Friday, April 3, 2009

Nguyễn Trần Bạt - Tự do - Tự lập - Tự trọng


Nguyễn Trần Bạt (NTB): Xin chào tất cả các bạn! Tôi không phải là một nhà hàn lâm, tôi không đi tìm kiếm cái cảm giác thần phục của sinh viên đối với mình như là một nhà hàn lâm mà tôi đang cố gắng làm trẻ mình, làm mới mình, làm sinh động hoá trí khôn của mình thông qua giao lưu với các bạn. Giao lưu là một nghệ thuật hết sức tích cực, nghệ thuật đấy tạo ra tất cả mọi sự phát triển vốn có của đời sống tinh thần. Vì thế cho nên, tôi là người chống lại tất cả những gì áp đặt lên hoạt động này, nhất là với sinh viên. Trong công ty của tôi có khoảng 300 nhân viên rải rác ở Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ. Cách của tôi là khuyến khích sự sáng tạo, khuyến khích tự do đối với các nhân viên của mình, tự do đến làm việc cho tôi nếu anh cảm thấy tự tin và tự do rời công ty của tôi nếu anh cảm thấy bất hạnh, anh cảm thấy không hạnh phúc. Vì thế, hôm nay, tôi sẽ không giảng gì, tôi sẽ không làm gì như một nhà hàn lâm mà tôi sẽ kể với các bạn về việc tôi hình thành doanh nghiệp của tôi như thế nào Tuy không là nhà hàn lâm nhưng tôi có viết một vài cuốn sách cũng gây được sự chú ý và thậm chí nổi giận của nhiều người. Trong xã hội của chúng ta, chỉ nguyên việc gây ra được một sự nổi giận không chết người đã là có giá trị tích cực. Tất nhiên, những sự nổi giận chết người thì không khôn ngoan nhưng sự nổi giận cần thiết tạo ra sự sinh động của cuộc đời mình thì tôi nghĩ là chúng ta nên làm, bởi vì chúng ta phải chứng tỏ chúng ta còn sống, còn sống thì mới làm được cho người khác nổi giận một chút. Nói như vậy có nghĩa là khi các bạn đặt câu hỏi cho tôi thì cũng không cần thiết phải né tránh những điều mà các bạn cho là phạm húy hoặc cho là có chất lượng hàn lâm. Tôi không cho mình là một nhà hàn lâm nhưng tôi nghĩ rằng tôi có thể đối thoại với các bạn ở một chừng mực phổ thông của khái niệm này.

Cái đáng giá nhất trong cuộc đời của tôi không phải là tạo ra một công ty mà là tạo ra được một nghề. Tôi là người Việt Nam đầu tiên tạo ra một loại nghề nghiệp, đó là nghề tư vấn về đầu tư và phát triển các quan hệ thương mại. Công ty này được thành lập trước khi Chính phủ ban hành nghị định 139/HĐBT hướng dẫn thi hành luật đầu tư nước ngoài. Nó ra đời tại Bộ Khoa học và Công nghệ, trước khi thành lập Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư một năm. Vào thời điểm tôi bắt đầu hoạt động có nhiều nhà lãnh đạo gọi cái nghề mà tôi đang làm bây giờ là nghề cai đầu dài, nghề môi giới. Và đã có một thời Chính phủ rất nổi giận vì có một nghề nghiệp mà mình không phân loại và không kiểm soát nó được. Khi tôi lập công ty đầu tiên về lĩnh vực này, tôi phải thuyết phục được họp báo. Có 27 vị đại sứ đã đến dự cuộc họp báo của tôi, trong đó tôi có mời cả Bộ trưởng là giáo sư Đặng Hữu, thầy giáo dạy tôi tốt nghiệp đại học. Tôi nhớ rằng Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh lúc bấy giờ hỏi tôi: "Nếu chúng tôi cần dứa, ông làm thế nào để cung cấp dứa cho chúng tôi?" Tôi nói rằng: "Tôi sẽ phải nghiên cứu xem tỉnh nào có dứa, sau đó tôi sẽ thông báo với các công ty của ngài rằng nơi nào có dứa, dứa đấy sẽ chín vào mùa nào và hệ thống vận tải từ các cánh đồng dứa ra ngoài thuận lợi như thế nào, giá cả của nó và các điều kiện khác..." Sau đó tôi có nghe Bộ trưởng nói rằng "Đến Bộ cũng không nắm nổi việc ấy thì làm sao mà một công ty chỉ có 3, 4 người làm được." Cách đây mấy năm, khi còn làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo sư có mời công ty của chúng tôi đến trình bày về vấn đề làm thế nào để quản lý được toàn bộ quá trình bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi đã uỷ quyền cho các Phó Tổng giám đốc của tôi đến trình bày. Buổi nói chuyện ấy rất được các nhà lãnh đạo của chúng ta hoan nghênh và nó góp phần làm tiền đề cho việc Quốc hội của chúng ta phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ.

Cũng phải nói với các bạn về một số nét xuất xứ của tôi. Tôi là kỹ sư cầu đường, tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Khoa Xây dựng. Tôi vào đại học năm 1964, tốt nghiệp năm 1972, lý do là giữa đó có quãng thời gian đi bộ đội. Sau đó tôi lại vào bộ đội một lần nữa với tư cách là sĩ quan công binh, làm việc tại Cục công binh 559, thuộc Binh đoàn Trường Sơn. Tôi rất tự hào khi tôi đến Mỹ kể câu chuyện tôi đã từng tham gia làm đường Hồ Chí Minh. Không có một người Mỹ nào lại ghét một người đã từng làm đường Hồ Chí Minh để tạo ra tiền đề giao thông vận tải cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi đã kể lại chuyện ấy một cách rất đàng hoàng tại New York, tại Washington, tại Los Angeles, tại San Francisco, cả tại trường Harvard nữa. Năm 1976, tôi rời khỏi quân đội để về làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, và trở thành quyền chủ nhiệm một bộ môn cho đến khi tôi rời Viện vào năm 1985, với một lý do hết sức riêng tư. Lý do riêng tư ấy gồm hai khía cạnh. Vào khoảng thời gian ấy, tôi đi thi làm nghiên cứu sinh. Các bạn bây giờ không biết được rằng thi nghiên cứu sinh vào cái thời ấy là cuộc thi khủng khiếp đến mức nào. Số lượng những người dự thi trong một cuộc thi như vậy ngồi kín hội trường chính của trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng số lượng người thi đỗ chắc chắn không bằng một dãy ngồi trong phòng học này. Tỷ lệ thi đỗ vào khoảng 1/100. Tôi đã thi đỗ, thế nhưng đến khi đi thì người ta không cho đi vì cho rằng tôi là kẻ kiêu ngạo. Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, vào lúc ấy, tôi có một đứa con gái sinh năm 1974, nó bị căn bệnh không sống được, đó là bệnh máu trắng. Thế là tôi đành từ bỏ việc đi nghiên cứu sinh. Để chữa căn bệnh ấy trong những điều kiện hết sức hạn hẹp ở Việt Nam, mỗi một ngày cũng cần có khoảng 30 đô la tiền thuốc. Với tư cách là một cán bộ cấp phòng (Bộ môn của tôi tương đương với một phòng) thì không có cách gì để có đủ tiền cả và tôi nghĩ là cần phải kiếm ra tiền. Để cứu con mình tôi buộc phải từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình và đi làm kỹ sư xây dựng, rồi về phụ trách công việc xây dựng tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam (bây giờ là Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam). Các bạn cũng biết rằng tham nhũng bây giờ tạo ra sự giầu có, nhưng tham nhũng vào đầu những năm 80 thì chỉ cải thiện đời sống. Không biết định nghĩa thế nào là tham nhũng nhưng tôi cảm thấy cuộc sống của mình tốt hơn một chút khi tôi làm việc trực tiếp. Các nhà khoa học thì không có công tác phí vì các nhà khoa học chẳng đi đâu bao giờ, nhưng làm nghề xây dựng thì hay phải đi nên có công tác phí và có sự chắp vá của tất cả những gì gom góp được nhờ sự phát hiện các kẽ hở của công tác quản lý nhà nước để có thể sống được. Thế là tôi cũng có đủ tiền thuốc để chữa bệnh cho con nhưng không cứu được nó. Tôi mất con gái của tôi vào cuối năm 1985. Lúc bấy giờ giá một ca mổ để ghép tuỷ ở Paris là 200.000 fran, ở Budapest là 30.000 đô la. Tôi không thể có số tiền ấy và tôi đành để mất đứa con gái. Phải nói là cho đến bây giờ, vĩnh viễn không bao giờ vết thương ấy được liền trong đời sống tinh thần của tôi. Tôi có nói với con gái tôi rằng tôi là một người cha tồi vì không cứu được con. Tôi không có tiền, tôi không sáng tạo ra cái gì để có thể giúp con mình sống được. Lúc đó tôi có thêm hai đứa con trai nữa. Tôi nghĩ rằng cần phải lao động, cần phải sáng tạo, không thể trông đợi vào những kinh nghiệm mà mình đã có cho đến lúc ấy. Cho nên tôi tạo ra nghề này.

Những ý tưởng đầu tiên để làm nghề này xuất hiện khi tôi bắt đầu đọc cuốn "Nhà tư bản tài chính" của Theodore Dreiser. Tôi nghe nói rằng Lenin cũng đọc quyển ấy. Nhưng Lenin đọc quyển ấy để làm Cách mạng Tháng Mười còn tôi chỉ làm cuộc cách mạng nho nhỏ trong đời sống cá nhân của tôi thôi. Tôi cứ thấy người ta bảo Lenin thích gì là tôi thích thử xem sao. Ví dụ, có hai bản giao hưởng mà Lenin thích nghe là Appassionata và Moonlight, tôi đã nghe thử và cố gắng hình dung ra cái tâm trạng nào mà một người như Lenin có thể thích chúng. Tôi nghĩ rằng, đi tìm cái quy luật tinh thần của mỗi một vĩ nhân trong cuộc đời chính là cách tốt nhất để chúng ta dẫn mình đến những thử nghiệm tinh thần của mình. Lúc trẻ, tôi đọc quyển "Tuổi trẻ của Karl Marx”, phải nói rằng tôi thấy tinh thần của cậu bé Marx lúc 17 tuổi làm thắp sáng đời sống tâm hồn của mình. Có lần, khi một cán bộ cao cấp hỏi tôi: "Bây giờ, khi chúng tôi làm việc với bọn trẻ, chúng luôn luôn phê phán chúng tôi rằng các khái niệm có vẻ cao thượng như yêu nước, yêu thế nọ, thế kia là mâu thuẫn với thực tế của cuộc sống. Theo anh, tôi phải giải thích như thế nào với bọn trẻ để có thể xuôi được?" Tôi nói rằng, chỉ nguyên việc anh đặt ra vấn đề giải thích để cho nó xuôi đã là hỏng rồi. Bởi vì con người cần cả những cái cụ thể như là tiền lương, nhưng con người cần cả những cái cao thượng thắp sáng tâm hồn. Khi đói kém chúng ta có thể tạm quên những thứ cao thượng đi, nhưng khi no đủ rồi chúng ta bỗng nhiên thấy thiếu cái đấy mà chúng ta đi tìm thì có khi không tìm lại được nó nữa.

Bắt đầu từ việc cứu đứa con, từ việc bảo hộ đời sống vật chất cụ thể của những đứa con của mình, tôi đã tạo ra một nghề mà ở trong nước hiện nay có khoảng 300 công ty thực thi các dịch vụ như thế, trong đó vào khoảng 1/3 số công ty này là do cán bộ từ công ty của tôi tạm biệt tôi để bắt chước tôi. Công ty này là một công ty lớn, cái thứ hai sau nó không so được với nó. Chúng tôi có khoảng độ 300 cán bộ, cung cấp dịch vụ cho khoảng 20% toàn bộ thị trường các dự án ODA ở Việt Nam, khoảng 15% thị trường các đầu tư FDI ở Việt Nam, cung cấp những dịch vụ luật sư cho những giao dịch mua bán rất quan trọng như là mua vệ tinh đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam, làm hợp đồng cho các giao dịch mua bán hoặc thuê mua các máy bay Boeing và máy bay Airbus của Vietnam Airlines. Phải nói rằng chúng tôi sử dụng một lực lượng lao động cố định khá lớn nhưng cái dòng lao động đi qua chúng tôi cũng lớn. Hôm qua tôi có tổ chức một buổi hội thảo mà tôi rất tự hào bởi vì một trong những người trình bày chính tại hội thảo ấy là Tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam đã từng là cán bộ của tôi. Khi còn làm cho tôi, chị ấy là thư ký, là phiên dịch cho tôi, người giúp tôi đối thoại với tiến sĩ Henry Kissinger, với các bộ trưởng Úc vào đầu những năm 90. Chị ấy giỏi tiếng Anh đến mức khi tôi dẫn chị ấy đến nói chuyện tại trường Harvard, kết thúc buổi nói chuyện, ông hiệu trưởng Havard Business School bảo với tôi rằng nếu ông không phản đối thì tôi cấp ngay cho cô ấy một học bổng. Nhưng chị ấy kiêu ngạo đến mức không thèm xin học bổng tắt như vậy mà chị ấy thi và đỗ vào trường Wharton, Đại học tổng hợp Philadelphia, một trong những trường dạy về tài chính và tiền tệ tốt nhất thế giới. Tất cả những nhà quản lý của các băng tội phạm quan trọng nhất trên thế giới đều được đào tạo ở đấy. Ngũ đại gia đình ở New York chỉ tuyển người quản lý tài chính từ trường này. Các ngân hàng đầu tư lớn như Morgan Stanley, JP Morgan cũng lựa chọn các kế toán trưởng từ đấy. Sau 10 năm chị ấy trở thành tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam, với mức lương hàng trăm nghìn đô la một năm. Người Việt Nam chúng ta cứ phong nhau tổng giám đốc ào ào, nhưng mà thu nhập của họ cũng chỉ bằng 1/5 thu nhập của tổng giám đốc ngân hàng ANZ ở Việt Nam thôi. Cho nên phải nói rằng, khi chúng ta làm việc, chúng ta phải rất thực tế.

Tôi đã giới thiệu sơ lược về mình. Tôi muốn bắt đầu buổi giao lưu hôm nay. Tôi có mang theo một số tài liệu, nếu tôi giở ra để giảng về cải cách chắc là tôi sẽ nói rất hay nhưng mà các bạn sẽ không nghe đâu, cái mà các bạn bây giờ đang sôi sục lên là mình sẽ làm gì sau khi học. Tôi có cậu con út đang học năm thứ ba tại khoa Philosophy, Politics and Economics (PPE), trường Kinh tế London. Tôi biết được tâm trạng của nó bây giờ là nó bắt đầu nghĩ xem sau khi ra trường mình làm gì, học tiếp như thế nào, đi thực tập ở đâu. Nhưng cái đó cũng chỉ là phần cơ bản thôi, còn phần chính là, liệu ta chọn ai làm hình mẫu cho sự phát triển cá nhân ta, chọn Goeroge Soros hay là Bill Gates. Cậu ấy nói rằng con rất tự hào bởi tất cả các bạn sang học khoa Auditing, khoa Marketing, còn con học khoa PPE, khoa của con có George Soros. Tất cả những thứ lãng mạn như vậy làm sôi sục tâm hồn các bạn, cho nên tôi chấm dứt nói chuyện một cách chủ động ở đây, các bạn cứ chất vấn tôi như một kẻ đã trót dại ba hoa một chút về mình với các bạn, để tạo ra cho các bạn cảm giác thách thức trong sự đối thoại. Tất cả mọi sự đối thoại có chất lượng kích thích, có chất lượng thách thức đều dẫn đến những đòi hỏi sự sáng tạo của các bạn và do đó mới có ích cho Khoa Quản lý Đào tạo Quốc tế với tư cách là nơi tạo ra sự hoàn chỉnh của một sản phẩm mà xã hội được nhờ vào sản phẩm ấy. Thực ra, ở Việt Nam những người có khả năng đối thoại bình đẳng với các bạn là rất hiếm. Rất nhiều nhà doanh nghiệp không tự tin khi nói với sinh viên. Lý do là họ chưa từng là sinh viên, hoặc họ là sinh viên một cách chiếu lệ và họ sẽ nói với các bạn về tiền, bởi vì ưu thế của các nhà kinh doanh là tiền. Nhưng tôi sẽ không nói với các bạn về tiền, tôi nói với các bạn về cái cách mà chúng ta phải làm để trở thành một con người mà tiền chỉ là sản phẩm phụ của sự nghiệp của chúng ta.

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/NTBat_GiaoluuSv_Khoa_QLQT-DHKTQD/

No comments: