Tuesday, March 26, 2013

Sài Gòn 'mất đà', 'hụt hơi'?

Những bức xúc của thế hệ ban đầu thúc đẩy đổi mới, thì tới thế hệ sau không còn mãnh liệt như trước nữa. Người ta cảm thấy có thể đi chậm lại, có thể bớt tính đột phá, mà tình hình vẫn ổn.
LTS: Tuanvietnam xin tiếp tục cuộc trao đổi về TP HCM, sau mấy chục năm đổi mới, về thu hút đầu tư nước ngoài, lần này là ông Lương Văn Lý của DNL Partners, người đã từng là Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ (1994-2001), Phó Giám đốc Sở Kế Hoạch - Đầu tư (2001-2007).
Sợ mất quyền kiểm soát?

Xin hỏi ông lý do vì sao những năm đầu đổi mới đầu tư nước ngoài dồn vào TP HCM, nhưng càng về sau thành phố này không giữ được vị trí trung tâm trong thu hút đầu tư nữa?
Có 3 nguyên nhân. Tôi dựa vào các trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài rồi rút ra.
Thứ nhất là tâm lý, các nhà đầu tư vào mình đa số từ các nước tư bản, nhắc đến Việt Nam thì nghĩ đến miền Nam, và TP HCM là nơi phồn hoa nhất và năng động nhất.
Thứ hai là TP HCM là nơi có điều kiện làm ăn thuận lợi nhất, nhất là đầu những năm '90, đầu tư nước ngoài rộ lên. Đây là nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt nhất và nguồn nhân lực dồi dào từ nhiều nơi. Nơi đây có tư duy phù hợp với kinh tế thị trường và đào tạo tốt hơn.
Thứ ba là dù sao đổi mới bắt đầu từ TP HCM, và trong quá trình đổi mới nơi này mang tính tiên phong.
Tức là theo ý ông, đổi mới gắn với tầm nhìn và ý chí của lãnh đạo?
Cái nếp suy nghĩ đã có một đà năng động đã tiếp tục vận hành và lôi cuốn những người có tư duy do dự nhất. Những con người đã khởi xướng đổi mới từng làm việc ở đây thì chắc hẳn nơi này có một nguồn đào tạo và hình thành lãnh đạo theo một cách nào đấy.
Thực sự ra phải nói cho đến Đại hội 7 (1991), không khí đổi mới rất nô nức và mọi người đến TP HCM lần đầu tiên cảm thấy đổi mới hiện diện trong từng ngày và từng bước đi.
Nhưng chỉ mấy năm sau thôi, người ta cảm nhận có gì đó cản bước họ, quá trình đổi mới chậm lại, và thể hiện rõ đến khoảng năm 2000.
Ông lý giải chuyện đó thế nào? Họ bắt đầu cảm thấy dè dặt vì đổi mới quá nhanh?
Trước khi trả lời câu hỏi của anh, tôi muốn đề cập đến chuyện này trước. Khi một cái gì đó mới bắt đầu thì nó mới háo hức và sôi động, và, lẽ ra, công cuộc đổi mới sau giai đoạn hồ hởi đó thì phải đi vào chiều sâu, phải được tiếp tục bằng các cải cách theo chiều sâu.
Khi phát sinh cải cách chiều sâu, nhà đầu tư nước ngoài mong đợi TP HCM sẽ tiếp tục tiên phong trong cải cách, nhưng họ không thấy. TP HCM ngày càng nhiều nhà đầu tư vào, nhưng ngày càng nhiều người thất vọng.
Theo ông, cải cách chiều sâu bao gồm những gì?
Một vấn đề rất hiển nhiên, ai cũng nhìn thấy, là thủ tục hành chính, thậm chí còn phải tiến đến mức cải tổ bộ máy nữa. Nhưng nhìn lại, người ta thấy thủ tục vẫn tiếp tục nặng nề, so với một số tỉnh lân cận, như Đồng Nai, Bình Dương, hay Vũng Tầu, thì chậm hơn hẳn. Ở những tỉnh đó, người ta thấy rõ ràng bộ máy chính quyền thân thiện hơn.
Nói tóm lại, đó là một sự mất đà, thậm chí hụt hơi, trong quá trình đổi mới.
Bây giờ quay lại câu hỏi của anh, thực sự tôi có cảm giác ở đây cũng dính đến con người. Tôi phục vụ đến ít ra 3 thế hệ lãnh đạo, và nhận thấy rằng dường như những bức xúc của thế hệ ban đầu như cụ Nguyễn Văn Linh, cụ Mai Chí Thọ, hay cụ Võ Văn Kiệt, khiến họ phải quyết định đổi mới, thì tới thế hệ sau không còn mãnh liệt như trước nữa. Tức là người ta cảm thấy có thể đi chậm lại, có thể bớt tính đột phá, mà tình hình vẫn ổn.
Thứ hai là những năm cuối '90 bước đầu sang 2000, cùng với những cố gắng ra đời và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, thì sự kiểm soát của Trung ương chặt chẽ hơn, nhiều luật hơn và phép tắc hơn và định hình khung rõ ràng hơn. Trong khi đó, đổi mới thì đòi hỏi phải thay đổi, thậm chí phải "leo rào" nhiều hơn, thành ra có nhiều sự ngại ngùng.
Tôi có cảm giác đến một lúc nào đó người ta sẽ sợ mất quyền kiểm soát.
Thành phố sợ, hay Trung ương sợ?
Tôi chỉ nói ở cấp độ thành phố thôi. Cái này cũng phần nào đó lý giải được rằng những người lãnh đạo không hiểu kinh tế thị trường.
Khi Đại hội 6 (1986) nói về kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì thế giới rất mù mờ về Việt Nam. Đổi mới mà cho kinh tế thị trường phát triển và nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước thì người ta rất ngại.
Chúng ta phải rạch ròi hai khái niệm: Nếu năm 1986 mà không đổi mới thì chết, và chúng ta đã đổi mới, nhưng khi sau này thấy đổi mới quá sẽ mất sự kiểm soát thì người ta ngần ngại.
Nói tóm lại, nỗi lo sợ lớn nhất là mất quyền kiểm soát đã cản trở mọi thứ. Tôi xin kể một ví dụ khá điển hình hồi đó.
Đầu những năm '90 có sự kiện rất đáng chú ý là cả Coca Cola và Pepsi Cola vào Việt Nam. Trong khi Coca Cola đi những bước thận trọng, qua người Việt, thì Pepsi Cola làm rất mạnh. Họ phát động một chương trình quảng bá rất mạnh với hàng loạt poster nhấn mạnh khái niệm "Thế hệ mới". Điều đó khiến cho hàng loạt ông giật mình.
Thậm chí, có vị trước đây là người ủng hộ đổi mới của Nguyễn Văn Linh rất mạnh, tức là có tư duy đổi mới, lại cảm thấy lo ngại rằng dường như Pepsi Cola đang phát động điều gì đó với giới trẻ, ngoài mục đích kinh doanh thuần túy. Và thế là trong Pepsi Cola mới xuất hiện ông Phạm Phú Ngọc Trai.
À, tức là mình phải đưa người vào để quản lý?
Đúng rồi. Tự dưng lúc đó người ta cảm thấy sợ vì những chuyện không vào đâu, và đó là một trong những yếu tố làm khựng lại đà đổi mới.
Ông Lương Văn Lý của DNL Partners
Hạt sạn lớn Nhiều người nói mình không hiểu Mỹ. Ông nghĩ sao?
Đúng. Mình có những người bắt đầu tìm hiểu Mỹ như ông Nguyễn Cơ Thạch, hoặc ông Lê Mai, thì người rút sớm, người mất sớm, thế nên mình không hiểu Mỹ và lớn hơn là không hiểu nền kinh tế thị trường nó vận hành thế nào. Như ví dụ mà tôi vừa nêu, chuyện công ty quảng cáo để hướng tới khách hàng trẻ là chuyện thường ngày ở huyện.
Khi thực hiện đổi mới thì bắt buộc phải nói về kinh tế trước. Vậy khi nói về kinh tế thị trường mà người ta không hề quan tâm đến nó. Mãi về sau này, tự nó vận hành thì các vị phải chạy theo. Theo mình đó là sự thiếu sót, tầm nhìn của người đổi mới không đủ để bao quát, mới chăm chú chuyện chính trị.
Cụ Nguyễn Cơ Thạch đọc sách của Samuelson về kinh tế tư bản nên đi đâu cũng nói câu chuyện lựa chọn giữa sản xuất bơ và súng. Ông là nhân vật hiếm hoi chịu khó tìm hiểu về Mỹ, về kinh tế thị trường, và bắt đầu quan tâm tìm hiểu về Mỹ, đặc biệt là chính trị nội bộ của Mỹ.
Trong khi đó, khi Việt Nam bắt đầu quan tâm đến Mỹ, là mình quan tâm làm sao Mỹ bỏ cấm vận, nên thông qua chính trị, thông qua các đoàn thể quần chúng, qua cả các chính phủ có quan hệ với mình ở phương Tây, để "ép" Mỹ bỏ cấm vận. Người ta xem việc bỏ cấm vận làm một thành quả về mặt chính trị, chứ hệ quả kinh tế thế nào thì người ta ít nghĩ.
À, tôi biết, lúc đó vì ông ở trong trung tâm của nỗ lực bình thường hóa quan hệ. Giống như vừa rồi, mình đặt vấn đề với Mỹ: rút lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương, có người lại cho rằng quan hệ bình thường thì phải dỡ bỏ cấm vận, chứ chưa chắc Việt Nam có nhu cầu mua?
(Cười) Bối cảnh có khác. Thỉnh thoảng muốn làm hoà hay tăng thêm sức ép thì tung chiêu kinh tế thương mại, phục vụ cho mục tiêu chính trị, chứ không phục mục đích phát triển quan hệ kinh tế. Điều đó vẫn là một hạt sạn lớn làm cho cỗ máy quan hệ giữa Việt Nam với thế giới bị hóc.
Quay lại cái khủng hoảng tài chính Châu Á (1997-1998) tác động gì đến TP. Hồ Chí Minh?
(Lúc đó phó Giám đốc Sở Ngoại vụ) Tôi đã phát biểu rất nhiều, chủ yếu trong các cuộc họp nội bộ, rằng khủng hoảng '97-'98 không có tác động tới Việt Nam, vì thực tế là Việt Nam thậm chí chưa đưa một ngón chân vào kinh tế khu vực.
Thực sự, nếu có ảnh hưởng cũng chỉ là với khu vực đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như Hàn Quốc.
Nhưng khủng hoảng chưa đụng chạm đến tiềm lực cơ bản của thành phố. Trái lại có những thuận lợi từ Thái Lan chao đảo, thì lẽ ra phải có những động thái để chiếm lĩnh lấy những khoảng trống đó.
Chẳng hạn, tôi luôn nói là phải nhanh chóng cải tổ đổi mới ở những lĩnh vực then chốt như du lịch, đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tiền không có nhiều, nhưng phải tập trung để đón đầu.
Có điều, họ tiếp thu, nhưng không thực hiện gì cả. Và thế là đến năm 2000, sự mất đà đã thấy rõ, nhất là với thu hút đầu tư nước ngoài.
Huỳnh Phan

No comments: