Friday, June 7, 2013

Niềm tin từng phải 'mua' rất đắt

Lấy phiếu tín nhiệm ở QH chính là dịp để các vị chức sắc được đo bằng một cuộc sát hạch, bộc lộ chất lượng của chữ "Tín"- chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.
LTS:Nhân sự kiện lớn lần đầu tiên sắp diễn ra tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII - lấy phiếu tín nhiệm các nhân sự cấp cao. Tuần Việt Nam vừa có cuộc phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về câu chuyện chữ Tín giữa người lãnh đạo với dân.
Cuộc sát hạch thiêng liêng
- "Tín" là một trong năm phẩm chất mà thời xưa quan niệm người quân tử cần có. Còn đối với cuộc sống, theo ông chữ "Tín" có vai trò ra sao?
- Chất lượng của cộng đồng xã hội dao động cùng với sự dao động của chữ "Tín". Xã hội có đáng yêu, đáng tin, đáng sống hay không là từ chất lượng của chữ "Tín". Một thể chế có bền vững, có tích cực hay không đối với xã hội cũng dao động cùng với chất lượng của chữ "Tín".
Cho nên, chữ "Tín" dường như là một chữ quan trọng nhất mô tả chất lượng của các cặp quan hệ trong xã hội. Quan hệ giữa Nhà nước và xã hội, quan hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác, quan hệ giữa vợ với chồng, v.v... Chữ "Tín" nằm giữa tất cả các cặp quan hệ như vậy và có nghĩa vụ đánh giá chất lượng của các cặp quan hệ đó.
- Nếu soi chữ "Tín" vào cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội tới đây, ông có kỳ vọng sẽ đo lường được chất lượng niềm tin của người dân với lãnh đạo?
- Tôi nghĩ đây là một hoạt động hết sức thông thường để kiểm nghiệm chất lượng của tất cả các cặp quan hệ mà xã hội có, trong đó quan trọng nhất là cặp quan hệ Nhà nước và xã hội.  Lấy phiếu tín nhiệm ở QH chính là dịp để các vị chức sắc được đo bằng một cuộc sát hạch, bộc lộ chất lượng của chữ "Tín".
Phải nói đây là một bước đi tiên phong của Việt Nam trên quá trình dần dần thể hiện tính dân chủ trong việc xây dựng các cấu trúc chính trị.
Tuy nhiên, một việc từ chỗ có ý nghĩa tốt đến chỗ được tiến hành tốt là cả vấn đề, đòi hỏi nỗ lực của tất cả những người tham gia cuộc kiểm nghiệm này. Người đứng ra tổ chức phải công tâm. Người chịu sự sát hạch cũng phải công tâm, không cung cấp những thông tin thiếu chuẩn xác, thể hiện bằng thái độ né tránh khôn khéo hoặc bằng việc mua bán...
Nguyễn Trần Bạt, bỏ phiếu tín nhiệm, chữ Tín, lòng tin, nhân dân, Quốc hội, lãnh đạo, bỏ phiếu kép
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.Ảnh: Lê Anh Dũng
Cuộc sát hạch này có thể làm bộc lộ nhiều thói xấu mà chúng ta có từ trước. Bất kể nhà chính trị nào "lọt" qua nó, nhưng bằng thủ đoạn, thì về bản chất là đã thất bại. Bởi anh đã không đi qua sự thử thách mà xã hội cần có đối với một nhà chính trị theo cách trong sáng.
Chúng ta chưa có kinh nghiệm để đi qua những sát hạch vốn dĩ phải có để giữ gìn sự trong sáng của cả một hệ thống chính trị, thì bây giờ chúng ta đi qua nó. Sẽ có người thắng, người thua, nhưng nếu thua thì chúng ta không thua nhau, mà là không đạt chuẩn, là thua hệ thống tiêu chuẩn được xã hội thừa nhận hoặc đặt ra.
Chuẩn ấy là những giá trị thiêng liêng mà xã hội đặt ra để sát hạch tất cả các công chức, quan chức của mình, những người lãnh đạo của mình.
Để trở thành một người trong sáng trong con mắt dư luận và trước một cuộc sát hạch rộng lớn của xã hội như thế là một vinh dự. Vinh dự ấy, đối với người già có thể mang theo đến "thiên đường", đối với người trẻ có thể trở thành hành trang cho sự tự tin để đi hết chặng đường của đời người.
Đòi hỏi của xã hội, của phẩm hạnh con người buộc chúng ta phải đi qua những cuộc sát hạch như vậy. Nếu thất bại trong cuộc sát hạch này, nếu vì sự có thể "đi qua" của một vài người mà làm mất uy tín của nó, thì nhân dân sẽ mất đi một nửa lòng tin đang còn lại.
Chúng ta đang đi đến trạng thái minh bạch, đang tập làm quen với sự minh bạch nên cần có những bước dò dẫm. Bất kỳ cuộc cải cách xã hội nào không có những thể nghiệm thận trọng đều là cuộc cải cách không thận trọng.
Người bỏ phiếu cũng phải làm quen dần với tính chất quan trọng của việc bỏ, hay không bỏ của mình. Kể cả những người bị bỏ phiếu cũng phải tập làm quen với sự thành công hay thất bại của mình.
Cả hai phía phiếu đều cần phải làm quen, và cần phải có một cái thang nào đó với độ chênh từng bậc một để con người đi dần đến sự minh bạch.
Nếu thất bại, sẽ không chỉ là thất bại kép
- Hiện có không ít ý kiến lo ngại rằng nếu kết quả lần này mà  hòa cả làng, ai cũng đủ tín nhiệm, trong khi tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đang đầy ngổn ngang. Nếu chuyện đó xảy ra, hệ quả ra sao?
- Như tôi đã nói, người ta sẽ cảm thấy mất đi một nửa lòng tin còn lại. Cho nên, mọi hoạt động mà chúng ta có đều phải xúc tiến tính hướng thượng và tính hướng thiện.
Trong đó, việc chiếu "đèn pha" vào sự gương mẫu của các nhà lãnh đạo, của các lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội là quan trọng nhất, bởi vì con người vốn đi theo những tấm gương của nó. Người ta sẽ tự lựa chọn các tấm gương và nơi mà người ta nhìn vào nhiều nhất chính là các nhà lãnh đạo.
- Có thể coi lần lấy phiếu tín nhiệm này là cuộc bỏ phiếu kép, bởi khi các đại biểu đánh giá về các chức danh do QH phê chuẩn, thì đồng thời người dân cũng đánh giá các vị đại biểu. Vậy nếu nó "hòa cả làng" thì sẽ như thế nào?
- Nếu cuộc bỏ phiếu "hòa cả làng" thì tác hại của nó là tác hại "triple" (gấp 3 lần - PV). Bởi vì còn có cộng đồng quốc tế quan sát nữa. Cho nên các đại biểu Quốc hội phải nhớ rằng, cuộc bỏ phiếu này, còn là cuộc sát hạch của cộng đồng quốc tế đối với tính chất văn minh của nền chính trị của chúng ta.
Kêu gọi sự thận trọng-Theo tiêu chí do chính ông đặt ra, đâu là những phẩm chất một nhà lãnh đạo phải có để được lá phiếu tín nhiệm?
- Một nhà lãnh đạo đầu tiên phải trung thực, đó là tiêu chuẩn bản chất. Trung thực là phẩm hạnh cơ bản của con người, bất kể người đó là ai.
Nguyễn Trần Bạt, bỏ phiếu tín nhiệm, chữ Tín, lòng tin, nhân dân, Quốc hội, lãnh đạo, bỏ phiếu kép
ĐBQH sẽ bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm vào tuần tới. Ảnh: Minh Thăng
Thứ hai là phải dũng cảm. Nhân dân cần nhà chính trị dẫn dắt họ đi qua những đoạn khó của cuộc sống. Nhà chính trị cần có mặt trong những lúc khủng hoảng của cuộc sống, có mặt trong những lúc khó khăn của từng gia đình mới là nhà chính trị dũng cảm.
Phẩm chất thứ 3 là trung thành tuyệt đối với lợi ích của đất nước.
Và người ta hùn vào cho nhà chính trị trung thực,có lòng dũng cảm và trung thành với lợi ích của đất nước sự sáng suốt đến từ nhân dân, đến từ các trí thức, từ các think-tank có trong cuộc sống. Nếu được "hùn vốn" như thế, họ sẽ có cái thứ tư là sự sáng suốt.
Phẩm chất thứ năm rất quan trọng là tài hoa, trí tưởng tượng của nhà chính trị. Bốn phẩm chất đầu mới là phẩm chất thông thường, nhưng một nhà chính trị trở thành lãnh tụ, trở thành niềm hy vọng của cả trăm triệu con người thì phải tài hoa, phải có trí tưởng tượng.
Phải "bay" qua các khó khăn chứ không phải dẫn nhân dân "lặn lội" qua các khó khăn. Người ta yêu mến và tôn thờ những nhà chính trị như vậy. Nhân dân ta sẽ khôi phục lại thói quen dựng miếu thờ những nhà chính trị đủ phẩm chất trung thực, dũng cảm, sáng suốt, trung thành với lợi ích của đất nước  và có trí tưởng tượng để có thể dẫn dân tộc này đi qua đầm lầy mà không phải lội.
- Giả sử ông là người "bị" lấy phiếu, ông sẽ cảm thấy thế nào?
- Nếu đặt mình vào địa vị của những người được bỏ phiếu thì tôi cũng run.
Tôi là người trung thực, tôi run trước tất cả các sự sát hạch như vậy. Bởi, đôi khi mình tưởng là mình trong sáng nhưng không biết mình có trong sáng thật trong con mắt của người đời không. Đôi khi mình tưởng là mình có ích nhưng mình có ích thật đối với quyền lợi của từng con người không.
Và với cộng đồng 90 triệu con người như thế này, việc chịu đựng sự sát hạch ấy là một trong những thử thách khổng lồ, đôi khi vượt quá năng lực chịu đựng của một con người bình thường nếu người ấy trung thực.
- Còn nếu là người bỏ phiếu, liệu có nhiều nhà lãnh đạo nhận được phiếu "tín nhiệm cao" của ông không?
-  Tôi là người bỏ phiếu thận trọng, tôi không dễ dàng tặng cho ai một lời khen đơn giản, đồng thời không dễ dãi "chém" vào uy tín chính trị của một con người. Tôi cũng kêu gọi sự thận trọng từ những người có quyền bỏ phiếu.
"Lòng tin của xã hội, nhân dân là thứ không mua rẻ được. Lòng tin là cái đã được "mua" rất đắt và chớ có lãng phí nó" - chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.
>> Bài 1: Sát hạch tín nhiệm và "đèn pha" chiếu lãnh đạo
Lòng tin của dân không mua rẻ được
- Chữ "Tín" quan trọng đến vậy, nhưng trong xã hội hiện nay dường như lòng tin ngày càng trở nên thiếu vắng? Ngay ở cấp độ đời sống hàng ngày, cũng có quá nhiều hiện tượng gây mất lòng tin nghiêm trọng, như chuyện ăn bớt vắc-xin, tiêm vắc-xin quá đát cho trẻ em. Hoặc tiểu thương trộn đủ loại chất độc vào thực phẩm để kiếm lời bất chính, v.v...
- Vì thế nên tôi nói rằng cuộc sát hạch tín nhiệm (lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội) quan trọng như thế này là vô cùng cần thiết. Để cho xã hội thấy rằng, ở những chỗ cao nhất của xã hội người ta nghiêm túc. Sự nghiêm túc ở chỗ cao là sự răn đe ở những chỗ thấp. Và không phải chỉ có răn đe mà còn định hướng và giáo dục nữa.
"Thượng bất chính thì hạ tắc loạn" là nguyên lý căn bản của cuộc sống. Chúng ta khắc phục cái "hạ tắc loạn" bằng cách nêu cao cái "thượng" phải "chính". Và "chính" phải bằng bằng chứng, phải được kiểm nghiệm, sát hạch bởi xã hội.
- Theo ông, cần có một cơ chế như thế nào để kiểm soát chữ 'Tín" của những cán bộ có trách nhiệm?
- Chúng ta chưa có thể chế tốt để phục vụ các nhà chính trị thực thi một cách nghiêm chỉnh các lời hứa. Cho nên, chúng ta phải kiểm điểm một cách tập thể xem thể chế hiện thời có tạo điều kiện đảm bảo cho lời hứa của các nhà chính trị được thực thi nghiêm túc không.
Có ba thực tế:
Thứ nhất, với cách làm nhân sự như hiện nay thì chúng ta đã không chú trọng đến việc chọn người phải biết thực hiện lời hứa. Thứ hai, anh có hứa rồi cũng không thực hiện được. Và cái thứ ba rất quan trọng, là những quy tắc ấy cấu tạo ra một xã hội không biết cách vỗ tay hoan nghênh những sự đúng đắn và chê bai những sự thiếu đúng đắn.
Nói cách khác, năng lực phân biệt đúng sai, hay dở của xã hội cũng có vấn đề. Năng lực lựa chọn cán bộ của thể chế cũng có vấn đề, và năng lực đảm bảo cho các lời hứa của nhà chính trị cũng có vấn đề. Vì vậy, trước khi nói đến trách nhiệm cá nhân như một dấu hiệu đạo đức, chúng ta phải kiểm điểm cái thể chế đã tạo ra nó.
Ví dụ, khẩu hiệu "của dân, do dân, vì dân", ngay nước Mỹ người ta cũng chỉ nói thầm chứ không phải nói kỹ lắm đâu, và nói trong một đêm họp hành nào đó của những người tạo ra nền chính trị ban đầu của Hoa Kỳ.
Nguyễn Trần Bạt, lòng tin, của dân, vì dân, dư luận, truyền thông, tín nhiệm
Ông Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Lê Anh Dũng
- Thưa ông, vẫn có những khi giữa lời nói và thực tiễn đời sống luôn có khoảng cách. Điều này có khiến người dân mất mát lòng tin?
- Chúng ta sống quá lâu trong một đời sống mà mọi chuyện rất lý tưởng khi nói, nhưng rất hạn chế khi thực thi. Hiệu lực ấy khiiến con người dễ hoài nghi.
Còn nếu chúng ta sống trong những điều kiện mình có thì sẽ thấy khác. Tôi là người sống trong những điều kiện của tôi, sống trong sự nhận thức của tôi, vì thế tôi không thất vọng. Tôi cũng khuyên tất cả mọi người phải sống trong sự tỉnh táo của chính mình, chứ không phải tỉnh táo hộ của người khác cho mình.
- Nhưng nếu niềm tin được tạo dựng theo cách như vậy thì mọi sự thay đổi chỉ dừng lại ở mức độ từng cá nhân chứ không phải toàn hệ thống?
- Mức độ cá nhân vô cùng quan trọng. Bạn cứ  lấy việc ném rác ra phân tích thì sẽ thấy. Nếu mỗi một cá nhân không ném rác sang nhà hàng xóm thì thôn xóm, khu phố sẽ sạch sẽ hơn nhiều.
- Đặt câu hỏi ngược lại thưa ông, nếu từ thể chế cao nhất tạo ra được những quy định là ném rác sang nhà hàng xóm sẽ phải chịu xử phạt rất nghiêm minh, thì từng cá nhân sẽ thay đổi nhận thức?
- Ai sẽ tạo ra luật ném rác sang nhà hàng xóm thì bị xử phạt, nếu trước đó về mặt đạo đức, người ta không nhận ra ném rác sang nhà hàng xóm là xấu. Đầu tiên con người ta phải nhận thấy sự xấu thì mới biết quý cái tốt, và khi biết quý cái tốt, người ta mới nghĩ cách để giữ gìn cái tốt. Cách thức để giữ gìn cái tốt chính là luật pháp, cho nên bắt đầu vẫn là nhận thức.
- Quay lại câu chuyện giữa tuyên truyền và thực hiện. Theo ông, nếu chúng ta "thổi" cam kết của mình quá lớn, trong khi điều kiện khó có thể thực hiện được, hệ quả sẽ ra sao?
- Tóm lại như vậy là chúng ta muốn mua rẻ lòng tin của cuộc sống. Lòng tin của xã hội, nhân dân là thứ không mua rẻ được. Để nhân dân tin tưởng vào Đảng, đã phải có một nửa thế kỷ hy sinh biết bao nhiêu xương máu. Lòng tin là cái đã được "mua" rất đắt và chớ có lãng phí nó.
Đừng để người dân qua "hàng rào"
- Cũng xoay quanh câu chuyện tuyên tuyền và lòng tin, tôi muốn bàn một chút về vấn đề truyền thông hiện nay đang được chia thành hai phía, các cơ quan thông tin chính thống và những thông tin dư luận. Theo ông tại sao lại có hiện tượng người dân tin thông tin dư luận hơn thông tin chính thống?
- Bởi vì thông tin chính thống "chênh" với sự thật, làm cho người ta không tin nữa. Hay nói về mặt thông tin là nó bị mất lòng tin rồi. Thông tin chính thống cần tôn trọng sự thật. Nếu không vậy, nhu cầu xã hội sẽ có xu hướng đi tìm thông tin "không chính thống".
Vì thế, các cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm cần phải suy nghĩ một cách tổng thể hơn. Để làm sao cho các báo chí được gọi là chính thống (tức báo chí thuộc vùng của Nhà nước) có không gian tự do cung cấp những thông tin quan trọng nhất một cách chính xác.
Tất nhiên, có nhiều loại và nhiều cấp độ thông tin. Có những thông tin vui vẻ, giải trí, có những thông tin để tán chuyện, và có những thông tin để làm nền tảng cho tư duy. Thế thì, ít nhất báo chí chính thống phải chiếm được thị trường, hay trận địa của những thông tin có thể giúp người ta tư duy. Nếu không, thực chất tự chúng ta nhường "trận địa".
- Như vậy không thể trách người dân nếu để họ nghiêng về phía "phi chính thống"?
- Người dân người ta làm gì mà trách. Tôi lấy ví dụ. Giả sử tôi có một bà vợ, tôi đối xử thô lỗ và bất lực, không làm được gì cho vợ. Trong khi đó tên hàng xóm cứ giúp đỡ đủ thứ cho vợ tôi. Chỉ dăm bảy lần trong một tháng thì cuối cùng đến lúc nào đấy tôi sẽ thấy vợ mình qua bên kia hàng rào rồi.
Nhân dân sẽ dần dần nhảy sang bên kia hàng rào nếu các nhà lãnh đạo không nhận thức được điều ấy. Đấy là một nguy cơ chính trị có thật.
- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Mỹ Hòa (thực hiện)

No comments: