Thursday, June 18, 2009

Võ Quốc Thắng: Tôi muốn đưa thành thương hiệu quốc gia

Trong giới kinh doanh vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, Võ Quốc Thắng là một tên tuổi quen thuộc được nhiều Doanh nhân trẻ cho rằng đã gây ảnh hưởng đến những quyết định kinh doanh và cách đối nhân xử thế của họ.

Nếu định nghĩa thành công của một thương hiệu là sự nối tiếp thắng lợi từ thế hệ này sang thế hệ khác thì Đồng Tâm là một thành công điển hình và Võ Quốc Thắng là người kế nghiệp xuất sắc. Năm 1969, khi Thắng mới 2 tuổi, cha anh là ông Võ Thành Lân quyết định thành lập cơ sở sản xuất gạch Đồng Tâm ở vùng đất Phú Định. Trọn vẹn tuổi thơ Thắng gắn bó với những viên gạch bông và cái tên Đồng Tâm đã gắn với anh như máu thịt.

Sau giải phóng, hãng gạch của gia đình anh vào hợp tác xã lấy tên là Đồng Hiệp. Năm 1978, Đồng Hiệp buộc phải ngưng sản xuất do khó khăn về nguyên liệu. Cậu bé Thắng – con của một ông chủ nổi tiếng thuở nào – vì thế, đã trải qua thời niên thiếu vô cùng vất vả, phải lặn lội bươn chải mưu sinh khắp vùng sông nước Tây Nam Bộ. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), Nhà nước thực hiện chính sách đổi mới và đa dạng hóa các thành phần kinh tế, Võ Quốc Thắng đứng ra khôi phục thương hiệu gạch Đồng Tâm. Năm ấy, anh mới 19 tuổi.

Tài sản quý nhất trên thương trường

- Điều gì đã thôi thúc và giúp anh tự tin nhận sự uỷ thác của cha anh?

Tôi lớn lên trong niềm tự hào về thương hiệu Đồng Tâm của gia đình. Khi tôi còn rất bé, sản phẩm gạch bông Đồng Tâm đã ghi dấu ấn tại nhiều công trình xây dựng lớn thời bấy giờ mà hôm nay vẫn còn hiện diện: Cư xá Thanh Đa, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương... Tiếc công cha mẹ đã lao tâm khổ tứ gây dựng sự nghiệp, cộng thêm “gene” mê kinh doanh thừa hưởng từ cha mẹ, tôi mạnh dạn bắt tay vào khôi phục Đồng Tâm. Tinh thần lao động miệt mài của cha là tấm gương cho tôi học tập. Mẹ là người dạy tôi cách đối nhân xử thế, tình yêu lao động và hướng dẫn cho tôi tinh thần tự lập ngay khi còn thơ ấu. Cha mẹ đã dạy rằng: “Tâm (đạo đức), kiên (kiên nhẫn), khiêm (khiêm tốn) là những đức tính cần có của một con người ở mọi thời đại, nhất là đối với một doanh nhân”. Và sau này trên thương trường, tôi đã nghiệm thấy rằng, những đức tính đó là thứ tài sản quý giá nhất mà cha mẹ đã để lại cho mình.

- Và anh đã viết tiếp câu chuyện về Đồng Tâm như thế nào?

Sau những chuỗi ngày lặn lội ở rất nhiều nước châu Âu để học hỏi cách thức làm gạch của xứ người, cuối cùng tôi tìm thấy đáp số ở Ý và Tây Ban Nha – mảnh đất của những công nghệ gạch men hiện đại nhất thế giới. Và, Đồng Tâm mạnh dạn đầu tư một nhà máy hiện đại tại Long An năm 1994, sau đó, từ năm 1996, Đồng Tâm liên tục mở rộng đầu tư các nhà máy ở miền Nam và miền Bắc. Định hướng phát triển của Cty trong thời gian tới là đầu tư sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề như: gạch bông truyền thống, ngói màu, gạch men các loại, gạch porcelain, sơn, bột trét tường, thiết bị sứ vệ sinh, sản phẩm trang trí nội thất làm từ gỗ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao và đầu tư xây dựng các khu đô thị mới. Ngoài ra, Cty còn liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh Vật liệu xây dựng – Trang trí nội thất (VLXD-TTNT).

Và trong định hướng phát triển, Cty đặt yếu tố chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng là những yếu tố quan tâm hàng đầu của Đồng Tâm. Cty luôn đầu tư thiết bị công nghệ mới, cập nhật tri thức khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Văn hoá DN cũng là công cụ điều hành

Đó là quan niệm của Võ Quốc Thắng. Ngoài nhiều động thái giúp xây dựng văn hoá DN, anh còn mời được một giáo sư nổi tiếng của Nhật (Giáo sư, Tiến sĩ Shozo Hibino) sang giảng dạy cho đội ngũ cán bộ quản lý của Đồng Tâm về “Tư duy đột phá” (đã được các Cty hàng đầu trên thế giới áp dụng thành công như: ToTo, Mishubishi, Toyota, Canon, Sri Lanka Telecom...). Mục tiêu của Cty là sau khóa học, tất cả cộng sự có một sự đổi mới toàn diện trong cách suy nghĩ, cách làm việc, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn thể Cty nhằm đáp ứng chiến lược phát triển của Đồng Tâm từ nay đến năm 2015.

“Một điều đặc biệt trong nét văn hóa Đồng Tâm là trong thời gian tới, Đồng Tâm sẽ triển khai văn hoá chào cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần, nhằm mục đích giáo dục tinh thần yêu nước và tinh thần đoàn kết trong tập thể CBCNV” - Anh nói.

- Thời gian gần đây, thường thấy anh xuất hiện trong trang phục vest đen, sơmi trắng và càvạt đỏ – 3 màu tượng trưng trên logo của Đồng Tâm. Sự kết hợp này có phải là một thông điệp?

Ồ! Cảm ơn bạn. Đó chỉ là một sự ngẫu nhiên. Tính tôi đơn giản, không cầu kỳ trong cách ăn mặc nhưng bao giờ cũng vậy, khi xuất hiện trước mọi người, tôi muốn thể hiện sự tôn trọng bằng cách ăn mặc chỉn chu, lịch sự. Ba màu đỏ, trắng, đen trên logo của Đồng Tâm có ý nghĩa: Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, minh bạch, thể hiện sự uy tín trong kinh doanh; màu đỏ tượng trưng cho sự phát triển mạnh mẽ, là màu của tự tin chiến thắng và thành đạt; còn màu đen là màu của đất, là nền tảng cho sự bền vững, vững chắc để thương hiệu Đồng Tâm vươn lên mạnh mẽ.

Giàu chưa phải đã là thành công

Cách đây 4 năm, khi tham dự buổi lễ trao học bổng “Ươm mầm tài năng” do báo Tuổi trẻ và Cty Đồng Tâm phối hợp tổ chức, nhiều người đã bật khóc. 126 sinh viên nghèo hiếu học trong cả nước được trao học bổng. Có những sinh viên ở tận vùng sâu Cà Mau hay vùng cao của Sơn La, Đăk Lăk đã được Đồng Tâm hỗ trợ suốt những năm tháng trên giảng đường đại học. Điều đó đã gây xúc động cho mọi người và cho chính anh - người đã tài trợ hơn 2 tỷ đồng mỗi năm cho các bạn SV nghèo, tài trợ cho con em CBCNV của Cty đang độ tuổi đến trường và tặng hàng chục ngàn phần quà cho đồng bào nghèo ăn tết.

- Thấy anh thường xuyên hỗ trợ cho các học sinh nghèo, có người nói rằng, Đồng Tâm muốn thông qua hoạt động tài trợ để tự quảng bá mình?

Có lần, một bạn đã hỏi tôi chính câu đó. Và tôi trả lời: “Tôi mong xã hội sẽ ngày càng có nhiều người quảng cáo theo cách của tôi”.

- Anh có thể chia sẻ về sự học của mình và một vài lời khuyên đối với các bạn trẻ đang khởi nghiệp?

Học hết cấp 3 là tôi kinh doanh luôn nhưng không phải tôi bỏ dở việc học. Vẫn đều đặn học tại chức vào mỗi buổi tối và tranh thủ học ở mọi lúc, mọi nơi có thể. Thấy thiếu kỹ năng, kiến thức gì là tôi phải tìm bằng được khoá học đó để học. Thời gian học của tôi không thua một người học để lấy bằng tiến sĩ bởi tôi học rất nhiều khoá. Học để có thể cùng nhân viên quyết định đúng và học để biết cách kết hợp họ lại thành một sức mạnh tổng hợp.

Nếu được nhắn nhủ vài điều với các bạn trẻ thì tôi muốn nói rằng: không phải cứ có tiền là có thể làm giàu mà điều quan trọng là phải biết cách làm giàu. Và sự giàu có không đồng nghĩa với sự thành công

“Doanh nhân là một cầu thủ”

- Không chỉ kinh doanh giỏi, anh còn rất thành công trong vai trò một ông bầu bóng đá. Đó là sở thích đặc biệt của anh?

Tôi mê bóng đá và muốn làm điều gì đó cho bóng đá nước mình. Và cơ hội đã đến khi Nhà nước có chủ trương xã hội hoá thể thao. Long An là nơi đầu tiên thực hiện. Năm 2000, Đồng Tâm chính thức tiếp quản đội tuyển bóng đá tỉnh Long An. Sau một năm tiếp nhận quản lý đội bóng Gạch Đồng Tâm – Long An đoạt chức vô địch giải hạng nhất và thăng hạng chuyên nghiệp. Những kết quả quan trọng đạt được trong thời gian qua là Á quân mùa bóng V-League 2003, giải ba V-League 2004, Vô địch V-League hai năm liền 2005-2006. Như đã nói ở trên, định hướng phát triển của Đồng Tâm là trở thành một Cty hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, cho nên kể từ mùa bóng 2007, tên đội bóng được đổi thành Đồng Tâm – Long An

- Anh từng nói,“doanh nhân là một cầu thủ”. Tại sao vậy? Thương trường được ví như chiến trường chứ có phải là sân chơi thể thao đâu?

Làm Doanh nhân thời nay không khác gì một cầu thủ chạy trên sân. Nếu mình dừng lại, đối thủ sẽ vượt qua mặt lấy bóng của mình và ghi bàn. Thương trường cũng là một sân chơi nhưng tính chất của nó đầy khốc liệt, nếu chần chừ và không quyết liệt, cơ hội sẽ vuột mất.

- Vừa qua, Đồng Tâm là DN đầu tiên của VN bắt tay với một Cty của Mỹ để phân phối vật liệu xây dựng tại thị trường Mỹ?

Tuy vốn của Cty Liên doanh này không lớn, chỉ 1.500.000 USD nhưng đây là bước khởi đầu cho việc tạo thêm hệ thống phân phối VLXD của Đồng Tâm ở nước ngoài.

- Dù đã có trong tay một tài sản lớn để có thể làm bất cứ điều gì mình thích nhưng hiện tại Võ Quốc Thắng vẫn có lúc làm việc 15-20 tiếng mỗi ngày?

Chính xác. Tôi cảm thấy vẫn chưa đạt được những gì mình mong muốn. Không biết tôi có tham vọng quá không nhưng mong muốn lớn nhất của tôi là cố gắng xây dựng Đồng Tâm trở thành thương hiệu của đất nước, nghĩa là khi nói đến Đồng Tâm bạn bè thế giới sẽ biết đó là một thương hiệu của VN và khi nhắc đến VN họ sẽ không quên nhắc đến Đồng Tâm.

Tôi thấy thật thấm thía lời dạy của Giáo sư - Tiến sĩ Hibino: “Con người phải có khát vọng, muốn thực hiện được khát vọng phải phấn đấu và theo đuổi thực hiện đến cùng”. Mới “chạm vạch” tuổi 40, với Võ Quốc Thắng, con đường phía trước vẫn còn đang rộng mở.

(Kim Huệ - DDDN)

No comments: