tâm vui vẻ mặc lại áo của bà nội đi gặp người yêu cả.
Chúng ta phải chấp nhận điều ấy, và gọi đó là hư hỏng là không đúng. Vì nếu giới trẻ sùng bái thế hệ trước, luôn luôn lục lọi để mặc lại áo cũ của bà nội nó, thì với tư cách một người cha, tôi sẽ khóc.
Làm một người cha, sự dũng cảm, nhân văn nhất là nhìn thấy con mình điềm nhiên khác mình, thậm chí công kích cả những đặc tính của mình và phải xem đó là hạnh phúc. Đó chính là dấu hiệu tự do mà bọn trẻ cần nhất để đi ra khỏi quá khứ.
Tôi là một người đàn ông, một người cha suy cho cùng thì không tệ lắm. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu về sự phủ nhận của con tôi đối với các giá trị mà tôi phải mồ hôi nước mắt mới làm ra được cho chúng. Nếu con tôi cứ "hau háu" nhìn vào tài sản, tiền bạc của tôi và biến cái đó thành không gian tinh thần cơ bản của nó thì còn gì là tương lai nữa?
Tôi xem sự phủ nhận một cách có hệ thống những quy tắc cũ là thái độ tích cực. Nhưng sự ý thức về nỗi vất vả của cha mẹ và những giá trị họ tạo nên trong cả chuỗi dài của lịch sử phát triển cũng là thái độ tích cực. Làm thế nào để cho con cháu chúng ta biết kính trọng cha ông, nhưng không trở thành nô lệ của các kinh nghiệm của cha ông.
Những nhận thức đó sẽ phát triển cùng bọn trẻ trong quá trình trưởng thành, trải nghiệm. Khi chúng phải lăn lộn kiếm tiền nuôi vợ con, chúng sẽ hiểu được bố mẹ mình ngày xưa từng vất vả thế nào để nuôi được mình. Cần kiên nhẫn chờ đợi phút giây bọn trẻ thức tỉnh bởi giá trị của lịch sử, chứ đừng gây sức ép bắt buộc bọn trẻ phải kính trọng thế hệ trước. Kính trọng là một loại tình cảm, không bắt ép được.
Vậy nên tôi nghĩ, không có gì để bi quan về bọn trẻ cả đâu. Bọn trẻ có bi quan về thế hệ đi trước, chứ thế hệ chúng tôi không bi quan về bọn trẻ. Nhưng chúng tôi dần dần cảm thấy lớp trẻ đang bi quan về thế hệ cha chú.
Khát vọng thay đổi là năng lực quan trọng nhất giới trẻ cần có. Ảnh minh họa
Đối mặt và lựa chọn nghiêm khắc
- Khi theo dõi truyền thông chẳng hạn, tôi cảm thấy cách thức thế hệ đi trước tiếp cận với giới trẻ thường mang tính chất của người đứng bên trên và phán xét. Có lẽ không phải nhiều người có cái nhìn tích cực và tin tưởng vào giới trẻ như ông vừa nói?
Lớp già như chúng tôi, hay trẻ hơn chúng tôi dăm bảy tuổi có một nhược điểm lớn. Đó là chúng tôi là những nhân vật của thời kỳ kinh nghiệm, không phải những nhân vật của thời kỳ học vấn.
Tôi là một trong số ít người cố gắng thay thế kinh nghiệm bằng học vấn, nhưng về cơ bản vẫn là kinh nghiệm. Kinh nghiệm luôn tích lũy dần theo tuổi tác. Cho nên người có kinh nghiệm bao giờ cũng nhìn xuống đối với bọn trẻ, lấy cái ngố, sự ngây thơ, vụng dại của chúng trong ứng xử hàng ngày để đánh giá con người và năng lực của chúng.
Đó là nhược điểm quan trọng nhất của thế hệ chúng tôi. Nhìn theo cách đó bao giờ cũng thấy thất vọng một chút, không yên tâm một chút, hồi hộp và bất an một chút. Điều này cũng là tâm lý thông thường của mọi vùng miền, mọi giai đoạn trên thế giới này, cho nên cũng dễ thông cảm. Thế hệ chúng tôi chưa đủ năng lực để sáng tạo ra bất kỳ cái gì khác thế giới, nhân loại cả.
Mặt khác, thế hệ đi trước cũng không thể phó thác một cách bừa bãi đối với thế hệ trẻ để chúng phát triển văng mạng. Cách phó thác đó là một thái độ hoàn toàn vô trách nhiệm, và lười biếng của thế hệ già. Và khi không lười biếng, không vô trách nhiệm thì bao giờ cũng bảo thủ một chút. Sự bảo thủ ấy nếu duy trì ở chỉ giới hợp lý thì là sự bảo thủ tích cực, nó thể hiện trách nhiệm, sự gắn bó.
Tôi có một người bạn là Hoàng thân của Lào, dạy đại học ở Hawaii (Mỹ). Cách đây vài chục năm, anh ấy kể cho tôi là hai vợ chồng anh để rèn luyện con đã cho con đi... bán cam. Kết quả, lời thì con họ không kiếm được bao nhiêu, nhưng tiền xăng để hai vợ chồng "rình mò" xem con mình hành động thế nào, có tự gây tai họa gì không còn tốn hơn. Nhưng đó vẫn là bài học làm người cần thiết cho con họ.
Tôi nghĩ thế hệ chúng tôi, đều muốn con mình có kinh nghiệm hơn, trưởng thành lên, có học vấn cao hơn, đạt nhiều thành tựu để có thể yên tâm vững bước. Đó là một tâm lý rất phổ biến, bình thường ở mọi dân tộc, mọi thời đại, chứ không riêng gì VN.
- Vậy đối với giới trẻ trong thời kỳ hiện nay, là một người đi trước, ông có lời khuyên gì?
Lời khuyên của tôi với các bạn trẻ là hãy dũng cảm, cố gắng tích cực, bươn trải đối mặt với tất cả các sự thật, và tự lựa chọn các tiêu chuẩn để đánh giá các sự thật ấy, không trốn tránh. Chọn chỗ đứng an toàn để không "tên bay đạn lạc", để không trượt xuống vực, nhưng phải đối mặt với các sự thật và suy xét, lựa chọn cho mình thái độ, phương pháp, cách thức để tiếp cận với cuộc sống, để định hướng nghề nghiệp của mình.
Chúng ta luôn phê phán mọi chất lượng xã hội mà lại quên mất rằng chúng ta a dua, chúng ta không có năng lực lựa chọn. Xã hội cũng không khuyến khích sự thận trọng trong quá trình lựa chọn. Truyền thông là một trong những phương tiện cơ bản để hỗ trợ giới trẻ trong việc lựa chọn, mà trước hết là lựa chọn thái độ với cuộc sống, nhưng cũng chưa đủ "chín chắn" để thực hiện vai trò này.
Trong thời điểm nhiều biến động như hiện nay, khả năng lựa chọn càng trở nên quan trọng với giới trẻ. Sự lựa chọn nghiêm khắc, nghiêm túc là vô cùng quan trọng.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-02-19-chung-ta-dang-loan-tai-nang-

No comments: