Thursday, June 18, 2009

Võ Quốc Thắng: “Nếu tôi biết được triết lý tư duy đột phá từ 15 năm trước


Quyết tâm tái cấu trúc đón tương lai

Đồng Tâm thể hiện quyết tâm phát triển theo hướng tư duy đột phá, một triết lý kinh doanh mà ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty, tiếp nhận từ Nhật…

Những thay đổi của Đồng Tâm hiện nay, bắt đầu từ…

Từ tháng 1.2007, khi tôi đi học khoá học quản lý doanh nghiệp cao cấp ở bên Nhật. Khi học xong giáo trình tư duy đột phá của giáo sư người Nhật Hibino Shozo, tôi nhận ra lâu nay mình suy nghĩ hơi đơn giản, dễ hài lòng với bản thân. Triết lý kinh doanh mới này cho thấy là ta chỉ an toàn, an ổn khi tạo những hướng đột phá mạnh mẽ vào tương lai bằng những giải pháp thực tiễn. Một trong những triết lý của lý thuyết này là “Không có tương lai trên sự tiếp diễn của quá khứ”.

Muốn tồn tại trong tương lai ta phải biết mình sẽ ở đâu trong tương lai. Cần phải liên tục tạo ra những ước mơ, mục đíchđưa ra các giải pháp, tháo gỡ dần những khó khăn để đạt được ước mơ, mục đích. Cần phải có cái đầu mang tư duy phối hợp giữa bảo thủ và đột phá chứ không chỉ thiên về bảo thủ.

Vậy mục tiêu chiến lược mang tính đột phá của Đồng Tâm là gì?

Đồng Tâm có mục tiêu chiến lược là phát triển đa ngành và đưa sản phẩm vươn ra tầm khu vực và thế giới. Chúng tôi cấu trúc lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh ra làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các sản phẩm cốt lõi, là nhóm các sản phẩm đã và đang mang lại hiệu quả chính cho công ty, chiếm 50% vốn hoạt động. Nhóm thứ hai là nhóm các sản phẩm đã đầu tư và bắt đầu mang lại hiệu quả, nhóm này chiếm 30% vốn. Nhóm thứ ba là nhóm đầu tư cho các sản phẩm mang tính thử nghiệm, thử thách, có khả năng mang lại hiệu quả trong tương lai, chiếm khoảng 20% vốn. Không chỉ là các sản phẩm liên quan đến lãnh vực hoạt động chủ yếu của Đồng Tâm như lâu nay mà chúng tôi sẽ mở rộng sang nhiều lãnh vực. Đối với các sản phẩm mà Đồng Tâm đã có kinh nghiệm, chúng tôi sẽ đầu tư số vốn ở mức chủ yếu, còn với những lãnh vực chưa có kinh nghiệm, chúng tôi sẽ liên doanh, liên kết. Để các hoạt động đầu tư này mang lại hiệu quả thì chúng tôi cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, vì vậy phải cần đến kinh nghiệm quản lý của các tập đoàn.

Việc ông mời một lúc bốn nhân sự cao cấp người nước ngoài phải chăng là bước sử dụng kinh nghiệm từ các tập đoàn? Có khó khăn lắm hay không khi vời được những nhân sự cao cấp này từ các tập đoàn, như trường hợp của ông Etienne Lucien Laude, cựu phó chủ tịch tập đoàn Schneider Electric và là tổng giám đốc điều hành vừa nhậm chức của công ty ông?

Đúng là không dễ gì mời được các nhân sự cao cấp của các tập đoàn lớn trên thế giới về làm cho mình, thế nhưng cái gì nó cũng có cơ duyên của nó cả. Đồng Tâm là một trong hai doanh nghiệp được bộ Khoa học và công nghệ chọn triển khai thí điểm dự án BIC (Best In Class), dự án nhằm xây dựng mô hình doanh nghiệp tiêu biểu vượt lên tầm khu vực. Một trí thức Việt kiều được bộ chọn hỗ trợ tư vấn cho Đồng Tâm những dự án phát triển và chính vị trí thức này giới thiệu cho chúng tôi gặp ông Etienne. Khi chúng tôi mời ông qua tìm hiểu về công ty, ông đã chấp nhận lời mời cộng tác do tin tưởng vào ý chí và tiềm lực của Đồng Tâm. Một cơ duyên khác nữa đã giúp tôi mời được ông Seiji Suzuki, một kiến trúc sư đã có 30 năm kinh nghiệm tham gia quản lý và điều hành các công ty thiết kế và xây dựng tại Nhật và Mỹ.

Và chắc là cũng nhiều khó khăn trắc trở trong bước đột phá tái cấu trúc công ty? Bước chuyển mạnh mẽ này được đội ngũ lãnh đạo công ty tiếp nhận ra sao?

Theo lý thuyết, sự phát triển theo tư duy đột phá chỉ cần 20% đội ngũ lãnh đạo công ty ủng hộ là có thể tiến hành được rồi. Để có được những bước thay đổi táo bạo như hiện nay, tôi đã phải từng bước thay đổi cách nghĩ của đội ngũ cán bộ công nhân viên trong suốt hai năm qua.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều công ty quay lại với “ao nhà” thị trường trong nước, vì sao Đồng Tâm lại chọn thời điểm này để tái cấu trúc vươn ra thị trường thế giới?

Khủng hoảng thì thời nào cũng có, cho nên đừng quá đặt nặng vấn đề ám ảnh chung này vào đời sống công ty. Chỉ cần mình xử lý tốt những tình huống, những mục tiêu hàng ngày thì không sợ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Hơn nữa, kinh tế có chu kỳ, khủng hoảng rồi sẽ hồi phục. Vì vậy ngay lúc này đây là thời gian rèn quân giữ tướng, chờ đến lúc kinh tế hồi phục rồi sẽ xung trận

Đoàn Đạt thực hiện

No comments: