Thursday, June 18, 2009

Bầu Thắng và “lò gạch” của anh Chín


Khác hẳn với vẻ bề ngoài bụi bặm của bầu Đức, ông chủ tịch Võ Quốc Thắng của Gạch lại rất chỉn chu từ trang phục đến sắc vóc với hàm ria con kiến tỉa tót nắn nót và mái tóc mượt mà lẫn lối nói chuyện thân thiện.

Các cầu thủ Gạch vẫn hay gọi bầu Thắng theo ngôi thứ trong gia đình là “anh Chín” và vẫn hay điện thoại chia sẻ với ông bầu của mình như một người anh tinh thần chứ không phải ông chủ. Mỗi khi cao hứng, ông vẫn có thể bù khú say khướt với cầu thủ như những người thân trong gia đình...

Bóng đá sạch, cầu thủ sạch

Năm 2001, khi đội còn đá giải hạng nhất, đội trưởng Quang Sang báo cho ông Võ Quốc Thắng biết đội bạn muốn mua chuộc một số cầu thủ trụ cột nhưng bất thành. Bầu Thắng cảm kích sự trung thực liền móc túi ra thưởng ngay cho Quang Sang 15 triệu đồng và nhắc nhở đội bóng cho dù mình sức yếu phải xuống hạng cũng chấp nhận chứ đừng bao giờ bắt tay với tiêu cực.

Ông luôn căn dặn cầu thủ: “Các em chỉ cần đá bóng thiếu tích cực trên sân thôi thì đã là một hành vi tiêu cực rồi. Anh không chấp nhận điều đó. Cuộc sống của các em chính là tấm vé và lòng tin của giới hâm mộ. Người dân Long An làm ruộng, bán vé số, buôn gánh bán bưng vất vả lắm, họ tiết kiệm từng đồng mua vé vào sân. Mấy em chơi thiếu nhiệt tình là lừa gạt họ đấy, tội lắm!”. Bầu Thắng kể tiếp: “Năm 2001, tôi nghe Hoàng Thương sau lần tập trung tuyển Olympic trở về có dấu hiệu ngôi sao khiến anh em khó chịu. Tôi liền gọi Hoàng Thương lại và ngồi ngay trên sân cỏ tâm sự như những người đàn ông với nhau. Ba mẹ Thương làm mía cực khổ và nghèo lắm. Tôi khuyên em đừng vội có chút tiền, chút tiếng đã chơi bời lêu lổng thì uổng lắm, còn tương lai của em nữa. Thương khóc nức nở và hứa với tôi sẽ tu tỉnh trở lại. Sau lần ấy, Hoàng Thương chững chạc hẳn lên”.

Bầu Thắng nhớ lại bốn năm trước, ông từng bỏ ra 70 triệu đồng mua chân sút Việt Thắng đưa từ Gỗ về Gạch, nhiều người nói ông bé cái lầm khi lấy cầu thủ có “tật” và chấn thương. Ông lý giải: “Tôi thực sự không quan tâm đến tì vết của cầu thủ nếu có. Bởi trong cuộc sống ai dám bảo đảm mình chẳng có lúc lầm lỡ. Tôi không quan tâm đến quá khứ của cầu thủ và chỉ biết khi đưa Việt Thắng về, em như một tờ giấy trắng. Tôi muốn cưu mang Việt Thắng không phải vì em là người Long An. Cái chính là dang tay giúp cầu thủ sa ngã khó hơn dìm người ta xuống bùn. Lúc nghe tin Việt Thắng vào đội tuyển quốc gia, tôi mừng cho em lắm!”.

Vừa qua trong trận Việt Nam với Olympic Brazil, Việt Thắng mà ông bầu này cưu mang đã trở nên một trong những cầu thủ chơi hay nhất, làm đội bạn mệt mỏi.

Làm bóng đá chuyên nghiệp như làm kinh tế

Võ Quốc Thắng biết đá bóng từ nhỏ khi còn theo cha đi đóng gạch ở Phú Định (quận 6). Bầu Thắng thú thật, bóng đá hỗ trợ cho hoạt động quảng bá thương hiệu rất lớn nhưng nếu đầu tư vào kinh doanh lĩnh vực khác vẫn sinh lợi nhiều hơn. Cái chính vẫn là lòng đam mê bóng đá của ông với ký ức tuổi thơ chân trần đá bóng ở khoảnh sân cát gần nhà bụi bay mù mịt.

Đến khi ăn nên làm ra từ cái lò gạch, ông đã nghĩ đến việc chung tay góp sức với bóng đá Việt Nam. Và ông bắt đầu xây cái “lò gạch chuyên nghiệp” từ đội bóng Long An mà ông tiếp nhận về. Trong mỗi kế hoạch của mình, ông Thắng đều tính toán rất kỹ lưỡng để đưa cái thương hiệu Đồng Tâm vào đấy. Như hồi SEA Games 18, ông Thắng treo thưởng cho các tuyển thủ ghi bàn hay xuất sắc nhất trận đấu đều... quy ra mét vuông gạch. Rồi đến khi Calisto thành công với chiếc HCĐ Tiger Cup 2002, ông Thắng liền tung ra thị trường sản phẩm gạch có in hình Calisto bán đắt như tôm tươi.

Từng là một đại biểu Quốc hội, Võ Quốc Thắng rất cẩn thận đến lời ăn tiếng nói và gìn giữ hình ảnh “ông nghị” của mình trước công chúng. Trên mặt báo, ông rất hay cười với nét mặt sáng sủa và phong cách đạo mạo, chưa ai từng thấy khói thuốc lá bay. Quan niệm bóng đá của doanh nhân Võ Quốc Thắng “như một cầu thủ đang chạy trên sân, anh dừng lại thì đối thủ sẽ vượt qua. Bóng đá cũng là một bài toán kinh tế”.

Bầu Thắng không quen với kiểu tuyên bố gây sốc và những thương vụ đình đám trong bóng đá nhưng mỗi bước đi của đội bóng đều rất bài bản. Ông rất khôn ngoan trong việc tiếp thị hình ảnh của thương hiệu qua bóng đá và trong bối cảnh bóng đá Việt Nam chưa nuôi nổi mình thì ông đã biết cách sinh lợi. Năm 2005, bầu Thắng mua lại đội Đông Á-Pomina gần ba tỷ đồng và đổi tên thành Sơn Đồng Tâm đá giải hạng nhất. Một mùa sau, ông bán hết cho Ninh Bình hơn bảy tỷ đồng và chuyển nhượng chân sút Carlos sắp hết thời với giá 70 ngàn USD và thắng lớn.

Từng đòi kiện VFF

Bốn năm trước, khi còn ngồi ghế Ban chấp hành VFF, bầu Thắng vẫn rất sòng phẳng và dám đối đầu ở vụ chuyển nhượng Minh Phương từ Cảng về Gạch. Hồi ấy, ông còn thuê luật sư tính kiện VFF như một đòn cảnh tỉnh vào kiểu làm việc thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.

Võ Quốc Thắng xin rút lui khỏi Ban chấp hành VFF và đến giờ ông mới bật mí: “Thực sự quan hệ giữa tôi với VFF là thân thiết, còn chuyện trước đây có ai ghét tôi không thì tôi không biết. Tôi xin ra khỏi ban chấp hành VFF đơn giản bởi tôi không thể nhắm mắt trước cái sai. Trong nhiều cuộc họp, tôi nêu vấn đề lên còn bị nhiều người trách nữa. Thế thì tôi rút, ai ghét tôi thì chịu thôi. Nhiều chuyện khác, CLB có đụng chạm với VFF hay với các trọng tài, chúng tôi làm căng chỉ để đòi lại sự công bằng và cao thượng cho bóng đá”.

Bầu Thắng chia sẻ: “Tôi nghĩ VFF cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm mới mong đưa bóng đá Việt Nam sánh vai với các cường quốc. Những người đứng đầu VFF cần phải dũng cảm, có bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Đơn giản như việc chọn thầy ngoại, tập thể cho ý kiến, cá nhân phải quyết. Đừng để như vụ Riedl xảy ra thì rồi VFF xin lỗi tập thể, nghĩa là không có cá nhân nào chịu trách nhiệm cả. Nếu sai thì mình nhận rồi sửa, dư luận sẽ thông cảm hơn là phản ứng. Đấy là chuyện bình thường trên mọi lĩnh vực chứ không riêng gì bóng đá. Ai cũng có lúc sai cả, quan trọng là dám làm và dám chịu thôi!”.

Cơ duyên với Calisto

Năm 2001, nhân một chuyến đi triển lãm Gạch ở các nước châu Âu, ông Võ Quốc Thắng được bạn bè giới thiệu gặp gỡ Calisto. Cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông đam mê bóng đá sau khi đi tham quan một số trung tâm ở Bồ Đào Nha đã gặp nhau ở nhiều điểm chung. Không chút ngần ngại, bầu Thắng ngỏ lời mời Calisto về thiết kế một trung tâm thể thao và đưa Gạch lên chuyên nghiệp. Bầu Thắng gọi Calisto vừa là một kiến trúc sư giỏi vừa là một người thợ thạo nghề. Từ một tập thể không có ngôi sao, Calisto nhào nặn và biến Gạch trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam. “Ông Calisto không đầu tư vào cầu thủ ngôi sao nhưng biết cách đào tạo ra cầu thủ ngôi sao” - bầu Thắng nói về cộng sự cũ. “Nếu sau này Calisto chia tay đội tuyển và còn hứng thú với bóng đá Việt Nam, tôi lại mời ông về cộng tác”.

Tự tin, kiên nhẫn, khiêm tốn

Ba tôi khi truyền nghề làm gạch đã dạy cho tôi phải luôn tự tin, còn mẹ tôi khuyên nên thuộc lòng hai chữ nhẫn và khiêm. Đã dấn thân vào cuộc chơi thì ai cũng có khát vọng cả. Đứng đầu trong mọi cuộc đua bằng chính cái tâm trong sáng và nỗ lực của chính mình luôn mang lại cho tôi cảm giác ngọt ngào nhất. Gạch có vô địch bao nhiều lần đi nữa thì tôi cũng chưa thỏa mãn và chưa chịu dừng lại.

CÔNG TUẤN

http://www.phapluattp.vn/news/can-canh/view.aspx?news_id=223530

No comments: