Wednesday, March 27, 2013

Không thể 'ngồi chờ sung rụng'

Không thể 'ngồi chờ sung rụng'

Lúc đó, lãnh đạo cứ nghĩ mình có chính sách tốt, luật pháp tốt, rồi nhân công rẻ, tức khắc các nhà đầu tư sẽ đến, tội gì phải đi cho mất công, tốn tiền.
LTS: Tuanvietnam tiếp tục phần 2 cuộc trao đổi với ông Lương Văn Lý của DNL Partners về vấn đề TP HCM sau mấy chục năm đổi mới, về thu hút đầu tư nước ngoài. >> Kỳ 1: Sài Gòn 'mất đà', 'hụt hơi'?
Nhắc cho người ta nhớ

Sau này, khi sang Sở Kế hoạch - Đầu tư, ông đã kịp làm những gì, nhất là đối với thu hút đầu tư nước ngoài?
Thay đổi cơ bản nhất là chúng tôi đã tạo được một nhận thức mới của lãnh đạo thành phố là phải đi xúc tiến đầu tư, chứ không thể ngồi chờ sung rụng được.
Lúc đó Việt Nam mình có một niềm tự hào là cô gái đẹp, con rồng nhỏ, ngôi sao đang lên... Thứ nữa, lúc đó, lãnh đạo cứ nghĩ mình có chính sách tốt, luật pháp tốt, rồi nhân công rẻ, tức khắc các nhà đầu tư sẽ đến, tội gì phải đi cho mất công, tốn tiền.
Tôi thuyết phục các vị lãnh đạo rằng thời buổi ngày nay, anh không đi, anh không nhắc cho người ta nhớ, người ta quên anh thôi. Hồi đó, tôi phải kiên trì mất một năm mới thuyết phục được lãnh đạo thành phố. Sau đó thì năm nào cũng đi, không chỉ một đoàn mà có khi ba đoàn, đến các thị trường lớn, như Nhật Bản, châu Âu, hay Bắc Mỹ.
Người Việt Nam vẫn có một thứ thâm căn cố đế là rất ngại tiếp xúc, đặc biệt với người nước ngoài. Mà không phải là chuyện chính trị đâu nhé. Rồi từ đó lại đẻ ra một cái tệ khác là thấy nguời Việt Nam nào ung dung tự tại trong tiếp xúc với người nước ngoài thì lại qui kết nọ kia. Chẳng hạn, ông Nguyễn Thiện Nhân đã từng bị phê bình không chính thức khi tiếp khách lại nói thẳng bằng tiếng Anh.
Nhưng đó mới chỉ là bước đầu, còn vấn đề chính là chuyển thông điệp gì cho nhà đầu tư thì chưa rõ ràng. Bởi đi vào cụ thể, lĩnh vực ưu đãi là dịch vụ và công nghệ cao, thì mình lại bị tắc khi không có định nghĩa rõ ràng, và tắc luôn đến tận bây giờ.
Ví dụ như Bosch cách đây vài năm vẫn sản xuất linh kiện ô tô và các chip điện tử xin vào khu công nghệ cao, Việt Nam mình thì bảo đó là cơ khí ô tô chứ không phải công nghệ cao. Rốt cuộc là từ chối Bosch. Cái chính là mình không định nghĩa rõ ràng về công nghệ cao.
Hay mình muốn ưu tiên thu hút tài chính cao cấp, thế nhưng đó là là lĩnh vực dịch vụ, và ở Việt Nam bị đánh thuế cao nhất, vì đó là phi sản xuất.
Hồi ông còn làm ở Sở KH-ĐT, nhà đầu tư hay hỏi ông câu hỏi gì nhất?
Chủ yếu về thủ tục và những vấn đề ưu tiên ưu đãi.
Đến giờ TP HCM đã xác định ưu tiên công nghệ cao?
Chưa. Thậm chí đầu tư công nghệ cao rất trắc trở, mặc dù gần đây khá hơn. Công cụ các ông muốn là những công cụ mũi nhọn mà không bỏ tiền thì gọi gì là ưu tiên. Tư nhân không thể làm được vì nó quá rủi ro.
Với cương vị mới, khách hàng của ông vẫn đặt lại câu hỏi cũ?
Những than vãn kêu ca vẫn tiếp tục từ hơn 10 năm về trước và có dấu hiệu nhiều hơn. Bây giờ có sức ì lớn, bởi hễ có gì đó hơi khác một tí là họ (Sở KH-ĐT) hỏi bộ, chứ hoàn toàn không để rủi ro nào dành cho mình cả.
Nhưng rồi các bộ không thèm trả lời, họ nhận công văn rồi bỏ đấy.
Nghe nói ông Lê Mạnh Hà, khi lên làm Phó Chủ tịch TP, bực mình về chuyện đó lắm. Ông ấy bảo mấy chuyện đó cứ để ông giải quyết, thay vì phải gửi ra cho các bộ. Nếu chuẩn ra thì đó là việc của Sở KH-ĐT, chứ chả phải phiền đến ông Hà.
Sài Gòn trong đêm
'Ông lớn' không dại gì đổ tiền vào Theo ông đánh giá, TP HCM trong con mắt các nhà đầu tư lớn như Mỹ ra sao?
Theo tôi đầu tư lớn và nghiêm túc từ Mỹ vào Việt Nam chưa có mấy. Cho tới nay, các ông lớn chưa vào. Họ mới thử bỏ ít vốn qua các công ty con, hoặc công ty trung gian, xem tình hình thế nào. Trừ Intel là một câu chuyện rất đặc biệt.
Lý do?
Năm ngoái, tôi có nói chuyện với Đại sứ Mỹ về vấn đề này. Bây giờ tôi có thể trả lời anh như sau:
Thứ nhất, hiện nay thị trường Việt Nam còn quá nhỏ, so với các thị trường khác. Ví dụ điển hình nhất là McDonald, hay Cosco.
Thời tôi còn ở Sở Ngoại vụ, tức là ít nhất cách đây hơn 10 năm, McDonald có cử người vào thăm dò nhiều lần. Còn Cosco thì phía Việt Nam đã chủ động tiếp xúc rất nhiều. Nhưng cho đến nay, thậm chí mua hàng của Việt Nam, hiện nay họ cũng mua nhỏ giọt. Tóm lại các ông lớn thấy thị trường này chưa hấp dẫn.
Thứ hai, thị trường này còn quá bấp bênh, nên các ông lớn không dại gì đổ tiền vào.
Một trong những điều mà các nhà đầu tư hay phàn nàn là sự thay đổi chính sách quá nhanh, hay nói cách khác, môi trường chính sách ở Việt Nam thiếu sự ổn định và nhất quán.
Xin ông nói rõ hơn.
Cách điều hành kinh tế không tạo cho giới đầu tư - kinh doanh cảm thấy an toàn. Chính sách kinh tế vĩ mô họ thấy bấp bênh quá, như những xử lý gần đây với các ngân hàng, hay chính sách tài khóa, lạm phát... Nói chung, Việt Nam hay làm theo kiểu làm tới đâu hay tới đó, chứ tầm nhìn lâu dài, khả năng dự báo rất yếu.
Thứ hai là tham nhũng. Điều quan trọng là họ thấy tình hình ngày càng tệ. Họ nghi ngờ ý chí chống tham nhũng chưa đủ mạnh. Họ nói rằng cứ thấy luật mới nào ra là đầy rẫy những lỗ hổng, khe hở. Và họ đặt câu hỏi: Tại sao những khe hở, lỗ hổng đó lại được giữ nguyên trong luật?
Đó cũng là câu hỏi của tôi.
Họ chỉ tập trung vào hai điểm: Mình điều hành mà cứ để những chuyện nọ chuyện kia xảy ra thì chống làm sao được tham nhũng; thứ hai là năng lực quản lý kinh tế vĩ mô..., Người Mỹ nghe những chuyện đó thấy kinh lắm.
Xin quay trở lại câu chuyện của Intel. Intel đặc biệt ở chỗ nào?
Thứ nhất, bản thân Intel không muốn tiếp tục phát triển ở những nơi đã có nhà máy. Chẳng hạn, Intel đang định đóng cửa nhà máy ở Penang (Malaysia), bởi họ không hài lòng về chất lượng nhân công. Thứ hai, họ muốn da dạng hóa đầu tư, không chỉ tập trung ở Trung Quốc nữa.
Thứ ba, về phía Việt Nam, TP HCM có khu công nghệ cao, với người phụ trách lúc đó là ông Năm Nghị (Phạm Chánh Trực). Vai trò cá nhân, trong đó có cả nhân cách và phần nào đó là thế chính trị, ở đây rất quan trọng. Ông lôi được Intel vào đúng lúc họ cần tìm địa điểm đầu tư mới.
Nhưng bản thân ông Năm Nghị một mình phải đấu tranh rất dữ dội. Bởi Intel đòi những cái đảm bảo mà luật pháp không cho phép.
Chẳng hạn, vào thời điểm 2000-2001, mà nhà đầu tư vào đòi hỏi rằng "nếu tôi bỏ 1 tỷ USD, anh phải bỏ 100- 200 triệu USD", để chứng tỏ Việt Nam thiện chí làm. Các ông nghe nhảy dựng lên liền, báo chí không làm ầm ĩ lên cũng vì đó là ông Năm Nghị, chứ nếu họ làm ầm lên câu chuyện chủ quyền thì chắc hỏng.
Đó là chưa nói tới những chuyện khác, như ưu đãi thuế má... Tức là ông đáp ứng được cho Intel những nhượng bộ mà chưa bao giờ nhà đầu tư nước ngoài nào khác đạt được ở Việt Nam.
Tất nhiên, khi Intel vào Việt Nam rồi, họ lại gặp phải những khó khăn khác, như nguồn nhân lực. Nhưng đó là chuyện về sau.
Huỳnh Phan

No comments: