Thursday, April 11, 2013

Thời trang phụ nữ, tâm lí, và kinh tế

Theo quan niệm bảo thủ ngày xưa, quần áo chỉ là những vật dụng để che thân thể khỏi gió mưa, nắng lạnh, nên không cần thay đổi. Tuy nhiên, ngày nay quan niệm này không còn thích hợp với đà phát triển kinh tế và sự tiến triển xã hội nữa. Y phục không chỉ là vật che nắng che mưa, mà còn là một biểu tượng về thẩm mĩ. Năm 1934, Họa sĩ Nguyễn Cát Tường tuyên bố "Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mĩ thuật hay không, cứ xem y phục của nước đó, ta cũng đủ hiểu". Ông tung ra thị trường một kiểu áo dài Lemur, được mô phỏng theo áo đầm Tây phương, với nối vai và tay phồng, cổ lá xen, và cài khuy trên vai. Đến năm 1934, Họa sĩ Lê Phổ kết hợp giữa cải biên áo tứ thân và áo Le Mur bên Pháp cho ra kiểu áo dài rất gần với áo dài tân thời ngày nay. Kể từ đó, nói chung, về chiếc áo dài của ta không thay đổi bao nhiêu, ngoài những thay đổi nhỏ về cổ áo (lúc cao, lúc thấp), gấu áo (lúc vén cao, lúc hạ thấp), và eo áo (lúc nhỏ, lúc to), thì nó vẫn là cái … áo dài.
Người Việt Nam chúng ta, có lẽ vì duy cảm, nên thích nhìn trang phục qua lăng kính thơ văn. Thấy một cô gái mặc áo trắng, thi sĩ tưởng tượng cô gái là một người trong trắng, ngây thơ "Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong" (Huy Cận). Khi nàng mặc áo màu vàng hay xanh, thi sĩ liên tưởng đến những loài hoa, với một tình cảm vu vơ, nhẹ nhàng, nhưng kín đáo: "Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc / áo nàng xanh, anh mến lá sân trường" (Nguyên Sa).
Nhưng y phục còn có ý nghĩa kinh tế. Y phục phản ánh thành phần giai cấp trong xã hội, người giàu có, quyền thế thường mặc quần áo sang trọng, dùng các loại vải hay lụa đắt tiền và hiếm, được cắt may cầu kì và phức tạp; ngược lại, người nghèo hay thuộc giai cấp lao động chịu bó mình trong các loại quần áo đơn giản, rẻ tiền. Do đó, đối với người Tây phương quen tính "cân đo đong đếm", họ không những chỉ nhìn y phục phụ nữ như là một biểu hiện về thẩm mĩ, mà còn liên tưởng đến nền kinh tế của một quốc gia.
Một vài nghiên cứu gần đây, dù không nhiều và còn hạn chế, đã cho thấy vài khuynh hướng lí thú về sự biến dạng của y phục phụ nữ và những biến động có liên quan đến kinh tế xã hội. Thực vậy, một trong những hiện tượng mà ai cũng dễ dàng ghi nhận là thời trang y phục phụ nữ thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn như thời đại của Nữ hoàng Victoria và Hoàng đế Edward, phụ nữ thích những kiểu áo có hình chữ S; tức là, phần ngực được làm cho lớn ra, phần eo nhỏ thon lại, và phần mông rộng ra. Qua đến những thập niên đầu tiên của thế kỉ 20, kiểu áo Empire bắt đầu xuất hiện, với đường eo được nâng cao lên tới phía dưới ngực một chút, vòng cổ hình có chữ V (dù có người đề nghị nên mang cái gì đó khiêm tốn để che dấu bộ ngực!) Rồi dần dà theo thời gian, kiểu áo hình chữ S và Empire được thiết kế trở thành thon hơn, phần eo được nới rộng ra, phần ngực và mông làm cho tự nhiên hơn, và chiều dài cũng ngắn gọn hơn, làm cho người mặc có dáng điệu mảnh khảnh hơn. Cho tới nay, kiểu áo giống như veston của đàn ông (được mô phỏng theo kiểu "cardigan style suit" do nhà tạo mẩu nổi tiếng Chanel sáng chế vào thập niên 30) rất được ưa chuộng.
Theo khẩu hiệu This goes with that (cái này đi với cái kia), các kiểu quần cũng biến dạng theo các kiểu áo, và một trong những thay đổi quan trọng nhất là độ dài. Ngày xưa, váy thường được thiết kế dài cho tới mắt cá chân, làm tăng sự kín đáo và thanh tao của người phụ nữ. Theo thời gian, chiếc váy này tuy không thay đổi kiểu bao nhiêu, nhưng chiều dài càng ngày càng ngắn hơn, lúc đầu còn dài hơn đầu gối một chút, sau này rút ngắn lại chỉ còn trên đầu gối! Tuy theo cách nhìn của từng người, nhưng nói chung kiểu váy cũn cỡn này mang lại một dáng điệu năng động, linh động, và có thể nói là khêu gợi, thách thức của người phụ nữ.
Không hài lòng với sự thách thức đó, ngày nay -- có lẽ theo phong trào bình đẳng nam-nữ -- phụ nữ có khuynh hướng mặc y phục giống ... đàn ông! Họ cũng mặc veston, thắt cà-ra-vát, vận quần Tây hai ống. Nhưng thay vì kiểu quần áo rộng rãi của đàn ông, các nhà tạo mẫu làm cho bộ đồ này ôm sát theo thân thể của người phụ nữ, làm cho nổi bật những đường cong nữ tính, như cố ý phô trương ngực, eo và mông. Vì veston thường là loại trang phục cho những người đàn ông có địa vị trong xã hội, những người lao động trí óc (gọi chung là "professionals"), nên kiểu trang phục này làm cho người phụ nữ vừa sang trọng một cách duyên dáng, vừa thanh nhã và bảnh bao.
Câu hỏi được đặt ra là sự tiến hóa của thời trang phụ nữ qua từng giai đoạn là một quá trình ngẫu nhiên, hay một phản ảnh về các biến động xã hội-chính trị. Một số nhà nghiên cứu thời trang cho rằng kiểu mẩu của quần áo được sáng chế ra hoàn toàn ngẫu nhiên bởi các nhà tạo kiểu, không có dính dáng gì đến những dao động nội tâm hay chu kỳ tâm lý của con người. Ngược lại, Nhà thơ người Pháp, Anatole France, có lần nói rằng thời trang phụ nữ có thể nói cho chúng ta biết về tương lai của nhân loại chính xác hơn những tiên đoán của các triết gia, nhà văn, tu sĩ hay khoa học gia. Nhận xét này xem ra có lí, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu những biến đổi về thời trang và mối tương quan của nó với thái độ của xã hội đối với phụ nữ hay phụ nữ đối với xã hội. Theo quan điểm này, thời trang là một phản ứng trước những tác động từ ngoại cảnh xã hội.
Vấn đề chính của quan điểm thứ hai này là chưa có bằng chứng gì giải thích cụ thể và hợp lí những "ngoại cảnh xã hội" là gì. Năm 1971, trong một luận án Cao học thuộc Trường Đại học Tennessee (Mĩ), sinh viên Mabry ghi nhận mối tương quan giữa thời trang và các sự kiện ngoại cảnh, rằng trong thời gian 50 năm (từ năm 1921 tới 1970), chiều dài của y phục mà người mẫu mặc liên quan với các chỉ số thị trường chứng khoán. Cụ thể hơn: khi giá cổ phần tăng, chiều dài y phục phụ nữ trở thành ngắn hơn; khi giá cổ phần giảm, y phục phụ nữ dài ra.
Dù kết quả nghiên cứu này nghe qua có vẻ lạ lùng, nhưng cũng gây sự chú ý của một hãng buôn bán cổ phần ở New York lúc đó. Giới khoa bảng thì không ngừng nhạo báng thuyết trên của Mabry, vì họ cho rằng mối tương quan này mang tính giả tạo. Nó có thể là những số liệu thật (fact), nhưng không phản ánh một sự thực (truth). Nói cách khác, mối tương quan mà Mabry ghi nhận có thể do một yếu tố gián tiếp khác tác động đến, chứ không dính dáng trực tiếp đến thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt mối quan hệ giữa thời trang và chỉ số thị trường chứng khoán qua một yếu tố trung gian, chẳng hạn như yếu tố liên quan đến kinh tế hôn nhân (marital economics). Trong thuyết kinh tế hôn nhân, người ta cho rằng tầm quan trọng mà người phụ nữ gắn bó với hôn nhân sẽ thay đổi tùy vào hai bối cảnh: cơ hội hôn nhân và cơ hội công ăn việc làm. Cơ hội hôn nhân được thể hiện qua tỉ lệ giới tính, tức là bao nhiêu phần trăm đàn ông và phụ nữ trong một dân số. Cơ hội công việc lại tùy thuộc vào sự trồi sụt, lên xuống, tròn khuyết của nền kinh tế, được thể hiện qua chỉ số thị trường chứng khoán.
Để thử nghiệm giả thuyết này, một số nhà nghiên cứu đã chịu khó phân tích mối tương quan giữa thời trang và cơ hội hôn nhân, cơ hội công ăn việc làm. Hai nhà nghiên cứu Richardson và Kroeber đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu thời trang của phụ nữ trong ba thế kỉ liền. Họ thu thập tất cả những hình ảnh từ tạp chí, sách báo thời trang dành cho phụ nữ, và các tác phẩm họa trong thư viện. Họ tập trung nghiên cứu các kiểu trang phục mùa đông (tháng Một tới tháng Ba) vì những tháng này phụ nữ có khuynh hướng phô trương thời trang hơn các tháng khác. Những nước mà họ chú ý nhiều nhất là Pháp, Ý, Đức, Hòa Lan và Mỹ. Họ suy luận rằng thời trang xuất phát từ Paris và từ đó lan rộng hay truyền bá qua các nước khác trên thế giới.
Trong mỗi kiểu trang phục, họ đo chiều dài của váy, chiều rộng của eo (tức là một đo lường gián tiếp về đường cong nữ tính), và độ dài của cổ áo (chiều sâu hình chữ V) và độ hở cổ (giữa hai dây đai trên vai). Tất cả các đo lường này được ước tính và chuẩn hóa theo hình họa, tính từ môi đến bàn chân. Môi, thay vì tóc, được chọn làm điểm tham chiếu, vì đo từ miệng chính xác hơn là đo từ tóc (do phụ nữ có thể dùng tóc giả!) Ngoài thời trang, các nhà nghiên cứu còn bỏ công thu thập các chỉ số liên quan đến kinh tế xã hội như tỉ lệ li dị, tỉ lệ dân số có bằng cấp đoại học, tỉ lệ giới tính (tức là bao nhiêu phần trăm phụ nữ trong dân số), v.v. Sau khi dùng các phương pháp phân tích thống kê, hai nhà nghiên cứu trình bày một số kết quả chính như sau:
(i) Mức độ tương quan giữa tỉ lệ li dị và tỉ lệ phụ nữ có bằng đại học rất cao: khi tỉ lệ phụ nữ có trình độ đại học tăng, tỉ lệ li dị cũng tăng theo;
(ii) Độ dài của váy tăng theo tỉ lệ nghịch với tỉ lệ li dị: khi tỉ lệ li dị giảm, chiều dài của váy tăng;
(iii) Độ dài của váy biến động theo tỉ lệ thuận với trình độ học vấn. Khi tỉ lệ phụ nữ có bằng đại học tăng, chiều dài của váy trở thành ngắn hơn;
(iv) Khi tỉ lệ phụ nữ trong dân số tăng, váy trở thành dài hơn. Khi tỷ tỉ đàn ông trong dân số tăng, eo áo trở thành nhỏ hơn, tức là đường cong nữ tính tăng, váy trở thành ngắn hơn.
Ngoài cuộc nghiên cứu trên đây, còn có một cuộc khảo sát thú vị khác. Trong một cuộc khảo cứu trên khoảng 100 phụ nữ, các nhà nghiên cứu cho mỗi phụ nữ mặc hai loại y phục: y phục truyền thống và y phục theo thời trang hiện đại ngày nay. Loại truyền thống, phụ nữ mặc váy dài, áo hình chữ S, làm cho ngực và mông lớn ra, và eo nhỏ lại. Loại hiện đại, phụ nữ mặc váy ngắn đến khoảng đầu gối, áo theo hình chữ S thon, tức là làm cho thân hình của người phụ nữ thon thả, mảnh khảnh, ngực và mông "khiêm tốn" hơn, và eo nới rộng ra một chút. Sau đó, họ (các nhà nghiên cứu) cho khoảng 50 người (phân nửa là nam và phân nửa là nữ) ghi nhận ấn tượng của mình về trình độ chuyên môn, sự dỏi dang trong gia đình, dục tính (sex), v.v. về các phụ nữ này. Kết quả cho thấy một quan điểm chung như sau: khi người phụ nữ mặc y phục "truyền thống" với những đường cong nữ tính, họ thường được đánh giá như là những người có dục tính cao, nhưng không giỏi dang trong công việc chuyên môn. Nhưng khi những người phụ nữ đó mặc y phục "hiện đại", họ lại được đánh giá là những người thông minh trong chuyên môn, hấp dẫn, và có trình độ học vấn cao.
Qua hai nghiên cứu này, chúng ta có thể làm một vài tiên đoán:
Thứ nhất, khi cơ hội công ăn việc làm cho phụ nữ có chiều hướng gia tăng, y phục của họ sẽ trở nên ngắn gọn và hở hang hơn. Lí do căn bản là với sự tăng trưởng về độc lập kinh tế, phụ nữ có cơ hội theo học đại học, họ trở nên ít phụ thuộc vào hôn nhân như là một phương tiện kinh tế (và tỉ lệ li dị sẽ tăng), và do đó, nhu cầu phô trương sự trong trắng, trinh tiết (như mặc quần áo dài) không quan trọng đối với họ. Điều này cũng có nghĩa là khi nền kinh tế thịnh vượng, y phục phụ nữ trở thành ngắn hơn, và có thể đây là yếu tố giải thích mối tương quan giữa thị trường chứng khoán và độ dài của y phục mà bà Mabry đã ghi nhận trong luận án của mình.
Thứ hai, khi tỉ lệ phụ nữ cao hơn tỉ lệ đàn ông trong dân số, cơ hội hôn nhân cho phụ nữ trở nên hiếm hoi hơn, phụ nữ sẽ phải cạnh tranh với nhau để được chú ý và tìm một người chồng lí tưởng. (Cố nhiên, ta phải giả dụ rằng ở đây không có chế độ đa thê!) Và một trong những chiến lược để gây sự chú ý hữu hiệu, y phục của họ sẽ trở thành ngắn hơn và “mát mẻ” hơn. Trong một môi trường như thế, số lượng phụ nữ sẵn sàng quan hệ tình dục mà không cần đòi hỏi giới đàn ông phải bảo trợ. Và đàn ông sẽ lợi dụng tình thế này mà trì hoãn hôn nhân. Ngoài ra, vì cơ hội hôn nhân thấp, nên họ quay sang chú trọng vào công ăn việc làm, tự tạo cho mình một sự nghiệp độc lập, và điều này sẽ thể hiện qua thời trang có khuynh hướng phô trương sự thông minh và "bảnh bao" của người phụ nữ, tức là ngắn gọn hơn.
Tuy nhiên, khi tỉ lệ phụ nữ ít hơn tỉ lệ đàn ông trong dân số, cơ hội hôn nhân cho họ (phụ nữ) không thành vấn đề, nhưng họ cần một sự đầu tư cao từ người chồng tương lai như là một điều kiện của hôn nhân. Do đó, họ không có nhu cầu phải tìm công ăn việc làm, và vì thế xác suất mà họ theo đuổi một sự nghiệp độc lập rất thấp. Trong bối cảnh này, trinh tiết là một công cụ và chiến lược quan trọng để nâng cao giá trị của thị trường hôn nhân. Trong tình thế này, y phục của họ sẽ dài và kín đáo hơn.
Thứ ba, khi giá trị của hôn nhân được coi trọng, tỉ lệ li dị thấp, có thể đoán được rằng y phục phụ nữ sẽ trở thành dài hơn, đường eo nhỏ hẹp hơn, cổ áo kín hơn; tức là những biểu hiện của sự trong trắng, truyền thống gia đình.
Nói tóm lại, bằng chứng nghiên cứu cho thấy thời trang phụ nữ không phải ngẫu nhiên và tùy ý, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế xã hội. Thời trang phụ nữ đã, đang và sẽ là tiếp tục tượng trưng cho những thay đổi của xã hội và vai trò người phụ nữ.

No comments: